ĐỌC BÁO NGÀY 05.03.2012

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

SÔNG HƯƠNG MỘT ĐÊM KHÔNG CA HUẾ

Tối 2.3, ở cố đô Huế đã xảy ra một sự kiện hy hữu: trên sông Hương tuyệt nhiên không có một suất diễn ca Huế nào được tổ chức.

Theo đó, rất nhiều đoàn khách du lịch muốn nghe ca Huế trên sông Hương đành phải ngậm ngùi tiếc nuối. Quang cảnh bến thuyền du lịch Tòa Khâm (trước Trường ĐHSP Huế) vốn trước đó hằng đêm tấp nập du khách trên bến dưới thuyền thì nay đã trở nên vô cùng yên ắng. Các chủ thuyền đã tự động ngưng phục vụ ca Huế và cho thuyền về neo đậu ở bến Phú Cát (bờ sông Hương thuộc phường Phú Cát).

Đây là cách mà giới kinh doanh thuyền du lịch (thuyền rồng) sử dụng để phản đối chủ trương chấn chỉnh hoạt động ca Huế theo tinh thần của Quyết định số 51/2011/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 51) của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ban hành ngày 29.12.2011 về quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8.1.2012).

Theo đó,  tổ chức, đơn vị, cá nhân muốn được cấp phép tổ chức biểu diễn ca Huế phải hội đủ các điều kiện: đơn vị có bộ phận chuyên trách tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế; người phụ trách bộ phận chuyên trách phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật ca Huế, ca kịch Huế hoặc nhạc công ca Huế từ trung cấp trở lên và phải có ít nhất 3 năm tham gia hoạt động dịch vụ biểu diễn ca Huế; có ít nhất 30 diễn viên, nhạc công biểu diễn ca Huế (đã được cấp giấy phép) hoạt động thường xuyên; có tư cách pháp nhân, có địa chỉ giao dịch rõ ràng, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động liên quan đến biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế.

ĐỌC BÁO NGÀY 05.03.2012 - 1

Một vài thuyền còn hoạt động nhưng chỉ nhận chở khách tham quan trên sông chứ không phục vụ ca Huế - Ảnh: Gia Tân

Với quy định đó, hiện nay chỉ Trung tâm quản lý tổ chức biểu diễn ca Huế (thuộc Sở VH-TT-DL) là đủ tư cách pháp nhân để tổ chức biểu diễn ca Huế. Các chủ thuyền nhận khách có nhu cầu phục vụ ca Huế phải hợp đồng với trung tâm này. Theo đó, mỗi sô diễn ca Huế trọn gói với giá 540.000 đồng/suất (thuyền đơn) và 680.000 đồng/suất (cho thuyền đôi), họ phải nộp 450.000 đồng (thuyền đơn) và 500.000 đồng (thuyền đôi) chi phí biểu diễn ca Huế cho trung tâm. Còn lại 90.000 đồng (thuyền đơn) và 180.000 đồng (thuyền đôi) là các chủ thuyền được hưởng. Ông Nguyễn Văn Phụ (HTX vận chuyển du lịch đường sông TP.Huế) nói: “180.000 đồng cho mỗi chuyến (thuyền đôi) nhưng trong đó, phải trừ 18.000 tiền làm lệnh xuất bến, 60.000  đồng tiền dầu, 35.000 đồng tiền bảo hiểm (cho 35 khách), trích 10% tiền hóa đơn (GTGT)... Còn chừng vài chục ngàn, chúng tôi không thể chạy được. Đói là cái chắc”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Thưởng, Giám đốc Trung tâm quản lý tổ chức biểu diễn ca Huế, cho biết do trước đây tình hình tổ chức biểu diễn ca Huế diễn ra bát nháo, lộn xộn, tranh giành khách... trên sông Hương, khiến du khách phàn nàn, ta thán nên UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 51 để chấn chỉnh hoạt động ca Huế. Ngày 29.2, tổ liên ngành đã có cuộc họp để giải quyết nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các chủ thuyền. Ngay chiều 2.3, tổ liên ngành do Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh (đồng thời là tổ trưởng) cũng đã có cuộc họp và đi đến kết luận, trước mắt để phục vụ nhu cầu của du khách trong mùa du lịch năm nay, trong đó có Festival Huế 2012 và Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc-Trung bộ Huế 2012, tổ liên ngành sẽ kiến nghị với lãnh đạo tỉnh tạm lùi thời hạn thực hiện Quyết định 51 để có thời gian tháo gỡ. Tuy tinh thần cuộc họp đã thống nhất như vậy, nhưng các chủ thuyền vẫn bất hợp tác, tự động ngừng phục vụ.

Chấp nhận nghỉ một thời gian

Nghệ sĩ Y.N trình bày: “Theo tôi biết, ngay trong nội bộ giới nghệ sĩ vẫn chưa thật sự thống nhất. Nhiều người vẫn thích cách làm cũ, tức để chủ thuyền được chủ động bán vé ca Huế. Cá nhân tôi cho rằng cách nghĩ đó chỉ có lợi trước mắt chứ không lâu dài. Tôi đồng ý với cách làm tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương cần qua Trung tâm quản lý tổ chức biểu diễn ca Huế vì như thế sẽ khiến cho ca Huế trên sông Hương trang nhã hơn, chứ như trước đây khá lộn xộn. Cá nhân tôi chấp nhận nghỉ một thời gian nếu chủ thuyền không gọi”.

Bùi Ngọc Long - Gia Tân

(Báo Thanh Niên, ngày 4.3.2012)

LUẬT DU LỊCH – ĐẦY RẪY BỨC XÚC!

Luật Du lịch (DL) có hiệu lực từ ngày 1-1-2006, thế nhưng nhiều điều khoản luật phải đợi 2 đến 3 năm sau mới triển khai được vì phải chờ văn bản hướng dẫn. Con người là một nhân tố quyết định cho phát triển DL Việt Nam, nhưng Luật DL không có một điều khoản nào nhắc đến vấn đề đào tạo…

Nhiều hạn chế

Tại hội thảo về thực hiện Luật DL do Tổng cục Du lịch Việt Nam (TCDL) tổ chức và Hội thảo phát triển hệ thống VTOS trong giai đoạn thực hiện dự án ESPR (chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) do Liên minh châu Âu tài trợ, diễn ra ngày 2-3 tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp (DN), đại diện các trường đào tạo, sở ngành DL các tỉnh phía Nam đã nêu ra nhiều bức xúc về những hạn chế, vướng mắc của Luật DL hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt cho rằng, luật mới triển khai hơn 5 năm nhưng đầy rẫy những bức xúc. Điều kiện thành lập DN DL quá dễ dàng, thiếu những điều khoản ràng buộc đã gây nên tình trạng lộn xộn, khó quản lý và chúng ta đang phải trả giá cho vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành Sở VH-TT-DL TPHCM, việc kiểm soát DN kinh doanh lữ hành nội địa hiện nay rất rối vì theo số liệu đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT TPHCM, có khoảng 20.000 DN đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa nhưng thực chất sở chỉ quản lý hơn 300 DN. Việc thoát ẩn, thoát hiện, đóng cửa rồi mở cửa hoạt động của nhiều DN như thế này đã dẫn đến nhiều khiếu nại về kiểu làm ăn gian dối.

 ĐỌC BÁO NGÀY 05.03.2012 - 2

Thanh niên xung phong hỗ trợ du khách băng qua đường phía trước Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: THANH TÂM

Vấn đề cấp thẻ hướng dẫn viên (HDV) đang gây xáo trộn, làm khó cho cả HDV và DN. Hiện nay nhiều HDV không có thẻ nhưng vẫn được DN ký hợp đồng làm việc, vì thực tế DN quan tâm đến năng lực làm việc HDV hơn là thẻ. Với quy định mới trong cấp thẻ HDV, có rất nhiều HDV cũ không được cấp thẻ hành nghề. Vì quy định mới, bắt buộc HDV quốc tế phải có bằng đại học. Là chủ nhiệm CLB HDV Du lịch TPHCM, ông Mỹ cho rằng, điều kiện này không cần thiết, HDV quốc tế chỉ cần trình độ trung cấp, cao đẳng và phải có ngoại ngữ. HDV quốc tế tại VN đang thiếu, với quy định mới này thì càng thiếu, nhất là đối với các ngoại ngữ hiếm.

Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa đề xuất, khi có luật thì phải có hướng dẫn ngay để thực hiện. Theo phản ánh của nhiều đơn vị, Luật DL có hiệu lực từ 1-1-2006 nhưng có nhiều điều khoản luật phải 2,3 năm sau mới có hướng dẫn triển khai. Đại diện Sở VH-TT-DL TPHCM và nhiều đơn vị khác cũng đề xuất nên đưa vào luật các điều, khoản về đảm bảo quyền lợi, trật tự an toàn an ninh cho du khách nước ngoài, từ đây có cơ sở thành lập các lực lượng bảo vệ du khách. Một thiếu sót lớn nhất hiện nay của Luật DL đó là không có một điều, khoản cụ thể nào nói đến vấn đề đào tạo nhân lực. Các trường trung cấp, cao đẳng nghề du lịch ở TPHCM và các tỉnh đề xuất nên có thống nhất lại bằng cấp, tên trường…

Đổi mới phù hợp với hội nhập

Liên minh châu Âu (EU) đã có chương trình ký kết, hỗ trợ 11 triệu EUR trong thực hiện dự án ESPR, giai đoạn 2011 đến 2015. Chương trình hoạt động của dự án cũng hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý về DL cho VN. Tiến sĩ Carson L. Jenkins, Chuyên gia tư vấn luật, Giáo sư Danh dự về Du lịch Quốc tế Trường ĐH Strathclyde Glasgow, Vương quốc Anh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật DL. Ông cho rằng, Luật DL cần có 3 yếu tố toàn diện, tập trung và linh hoạt. Với việc hội nhập quốc tế, VN tham gia vào WTO, APEC, các hiệp định thương mại AFTA, BTA… thì  Luật DL cần có điều chỉnh phù hợp với điều kiện mới.

Theo tổ chức DL Liên hiệp quốc, các nước ASEAN sẽ phát triển mạnh hoạt động DL trong 5 năm tới. Trong Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15 diễn ra tại Indonesia vào tháng 1-2012 đã đưa ra 7 thỏa thuận cơ bản để hỗ trợ thực hiện kế hoạch DL chiến lược khối ASEAN giai đoạn 2011-2015. Hiện 2/3 khách đến DL trong ASEAN vẫn là khách ASEAN. Các thị trường khách đông dân, nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đặt ra cho các nước ASEAN một sự cạnh tranh lớn.

Theo số liệu thống kê của ngành DL Thái Lan, du khách Mỹ đến Thái Lan chi tiêu khoảng 150 USD/ngày, trong khi đó mức chi tiêu của du khách Trung Quốc, Ấn Độ là 152 USD/ngày. Tiến sĩ Carson L. Jenkins cho rằng, VN cần có Luật DL tốt hơn để có thể cạnh trạnh với các nước mới nổi.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục Trưởng TCDL VN cho biết, TCDL sẽ triển khai nhiều cuộc họp, hội thảo ở 3 miền để huy động trí tuệ của toàn ngành, các địa phương, chuyên gia và các tổ chức DL, lấy ý kiến đóng góp, tổng hợp các vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện, nội dung cần sửa đổi. TCDL sẽ tổng hợp báo cáo, trình lãnh đạo Bộ VH-TT-DL để làm tiếp các thủ tục cần thiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội thông quan vào năm 2013.

MỸ HẠNH

(Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 5.3.2012)


VÌ SAO THUYỀN CA HUẾ “ĐÌNH CÔNG”?

Ðêm 2-3, bến thuyền ca Huế vắng hoe, không một bóng thuyền. Các chủ thuyền du lịch trên sông Hương đã đồng loạt ngừng phục vụ ca Huế để phản đối những quy định mới ban hành về quản lý ca Huế, theo các chủ thuyền, gây nhiều khó khăn cho họ.

Như thường lệ, các hãng lữ hành đưa khách xuống bến nhưng các đoàn khách đành phải ra về mà không hiểu lý do vì sao.

Chủ thuyền phải nộp trước 50% tiền sô diễn

Ông Trần Văn Thành, chủ hai thuyền du lịch mang số hiệu TTH-1000 và TTH-0357, cho hay việc ngưng phục vụ ca Huế vì các chủ thuyền không đồng tình với cách làm của Trung tâm Quản lý tổ chức biểu diễn ca Huế (gọi tắt là Trung tâm ca Huế, thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trung tâm đã buộc chủ thuyền phải nộp trước 50% giá trị sô diễn (250.000 đồng) mới được nhận sô, trường hợp khách đến trễ 30 phút thì số tiền đó mất. Hơn nữa với quy định mới, các chủ thuyền không được trực tiếp lựa chọn diễn viên, nhạc công cho suất diễn mà phải theo sự phân công của trung tâm.

Ông Võ Văn Rớt, chủ thuyền mang số hiệu TTH-0095 - có hơn 20 năm phục vụ du khách tham quan bằng thuyền rồng, nói từ trước đến nay thuyền của ông chủ yếu phục vụ du khách theo hợp đồng từ các tour tuyến ổn định của các hãng lữ hành; thuyền của ông tạo dựng được thương hiệu do tự chọn được diễn viên, nhạc công đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của du khách.

Nhưng hiện nay, tất cả sô diễn, hợp đồng có được, chủ thuyền phải nộp lại cho trung tâm, sau đó trung tâm điều phối lại lượng khách, bố trí đội ngũ diễn viên, nhạc công dẫn đến tình trạng nhiều đoàn du khách phàn nàn, phản đối vì diễn viên, nhạc công không đúng như hợp đồng.

Ông Rớt cũng phản đối việc trung tâm bắt nộp trước 50% giá trị sô diễn. Ông cho rằng trung tâm quá ép chủ thuyền, nếu trường hợp trong một đêm vì lý do nào đó mà khách đến trễ 2-3 sô diễn thì ông phải nộp tiền bồi thường gần cả triệu đồng. "Vì nhiều lý do mà khách đến trễ, đây là một "tai nạn" ngoài ý muốn của chủ thuyền, vậy mà trung tâm lại đẩy khó khăn đó về cho chủ thuyền gánh chịu" - ông Rớt bức xúc.

Những chủ thuyền rồng ở đây cho biết mỗi sô diễn ca Huế trọn gói với giá 540.000 đồng/suất (thuyền đơn) và 680.000 đồng/suất (thuyền đôi), họ phải nộp 450.000 đồng (thuyền đơn) và 500.000 đồng (thuyền đôi) chi phí biểu diễn ca Huế cho trung tâm. Ngoài ra, chủ thuyền phải nộp 18.000 đồng tiền xuất bến, 60.000 đồng tiền dầu, rồi nộp tiền bảo hiểm cho khách... Trừ mọi chi phí, họ chỉ còn nhận vài chục ngàn đồng tiền công.

Trung tâm ca Huế quy định sai

Theo ông Nguyễn Tấn Thưởng - giám đốc Trung tâm ca Huế, việc buộc các chủ thuyền rồng nộp trước 50% trị giá sô diễn là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho diễn viên, nhạc công. Việc này nhằm hạn chế tình trạng trễ giờ, bỏ sô.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-3, ông Cao Chí Hải - phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế - nói rằng việc Trung tâm ca Huế buộc các chủ thuyền phải nộp trước 50% trị giá sô diễn là sai vì không có trong quy định về quản lý ca Huế mới ban hành (Tuổi Trẻ ngày 3-1-2012).

"Trung tâm ca Huế đã tự ý đề ra quy định này. Ngay sau khi có thông tin, lãnh đạo sở đã tiến hành kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt việc buộc chủ thuyền nộp trước 50% trị giá sô diễn, phê bình lãnh đạo trung tâm. Ðể hạn chế tình trạng trễ giờ, bỏ sô thì giữa trung tâm và chủ thuyền phải có những quy định rõ ràng trách nhiệm trong hợp đồng, không thể thu tiền trái quy định như vậy được" - ông Hải nói.

Ngay trong ngày 3-3, quy định nộp trước 50% tiền sô diễn được hủy bỏ, và đêm 3-3 bến thuyền ca Huế trên sông Hương đã hoạt động trở lại.

NGUYÊN LINH

(Báo Tuổi trẻ, ngày 05.03.2012)


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT