Hà Nam: Doanh nghiệp du lịch lữ hành phục hồi sau đại dịch Covid -19
Triển vọng hồi phục của các doanh nghiệp du lịch lữ hành tại Hà Nam cũng đang trở nên rõ ràng hơn khi lượng khách đặt tour du lịch hè đã quay lại tương đương với năm 2019 trước khi dịch bệnh bùng phát.
Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép kinh doanh. Trong 2 năm (2020-2021), đại dịch Covid -19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến cho các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và cắt giảm nhân viên. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất đến từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng ngay đầu mùa du lịch hè 2021 là điều mà các doanh nghiệp không ngờ tới.
Sau 2 năm trở về con số 0, thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành đang được hồi sinh cùng với sự bừng tỉnh của ngành kinh tế xanh khi Việt Nam mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3. Triển vọng hồi phục của các doanh nghiệp du lịch lữ hành tại Hà Nam cũng đang trở nên rõ ràng hơn khi lượng khách đặt tour du lịch hè đã quay lại tương đương với năm 2019 trước khi dịch bệnh bùng phát.
Du khách tham quan vãng cảnh chùa Long Đọi Sơn. Ảnh: Trương Dũng
Hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành đến nay đã được 10 năm nhưng chưa khi nào Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyễn Trường, phường Liêm Chính (TP Phủ Lý) lại phải trải qua khoảng thời gian dài khó khăn, thậm chí là có những thời điểm phải bù lỗ như năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 4/2022, lượng khách đặt tour du lịch tại Nguyễn Trường đã tăng đột biến. Trong đó, đối tượng khách hàng chính của Nguyễn Trường trong đầu vụ du lịch hè năm nay là các đơn vị hành chính sự nghiệp, khách hàng lẻ gom tour.
Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyễn Trường cho biết: Đầu hè năm nay, khách hàng của Nguyễn Trường đặt tour du lịch bằng máy bay chiếm tỷ lệ cao hơn so với ô tô. Các điểm du lịch chủ yếu được khách hàng lựa chọn để trải nghiệm dịp hè này là Sầm Sơn, Cửa Lò, Sa Pa, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Phan Thiết – Mũi Né, các tỉnh miền Tây Nam Bộ… Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Nguyễn Trường đã tổ chức được khoảng 200 tour du lịch trong nước cho khách hàng. Khi các hoạt động kinh doanh hồi sinh, dòng tiền được lưu thông, tuy lợi nhuận không nhiều do giá tất cả các loại dịch vụ từ lưu trú, ăn uống, giá xăng xe, vé máy bay đều tăng cao nhưng chúng tôi vẫn giảm giá kịch sàn để kích cầu và tri ân khách hàng. Điều quan trọng nhất là khi hoạt động kinh doanh được duy trì ổn định, Nguyễn Trường “giữ chân” được lực lượng nhân sự chủ chốt, những hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm để phục hồi và bứt phá trong thời gian sắp tới.
Hoạt động du lịch mở cửa trở lại, hầu hết các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong tỉnh đã bổ sung thêm phương tiện, nguồn nhân lực để phục vụ du khách… Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ hoạt động du lịch lữ hành ước đạt 36,9 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đối với các điểm du lịch của Hà Nam, trong 6 tháng năm 2022, lượng khách du lịch đến tham quan ước đạt gần 1,9 triệu lượt người. Theo đánh giá của ngành chức năng cũng như nhận định của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, con số này sẽ tăng thêm nhiều lần trong thời gian tới khi lượng khách du lịch đang có xu hướng tăng rất cao.
Ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Hà Nam, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) cho biết: Từ cuối tháng 4/2022 đến nay, tại nhiều thời điểm, công ty đã “cháy” xe và phải từ chối khách hàng do các cơ quan, đơn vị, trường học đặt tour quá đông, nhất là vào các dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương. Lượng khách du lịch đặt tour năm nay tăng cao hơn khoảng 30% so với dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm 2019 – thời điểm chưa bùng phát dịch Covid -19. Nắm bắt được xu hướng này, từ đầu năm 2022 đến nay, công ty đã đầu tư thêm gần chục đầu xe mới, đồng thời tuyển dụng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch lữ hành phục hồi và phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch tổ chức, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp cho người lao động, đội ngũ quản lý của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch theo các chính sách của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện hiệu quả các chương trình ưu đãi, gói tín dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp; điều chỉnh mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết ngày 30/6/2022...
Là thôn quê hẻo lánh không mấy ai đặt chân tới, nay các con đường dẫn vào xã miền núi Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) nhộn...