Côn Đảo hướng dẫn du khách thực hiện “Giỏ lễ xanh”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chương trình "Giỏ lễ xanh" và thử thách “Dấu tay xanh” lần đầu tiên được tổ chức tại Côn Đảo, trong nỗ lực giảm 30% lượng rác thải nhựa thoát ra môi trường vào năm 2025 của địa phương này.

Côn Đảo hướng dẫn du khách thực hiện “Giỏ lễ xanh” - 1

Với khoảng 20.000 ha biển đảo và rừng nguyên sinh trù phú, Côn Đảo thu hút du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ và hệ sinh thái động thực vật đa dạng. Tạp chí Travel & Leisure đã xếp Côn Đảo vào danh sách mười quần đảo đẹp và bí ẩn nhất thế giới.

Hoạt động "Giỏ lễ xanh" bắt đầu từ 1/7 – 30/9/2024, nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông giảm nhựa năm 2024 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chương trình triển khai nhằm tuyên truyền và hướng dẫn du khách không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như mút xốp, nilon, chai nhựa...

Theo đó, vào ngày thứ 7 hàng tuần, nhân dân và du khách tham gia các hoạt động thăm viếng tại di tích Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo và các điểm di tích khác sẽ thực hiện "Giỏ lễ xanh". Du khách chưa thực hiện đúng sẽ được các tình nguyện viên hướng dẫn.

Côn Đảo hướng dẫn du khách thực hiện “Giỏ lễ xanh” - 2

Một số hình ảnh gợi ý về “Giỏ lễ xanh”.

Để lan toả thông điệp đến với nhiều người tới thăm đảo, ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tiến tới thực hiện “Giỏ lễ xanh” khắp các ngày trong tuần.

Trước đó, huyện cũng đã phối hợp với Tổ chức WWF tại Việt Nam tổ chức thành công hội thi "Giỏ lễ xanh" tại đền thờ Côn Đảo nhằm tuyên truyền cho nhân dân, du khách và khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần, hàng mã và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong mâm lễ.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo còn triển khai song song chương trình thử thách “Dấu tay xanh”, dành cho người dân và du khách đến thăm đảo.

Trong thời gian này, uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị cảng cầu, hàng không, cầu cao tốc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động du khách đi trên các phương tiện vận tải không mang rác thải nhựa đến Côn Đảo.

Côn Đảo hướng dẫn du khách thực hiện “Giỏ lễ xanh” - 3

“Giỏ lễ xanh” gồm 5 tiêu chí, trong đó, không sử dụng túi nilon là 1 tiêu chí.

Côn Đảo đặt mục tiêu trở thành điểm đến giảm 30% lượng rác thải nhựa thoát ra môi trường vào năm 2025. Trong các năm 2022 – 2023, Côn Đảo đã thực hiện chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch với các thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”; triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp ngày hội “Đổi rác lấy quà”.

Với đặc thù nằm giữa biển, trong suốt thời gian qua, Côn Đảo đã phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của rác nhựa đại dương, nhất là tại các khu vực rừng ngập mặn, các rạn san hô đang bị giảm màu. Cùng với đó, lượng khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng  tăng nhanh chóng khiến các bãi rác của huyện rơi vào trạng thái quá tải. Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng lượng khách du lịch đến Côn Đảo riêng trong tháng 3/2024 là khoảng 63.000 lượt, trong đó khách quốc tế 2.848 lượt, tổng doanh thu du lịch 214 tỷ đồng. Trung bình, mỗi ngày từ tháng 3 đến tháng 9 trong năm, Côn Đảo đón khoảng hơn 2000 lượt khách, trong đó hơn 50% là khách du lịch tâm linh.

Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách sông Hậu 45 hải lý và cách TP. Vũng Tàu 97 hải lý. 

Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện đang dao động trong khoảng 17 – 20 tấn/ngày và lượng rác tồn đọng chưa xử lý là hơn 70.000 tấn tại khu vực Bãi Nhát, nhiều khu vực khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Được biết, chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại huyện Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm, trong đó rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3%.

Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) và UBND huyện Côn Đảo cũng đã tổ chức ký cam kết “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa”. Chiến dịch này được thực hiện với nguồn tài trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-Việt Nam phối hợp triển khai cùng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).


 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mai Khôi

CLIP HOT