COVID-19 tại TP.HCM: Diễn biến tích cực trong ngày đầu "bình thường mới"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Số ca nhiễm COVID-19 và số bệnh nhân tử vong đều liên tục giảm trong những ngày qua, trong khi số mũi tiêm vắc-xin COVID-19 đã vượt 10,5 triệu liều.

Hôm nay (ngày 1/10) là ngày đầu tiên TP.HCM chuyển sang giai đoạn "bình thường mới" với việc nới lỏng giãn cách. Trong ngày này, Thành phố đã ghi nhận những kết quả khả quan, như số ca nhiễm COVID-19 (F0) tiếp tục giảm (còn 3.670 F0/ngày) và đặc biệt là số bệnh nhân COVID-19 tử vong vừa giảm về con số 96 trường hợp.

So với 41 ngày trước đó (từ ngày 21/8 - 30/9), số F0 trong ngày 1/10 đều thấp hơn. Còn số trường hợp tử vong trong ngày 1/10 giảm 8 trường hợp so với hôm qua (ngày 30/9), và đã giảm 3 - 3,5 lần so với giai đoạn cuối tháng 8.

Nói thêm về diễn biến số bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM tử vong, chỉ riêng ngày 23/8 (ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng các biện pháp tăng cường Chỉ thị 16), số trường hợp tử vong lên đến con số 340. Ở giai đoạn cuối tháng 8 này, số bệnh nhân tử vong trong ngày thường xuyên ghi nhận trên 300 trường hợp, được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đánh giá là mức cao.

Nhưng từ ngày 2/9 trở đi, số bệnh nhân tử vong bắt đầu giảm mạnh về tiệm cận 200 trường hợp. Dù có một vài ngày sau đó bật tăng lên trên dưới 250 trường hợp; song tới ngày 14/9, số tử vong đã được ghi nhận dưới 200 trường hợp/ngày.

Sau đó, liên tục giảm dần trong giai đoạn nửa cuối tháng 9, tới hôm nay (ngày 1/10), số bệnh nhân tử vong giảm về mức hai con số (96) là một tín hiệu hết sức tích cực. Con số này giảm từ 131, 113 và 106 trường hợp của ba ngày liền trước, tương ứng là các ngày 28/9, 29/9 và 30/9.

Nhìn lại biểu đồ F0 trong 85 ngày qua, thấy ngay ngày TP.HCM ghi nhận lượng F0 nhiều nhất là ngày 3/9 với 8.499 ca. Mức giảm mạnh nhất cũng chính là giữa ngày 3/9 và ngày 4/9 (4.104 F0), với con số giảm 4.395 F0 - tức giảm hơn một nửa số ca nhiễm so với hôm trước.

COVID-19 tại TP.HCM: Diễn biến tích cực trong ngày đầu "bình thường mới" - 1

Biểu đồ số ca nhiễm COVID-19 tăng, giảm theo từng ngày, từ ngày 19/7 - 1/10.

Cùng ngày, số mũi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại TP.HCM đã đạt 10.527.412 mũi, bao gồm 6.874.708 mũi 1 và 3.652.704 mũi 2. Số bệnh nhân COVID-19 xuất viện trong ngày 1/10 là 2.866 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ ngày 27/4 đến nay lên 206.980 trường hợp (chiếm hơn 54% tổng số F0 trong cùng khoảng thời gian).

COVID-19 tại TP.HCM: Diễn biến tích cực trong ngày đầu "bình thường mới" - 2

Diễn biến số trường hợp xuất viện trong thời gian qua.

COVID-19 tại TP.HCM: Diễn biến tích cực trong ngày đầu "bình thường mới" - 3

Diễn biến số trường hợp tử vong trong thời gian qua.

Kể từ ngày 1/10, khi lưu thông, người dân TP.HCM sẽ sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID, Thẻ xanh COVID trên ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử. Việc dùng các ứng dụng này tạm thời áp dụng cho đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động.

Trường hợp không có mã QR, người dân cần xuất trình giấy chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vắc-xin yêu cầu tiêm 2 mũi, và sau 14 ngày), khi được cơ quan chức năng yêu cầu hoặc tại các địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phương tiện công cộng, công ty, nhà máy,...).

Các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP.HCM được phép hoạt động phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/. Đến ngày 15/10, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, làm việc, giao dịch; sử dụng ứng dụng của Thành phố (hoặc ứng dụng PC-Covid) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Hiện, tất cả các chốt kiểm soát nội đô đã được giải tỏa. Song Công an TP.HCM vẫn duy trì 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh, địa phương với TP.HCM. Công an Thành phố sẽ phối hợp với công an các địa phương tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.

Cùng ngày, UBND TP.HCM đã gửi văn bản tới 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh để lấy ý kiến dự thảo về phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng giữa TP.HCM và các tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Theo dự thảo, người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực 72 giờ. Đồng thời phải có giấy chuyển viện (của bệnh viện) từ các tỉnh, thành đến bệnh viện tại TP.HCM hoặc giấy hẹn tái khám của các bệnh viện tại TP.HCM; và có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) cho phép đến TP.HCM khám chữa bệnh.

Để trở lại TP.HCM làm việc, người lao động phải được tiêm vắc-xin mũi 1 đủ 14 ngày (đối với vắc-xin yêu cầu 2 mũi tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có xác nhận của cơ quan y tế), đồng thời phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực. Việc vận chuyển người lao động giữa các tỉnh, thành đến làm việc tại TP.HCM trong tình hình mới cũng đã được TP.HCM lên phương án cụ thể.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM có thể bước sang một thời kỳ mới tích cực hơn hay quay trở lại trạng thái như 4 tháng vừa qua là phụ thuộc vào việc triển khai và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từ ngày 1/10. Trong đó, ý thức của người dân là chìa khóa then chốt để chiến thắng được đại dịch.

"TP.HCM đã trải qua ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép nhiều lĩnh vực hoạt động trở lại. Để góp phần đưa TP.HCM bước sang một thời kỳ mới phát triển, mỗi người dân không được chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc", HCDC khuyến cáo.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Phạm

CLIP HOT