ĐỌC BÁO NGÀY 13.2.2012

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

ĐỪNG ĐỂ DU KHÁCH QUAY LƯNG VỚI CHÚNG TA

 

Trao đổi về tình trạng đeo bám, “chặt chém” khách du lịch, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn nhìn nhận:

- Tình trạng đeo bám, nài nỉ, thậm chí bắt buộc mua hàng với giá “chặt chém” khách du lịch là một vấn nạn kéo dài. Có thời điểm cả nước tập trung làm quyết liệt thì ngăn chặn được phần nào, nhưng chỉ cần buông lỏng một chút là lại đâu vào đấy. Nhất là khi mùa lễ hội đang ở cao trào, nạn đeo bám và “chặt chém” càng leo thang. Đây thật sự là một vấn đề nhức nhối, làm phương hại uy tín của ngành du lịch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính hấp dẫn của điểm đến VN.

 ĐỌC BÁO NGÀY 13.2.2012 - 1

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Ảnh: M.H.


* Vậy trách nhiệm của ngành du lịch đến đâu trong vấn nạn này?

     

"Chúng ta có sử dụng bao nhiêu hình thức quảng bá, bao nhiêu biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, nhưng tình trạng níu kéo và “chặt chém” du khách vẫn khiến không ít du khách ngoảnh mặt quay lưng với chúng ta"

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

- Tổng cục Du lịch luôn ý thức và không bao giờ lẩn tránh trách nhiệm của mình. Tất cả cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh lữ hành của ngành đều cần được rà soát để đảm bảo không có tình trạng nâng giá, “chặt chém” khách. Chúng tôi sẽ quan tâm tới cả chuyện hướng dẫn viên của các hãng lữ hành “đi đêm” với các chủ cơ sở kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm để ép khách mua, ăn hoa hồng. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ của vấn nạn chung. Ngành du lịch thật ra chỉ là người đưa khách đến, tiếp khách, còn những gì đang diễn ra hằng ngày lại do từng con người cụ thể ở từng phường xã, địa phương cụ thể. Phải có những giải pháp đồng bộ trên quy mô cả nước may ra mới ngăn chặn được nạn “chặt chém” du khách.

* Ngành du lịch đóng vai trò tham mưu như thế nào để có chính sách đồng bộ giải quyết rốt ráo tệ nạn đeo bám, “chặt chém” khách du lịch?

- Thật ra việc bán hàng rong, níu kéo mời chào khách du lịch không chỉ là vấn nạn của du lịch VN hay các nước thế giới thứ ba. Ngay cả những nước có ngành du lịch phát triển nhất thế giới như Pháp hay Ý những chuyện này vẫn diễn ra, có điều ở mức độ nhẹ nhàng hơn, chấp nhận được. Còn ở VN, việc chèo kéo đôi khi tới mức cưỡng ép mua bán, còn giá cả bị “chặt chém” có thể gọi là hành vi lừa đảo. Ở những nước láng giềng có ngành du lịch mới phát triển trong vòng 15-20 năm trở lại đây như Malaysia và Thái Lan, cùng với ngành du lịch, chính phủ đã tiến hành những chiến dịch tuyên truyền vận động dân chúng về lợi ích của việc lịch sự, niềm nở, ôn hòa, không chèo kéo mua bán, không bán hàng kiểu “cắt cổ”. Nhận thức xã hội không đến ngay lập tức mà phải dần dần. Khái niệm “tổng doanh thu xã hội từ du lịch” phải được từng người dân thấm vào hành vi, làm sao cho hiểu sẽ được lợi gián tiếp và lâu dài từ đó, chứ không nhất thiết phải hưởng lợi lập tức bằng việc đếm tiền hằng ngày sau khi chèo kéo và bán giá “trên trời”.

Ở VN, trong khi chờ đợi những biến chuyển tích cực của hệ thống tuyên truyền giáo dục để người dân thấm thía lợi ích cá nhân song hành với lợi ích quốc gia, đồng thời tình nguyện tham gia ủng hộ những chiến dịch quảng bá du lịch kiểu “bán hàng giá rẻ” hay “nụ cười VN thân thiện” của Nhà nước, chúng ta cần có những chính sách đồng bộ và kiên quyết hơn ở tầm vĩ mô. Ai cũng biết một mình ngành du lịch sẽ chẳng thể nào giải quyết được “quốc nạn” này. Tổng cục Du lịch đã đề xuất với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và qua đó với Chính phủ muốn phát triển du lịch lâu dài, bền vững cần có cơ chế, hệ thống chính sách, văn bản pháp luật đủ mạnh, làm rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương liên quan; cần có chế tài nghiêm khắc hơn, đủ sức răn đe với những hành vi đeo bám và “chặt chém”, có thể truy tố nếu đủ dấu hiệu vi phạm về hình sự.

ĐỌC BÁO NGÀY 13.2.2012 - 2

 

“Cảnh sát du lịch là một gợi ý hay”

* Thưa ông, ông có đồng tình với việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch ở VN?

- Cảnh sát du lịch là một hình thức phổ biến ở nhiều quốc gia có nền du lịch phát triển. Ở VN chưa có tiền lệ về cảnh sát du lịch, nhưng theo tôi đó cũng là một gợi ý hay.

VN đang có tiềm năng và cơ hội rất lớn để phát triển du lịch. Khi sự phát triển tự thân đạt tới một quy mô nào đó, nó sẽ đòi hỏi một hệ thống chế tài và một nguồn nhân lực xử lý các vấn đề đặt ra. Có thể chưa phải ở trên một diện rộng khắp toàn quốc, nhưng ở những địa phương có lượng du khách đến đông, tình trạng lộn xộn nổi cộm, cần thiết thành lập những đội ứng cứu thí điểm hoạt động với bản chất như cảnh sát du lịch. Vấn đề băn khoăn của tôi là ai quản lý, ngành du lịch hay ngành công an, câu trả lời cần được nghiên cứu kỹ sau những thí điểm. Trước mắt, theo tôi, ở những địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Hạ Long... - những điểm đến tiêu biểu, tập trung đông khách nhất - có thể thành lập ngay lực lượng tương tự như cảnh sát du lịch.

THU HÀ thực hiện

(Báo Tuổi trẻ, ngày 13.2.2012)

 

"CHẶT CHÉM" DU KHÁCH: PHẢI GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM

Ở nhiều nước vẫn có ăn xin, có tình trạng bán hàng giá cắt cổ nhưng tuyệt nhiên không có chuyện đeo bám, hù dọa du khách để xin tiền, bán hàng. Chuyện “chặt chém”, chèo kéo, thậm chí là hăm dọa bắt buộc khách phải mua hàng không chỉ tồn tại ở một vài địa phương, trong một khoảng thời gian dài chính là “đặc điểm” của du lịch VN.

Một số địa phương nhìn thấy mối nguy hại, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu du lịch của mình nên đã quyết liệt ngăn chặn, giải quyết triệt để nhưng không duy trì được lâu, sau một thời gian thì “đâu lại vào đấy”.

Tổng cục Du lịch, ngành du lịch địa phương đã phối hợp tổ chức rất nhiều hội thảo tìm nguyên nhân, bàn giải pháp để giải quyết vấn nạn này nhưng dường như các liều thuốc vẫn chưa có hiệu quả.

Lực lượng “chặt chém” du khách phần lớn là người địa phương, chẳng lẽ người dân biết mà chính quyền sở tại không biết để xử lý. Hơn nữa nếu không làm thường xuyên, đồng loạt thì cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, siết chỗ này lại chạy chỗ khác. Có một thời gian ở Hội An, chính quyền địa phương làm rất tốt chuyện này, kiểm soát không hề có đeo bám, “chặt chém” làm du khách đến đây rất an tâm, vui vẻ. Nhưng sau một thời gian lơi lỏng, tình trạng “chặt chém”, chèo kéo quay lại.

TP.HCM có mô hình lực lượng bảo vệ du khách nhưng họ không có sự hỗ trợ về mặt pháp lý, cũng không có công cụ hỗ trợ để giải quyết, trấn áp các trường hợp gây rối, hỗ trợ... Khi nhìn thấy cảnh đám đông bán hàng rong bu lấy du khách chèo kéo, thậm chí hù dọa, các anh bảo vệ du khách đứng ngay bên cạnh mà không thể làm được gì. Trong khi Thái Lan có lực lượng cảnh sát du lịch chuyên ghi nhận tình hình, triển khai các hoạt động tức thì để bảo vệ khách du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn, trợ giúp du khách... Do họ là bộ phận của ngành cảnh sát nên có quyền, có công cụ hỗ trợ để trấn áp, xử lý sai phạm.

Bộ chỉ huy của cảnh sát du lịch trực thuộc lực lượng cảnh sát hoàng gia Thái Lan, được chia thành từng nhóm: chống lừa đảo, chống cướp giật, chèn ép khách, xử lý vi phạm... triển khai ngay lập tức khi có sự cố xảy ra. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát du lịch mới đây được bổ nhiệm phó tư lệnh cảnh sát hoàng gia. Có cơ chế rõ ràng để nếu vi phạm, cảnh sát du lịch Thái Lan sẽ bắt phạt rất nặng, thậm chí bắt giam, đưa ra tòa án xét xử những trường hợp người ăn xin, chèo kéo du khách... Họ cũng được phạt nặng cả những hướng dẫn viên không đeo thẻ.

Theo tôi, VN phải có cảnh sát du lịch mới có thể giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và “chặt chém” du khách. Lực lượng này có thể hình thành từ cảnh sát hình sự của từng địa phương, số lượng tùy vào quy mô dân số, lượng khách đến, tình hình phức tạp của du lịch địa phương. Ngoài lương ngành cảnh sát, họ có thể nhận thêm thu nhập từ các công ty du lịch (đóng góp trên cơ sở doanh số, lượng khách...) theo dạng quỹ phát triển du lịch.

Tôi nghĩ đã đến hồi phải kết thúc chuyện đeo bám, chèo kéo, lừa đảo du khách. Vấn đề này phải được giải quyết dứt điểm trên phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo quốc gia về du lịch, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch... phải có trách nhiệm giải quyết từ cơ chế đến thực trạng.

NGUYỄN QUỐC KỲ (Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel)
LÊ NAM ghi

(Báo Tuổi trẻ, ngày 13.2.2012)

 

MÁNH KHÓE “CHẶT CHÉM” DU KHÁCH Ở VŨNG TÀU

Rất nhiều khách du lịch đã dính bẫy các quán ăn “chặt chém” khi đến TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). PV Tuổi Trẻ thâm nhập các quán và tận mắt chứng kiến “công nghệ chặt chém” khách với đủ các chiêu thức.

 ĐỌC BÁO NGÀY 13.2.2012 - 3

Quán Như Ý trên đường Phan Chu Trinh, P.2, TP Vũng Tàu - Ảnh: N.Khải

Sáng 2-2, ba người khách gồm hai nam, một nữ từ TP.HCM được một “cò” dẫn đến quán ăn Như Ý (306 Phan Chu Trinh, P.2). Ông Đức order (đảm nhận khâu đặt các món ăn) của quán - cầm thực đơn ra mời khách chọn món. Khách gọi hai đĩa cơm sườn, một đĩa cơm chiên Dương Châu. Ông Đức mồi chài: “Quán em bán đồ hải sản tươi sống thôi. Ăn cơm thì gọi lẩu ăn kèm” và gợi ý: “Anh chị gọi mấy lạng tôm sú loại nhỏ và cái lẩu nhỏ nha? Có nghêu, ốc hương, ghẹ đều hàng tươi sống hết, chỉ mấy trăm nghìn đồng thôi”. Khoảng một giờ sau, ba người khách này trố mắt nhìn khi hóa đơn tính tiền là 3.099.000 đồng.

Cân đểu, nâng khống hóa đơn

     

Một ngày hai lần dính bẫy

Gần 19g30 ngày 8-2, anh Cao Văn Trung cùng vợ bước ra từ quán ăn Hưng Phát 2 với nét mặt đầy thất vọng. Anh cho biết mình là Việt kiều đã định cư bên Úc 20 năm mới về VN. “Ở đây món ăn không ngon và quá mắc với ba món tôm, ốc, chả giò chiên mà tôi phải trả đến 1,3 triệu đồng” - anh kể. Trong một ngày anh đã bị “chặt đẹp” đến hai lần, buổi sáng tại quán Như Ý với giá 1,3 triệu đồng chỉ với vài món thì quá mắc. Cả hai lần đều do “cò” giới thiệu. Anh Trung nói: “Mấy ông chạy vòng vòng phát giấy, thấy giá cả đàng hoàng nên vợ chồng tôi ghé ăn”. Anh cho biết giá niêm yết ở tờ rơi và lúc tính tiền hoàn toàn không giống nhau. “Tôi chưa thấy ở đâu giá mắc đến vậy. Vợ chồng tôi định ở Vũng Tàu chơi lâu nhưng kiểu này thì phải về sớm”.

Lúc này ông Đức đã đi khỏi đây, một thực khách nữ thắc mắc: “Sao lúc nãy ông kia nói làm tôm nhỏ, ghẹ chỉ mấy lạng? Sao giờ ghẹ tính 1,6kg, tôm gần 1kg? Lẩu nhỏ kiểu gì mà hơn 800.000 đồng?”. Đáp lại chỉ có câu trả lời quanh co của người quản lý, ba người khách thẫn thờ đành trả tiền rồi bỏ đi. Ông Văn, đầu bếp quán Như Ý, nhận xét: “Thằng Đức order đúng là sát thủ gọi món ở Vũng Tàu này mà”. Ông Văn cho biết những đối tượng mà ông Đức “nặng tay” nhất là khách nước ngoài rồi mới đến khách từ TP.HCM.

Những ngày thâm nhập tìm hiểu tại quán ăn Như Ý, chúng tôi phát hiện quán sử dụng tới ba chiếc cân để cân hải sản. Dưới bếp đặt hai cái, một loại 12kg để cân hàng nhập về, một cái loại 5kg dùng để cân hải sản lúc lên thớt (đầu bếp sử dụng). Cái còn lại loại 12kg đặt gần bể chứa hải sản tươi sống để cân cho khách khi có nhu cầu. Trong đó chỉ có hai cân dưới bếp là chính xác, còn cân loại 12kg đặt dưới bể chứa hải sản mỗi lần cân trọng lượng “ảo” sẽ tăng xấp xỉ 300g.

Trưa 5-2, bà Hương - chủ quán - bắt từ trong bể chứa hải sản hai con tôm tích rồi lấy cân đặt dưới bể chứa ra cân, nói với khách: “Em ơi, bảy lạng rưỡi (nhưng thực chất chỉ bốn lạng rưỡi - PV). Giá một ký tôm tích trong bảng giá quán Như Ý là 1.300.000 đồng. Như vậy, khách sẽ trả 975.000 đồng cho hai con tôm tích và bị móc túi tới 390.000 đồng. Ông Văn thủng thẳng: “Người nào khó tính thì mình cân cho họ tin. Nhưng kiểu nào cũng không thoát được”.

Trưa 6-2, một cặp vợ chồng từ TP.HCM ghé vào quán Như Ý. Người phụ nữ gọi một đĩa tôm sú nhỏ, ông Linh - người lấy thực phẩm - vớt trong thau sáu con tôm sú lên cân nhưng khi bà Hương xuống bếp không cần nhìn vào bàn cân, lấy bút kê vào phiếu gọi món ăn là 600g tôm sú (thực tế thấp hơn). Độ 10 phút sau, khi tôm được rim chín, bà Trinh - người  quản lý - nhìn phiếu rồi kê vào hóa đơn: tôm sú lớn 6 con 900g, giá 675.000 đồng, xem như nâng khống thêm 300g.

Cầm tờ hóa đơn tính tiền, đôi vợ chồng không giấu nổi bực tức. “Lúc nãy nói làm đĩa tôm nhỏ rim, tô canh cá mú rẻ nhất mà giờ tính tiền thế này?” - người vợ nói. Bà Trinh trả lời: “Tôm rim bà thường ăn là tôm nuôi. Quán này bán tôm biển giá nó khác”. Hai người khách lắc đầu, rút tiền trả và gói tôm thừa mang đi.

 ĐỌC BÁO NGÀY 13.2.2012 - 4

Hóa đơn các món ăn với giá trên trời 3.042.000 đồng tại quán Như Ý vào tối 4-2, bên cạnh là tờ rơi dụ khách với mức giá rất mềm - Ảnh: N.Khải

Cầm đồ để có tiền trả quán

Quán Hưng Phát 2 (189 Hoàng Hoa Thám, P.Thắng Tam) có cách “chặt chém” êm hơn, thủ thuật của bà Hòa - order của quán - là quảng cáo món lẩu thập cẩm, lẩu Thái với giá trên 100.000 đồng để dụ khách chọn, nhưng lẩu bưng lên sẽ kèm theo một đĩa hải sản được tính tiền riêng. Khách ăn xong mới tá hỏa khi kêu một cái lẩu chỉ có giá trên 100.000 đồng nay thành vài triệu đồng.

Chiều 7-2, một “cò” dắt mối quán ăn bằng xe máy dẫn gia đình anh Phan Đức Tiến (ngụ P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM) vào quán Hưng Phát 2 ăn trưa. Lúc này, bà Hòa đon đả ra ghi thực đơn và không quên mời khách ăn món lẩu. Nhân viên quán bưng lên một nồi lẩu tôm sú có bốn con kèm theo một đĩa mực tươi. Sau bữa ăn, anh Tiến té ngửa khi hóa đơn tính tiền là 1,2 triệu đồng. Thấy khách phản ứng dữ dội, một nhân viên nam của quán ăn mở nhạc to hết cỡ để át tiếng cãi nhau. Khách vừa đi khỏi, bà Hòa cười ruồi: “Chửi chán cũng phải trả tiền thôi”.

Té ngửa vì bị “chặt chém”, nhiều thực khách không thể đủ tiền trả cho quán, phải cầm cố tài sản để có tiền thanh toán. 13g ngày 5-2, nhóm bốn người bạn học chung ở Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) mang 1,5 triệu đồng vào quán Như Ý ăn trưa. Nhưng khi tính tiền cả nhóm té ngửa với hóa đơn lên tới 2.860.000 đồng. Phương, một người trong nhóm, phải theo một nhân viên giữ xe của quán đến một tiệm cầm đồ cầm hai điện thoại lấy 1,3 triệu đồng để thanh toán.

Đội ngũ “cò” giúp sức

Giúp sức để chủ quán “chặt chém” du khách là lực lượng “cò” mồi chài quán ăn rất đông đảo. Từ “cò” chạy xe máy đến “cò” chạy taxi dùng đủ mánh để chèo kéo khi các quán ăn sẵn sàng chơi đẹp bằng hoa hồng 20-30% số tiền móc túi khách cho “cò”. Dọc đường Thùy Vân, Hoàng Hoa Thám... lực lượng “cò” đi xe máy lên đến hàng chục người. Bà Hai, quản lý quán Hưng Phát 2, khẳng định: “Mỗi ngày một “cò” có thể kiếm được trên 1 triệu đồng, những ngày nghỉ lễ, số tiền còn tăng hơn nữa”.

“Cò” Liêm của quán Hưng Phát 2 cho biết công việc của các “cò” là cầm một xấp tờ rơi của quán ăn Hưng Phát 2, kèm theo giá cả các món ăn rồi dụ khách vào quán. Các món ăn trên tờ quảng cáo ghi giá khá mềm để khách không bị choáng. Khi khách chịu vào, nhân viên quán “gài” ăn những món sang như lẩu hải sản, lẩu cá, tôm...

Sáng 2-2, “cò” Phong bám theo một chiếc xe 12 chỗ, nhanh chóng vứt tờ giấy quảng cáo vào đầu xe cho tài xế. Ngay chiều hôm đó, tài xế đã chở nguyên cả đoàn gần mười người khách vào quán Hưng Phát 2. Công việc chỉ có bấy nhiêu nhưng tối hôm đó, ông Phong đến nhận tiền hoa hồng là 1.700.000 đồng. “Cò” Phong cười: “Có ngày tao kiếm được 4.000.000 đồng lận. Làm nghề này tuy bị khách chửi nhiều nhưng cũng sống khá”.

Ngày 3-2, ngay sau khi báo chí đưa tin quán Hiệp Ký 1 (195B Hoàng Hoa Thám, P.Thắng Tam) “chặt chém” khách, giới “cò” quán ăn bàn luận rất sôi nổi. “Cò” Liêm phân bua: “Khách đi taxi lại có thêm người nước ngoài vô quán. Không bị “chặt chém” mới là chuyện lạ”. Sau đó ít ngày, quán ăn Hiệp Ký 1 tạm thời đóng cửa. Nhóm “cò” khoảng 3-4 người từ quán ăn này đổ qua kéo khách cho quán Hưng Phát 2. “Cò” Lành từ quán Hiệp Ký 1 mới về “đầu quân” cho quán này nói: “Mấy ngày tết tui kiếm được hơn chục triệu đồng. Có ngày làm được gần 3 triệu lận”.

Bà Hương, chủ quán Như Ý, cho biết sẵn sàng chi 20% cho “cò” chạy xe máy dẫn khách tới quán: “Nếu khách ăn 10 triệu đồng, cò sẽ được 2 triệu đồng”. Còn các “cò” chạy taxi giới thiệu được nhiều khách dễ tính nên hoa hồng được hưởng cao hơn.

Những chiếc “máy chém” này luôn làm hãi hùng khách du lịch.

Tài xế taxi tiếp tay

Trong những ngày thâm nhập các quán ăn “chặt chém” tại TP Vũng Tàu, chúng tôi chứng kiến nhiều tài xế taxi móc nối với các quán ăn có tiếng “chặt chém” khách để ăn chia hoa hồng.

Chiều 10-2, tại ngã ba Hoàng Hoa Thám - Thùy Vân, một nhóm gồm năm tài xế taxi của Hãng Petro ngồi bàn nhau về việc đưa khách vào các quán Hưng Phát 2 và Như Ý (quán có tên trong danh sách “đen” được các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu công bố trước đây).

Tài xế Nguyễn Văn Thương khoe: “Trưa nay mới dẫn sáu khách vào quán ăn Hưng Phát 2”. Ông này giải thích rành rẽ: “Bình thường, xe chở khách vào quán ăn sẽ nhận tiền hoa hồng 30%, đưa khách vào khách sạn sẽ được 20% và chở vào bãi biển kiếm được 50%”. Có ngày riêng thu nhập kiếm “thêm”, ông ta đã bỏ túi gần 5 triệu đồng.

Thông thường sau khi thực khách thanh toán tiền hoặc cuối ngày, tài xế taxi sẽ quay lại để lấy hoa hồng.

Một tài xế taxi cho biết tùy đối tượng khách mà giới thiệu khách vào quán nào, nhưng đa số giới thiệu vào quán ăn Như Ý. 13g45 ngày 10-2, chúng tôi đón taxi Hãng Petro đậu trên đường Thùy Vân. Khi nghe khách cần đến một quán cơm bình dân, tài xế Vinh liền cho xe rẽ vào đường Phan Chu Trinh rồi dừng lại trước quán ăn gia đình Như Ý.

Ông Vinh nói: “Quán này cơm, lẩu, hải sản giá bình dân lắm. Mấy anh đi trên 15 người thì càng rẻ. Thấy không, quán ăn ngon, rẻ nên khách đông nghịt kìa”. Thấy khách chưa vừa ý, ông Vinh mồi chài tiếp: “Giá rẻ lắm. Ăn càng đông càng rẻ, anh gọi nhóm bạn đầy đủ tới đây rồi tui gọi lên tổng đài đặt bàn”.

MINH MẪN - NGỌC KHẢI - ĐỨC PHÚ

(Báo Tuổi trẻ, ngày 13.2.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT