Để ngành du lịch phục hồi, phát triển: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Để đạt được mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 650.000 tỉ đồng, ngành du lịch cần có những giải pháp cụ thể, như, phát triển hiệu quả lĩnh vực khách sạn, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, tăng độ dài lưu trú và kích thích chi tiêu của du khách. Nới visa đuợc cho là “nút mở” đầu tiên để ngành du lịch phục hồi và phát triển...

Để ngành du lịch phục hồi, phát triển: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp - 1

Kéo dài thời hạn visa sẽ là đòn bẩy hút khách du lịch quốc tế. Ảnh: Lan Nhi

Đòn bẩy hút khách du lịch quốc tế

Hiện, công dân 80 nước được cấp e-visa vào Việt Nam, thời hạn 30 ngày, nhập cảnh một lần. Việt Nam đón  gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm 2023, đạt khoảng 33% kế hoạch năm. Lượng khách quốc tế đến tuy cao gấp 29,7 lần cùng kỳ năm ngoái nhưng mới bằng 60% cùng kỳ năm 2019, vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Ngành du lịch, về cơ bản, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.

Ngày 15.3.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 31.3.2023 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện thủ tục theo quy định pháp luật để Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023) một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ngày 31.3, trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra gợi mở về vấn đề visa. Theo đó, nếu chưa sửa đổi được Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, ngay trong kỳ họp tới, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch có thể đề xuất Quốc hội đưa vào Nghị quyết để tháo gỡ, từ đó kích cầu du lịch.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy: Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội một số chính sách mới về thị thực là bước tiến mới để ngành du lịch đáp ứng dần nhu cầu của khách quốc tế; mở rộng đối tượng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân từ mọi quốc gia và kéo dài thời gian lưu trú là cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch phát triển bền vững; ngành Du lịch và Tổng cục Du lịch có trách nhiệm truyền thông những thay đổi về chính sách; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch để tạo điều kiện thuận lợi đưa khách đến Việt Nam, đảm bảo yếu tố cần và đủ để khách lưu trú và khám phá.

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamigo Redtours, Trưởng ban Truyền thông - Chuyển  đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam - đánh giá, chính sách visa cởi mở là cơ sở để tạo giá trị cạnh tranh cho Việt Nam so với các quốc gia khác. Nhưng điều quan trọng là mở cửa visa phải song song với xúc tiến, quảng bá thị trường. Chúng ta mở visa đến đâu thì thúc đẩy thị trường đến đó, hàng không mở một điểm đến nào, thì tăng cường xúc tiến quảng bá ở địa phương đó.

Tập trung hơn nhóm khách du lịch chi trả cao, lưu trú dài ngày 

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, để du lịch Việt Nam phát triển xứng với tiềm năng và kỳ vọng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cũng theo bà Nga, cần tính toán lại thị trường khách, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống. Các sản phẩm du lịch cần độc đáo, đa dạng và bắt kịp xu thế hơn nữa. Đồng thời, cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamigo Redtours, Trưởng ban Truyền thông - Chuyển đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam - việc đơn giản hóa thủ tục visa là giải pháp tạo sự thuận lợi nhất, tạo sự cạnh tranh so với các nước trong khu vực để thu hút du khách đến với Việt Nam. Các công ty du lịch hiện có rất nhiều tour kéo dài trong 30 ngày, thế nhưng thời gian lưu trú quá ngắn khiến các sản phẩm tour như: Du lịch việt dã, du lịch nghiên cứu, du lịch khám chữa bệnh... không thu hút được du khách quốc tế. 

Trong khi đó, có 2 mục tiêu đang được đặt ra ngoài việc tăng số lượng khách, là tăng thời gian lưu trú của khách và tăng chi tiêu của khách. Việc Việt Nam cởi mở hơn trong chính sách visa là thông điệp lớn để chứng minh Việt Nam chào đón du khách, luôn tạo thuận lợi nhất cho du khách đến Việt Nam. Từ đó sẽ giúp doanh nghiệp du lịch hiểu được rằng, họ đang được quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để phát triển. Doanh nghiệp sẽ cảm thấy yên tâm, phấn khởi hơn và sẵn sàng chi mạnh tay để xúc tiến sản phẩm, đầu tư cho ngành du lịch...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phạm Đông - Ý Yên (Báo Lao Động)

CLIP HOT