Khó khăn trong việc áp dụng 'thẻ xanh' và hộ chiếu vaccine

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia đã phát triển 'thẻ xanh vaccine' tương thích với chứng nhận COVID-19 điện tử của EU (EUDCC). Chứng nhận này được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trong khối. Tuy nhiên, việc áp dụng 'thẻ xanh vaccine' tại châu Âu đang gặp một số trở ngại. Tương tự, việc hộ chiếu vaccine cho phép di chuyển quốc tế cũng đặt ra một số thách thức.

Mỗi nước mỗi khác

Lần đầu tiên được giới thiệu ở Israel vào đầu năm nay, “thẻ xanh vaccine” có nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi quốc gia như thẻ y tế, thẻ xanh, vé an toàn và coronapass. “Thẻ xanh COVID-19” là tài liệu bản cứng hoặc dưới dạng điện tử. Đây là một mã QR mà người dân có thể xuất trình thông qua một ứng dụng trên điện thoại hoặc in ra để chứng minh bản thân đã tiêm chủng đầy đủ, đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Tại châu Âu, trong khi kế hoạch áp dụng thẻ xanh vaccine tại Anh đã bị gác lại, nhiều quốc gia khác đã triển khai chương trình này như một công cụ để mở cửa trở lại. Chính phủ Anh ngày 12/9 đã tạm hoãn kế hoạch yêu cầu người dân xuất trình thẻ xanh vaccine ngừa COVID-19 khi vào các địa điểm đông người.

Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu khác đang lên kế hoạch triển khai “thẻ xanh vaccine” nhằm cho phép người dân tới nhiều địa điểm và tham gia các hoạt động thể thao. Austria, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia là những quốc gia châu Âu đã công bố về các hình thức của thẻ xanh vaccine.

Khó khăn trong việc áp dụng 'thẻ xanh' và hộ chiếu vaccine - 1

Hộ chiếu vaccine cho phép di chuyển quốc tế sẽ đặt ra một số thách thức. Ảnh: Getty Images

Những quy định về “thẻ xanh vaccine” ở mỗi quốc gia là khác nhau. Tại Pháp, xuất trình “thẻ xanh vaccine” là điều bắt buộc khi tới rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, nhà hàng, quán bar, quán cà phê (bao gồm cả quán ngoài trời), câu lạc bộ giải trí, một số trung tâm mua sắm, tham gia hoạt động thể thao và các sự kiện công cộng.

Từ cuối tháng 9, quy định xuất trình “thẻ xanh vaccine” sẽ áp dụng cho tất cả những người trên 12 tuổi. Thẻ xanh vaccine tại Italy cũng có quy tắc tương tự như ở Pháp nhưng không áp dụng đối với các nhà hàng và quán cà phê ở ngoài trời. Một số bang của Đức cũng yêu cầu người dân xuất trình “thẻ xanh vaccine” để được vào nhà hàng. Austria liệt kê cả tiệm làm tóc trong những địa điểm cần “thẻ xanh vaccine”. Luxembourg bổ sung thêm nhà hàng và Bồ Đào Nha là các khách sạn.

Một số quốc gia châu Âu đã điều chỉnh các quy tắc về thẻ xanh trong suốt mùa hè. Chẳng hạn như ở Hà Lan, khi số ca mắc COVID-19 mới giảm dần, chính phủ đã tạm thời hoãn chương trình cấp “thẻ xanh vaccine” và cho phép các nhà hàng và quán bar phục vụ khách hàng hết công suất. Nếu mục đích của các nước châu Âu khi triển khai “thẻ xanh vaccine” là tăng tỷ lệ tiêm chủng thì điều này đã thành công ở một số quốc gia có tỷ lệ người dân do dự tiêm vaccine cao như Pháp. Theo một cuộc thăm dò vào tháng 12/2020, 60% người dân Pháp do dự về việc có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không.

Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 7, khi Tổng thống Emmanuel Macron công bố kế hoạch “thẻ xanh vaccine”, hơn 13 triệu người Pháp đã tiêm mũi vaccine đầu tiên. Pháp đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 88% người trưởng thành và 85% trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Có một số nước đã áp dụng “thẻ xanh vaccine” nhưng không thành công. Tại Tây Ban Nha, chính quyền địa phương tại Canaries, Galicia, Cantabria và Andalucía muốn triển khai thẻ xanh COVID-19 nhưng đề nghị của họ đã bị các tòa án cấp cao địa phương và tòa án cấp cao trung ương bác bỏ. Thụy Điển đã thông qua EUDCC để cho phép khách du lịch nhập cảnh và công dân đi lại dễ dàng trong khối. Tuy nhiên, Thụy Điển không yêu cầu người dân phải sử dụng “thẻ xanh vaccine” để có thể tới những địa điểm công cộng và tham gia các hoạt động thể thao với lý do muốn mở cửa cho tất cả mọi người cùng một lúc.

Vào tháng 4, Đan Mạch đã áp dụng quy định xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (còn gọi là coronapass) khi vào quán bar và nhà hàng. Tuy nhiên, Đan Mạch, nơi đã tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số từ 12 tuổi trở lên, trở thành quốc gia đầu tiên trong EU dỡ bỏ mọi hạn chế phòng COVID-19 với việc bỏ quy định xuất trình chứng nhận tiêm vaccine. Từ tuần trước, người dân tại Đan Mạch có thể vào hộp đêm, nhà hàng hay các địa điểm khác mà không cần xuất trình coronapass.

Cần phải giải quyết trên quy mô toàn cầu

Tương tự như việc áp dụng “thẻ xanh vaccine” tại châu Âu, việc hộ chiếu vaccine cho phép di chuyển quốc tế cũng đặt ra một số thách thức. Luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia yêu cầu du khách chứng minh họ đã được tiêm chủng các bệnh như sốt vàng da. Tuy nhiên, vaccine ngừa COVID-19 là một loại vaccine mới và không phải tất cả các loại vaccine ngừa COVID-19 đều được cấp phép sử dụng trên thế giới. Các quốc gia có thể quyết định chỉ chấp nhận chứng nhận tiêm loại vaccine được phép sử dụng trong nước của họ.

Trung Quốc nói rằng, hộ chiếu vaccine của họ sẽ chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu họ tiêm vaccine của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Mỹ hiện không có vaccine ngừa COVID-19 nào do các công ty Trung Quốc sản xuất.

Vaccine của AstraZeneca đang được sử dụng ở 86 quốc gia, nhưng chưa được phê chuẩn sử dụng ở Mỹ. Ngoài ra, vaccine được sử dụng ở một số quốc gia có thể không hiệu quả đối với các biến thể SARS-CoV-2 mới xuất hiện trong nước đó hoặc ở nước ngoài. Những vấn đề này cần được giải quyết trên quy mô toàn cầu và các chính phủ nên tận dụng cơ hội để giải quyết tại cuộc họp của Đại hội đồng Y tế thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 5. Hệ thống hộ chiếu vaccine nên quy định rõ những loại vaccine nào sẽ được chấp nhận và hệ thống này phải được trang bị để cập nhật các yêu cầu tiêm chủng khi hướng dẫn y tế công cộng thay đổi.

Các hệ thống này cũng phải ngăn chặn các quốc gia tự ý từ chối chấp nhận các chứng nhận tiêm vaccine. Nếu không có sự đồng thuận quốc tế, có nhiều nguy cơ đặt ra khiến đại dịch COVID-19 kéo dài.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Hải (ANTG)

CLIP HOT

Lập web giả mạo - chiêu trò mới trong lừa đảo combo du lịch
Lập web giả mạo - chiêu trò mới trong lừa đảo combo du lịch

Lừa đảo dưới hình thức du lịch không phải là chiêu thức mới, thế nhưng vẫn có khá nhiều người dân sập bẫy. Bởi những đối tượng lừa đảo đã sử dụng những chiêu thức hết sức tinh vi, đặc biệt trong thời gian qua nổi lên hiện tượng nhiều đối tượng đã giả lập những website, fanpage và Công ty du lịch để tạo lòng tin cho khách hàng. Khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán những