Du lịch Ninh Bình lo lắng vì khó giữ chân du khách
Tiềm năng, sản phẩm và hạ tầng du lịch tại Ninh Bình là rất tốt nên đã thu hút lượng khách lớn, tuy nhiên thời gian lưu trú của du khách chưa dài. Vấn đề đặt ra cho Ninh Bình là du khách không thể “ăn mãi một món” mà luôn mong đợi những cảm xúc, trải nghiệm mới lạ và bất ngờ.
Du khách không thể “ăn mãi một món”
Theo số liệu của Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), giai đoạn 2010 - 2019, khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình tăng gần gấp đôi, từ 600.000 lượt lên gần 1,1 triệu lượt, chiếm 6% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch nội địa tăng từ 861.000 lượt năm 2010 lên gần 7,3 triệu lượt năm 2019, chiếm 8,6% tổng số khách du lịch nội địa của cả nước. Tuy nhiên, tổng doanh thu từ du lịch của Ninh Bình năm 2019 đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,5% tổng doanh thu từ du lịch của Việt Nam, thể hiện khả năng thu hút chi tiêu của Ninh Bình còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
Ninh Bình thu hút rất đông du khách nhưng nhiều người chỉ tham quan trong ngày.
Tại hội thảo “Xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Ninh Bình năm 2022”, ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chỉ ra những thách thức của địa phương trong việc phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19. Trong đó, những tăng trưởng du lịch tại Ninh Bình vẫn chủ yếu về lượng, phần lớn khách tham quan trong ngày, khách đi lễ… Sản phẩm du lịch chưa được phong phú, chất lượng chưa cao; còn thiếu dịch vụ chất lượng cao, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc mang dấu ấn văn hóa đậm nét của địa phương.
Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng tiềm năng và hạ tầng du lịch tại Ninh Bình là rất tốt nên đã thu hút lượng khách lớn, tuy nhiên thời gian lưu trú của du khách chưa dài. Du khách không thể “ăn mãi một món” mà luôn mong đợi những cảm xúc, trải nghiệm mới lạ và bất ngờ.
“Vì Ninh Bình khá gần Hà Nội nên chừng nào du khách còn trống thời gian, thiếu hoạt động thì họ sẽ ra về. Sản phẩm Ninh Bình đã phong phú nhưng cần gắn kết lại thành một chuỗi từ ngày đến đêm, cả giữa tuần và cuối tuần; tạo thêm hoạt động, trải nghiệm, nuôi dưỡng cảm xúc cho khách thì mới mong họ lưu lại dài ngày” – ông Siêu phân tích.
Dùng giá trị văn hóa để giữ chân khách
Về giải pháp thu hút và giữ chân du khách, ông Hà Văn Siêu cho rằng đa dạng hóa và xâu chuỗi sản phẩm, đặc biệt là các hoạt động vui chơi giải trí về đêm sẽ giúp Ninh Bình lôi kéo khách ở lại. Các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật là lựa chọn tốt, tuy nhiên cần có cách truyền tải văn hóa truyền thống để du khách dễ tiếp thu và cảm nhận.
Lấy ví dụ từ thành công của Thái Lan về giữ chân du khách bằng các show diễn đặc sắc, PGS.TS Phạm Hồng Long (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng Ninh Bình cần làm ngay các chương trình văn hóa nghệ thuật gắn với bản sắc địa phương, ví dụ như phục dựng các câu chuyện lịch sử gắn với vua Đinh Tiên Hoàng. “Bất kỳ điểm đến nào cũng cần những chương trình nghệ thuật đặc sắc để thu hút, giữ chân du khách; bên cạnh việc giới thiệu về các cảnh quan tự nhiên”.
Hội thảo “Xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Ninh Bình năm 2022” nhận được nhiều ý kiến quý báu.
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch bền vững, du lịch xanh cũng rất cần được đẩy mạnh tại Ninh Bình vì đây là xu hướng, thị hiếu của du khách sau Covid-19, đặc biệt là khách quốc tế. Ông Phùng Quang Thắng – Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist lấy ví dụ, gần đây công ty này chào bán các tour du lịch Ninh Bình với một đoàn khách quốc tế và cuối cùng Thung Nham được lựa chọn, nhờ các trải nghiệm du lịch xanh và bền vững tại đây.
TS Trần Huy Đức (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết du lịch xanh, du lịch bền vững là xu hướng tất yếu hậu Covid-19, vì thế Ninh Bình phải đổi mới sản phẩm, tích hợp giá trị mới do nhu cầu thị trường đặt ra. Quan trọng hơn, cần tích hợp tính “an toàn” vào quá trình thiết kế sản phẩm dịch vụ du lịch. Tùy theo thị trường mục tiêu mà cá nhân hóa, cá thể hóa sản phẩm dịch vụ du lịch; trong đó một mặt vừa nhấn mạnh đến các giá trị từ tài nguyên du lịch mà khách hàng tìm kiếm và mong muốn trải nghiệm, một mặt đề cao tính an toàn đối với sức khỏe từ các giá trị này.
Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, những giá trị văn hóa gắn với cố đô Hoa Lư và di sản Tràng An sẽ là cốt lõi để xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình. Tới đây, ngành du lịch Ninh Bình sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng, qua đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách với các giải pháp như tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, kết nối các di sản tại địa phương, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh dịch vụ du lịch, tháo gỡ điểm nghẽn về nhân lực du lịch... Đáng chú ý, Ninh Bình sẽ kết hợp với Thanh Hóa và Hà Nội để thu hút khách đường bay từ các tỉnh, thành phía Nam.
Khi nhắc đến nem chua người ta thường nghĩ ngay đến nem chua Thanh Hóa. Tuy nhiên vùng đất Ninh Bình cũng có một món nem chua...