ẤN TƯỢNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG BÀ RỊA VŨNG TÀU - 2014

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tinh Bà Rịa-Vũng Tàu (BRVT) có nhiều loại Lễ hội bên cạnh những Lễ hội truyền thống còn có những Lễ hội gắn liền với các sự kiện lịch sử, cách mạng văn hóa; quảng bá du lịch; … Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của địa phương. Các Lễ hội đều có bản sắc riêng của mỗi vùng, miền cuốn hút được du khách và dân địa phương về với Lễ hội

ẤN TƯỢNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG BÀ RỊA VŨNG TÀU - 2014 - 1

Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là Lễ hội dân gian tiêu biểu chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa miền biển, được tổ chức long trọng vào các ngày 16, 17, 18 tháng 8 (âm lịch) hàng năm tại Đình Thần Thắng Tam - Vũng Tàu, đây là nơi thờ Cá Ông, với danh hiệu “Nam Hải Đại tướng quân” do vua Thiệu Trị ban tặng, Đình Thần Thắng Tam được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng “Khu Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia” năm 1991. Trong Lăng Ông Đình thần Thắng Tam còn lưu giữ nhiều bộ xương cá Ông, bộ xương sớm nhất được đưa vào lăng năm 1868, khi cá Ông dạt tới bãi biển Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu, bộ xương này nặng khoảng 4 tấn và có chiều dài khoảng 30 mét Lăng Ông còn giữ được hai sắc thần được phong vào năm 1846 và 1850 dưới triều Tự Ðức. Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu là một trong những Lễ hội được Bộ Văn hoá Thông tin và Tổng cục Du lịch chọn là 1 trong 15 Lễ hội lớn của cả nước từ năm 2000.
Lễ hội không những giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc thông qua những hoạt động mang đậm tính chất vùng biển địa phương, mà còn được phát huy để trở thành một sự kiện văn hóa - du lịch lớn của tỉnh và cả nước. Đặc trưng Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu vừa có nét chung của Lễ hội dân gian Nam bộ, vừa có nét riêng của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Bởi trong suốt các quá trình lịch sử, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn là vùng giao thoa, chuyển tải và ngưng tụ của quá trình hình thành, giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa Nam Trung bộ và Nam bộ. Lễ hội Nghinh Ông là một hoạt động văn hóa dân gian thường niên, ngoài những giá trị như bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương, Lễ hội còn góp phần quảng bá, nâng tầm thương hiệu du lịch tỉnh, có giá trị như một bức thông điệp gửi đến bạn bè và du khách gần xa về TP.Vũng Tàu văn minh, thân thiện nhưng cũng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân gian.
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là một trong những lễ tục đã đi vào đời sống tâm linh lẫn đời sống văn hóa của người dân miền biển, giữ được các nghi lễ truyền thống, hoạt động chính của Lễ hội là Lễ Nghinh Ông, Lễ cầu ngư, Hội hoa đăng... gắn quyện với phần hội là các trò chơi dân gian, như đấu võ, múa lân, diễn tuồng, các loại hình nghệ thuật dân gian như Hát Bả chạo, múa lân sư rồng, Hát Bội, Tuồng cổ...


Lễ hội Nghinh Cô (Lệ Cô)
Lễ hội nghinh Cô được tổ chức hàng năm để ghi nhớ công lao của vị Nữ Thần “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”. Lễ hội được tổ chức rất long trọng theo nghi thức cổ truyền trong suốt 3 ngày đêm từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 02 âm lịch hÀng năm tại Dinh Cô, nằm bên bờ biển Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Lễ hội gắn liền với những truyền thuyết dân gian, cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái an dân và Nghinh Cô ngoài biển với thuyền hoa lộng lẫy Nét độc đáo của Lễ hội Nghinh Cô Long Hải chính là sự hội tụ, ngưng đọng của nhiều dòng, nhiều nét đẹp văn hóa và hương vị riêng của mọi miền. Nét đẹp cơ bản trong Lễ hội truyền thống người Việt được xây dựng bằng tín ngưỡng, niềm tin người dân qua thời gian, năm tháng thì Lễ hội Nghinh Cô của ngư dân vùng biển Long Hải là đặc trưng nhất, có số người tham dự nhiều nhất trong các Lễ hội ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Đặc biệt, trong lễ hội Nghinh Cô, còn duy trì được hình thức diễn xướng Hát Bả trạo và lễ phóng sinh. Sự tôn kính dành cho Cô đã trở thành tập quán của người dân vùng biển Long Hải trong đó ẩn chứa khát vọng niềm tin về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng.
Trong những ngày diễn ra Lễ hội Nghinh Cô có tổ chức múa lân sư rồng, múa bông (mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc) và các trò chơi dân gian khác như thi bắt cá, bắt lươn và các môn thi đua thuyền, đua thúng... Các trò chơi dân gian, đặc biệt môn đua thuyền, đua thúng thường thu hút đông đảo thanh niên ngư dân địa phương tham gia. đây là một trò chơi thu hút rất nhiều người cổ vũ nên thường diễn ra rất hào hứng và sôi nổi, làm cho Lễ hội thêm phần náo nhiệt và hấp dẫn.


Lễ hội Trùng Cửu
Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức vào đêm mùng 08 và ngày 09 tháng 09 (âm lịch) hàng năm tại Nhà Lớn Long Sơn (Thôn 10 - xã Long Sơn - TP.Vũng Tàu). Đây là lễ cầu an, cầu cho vạn dân bá tánh được mạnh khỏe, an lành, hạnh phúc. Lễ hội diễn ra vào đêm mùng 8 tháng 9 gọi là Lễ Tiên Thường kỉnh mặn (cúng mặn) và ngày mùng 9 tháng 9 gọi là Chánh giỗ kỉnh chay (cúng chay). Lễ hội không tổ chức linh đình, không rực rỡ cờ hoa, không rộn rã chiêng trống như nhiều Lễ hội khác, Lễ hội được tổ chức chu đáo, thể hiện đậm nét văn hóa của Đạo Ông Trần chủ yếu là đi dâng hương, cầu nguyện cầu và tưởng nhớ đến công đức của Ông Trần.Vào những ngày này hàng vạn du khách thập phương hội tụ về đây, đặc biệt là người ở các tỉnh Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ. Du khách đến đây có thể tìm thấy những điều mới lạ mà người dân nơi đây đã tạo ra theo ý muốn và ước vọng của họ.


Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành được tổ chức hàng năm vào các ngày 16, 17, 18 tháng 10 (Âm lịch) hàng năm tại Miếu Bà Ngũ Hành, thành phố Vũng Tàu. Lễ hội được tổ chức với những nghi thức tế lễ trang nghiêm nghinh thỉnh Bà Thủy Long Thần Nữ tại miếu Hòn Bà (mũi Nghinh Phong - Bãi Sau) rước Bà từ miếu Hòn Bà vào Miễu Bà Ngũ Hành (Đình Thắng Tam) cúng lễ. Vào các ngày Lễ, đã thu hút hàng ngàn du khách thập phương và người dân địa phương hội tụ về hành hương, phụng cúng rất đông vui nhộn nhịp. Đến đây người dân cầu mong sự bình yên may mắn. Ngoài các nghi lễ còn có các chương trình múa Kỳ Lân, Sư tử, phụ diễn ca nhạc, Lễ xây chầu đại bội và diễn tuồng cổ (hát bội) phục vụ du khách và người dân địa phương trong suốt quá trình diễn ra Lễ hội.


Lễ giỗ Đức Thánh Trần
Lễ giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức cổ truyền vào ngày 20 tháng 8 (âm Lịch) hàng năm, tại Hội đền thờ Đức Thánh Trần (số 68 Hạ Long, Phường 2, Thành phố Vũng Tàu). Lễ giỗ là dịp để nhân dân tưởng nhớ công ơn vị tướng tài ba của dân tộc, ba lần đánh bại quân Nguyên Mông vào cuối thế kỷ XIII đem lại thái bình cho đất nước. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ đời này sang đời khác tại nhiều địa phương trên cả nước. Hàng vạn lượt khách thập phương và người dân địa phương dự lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc. Đây được xem là nét đẹp văn hoá tâm linh của ngừơi dân địa phương.


Lễ hội bắn súng Thần công
Lễ hội bắn súng thần công của tỉnh BR-VT là nét độc đáo riêng, tiếng súng Thần công đó là oai linh sông núi của quân dân Nhà Nguyễn gắn liền với pháo đài Phước Thắng (nay là Di tích lịch sử Bạch Dinh), đã đứng lên chống lại quân xâm lược Pháp và Bồ Đào Nha, Lễ hội bắn súng Thần công được tổ chức vào những dịp Khai hội đầu năm và các sự kiện lịch sử Cách mạng của Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

ẤN TƯỢNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG BÀ RỊA VŨNG TÀU - 2014 - 2

Khai hội Văn hóa, Du lịch
Chương trình Khai hội Văn hóa, Du lịch là hoạt động Lễ hội thường niên, được diễn ra suốt 10 ngày (từ mùng 1 đến mùng 10 Tết Nguyên đán) hàng năm trên khắp các địa phương trong Tỉnh. với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, ẩm thực, hoạt động vui chơi truyền thống sôi nổi hấp dẫn. Lễ chính được tổ chức vào ngày mùng 8 Tết là một trong các sự kiện quan trọng hàng năm của tỉnh BR-VT được nhân dân và du khách hưởng ứng và tham dự đông nhất, với các tiết mục văn hóa, nghệ thuật, sân khấu hóa và đặc biệt là nghi thức bắn súng thần công vang dội. Lễ Khai hội Văn hóa, Du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa của một vùng biển, vùng đất trẻ đã có hơn 300 năm đấu tranh và xây dựng.

Trùng Dương

ẤN TƯỢNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG BÀ RỊA VŨNG TÀU - 2014 - 3

ẤN TƯỢNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG BÀ RỊA VŨNG TÀU - 2014 - 4

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT