Bà Huỳnh Liên Trưởng phòng Bạn đọc Báo BRVT: QUẢN LÝ HÀNG RONG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Một trong những nút thắt trong công tác quản lý đô thị ở các thành phố của nước ta là công tác quản lý hàng rong. Đặc biệt là đối với những Thành phố du lịch như TP. Vũng Tàu, hàng rong được coi như là một vấn nạn, nó gây ra không ít phiền toái cho du khách, làm ô nhiễm môi trường du lịch. Từ nhiều năm qua, bức xúc trước những lời phàn nàn của du khách về những “thói hư tật xấu” của người bán hàng rong như: chèo kéo, chặt chém, lừa đảo du khách, nhiều người lên tiếng dẹp bỏ hàng rong. Chính quyền TP. Vũng Tàu cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để hạn chế sự phát triển tự phát của hàng rong. Có lẽ trong số các vị đại biểu tham dự hội thảo hôm nay, nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện của những năm 2008 – 2009, khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị định 39 của Chính phủ, TP.Vũng Tàu lắp đặt gần 50 biển báo cấm bán hàng rong tại 5 tuyến đường và 11 khu vực, địa điểm du lịch trên địa bàn như các tuyến đường: Thùy Vân, Quang Trung – Hạ Long, Nguyễn Trãi… và các Khu Du lịch như: Thích Ca Phật Đài, Niết bàn Tịnh xá, Đình Thắng Tam, Công viên Trần Hưng Đạo, Mũi Nghinh Phong, Bạch Dinh…; Đồng thời, Thành phố cũng giao cho các Ngành chức năng và các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán hàng rong, giao UBND các phường lập sổ theo dõi, rà soát lại lực lượng bán hàng rong…

Bà Huỳnh Liên Trưởng phòng Bạn đọc Báo BRVT: QUẢN LÝ HÀNG RONG - 1

Thế nhưng, trên thực tế, cho đến nay hàng rong vẫn còn tồn tại và thậm chí có chiều hướng phát triển mạnh, nhất là vào những tháng cao điểm của mùa du lịch. Chúng ta thử đặt câu hỏi: Tại sao một hình thức buôn bán kém văn minh, lịch sự, không được chính quyền ủng hộ nhưng nó vẫn tồn tạo và phát triển? Phải chăng vì nó vẫn còn phù hợp với điều kiện thực tế, tập quán tiêu dùng và nhu cầu số đông của du khách, nhất là du khách bình dân?

Có dịp đi du lịch ở các nước trên thế giới, đặc biệt là ác nước lân cận như: Thái Lan, Philippines, campuchia, Singapore, Malaysia hẳn quý vị sẽ thấy tại các Khu Du lịch đều có người bán hàng rong. Tại Kuala Lumpur (Malaysia) có đến 35.000 người bán hàng rong và Metro Manila (Vùng đô thị đông dân nhất ở Philippin) con số này lên đến 52.000 người. Còn ở Thái Lan tại khu trung tâm thủ đô Bangkok dọc hai bên “con đường du lịch” Sukhumvit là những sạp hàng của những người buôn bán nhỏ được phép bày ra sát mép vỉa hè. Thậm chí, ngay trước một nơi tôn nghiêm như cung điện Hoàng gia vẫn có hàng trăm người bán đồ lưu niệm dưới sự giám sát trật tự của cảnh sát du lịch. Với những người bán những mặt hàng ăn uống, được cấp giấy phép hoạt động sau khi được tập huấn về các kỹ năng nấu ăn, vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Với việc thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của người bán hàng rong và việc quy hoạch các điểm ổn định dành riêng cho các đối tượng này, các vỉa hè ở Bangkok đã trở thành nơi kiếm sống của hơn nửa triệu người, tạo ra một mạng lưới phân phối dịch vụ rẻ tiền, tiện lợi không chỉ cho người dân, mà còn cho cả hàng triệu du khách.

Có thể còn nhiều chuyện chưa hài lòng, nhưng phải thấy các thành phố đó khác chúng ta ở chỗ, trước hết họ thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của người bán hàng rong và tiến hành quy hoạch một cách khá bài bản, bởi họ coi chuyện bán hàng rong là chuyện của “phát triển” chứ không phải là chuyện “xóa bỏ”.

Chẳng hạn như năm 1971, chính phủ Singapore bắt đầu xây dựng chương trình quốc gia nhằm mục đích xây dựng cấc điểm ổn định dành riêng cho những người bán hàng rong. Đến măn 1988, quốc gia này đã có hơn 23.300 người bán hàng rong hoạt động trong 184 khu vực được quy hoạch, trong đó có 18.878 người đã được tham gia việc bán thực phẩm nấu chín và con số này hiện nay là gần 50.000 người. Các điểm kinh doanh dành cho người bán hàng rong được cung cấp nước sạch, gas, điện đến tận xe hay quầy bán hàng. Họ được cung cấp các thiết bị miễn phí cho việc nấu nướng và bán hàng như xe đẩy, bình gas, bàn ăn, ghế ngồi, mái che, dụng cụ cơ bản nấu nướng… những người này được cấp giấy phép hoạt động nghề nghiệp, sau khi được tập huấn về các kỹ năng như nấu ăn, vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng, giao tiếp. Những người bán hàng rong phải sinh hoạt trong các nghiệp đoàn, khám sức khỏe định kỳ. Những điểm tập kết người bán hàng rong là một phần hấp dẫn thu hút khách du lịch, là nguồn thu ngoại tệ của Ngành Du lịch nước họ đồng thời là nơi quảng bá văn hóa ẩm thực địa phương, cung cấp thức ăn cho người có thu nhập thấp vì giá luôn rẻ và tươi sống, mang lại nguồn thu thuế đáng kể cho ngân sách nhà nước và cũng là nơi giải quyết thất nghiệp tạm thời, có những lúc cao điểm đã thu hút 13.000 sinh viên ra trường chưa có việc làm vào làm dịch vụ này.

Còn ở ta, cho đến nay hầu hết các thành phố vẫn trong tư thế chối bỏ và xóa bỏ hàng rong nên việc cấm đoán, tịch thu, đuổi bắt vẫn diễn ra hằng ngày. Điều này vừa gây hình ảnh phản cảm, vừa gây khó khăn cho một bộ phận người nghèo (ở đây bao gồm cả người bán hàng và người mua hàng). Tại sao một hình thức hoạt động thương mại còn phù hợp với nhu cầu thực tế mà chúng ta lại tìm cách cấm đoán?. Theo quan điểm của cá nhân tôi, trước hết cần nhìn nhận sự tồn tại của hàng rong, chỉ ít là trong thời điểm hiện nay khi nhu cầu của một bộ phận không nhỏ du khách còn cần đến hàng rong.

Mỗi quốc gia có một điều kiện kinh tế, một môi trường du lịch, môi trường văn hóa khác nhau. Nếu như chúng ta đem áp đặt mô hình quản lý hàng rong của một nước phát triển như Singapore vào điều kiện thực tế ở các đô thị ở nước ta thì e rằng sẽ tạo nên sự khập khiễng. Vì vậy, những mô hình quản lý hàng rong ở các nước lân cận mà tôi vừa đề cập chỉ là những hình ảnh đẹp để chúng ta tham khảo. Cái mà tôi muốn nói ở dây là dù áp dụng bất kỳ hình thức quản lý nào thì trước hết chính quyền phải chấp nhận sự tôn tại của hàng rong và xác định “sống chung” với nó. Trên cơ sở thừa nhận sự tồn tại của hàng rong, các địa phương mới tìm ra được giải pháp quản lý phù hợp chứ không tìm ra cách cấm đoán như hiện nay. Tôi cho rằng, “Sống chung với hàng rong” là giải pháp tốt nhất mà các đô thị nên lựa chọn nhằm mục đích vừa hạn chế những “thói hư tật xấu” của hàng rong, vừa phát huy những giá trị văn hóa của nó phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch.

Để quản lý bất kỳ một loại hình hoạt động kinh doanh nào cũng cần có những giải pháp đồng bộ và được triển khai một cách bài bản. Sau đây tôi xin phép được trình bày sơ bộ một mô hình quản lý hàng rong mà TP. Vũng Tàu cũng đã từng làm nhưng chưa đạt hiệu quả do chưa triển khai đồng bộ và chưa quyết tâm làm tới nơi tới chốn.

1. Trước hết, UBND TP.Vũng Tàu giao cho các phường tiến hành khảo sát, đánh giá lại hoạt động buôn bán hàng rong trên địa bàn từng phường.

2. Bắt buộc tất cả các hộ buôn bán hàng rong tiến hành đăng ký, phát cho mỗi người một quyển sổ theo dõi giao UBND phường và Đội Trật tự đô thị TP. Vũng Tàu quản lý.

3. Thành lập các tổ tự quản của những người buôn bán hàng rong, mỗi tổ bầu ra tổ trưởng, tổ phó. Thành lập một tổ chức chuyên quản lý hàng rong của phường, tổ chức này có thể bao gồm các thành phần như Đại diện Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ, Dân quân tự vệ.

4. Soạn thảo quy chế buôn bán rong và bản cam kết thực hiện theo quy chế, yêu cầu tất cả các hộ đã đăng ký buôn bán hàng rong phải ký vào bản cam kết này.

5. Tổ chức họp các hộ bán hàng rong để tuyên truyền cho họ hiểu rõ chủ trương lập lại trật tự kinh doanh hàng rong của thành phố, các quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và văn hóa trong kinh doanh.

6. Quy hoạch các khu vực được phép buôn bán hàng rong. Lưu ý các khu vực này phải gần những điểm du lịch nhưng không được xâm hại vào hành lang các khu di tích, danh lam thắng cảnh. Người có sổ đăng ký phải bán đúng nơi quy định, chấp hành nghiêm những quy định đề ra trong quy chế.

7. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, tổ chức quản lý hàng rong phải tổ chức họp những người bán hàng rong để tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về buôn bán hàng rong.

8. Đội trật tự đô thị, Công an phường, tổ chức quản lý hàng rong phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm quy chế buôn bán hàng rong. Nếu trường hợp nào tái phạm nhiều lần thì có thể thu sổ đăng ký, tịch thu phương tiện và cấm buôn bán hàng rong.

9. Vận động các tổ tự quản tổ chức nhiều hình thức thi đua, xây dựng tổ tiết kiệm, quỹ tương trợ nhằm tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa những người bán hàng rong với nhau. Vận động các thành viên cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, tố giác tội phạm hoạc các hành vi xâm hại đến môi trường du lịch như: chặt chém, lừa đảo du khách, phá hoại cảnh quan môi trường…

10. Hỗ trợ các thành viên ưu tú trong tổ tự quản chấp hành tốt quy định, bằng cách cho vay vốn tạo cơ hội việc làm, miễn giảm học phí… hoặc các hình thức hỗ trợ xã hội khác nếu có. Việc này nhằm động viên, khuyến khích tinh thần người bán hàng rong phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực, biến tướng của hàng rong.

Sau cùng để làm được tất cả các việc trên, Thành phố phải tiến hành xây dựng một đồ án về “Quản lý hoạt động buôn bán hàng rong” trình UBND tỉnh và một số Sở, Ngành chức năng. Sở dĩ phải có một đề án cụ thể bởi vì, chính quyền địa phương không thể đơn thân độc mã mà có thể làm được tất cả các bước từ quy hoạch đến quản lý hàng rong, mà cần phải có sựu hỗ trợ của các Ngành chức năng của tỉnh như: ngành Công thương, ngành Văn hóa, Du lịch, Y tế, môi trường… Bên cạnh đó, kinh phí cũng là yếu tố hết sức quan trọng, nếu không có một đề án thì sẽ không có nguồn chi ngân sách phục vụ cho các hoạt động quản lý sau này vì việc quy hoạch quản lý hàng rong không thể thực hiện như một phong trào mà phải là công việc thường và lâu dài.

Buôn bán hàng rong là một hoạt động kinh doanh thương mại tự phát, tồn tại và phát triển ở bất kỳ đô thị nào của nước ta. Từ trước đến nay, do chưa có giải pháp quản lý hữu hiện nên việc buôn bán hàng rong đã gây không ít phiền nhiễu, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch, trật tự, mỹ quan, văn hóa, văn minh đô thị. Thế nhưng, buôn bán hàng rong lại là phương tiện kiếm sống của một bộ phận không nhỏ người dân ở các đô thị. Vì vây, trong điều kiện hiện nay, khi nhà nước chưa thể bảo đảm được công ăn, việc làm cho tất cả mọi người dân thì việc cấm buôn bán hàng rong là điều không thể. Giải pháp tốt nhất hiện nay đối với các thành phố, trong đó có TP. Vũng Tàu là tìm cách quản lý những người buôn bán hàng rong theo một nề nếp, trật tự hơn là rượt đuổi chỗ này, họ chạy chỗ kia chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”. Quản lý hàng rong là việc hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi nhiều nước đã làm rất tốt và họ đã tạo ra được nét văn hóa trong buôn bán hàng rong, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Mong rằng, với sự nổ lực của của các cấp chính quyền cùng ngành du lịch, TP.Vũng tàu sẽ là đô thị du lịch đầu tiên của Việt Nam có mô hình quản lý hàng rong tốt nhất để các đô thị khác học hỏi.

Cuối cùng, trước khi dứt lời tôi xin một lần nữa kinh chúc sức khỏe toàn thể quý vị đại biểu. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

                                                                                                                           HL

Ảnh: Minh Hiếu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT