Đề xuất mở rộng khai quật khảo cổ di tích Núi Bân

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việc tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích núi Bân là cần thiết nhằm cung cấp và bổ sung đầy đủ hơn những thông tin khoa học, xác định cụ thể và toàn diện hơn về quy mô, kích thước, phạm vi phân bố và kết cấu nền móng nguyên gốc của Đàn Nam giao thời Tây Sơn...

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xin chủ trương cho phép tiếp tục mở rộng khai quật khảo cổ di tích Núi Bân, phường An Tây, TP Huế.

Theo đó, thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về việc cấp phép khai quật khảo cổ di tích Núi Bân (phường An Tây, TP Huế), trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ di tích Núi Bân với diện tích hơn 100m2 nhằm xác định giá trị lịch sử, văn hóa phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Đề xuất mở rộng khai quật khảo cổ di tích Núi Bân - 1

Khai quật khảo cổ tại di tích Núi Bân

Sau 35 ngày tiến hành khai quật và chỉnh lý hồ sơ, ngày 29/7, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Núi Bân.

Tại hội thảo, các cơ quan, đơn vị và các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao kết quả khai quật khảo cổ di tích Núi Bân, xem đây là việc làm cần thiết để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy một di tích hiếm hoi của triều đại Tây Sơn còn lại trên vùng đất Cố đô Huế. Nơi diễn ra những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng và oai hùng, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và tên tuổi của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Với diện tích khai quật nhỏ hẹp hơn 100m2, trong thời gian 35 ngày, kết quả bước đầu đã xác định được những dấu tích nguyên gốc của Đàn Nam giao thời Tây Sơn. Qua đó, cung cấp nguồn tư liệu vật chất quan trọng, xác thực, làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử, kiến trúc của di tích Núi Bân trong lịch sử vương triều Tây Sơn, góp phần hiệu quả cho công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di tích, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa Huế.

Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa và Thể thao, với giá trị và ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, di tích Núi Bân cần tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn và vinh danh. Kết quả nghiên cứu bước đầu chưa khẳng định được tính toàn vẹn, phạm vi phân bố và quy mô của Đàn. Những dấu tích kiến trúc tìm thấy trong các hố đào mới chỉ xác định được tính nguyên gốc, phần nào phác họa được diện mạo Đàn Nam giao thời Tây Sơn.

"Việc tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích núi Bân là cần thiết nhằm cung cấp và bổ sung đầy đủ hơn những thông tin khoa học, xác định cụ thể và toàn diện hơn về quy mô, kích thước, phạm vi phân bố và kết cấu nền móng nguyên gốc của Đàn Nam giao thời Tây Sơn làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt trong thời gian tới", văn bản nêu.

Được biết, núi Bân cao khoảng 43 mét, nằm ở phía Nam núi Ngự Bình. Cuối năm 1788, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã tổ chức lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung tại đây, sau đó tiến quân ra Bắc đánh tan đội quân xâm lược nhà Thanh.

Đến năm 1988, di tích núi Bân được công nhận là Di tích cấp quốc gia. 20 năm sau, có dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích này cùng với việc xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung ngay cạnh đó.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân

CLIP HOT