Bảo tàng trong phố

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

  Nếu không có cuộc gọi điện đó, để rồi sáng hôm sau tôi tìm tới căn nhà ấy từ sáng sớm, chắc chắn tôi không thể nào tận mắt nhìn một căn nhà nhỏ đầy ắp những cổ vật. Thậm chí để kiếm một chỗ ngồi, tôi và chủ nhân là anh Trần Phi Hùng (1981) phải ngồi giữa bộn bề mà trò chuyện.

Bảo tàng trong phố - 1

 Thật ra thì với nghề làm báo, tôi vốn thận trọng khi tìm đến và cảm nhận về  những gì gọi là cổ vật, bởi để xác minh đó là một cổ vật có giá trị, cần phải đến các nhà chuyên môn. Nhưng đập vào mắt tôi từ tầng trệt đến tầng một của căn nhà nằm trong một con hẻm ngay giữa trung tâm thành phố Nha Trang là bộn bề những tượng Phật, lư đèn, các  loại đồng hồ xưa, tiền xưa, tượng…thậm chí là những cột kèo tạc rồng, tạc phụng cho đến bình, chén đĩa ..để rất lộn xộn, nhưng toát ra một sự kích thích cho người nhìn ngắm.

Bảo tàng trong phố - 2

 Chủ nhân của ngôi nhà đầy những cổ vật trong lòng phố Nha Trang ấy có dáng người cao ráo, ăn nói hiền lành, anh đã tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh trường Đại học Nha Trang.  Hùng để tôi tự do ngắm nhìn những cổ vật ở tầng dưới, sau đó anh đưa lên tầng trên. Nơi tầng trên mới có cả tài sản cổ vật, mà nếu không tận mắt nhìn thì không ai biết. Bởi nhìn bên ngoài thì căn nhà luôn đóng kín cửa như bao căn nhà khác.

 Trong đời đi viết, gặp nhiều người săn tìm cổ vật, tôi luôn thận trọng khi được chủ nhân của nó gới thiệu những vật báu của họ. Tôi nói với Hùng tôi nghe người có vật cổ nói không tin đâu, mà cần phải có người am hiểu cổ vật chứng minh giá trị của chúng.

Bảo tàng trong phố - 3

 Bê tách trà, câu chuyện của chúng tôi lại nhắc đến một người đàn ông, mà tài sản cổ vật Hùng đang nắm giữ hiện nay chính là của ông để lại. Người đàn ông đó là ông Trần Văn Chương. Nếu năm nay còn sống thì ông đã 61 tuổi, nhưng 14 năm trước ông đã qua đời, để lại lại những cổ vật cả đời săn tìm cho con trai đầu là anh Hùng với lời dặn dò là giữ gìn những cổ vật này. Chuyện kể là ông Trần Văn Chương lặn lội khắp nơi đi buôn trầm vào thời đó. Trong những dặm đường ấy, người đàn ông này lại mê cổ vật. Vì thế, khi gặp một cổ vật nào, gần như ông tìm cách mua lại và đem về cất giữ. Cũng từ kinh nghiệm và kiến thức có sẵn, ông Chương tự mình thẩm định những “tài sản” ấy.

Bảo tàng trong phố - 4

Tượng Chăm.

 Năm 12 tuổi, cha qua đời, anh Hùng vẫn còn là một đứa trẻ. Anh đem toàn bộ những tượng, gốm hay bất cứ thứ gì cha bảo giữ gìn cất vào một căn phòng. Thời ấy phong trào chơi cổ vật cũng chưa thịnh hành lắm và anh Hùng cũng còn bận bịu học hành. Cho đến năm 2015 và đầu năm 2016, nay đã  35 tuổi, sau  bao năm gìn giữ tài sản của cha mình, anh Hùng tiếp xúc với bạn bè là những người chơi và sành đồ cổ, những người bạn ấy khuyên anh nên sắp xếp và mở một bảo tàng tư nhân, với mục đích vì tình yêu người cha của mình và tạo điều kiện cho mọi người được cùng thưởng ngoạn.

Bảo tàng trong phố - 5

Võ Tắc Thiên.

  Trong khói trầm và trong diện tích không gian đầy những quá khứ ấy, tôi ngắm nhìn và  được Hùng giới thiệu một số cổ vật của cha mình. Vài cổ vật thôi, nhưng đã là gia tài, đã  là thời gian lướt qua hàng bao thế kỷ, như thể chúng đang gợi về những xa xưa ấy.

Bảo tàng trong phố - 6

Tượng Phật đời Đường.

 Này nhé, ngay trước mặt tôi là tượng Phật mà theo Hùng thì có từ đời Đường, bên Trung Quốc. Sử ghi đời Đường tồn tại từ năm 690- 705 với tên tuổi người phụ nữ lừng danh Võ Tắc Thiên. Hùng nói tượng làm bằng loại gỗ quý thời đó, mà loại gỗ này dùng làm quan tài cho vua chúa, bức tượng cao 58 cm, nặng 8 ký. Đó là tượng đồng đen tạc Võ Tắc Thiên, với mái tóc búi cao thời đó làm bằng đồng. Hùng lấy trong tủ khóa kín ra cho tôi xem hai “báu vật” là đĩa Tống ngọc đời Bắc Tống (theo Hùng giải thích), chiếc đĩa này nặng 1kg, đường kính 24cm. Hùng nói rằng vào thời đó, nung 1.000 chiếc mới ra được một chiếc có màu vàng Hoàng Đế, và chiếc đĩa này là một trong những chiếc đó. Bên dưới đáy đĩa là dấu ấn hạt gạo theo thời đó. Nếu đúng như Hùng nói và chiếc đĩa được các nhà cổ vật xác định thì chiếc đĩa rất có giá trị, bởi gốm Bắc Tống từ thế kỷ thứ 10 đến 13 rất có giá trị trên thị trường đồ cổ.

Bảo tàng trong phố - 7

 Cũng có thể kể thêm  một chiếc tháp xông trầm, cặp rồng bằng sứ đời Minh, một tượng Phật làm bằng sừng tê giác cách đây vài trăm năm từ Đài Loan rất tinh xảo…

Bảo tàng trong phố - 8

Trần Phi Hùng - Chủ nhân của "Kho tàng đồ cổ".

 Trong cuộc rong chơi vào thế giới của quá khứ, cổ vật là một cuộc kiếm tìm công phu và thời gian càng xa, giá trị càng cao. Tuy nhiên, một cổ vật có giá trị luôn cần được thẩm định bởi những chuyên gia và chúng luôn có một lý lịch kèm theo, để người lưu giữ chứng tỏ với công chúng. Trong phạm vi bài viết, khi lạc vào mê hồn trần giữa cả trăm cổ vật đủ mọi thời đại, từ những chân đèn, tượng, phù điều, những linh vật trong căn nhà nhỏ của Hùng, khởi đầu chúng tôi cảm nhận nơi đây đang lưu giữ rất nhiều giá trị thực. Hùng nói Hùng sẽ bắt đầu sắp xếp, thẩm định từng cổ vật và sẽ mở một bảo tàng tư nhân theo nguyện vọng của cha mình. Công việc ấy anh đang bắt đầu, và trong tương lai những cuộc  phiêu du đến Nha Trang, những người khách phương xa sẽ có cơ hội để ghé thăm một  bảo tàng trong phố.

 Khuê Việt Trường

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT