BÀN MẤY CHUYỆN TẾT CHO VUI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

BÀN MẤY CHUYỆN TẾT CHO VUI - 1

 

 

 

Mở đầu năm mới, nhiều người chọn cho mình hướng xuất hành, chọn màu sắc cho áo quần những mong trong năm gặp được sự an lành. Điều này cũng chẳng có gì sai, bởi có ai có thể biết được ngày mai của mình

Ngày Tết là ngày mở đầu cho một năm, nên ai cũng tin tưởng, hy vọng một năm may mắn, hạnh phúc, vui vẻ. Vì thế từ xa xưa, ông cha ta đã có những chuyện kiêng khem. Đúng sai tới đâu chưa biết, song xưa bày nay bắt chước, hết thế hệ này sang thế hệ khác, cứ vậy mà thực hiện. Nhiều người cho những chuyện ấy là mê tín. Nhiều người cho rằng “có kiêng, có lành” chẳng ảnh hưởng gì đến ai…

Làm cho cuộc sống vui hơn

BÀN MẤY CHUYỆN TẾT CHO VUI - 2

Đêm 30, hầu như gia đình nào cũng dặn con cháu, trong ba ngày Tết, nhất là sáng mồng một Tết phải vui vẻ, gặp ai cũng chào hỏi lớn tiếng, đừng nên mặt nặng mày nhẹ, tiếng chì tiếng bấc mà xui cả năm. Tục lệ này cũng hay, nếu người người, nhà nhà quanh năm suốt tháng cứ như thế, thì cuộc đời vui biết bao nhiêu. Phải chăng trong cuộc sống thường ngày lắm sự vui buồn, hờn giận nên ông cha ta nghĩ ra cách ấy để cho cuộc sống vui hơn và ai kéo dài được những ngày vui ấy thì cuộc đời sẽ đẹp hơn? Sống gần trọn một vòng hoa giáp, tôi tin ý tứ của ông cha mình như thế

Mở đầu năm mới, nhiều người chọn cho mình hướng xuất hành, chọn màu sắc cho áo quần những mong trong năm gặp được sự an lành. Điều này cũng chẳng có gì sai, bởi có ai có thể biết được ngày mai của mình. Xuất hành hướng nào, màu sắc nào cho áo quần cũng chẳng tốn kém chi. Màu nào cũng chừng đó vải, chừng đó tiền công; nếu mua đồ may sẵn thì cũng chừng đó tiền nhưng nó đem lại cho mình chút bình an trong tâm hồn tại sao không làm? Người xưa chẳng từng nói: “Nhứt nhựt thanh nhàn nhứt nhựt tiên”, đó sao?

Dựa vào đâu để chọn hướng, chọn sắc màu? Tôi nghĩ, chắc người ta dựa vào Ngũ hành. Theo triết lý phương Đông, Ngũ hành luân chuyển theo một chu trình định sẵn. Và con người là vũ trụ nhỏ (nhân thân tiểu vũ trụ) trong vũ trụ lớn, nên phải luân chuyển theo chu trình ấy. Nhưng Ngũ hành cũng có tương sinh, tương khắc. Về đại thể, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy. Về Ngũ hành tương sinh này, người xưa lý giải: nước (Thủy) giúp cho cây (Mộc) xanh tươi. Cây (Mộc) tạo ra lửa (Hỏa) và khi cháy hết sẽ thành tro hoặc đất (Thổ). Trong đất (Thổ) hình thành nên [mỏ quặng] kim loại (Kim). Kim nung chảy thành dạng lỏng như nước (Thủy). Còn tương khắc thì Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy. Chuyện tương khắc này cũng được lý giải: nước (Thủy) dập tắt lửa (Hỏa). Lửa (Hỏa) nung chảy kim loại (Kim). Các khí cụ kim loại (Kim) chặt được cây (Mộc). Cây (Mộc) hút kiệt màu mỡ của đất (Thổ). Đất (Thổ) hút nước (Thủy)… Về màu sắc, thì sách xưa quy định: Hành Kim: màu trắng (phương Tây). Hành Mộc: màu xanh (phương Đông). Hành Thủy: màu đen (phương Bắc). Hành Hỏa: màu đỏ (phương Nam). Hành Thổ: màu vàng (phương Trung ương).

Bây giờ ở các lễ hội, ta thấy treo đầy cờ năm màu gọi là cờ Ngũ sắc, nhưng việc sắp xếp màu sắc dường như tùy vào sự hiểu biết của các… thợ may cờ, thậm chí nhiều lễ hội treo toàn cờ… Tứ sắc!? Rồi lễ hội nào cũng thành công tốt đẹp, bởi cờ Ngũ sắc hay Tứ sắc cũng là… cờ, cũng được “welcome” cả. Điều này giống như việc chọn hướng xuất hành, chọn sắc màu cho áo quần, miễn sao người thụ hưởng vui là tốt.

Có đi có lại mới toại lòng nhau

Những ngày giáp Tết là những ngày bận rộn. Ngoài đường phố, phần lớn trên xe đều có những gói quà bắt mắt. Nhiều người phê phán, cho đó là… quà hối lộ. Xin thưa, đó là cái tình giữa người và người sau một năm vất vả, chứ hối lộ gì hộp bánh, chai rượu? Nếu quà hối lộ thì nằm ở phong bì “nhẹ mà chất lượng” hoặc ở trong tài khoản chứ làm gì ở những gói quà đỏ đỏ xanh xanh ấy.

Tục lệ này cũng không phải bây giờ mới có. Đọc lại báo Phong hóa, số Tết 1934 (cách nay gần 80 năm), tôi thấy Tứ Ly có viết:

“Tôi biếu cho bác dăm chục cam, bác lại ghét của ngọt. Bác lại làm quà cho tôi mấy chai rượu ngọt, tôi lại chỉ uống được… nước chè. Thật là có đi có lại mới toại lòng nhau. Lại có khi món quà biếu từ nhà mình… về nhà mình.

Bà Giáp đem mứt biếu bà Tuất, bà Tuất đem đi biếu bà Quí, bà Quí lại đem biếu bà Dậu, rút cục bà Dậu lại đem biếu bà Giáp: cái vòng luẩn quẩn ấy tuy loanh quanh, song đã làm cho mấy bà được mãn nguyện”.

Mấy năm gần đây, có người đề nghị bỏ Tết cổ truyền, chọn Tết Tây phù hợp với xu thế thời đại; phê phán chuyện cầu Thần khấn Phật, chuyện quỳ gối khom lưng cùng những lời chúc... cũ rích. Tôi tưởng thời này mới có những chuyện ấy, không ngờ gần 80 năm trước cũng thế. Báo Phong hóa số Tết năm 1934 có bài lục ngôn trường thiên của Bình Nguyên, nhan đề Giảng nghĩa chữ Tết. Tôi trích vài đoạn minh họa cho vui:

Tết là gì? Là ngày vui của con nít/ Nhưng người lớn lại không vui/ Vì bị mất nhiều xu toi/ Đánh đổi câu sáo cũ rích.

Tết là gì? Là ngày Thần, Phật nhức óc/ Vì lời khấn khứa lung tung/ Của phường mê tín viễn vông/ Cầu những danh phàm lợi tục. Tết là gì? Là ngày thể thao đại hội/ Ai khéo vẽ lễ chào mừng/ Gục đầu, uốn gối, khom lưng/ Ai lạy tài, người ấy giỏi…

Tết là gì? Quốc hồn đó! Quốc túy đó!/ Bảo tồn lấy An Nam ơi!/ Vừa được ăn vừa được chơi/ Vừa sống lại đời thượng cổ.

 

Bàn mấy chuyện Tết cho vui, hy vọng mỗi người tìm cho mình cách hưởng Tết vui nhất và văn minh nhất, để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

V.G

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT