Bãi Môn- lạ kỳ đến thế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thú thực là cũng từng nhiều lần đến Phú Yên, ghé thăm đủ mọi nơi nhưng Bãi Môn lại không được nhiều người nhắc đến. Cho đến khi một số cảnh ở đây và Bãi Xép được đưa vào bộ phim “Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh” với doanh thu trên 80 tỉ và đã đoạt giải Bông sen vàng trong Liên hoan phim  2015, thì Bãi Môn được nhiều người biết đến

 Bãi Môn- lạ kỳ đến thế - 1

 Mãi đến lần thứ hai khi đi trên con đường từ Tuy Hòa đến Vũng Rô, tôi mới chạm chân đến bờ cát vùng biển Bãi Môn. Lần trước tôi chỉ đứng bên trên nhìn xuống. Bãi biển đẹp mê hồn ấy nằm dưới chân ngọn hải đăng Mũi Điện lạ và hoang sơ, thậm chí những dấu chân người bước qua cũng vội bị những cơn gió nhẹ thổi qua làm cho chúng tan vào mênh mông. 

 Dặn nhau là muốn tận hưởng vẻ đẹp của Bãi Môn thì phải đi thật sớm. Thế là chúng tôi lên đường, xe cứ chạy dọc theo con đường ven biển, mà đích cuối cùng chính là Vũng Rô, để từ Vũng Rô lại lên dốc để nhập vào Đèo Cả.  Xưa, muốn tới nơi này phải  đi theo Quốc lộ 1A hơn 20km, rồi từ đèo Cả đi xuống lại. Nay thì không cần như thế, và con đường đi hữu tình, ngay cả khi bạn dừng chân trên đường, nhìn xuống dưới cũng đã cảm nhận vẻ đẹp của Bãi Môn.

Bãi Môn- lạ kỳ đến thế - 2

 Khi đi trên đường, nhìn thấy một ngọn núi nhô ra từ mặt nước biển lên đỉnh là 100m, trên cao là ngọn hải đăng Mũi Điện hay còn gọi là Đại Lãnh xây dựng vào năm 1890 cao khoảng 26m, đêm phát sáng cho cả vùng mặt nước biển và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Ngọn hải đăng có hình trụ tròn với đường kính trung bình gần 5m, bên trong  có 108 bậc cầu thang xoắn ốc bằng gỗ để đi lên. Hải đăng Mũi Điện là một trong 8 ngọn hải đăng có có tuổi già trên 100 năm trong số 79 ngọn hải đăng ở Việt Nam. Ngọn hải đăng như con mắt trấn giữ cõi bờ trên 120 năm vẫn tồn tại như một nhân chứng cho bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Tuy nhiên, rất nhiều người ngại bước lên những bậc thang lên ngọn hải đăng Mũi Điện để khám phá ngọn hải đăng cổ, mà điểm đến chính là Bãi Môn.

Có một con đường nhựa đổ xuống bên dưới. Theo con đường nhựa cuối cùng dừng lại ở một bãi đất trống, dấu vết con đường nhựa bị sóng biển và nước lũ làm cho vỡ ra vẫn còn.

 Biển, ai lại không biết rằng nơi đó sẽ có bãi cát, có ghềnh đá và những con sóng. Nhưng dẫu không hiểu tại sao biển nơi này có tên Bãi Môn, nhưng chỉ cần nhìn thấy đã là tận hưởng.

Bãi Môn- lạ kỳ đến thế - 3

 Một con suối nhỏ chảy từ đèo Cả, len lõi bao nhiêu  nơi chảy xuyên qua. Con suối nước trong veo, uốn mình như con rắn đang bò, tí tách và tí tách đổ nước vào đại dương. Con suối cũng tạo cho lòng một cảm gíac thênh thang, phân biệt hai cõi bờ khác nhau. Bên phải, nơi dựa vào Mũi Đại Lãnh cao 100 mét kia là thảm cỏ xanh, rất xanh, xanh lan đến chân núi. Điểm xuyết trong cỏ là những loại cây dại, loài hoa dại. Cỏ cũng uốn mình theo suối cho đến tận biển. Khi đó, như tạo thêm cảnh quan, đá núi bỗng nhô ra, nước suối yên bình chảy qua cỏ giờ lại lách mình qua đá. Đá nhỏ nằm chen cùng nước, đá lớn trồi lên, trên đá có những vết hoa văn do thời gian và mưa gió tạo nên. Cũng trên cỏ ấy, đàn bò được thả kiếm ăn giống như là vết chấm phá cho thiên nhiên trở nên hoàn mỹ. Ở nơi vốn vắng bóng người qua lại, những con bò cũng trở nên dạn dĩ khi chúng tôi đi bên cạnh chúng.

Bãi Môn- lạ kỳ đến thế - 4

  Ngược lại với bên phải con suối, bên trái  lại là một không gian khác, một không gian độc đáo mà hiếm bãi biển nào có được, một không gian đẹp đến nao lòng. Nép theo con suối phía bên này có vài vạt cỏ bám sát mép nước, chúng cho thấy sự kiên cường đến lạ kỳ trong cuộc sinh tồn khắc nghiệt trong cái nóng của bãi cát khi nắng lên. Những bãi cát vàng, mịn khiến ta muốn nằm lăn trên đó khi bình minh chói lòa. Nói thêm là nơi Bãi Môn này là nơi những tia nắng đầu tiên trong ngày chạm tới, vào 4 giờ sáng. Sau đó những tia nắng mới đi cùng khắp.

 Tôi đi theo thềm cát vàng. Bên cạnh là những đụn cát. Mỗi đụn cát thay đổi bởi những cơn gió cuốn quít chạm vào. Chân đi đôi khi lún vào, lại nhón lên mà đi. Trên những đụn cát những cây rau muống biển hoặc những loại cây chịu hạn cố gắng tồn tại. Cách duy nhất của chúng là lắng nghe cái nắng ban ngày, rồi đêm xuống rướn mình nhấm nháp những giọt sương mà tồn tại. Chính vì sự tồn tại khó khăn đến thế mà cây cỏ lại tạo thành những đường hoa văn, những dáng hình vô cùng đẹp mắt, khiến người tìm đến phải ngẩn ngơ.

Bãi Môn- lạ kỳ đến thế - 5

 Bãi Môn đến nay vẫn hoang sơ, thỉnh thoảng có vài đoàn du khách ghé qua. Họ chưa kịp để lại dấu chân thì gió mùa đã lướt qua xóa đi, trả lại cho nơi này những bãi cát phẳng phiu. Cảm giác khi đến một lần là muốn trở lại, bởi cũng là biển, nhưng biển Bãi Môn lạ kỳ đến thế.

 Việt Trường

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT