Bánh mì Sài Gòn, không chỉ là ký ức

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mỗi sáng, bạn dừng lại ở một chỗ xe bánh mì nào đó, trên một con đường nào đó ở đất Sài Gòn, chính là bạn đang tận hưởng một phần hương vị của Sài Gòn. Bánh mì Sài Gòn vì thế không chỉ ký ức, nó còn là hiện tại và tương lai của mỗi người dân nơi đây...

Bánh mì Sài Gòn, không chỉ là ký ức - 1

Chỗ bán của dì Thứ nay có thêm một cây dù nhỏ màu hồng. Khách quen một sáng ghé mua ổ bánh mì liền ghẹo, bộ để ý ông nào hay sao mà nay che dù vậy chị. Nắng quá nên che thôi, chớ có để ý ai đâu trời. Dì cười. Ông xã đang rinh giỏ bánh mì trên xe xuống cũng cười. Con đường Phạm Ngọc Thạch vì thế thêm phần thú vị trong buổi sáng đầu ngày. Dì Thứ đã bán bánh mì trên con đường này hơn 20 năm. Dì nói, lúc ra đây bán, dì là người đầu tiên. Lúc đó bán sướng lắm, ổ bánh mì bì hay chả lụa chỉ hai ngàn đồng. Bán một ổ lời một ngàn. Cứ hơn ba giờ sáng dì đã dậy chuẩn bị mọi thứ. Rồi ông xã chở dì ra đến điểm bán tầm 6 giờ. Hai vợ chồng bán cùng nhau đến 9 giờ thì ông xã dì Thứ đi làm, còn lại dì xoay xở cho đến ngày chuyển sang trưa thì dọn hàng.

Bánh mì Sài Gòn, không chỉ là ký ức - 2

Có lẽ bánh mì bì của dì Thứ được nhiều người chọn mua trên con đường Phạm Ngọc Thạch, không hẳn vì dì bán lâu nhất, có nhiều mối quen, mà có lẽ hương vị của bánh mì bì chan nước mắm góp phần làm cho bánh mì của dì đặc biệt hơn so với những người bán còn lại, đủ khiến khách hàng gắn bó với dì hàng chục năm qua. Dì nói, trước bán thế nào, giờ cũng vậy, không thay đổi gì, từ cọng bì, miếng chả xắt sợi và nhất là ổ bánh mì vẫn vẹn nguyên mùi thơm như những ngày đầu. Và hương vị ấy đã càng làm cho bánh bì Sài Gòn phong phú hơn, hấp dẫn hơn trong suy nghĩ mỗi người.

Tôi làm quen với cái tên bánh mì Sài Gòn khi còn rất nhỏ. Như bao đứa trẻ miền Tây, bánh mì Sài Gòn là món quà mà đứa trẻ nào khi ấy cũng mơ ước, cũng mong chờ  mỗi khi có ai đi Sài Gòn về. Những ổ bánh mì thơm thơm đặc ruột, ăn không đã thấy ngon. Nhưng để khám phá “món ăn quốc dân” này, bọn trẻ chúng tôi có khi ăn bánh mì với cục đường thùng hay chấm với sữa đặc, thỉnh thoảng, ba mẹ lại chiên cái trứng ốp la ăn cùng. Mỗi lần ăn món này, ba  lại nói, ăn thế này sang lắm đó, hồi xưa đâu phải ai cũng được ăn. Cái hồi xưa ấy chúng tôi chỉ thấy vài lần trong những bộ phim trên ti vi, nên không cảm nhận nó sang thế nào, nhưng chỉ biết bánh mì ốp la quả thật làm cho bọn trẻ chúng tôi thấy mình “đẳng cấp” hơn so với việc ngồi xé từng miếng bột thơm thơm giòn giòn chấm vào chén sữa màu trắng đục.

Khi lớn lên, hòa vào nhịp sống ở cái xứ náo nhiệt nhất nước, tôi mới hiểu ra bánh mì Sài Gòn không chỉ dành cho người bình dân. Ai cũng có thể dùng bánh mì để ăn sáng, dù đó là anh sinh viên nghèo hay một chủ doanh nghiệp nào đó. Cứ ngồi cùng dì Thứ trong một buổi sáng bất kỳ, bạn sẽ thấy điều đó. Khách hàng của dì không ít người đi xe con sang trọng. Họ dừng lại trước cái tủ bánh mì nho nhỏ của dì, bước xuống rồi mua một hay hai ổ tùy thích. Khách hàng lâu năm nên dì Thứ rành hết sở thích của từng người. Chú trung niên hay mặc áo trắng thì chỉ thích bánh mì ốp la, còn chị đi xe màu đen thì vẫn thủy chung với món bánh mì bì, chả và cho nhiều ớt. Với bánh mì, ai cũng có thể yêu và gắn bó lâu dài với nó. Và cũng ở cái đất Sài Gòn, tôi cũng khám phá ra bánh mì không chỉ có giá 14 ngàn. Người ta sẵn sàng mua một ổ bánh mì thịt với giá 50 ngàn cũng là cách để khám phá thế giới thú vị khác mà món ăn đường phố này mang lại.

Bánh mì Sài Gòn, không chỉ là ký ức - 3

Có lẽ vì sự tiện lợi của nó, dễ làm, dễ bán, dễ…ngon mà bánh mì vẫn đồng hành với con người dù cuộc sống có biết bao đổi thay. Không chỉ là món ăn gần gũi, bánh mì còn là “cần câu” để người nghèo tìm kế mưu sinh. Nhiều hội, đoàn trên địa bàn thành phố, nhất là ở các huyện ngoại thành có những mô hình hỗ trợ hội viên bằng cách trao tặng những chiếc xe bánh mì gọn nhẹ, giúp họ có việc làm ổn định. Bánh mì khi đó đã mở ra một cánh cửa tươi sáng hơn cho những người đang còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hay như trong mùa dịch Covid-19, những ổ bánh mì thanh long đã góp phần “giải cứu”  những nông dân  miệt vườn không bán được hàng. Những ổ bánh- mì- tình- người ấy đã giúp con người có thêm niềm tin vào chính con người, tạo điều kiện cho những điều tốt đẹp được lan tỏa.

Cho nên bánh mì Sài Gòn gợi cho ta nghĩ nhiều về vùng đất Sài Gòn, con người Sài Gòn. Một vùng đất có thể dung nạp tất cả những dòng chảy văn hóa, có thể cưu mang bao phận người, không phân biệt đó là ai, đến từ vùng đất nào. Nơi con người có thể phát huy hết những giá trị của mình, tạo nên tiếng nói riêng, vẻ đẹp riêng, mà không thấy lạc lõng. Những điều đó đã tạo nên bản sắc của người Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh. Và hơn thế, nơi thành phố đầy sức trẻ ấy, tình người luôn đầy ắp, sẵn sàng lan tỏa khiến ta luôn thấy ấm áp, tin cậy.

Bánh mì Sài Gòn, không chỉ là ký ức - 4

Dì Thứ nói bán bánh mì giờ không lời như xưa. Một phần giá cả đắt đỏ hơn và người bán bánh mì cũng nhiều hơn. Nhưng bánh mì vẫn mang đến cho dì và những người gắn bó với nó một cuộc sống ổn định giữa đất Sài Gòn này. Những người bán sau dì vẫn có khách riêng của mình. Dì Thứ tâm sự, nếu mình làm ăn đàng hoàng thì khách sẽ không ai bỏ mình đâu. Mỗi người đều có bí quyết để làm cho bánh mang hương vị của riêng mình mà người khác không có được. Sự phong phú đó mới làm cho bánh mì Sài Gòn thú vị và đặc biệt hơn.

Mỗi sáng, bạn dừng lại ở một chỗ xe bánh mì nào đó, trên một con đường nào đó ở đất Sài Gòn, chính là bạn đang tận hưởng một phần hương vị của Sài Gòn. Bánh mì Sài Gòn vì thế không chỉ ký ức, nó còn là hiện tại và tương lai của mỗi người dân nơi đây...

Bài: Võ Mạnh Hảo; Ảnh: Mây

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT