Đảo Bali, Indonesia: Sáu tuần mở cửa không một bóng du khách
Chính sách nhập cư và những thông báo phức tạp, thay đổi liên tục và đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau khiến khách quốc tế "tạm lánh" Bali"
Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, người dân tại Bali, Indonesia có thể kiếm tới 20 USD một ngày nhờ vào việc bán đồ trang sức thủ công cho khách du lịch. Nguyên liệu có thể kiếm một cách dễ dàng, qua bàn tay khéo léo của người dân ở đây, thu nhập của họ có vẻ như ổn định để sinh sống tại hòn đảo này.
Thế nhưng, đã gần hai tháng sau khi Indonesia mở cửa biên giới, đón khách du lịch từ Trung Quốc và 18 quốc gia khác, lượng khách tới với Bali vẫn vô cùng ít ỏi.
Đảo Bali mở cửa đón du khách. Ảnh: NBC
"Tôi đến bãi biển này lúc 8h sáng và đi bộ ở đây cả ngày. Dù đã rất cố gắng, nhưng cả ngày hôm nay tôi chưa bán được một món đồ nào. Tôi không hiểu tại sao du khách không tới đây khi Bali đã mở cửa trở lại", Dicky, một người chuyên sống nhờ bán đồ lưu niệm tại bãi biển tuyệt đẹp Pererenan cho hay.
Dicky không phải là người duy nhất trên đảo cảm thấy thất vọng tại Bali. Theo thống kế, không có một chuyến bay quốc tế nào hạ cánh xuống Bali kể từ khi sân bay quốc tế mở cửa trở lại vào ngày 14/ 10. Chỉ số Covid-19 của hòn đảo hiện đang ở là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu đại dịch, càng làm cho câu hỏi của Dicky trở nên khó trả lời.
Theo Ủy ban Quốc gia về Quản lý Thiên tai của Indonesia, tỷ lệ ca dương tính trung bình trong bảy ngày tại Bali hiện là 11, tỷ lệ này đối với các trường hợp tử vong chỉ là 0,17% - tốt dưới ngưỡng tối thiểu 1% của WHO đối với các vùng lãnh thổ mà tổ chức này phân loại là kiểm soát tốt đại dịch. Số lượng vaccine cũng cao hơn mức trung bình thế giới là 42,7%, với hơn 77% tất cả người lớn được tiêm chủng đầy đủ ở Bali, theo Bộ Y tế Indonesia.
Rất ít du khách nộp đơn xin thị thực để tới Bali. Ảnh: NBC
Nhưng theo Tổng cục Nhập cư Indonesia, sau sáu tuần sau khi đất nước mở cửa trở lại, chỉ có 153 người trên khắp thế giới nộp đơn xin thị thực du lịch. Từ cuộc khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, cho thấy 84% người được khảo sát không quan tâm đến việc đi nghỉ tại các điểm đến yêu cầu kiểm dịch. Bên cạnh đó, Indonesia buộc phải thực hiện hình thức cách ly 7 ngày đối với người nhập cảnh trước diễn biến phức tạp của biến thể Omicron.
Giáo sư Gusti Ngurah Mahardika thuộc Đại học Udayana, nhà virus học nổi tiếng nhất hòn đảo Bali, cho biết: "Ngay cả khi chính phủ rút ngắn thời gian cách ly, sẽ không có ai đến Bali. Chính sách nhập cư và những thông báo phức tạp, thay đổi liên tục và đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau của chính phủ đang khiến khách du lịch quốc tế "tạm lánh" Bali", ông này nói.
Thái Lan đã giới thiệu lại thị thực miễn phí cho khách du lịch, nhưng những người muốn đến Indonesia phải xin thị thực tại các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nước ngoài và cần một công ty du lịch đứng ra bảo lãnh. Ngoài ra, họ phải xuất trình bằng chứng về chỗ ở trong suốt thời gian lưu trú ở Indonesia - một cách chắc chắn để tránh gặp phải những khách du lịch có ý định "lang thang" tại Bali.
Có tới 20.000 người Indonesia bay đến hòn đảo này vào tháng 11. Ảnh: IT
"Chính phủ không hề có thông báo về việc họ đã đạt được hoặc cách thức tiến hành để đạt được hiệu quả trong việc ngăn chặn Covid-19. Hay đơn giản hơn, là những hướng dẫn dễ hiểu đối với khách du lịch", Jackie Pomeroy, chuyên gia thống kê tại Bali chia sẻ.
Một "đòn" giáng mạnh vào lĩnh vực du lịch trong nước khi chỉ có 20.000 người Indonesia bay đến hòn đảo này vào tháng 11. Các câu lạc bộ bãi biển, nhà hàng và quán bar không thể tổ chức các sự kiện Giáng sinh hoặc kỷ niệm đêm giao thừa, trong khi những ý kiến trên mạng xã hội lo ngại mọi hoạt động du lịch giải trí ở Indonesia sẽ bị cấm trong kỳ nghỉ lễ cao điểm.
Indonesia "lúng túng" trước đại dịch
Cách đây chưa đầy một tháng, Giáo sư Gusti đã khuyên Indonesia nên bỏ cách ly hoàn toàn đối với những du khách quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành và khi đến Bali. Nhưng đó là trước khi WHO xác định Omicron là một biến thể đáng lo ngại, ảnh hưởng nặng nề quá trình tái thiết lại ngành du lịch toàn cầu.
Vào ngày 28/ 11, Indonesia lặp lại các biện pháp của Anh, Úc và Hoa Kỳ, đã cấm những người đến từ Nam Phi và tám quốc gia châu Phi khác. Quy định này cũng áp dụng với du khách đến Hồng Kông, nơi đã báo cáo trường hợp thứ tư về biến thể Omicron. Tuy nhiên, điều đáng nói là nó không cấm du khách đến từ Anh, nơi 246 trường hợp biến thể đã được phát hiện. Điều này đã dấy nên một làn sóng phản đối.
Hãng hàng không quốc gia Indonesia phải hủy bỏ nhiều chuyến bay quốc tế. Ảnh: IT
Indonesia cũng mở rộng kiểm dịch đối với khách quố tế đến từ tất cả các quốc gia khác từ ba đến bảy ngày. Chưa đầy một tuần sau, nó lại được gia hạn, lần này là 10 ngày, khoảng thời gian cách ly dài nhất mà Indonesia từng áp dụng kể từ khi bắt đầu đại dịch. Quy định mới nghiêm ngặt đã buộc Garuda, hãng hàng không quốc gia của nước này, phải hủy bỏ chuyến bay quốc tế theo kế hoạch đầu tiên đến Bali sau 20 tháng từ Sân bay Haneda, Nhật Bản vào ngày 5/ 12. Các chuyến bay hàng tuần tiếp theo cũng đã bị xóa khỏi trang web của hãng hàng không.
Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company đưa ra dự đoán vào tháng 6, du lịch tại Bali sẽ phải đợi tới năm 2024 để trở lại được ngưỡng của năm 2019. Mark Ching, giám đốc của Tamora Group, một nhà phát triển bất động sản nổi tiếng trên đảo cho biết: "Lịch sử đã cho thấy Bali rất kiên cường trước thảm họa nhưng hòn đảo này sẽ mất một hoặc hai năm nữa để phục hồi. Không chỉ là việc mở cửa biên giới mà mọi người cần cảm thấy an toàn trước khi họ đi du lịch".
Biến thể Omicron đã làm giảm bớt hy vọng của Bali trong việc hồi sinh ngành du lịch trong năm nay, vốn chiếm khoảng 60% hoạt động kinh tế trước đại dịch. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hòn đảo giảm dưới 3% trong quý 3, giảm gần 10% vào năm 2020. Bali trở thành tỉnh của Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch từ góc độ kinh tế trong hai năm liên tiếp.
Bữa tiệc Giáng sinh của một công ty ở Na Uy đã biến thành sự kiện “siêu lây nhiễm“ biến chủng Omicron với mức độ lây...