Tại nhà khách của Bộ Quốc phòng ở TP.HCM một sáng đầu tháng 5/2024, khi thấy hình dáng người phụ nữ nhỏ nhắn, mặc bộ quân phục màu xanh oliu trên có gắn huân huy chương, gương mặt hiền từ bình lặng, bước vào, gần như tất cả ánh mắt ngưỡng mộ, trìu mến, thân thương của mọi người dồn vào bà - “cô dâu Điện Biên”, người đẹp Điện Biên Phủ năm xưa. 94 tuổi, nhưng Đại tá GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản vẫn giữ nét đẹp của một “công nương” Hoàng tộc triều Huế, trí óc minh mẫn, kể chuyện rất mạch lạc.

Cách đó hơn một tháng, không quản quãng đường xa vạn dặm, không quản tuổi 94 chân đã yếu mắt đã mờ, bà đã về nơi lưu dấu một thời sống và chết, sinh và tử trong gang tấc, để phục dựng hồi sinh ký ức đám cưới “lên xe tăng về nhà chồng” của mình với người chồng tướng quân thân thương.

Đại tá GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản là con gái của quan Thượng thư Tôn Thất Đàn (1871 - 1936). Cụ Đàn có 7 người con: GS.BS Tôn Thất Lang; Tôn Thất Long (liệt sĩ); Tôn Nữ Ngọc Trai - nhà văn, nguyên Phó TBT Báo Văn Nghệ; Tôn Nữ Thị Cung - vợ của GS.BS Đặng Văn Ngữ; Tôn Nữ Ngọc Toản (Nguyễn Thị Ngọc Toản).

Năm 1950, gia đình cụ Tôn Thất Đàn theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Huế được tổ chức đưa lên Việt Bắc, trong đó có Tôn Nữ Ngọc Toản, cô nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) 15 tuổi. Vào chiến khu, bà đi theo người anh rể là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, học ngành y. Năm 1953, khi đang là sinh viên y khoa trường Y Việt Bắc, được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được phân công nhiệm vụ ở Đội diều trị 2.

Có rất nhiều kỷ niệm gian khó của đội quân y dã chiến thời ấy, không chỉ thiếu thốn thuốc men dụng cụ y tế trăm bề, mà còn phải khắc phục thời tiết mưa lạnh của miền rừng núi. Bà kể, có lần phụ mổ bác sĩ Tôn Thất Tùng, chân dẫm trong bùn lầy, rồi con vắt bu đầy cắn hút ngứa đau, vẫn phải trân mình chịu, để đưa dụng cụ, đưa bông gạc,… xong ca mổ thì hai chân mình cũng sưng tấy, đỏ bầm chi chít vết cắn của vắt. Rồi, giữa những ca mổ, được vài phút nghỉ, thì đứng ngủ ngay trong căn hầm sũng bùn nước…

Đại tá GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản trong buổi gặp mặt ở TP.HCM vào tháng 5/2024.

Tháng 3/1954, khi chiến dịch vào hồi “đỉnh”, mặt trận lập trạm quân y tiền phương sát ngay chiến địa gọi là T59, đó cũng là những ngày trên đầu thì máy bay Pháp quần thảo, pháo sáng rực trời đêm, thương binh đưa về nằm la liệt, gần như làm việc không phải ngày 24 giờ, mà một ngày là 36-48 giờ không nghỉ, ngay cả ăn cũng vội vàng chút cơm vắt cá khô, thậm chí còn nhường suất ăn cho thương binh.

Và kỷ niệm nhiệm vụ chiến trận sau cùng của bà, làm phiên dịch và giải thích chính sách khoan hồng của Việt Minh cho một nữ tù binh Pháp duy nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ - cô y tá Genevière de Gallard, được lính Pháp gọi là “bông hồng Điện Biên Phủ”. Sau đó cô ý tá đã được thả tự do về nước, trở thành một nhân vật nổi tiếng. Năm 1994, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Gallard đã viết hồi ký về việc bị bắt năm 1954 và đã gửi tặng GS Ngọc Toản cuốn sách này.

Trung tướng Cao Văn Khánh xuất thân trong một gia đình nhà nho ở Huế. Ông học tú tài và tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Học xong Trường Luật, ông về dạy trung học tư thục Lyceum Việt Anh. Sau đó, ông bỏ ra dạy ở Trường tư thục Hồng Đức cùng ông Hữu Ngọc. Rồi tham gia phong trào hướng đạo ở Huế và đi theo Việt Minh tham gia kháng chiến. Tâm nguyện của ông ngày ấy “Tôi chỉ muốn là công dân tốt, Tổ quốc cần thì đi đánh giặc, xong lại về dạy học, thế là mãn nguyện rồi”.

Ảnh trước, từ trái qua: Cao Văn Khánh - Đại đoàn phó Đại đoàn 308, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Bằng Giang- Khu trưởng Liên Khu 10. Ảnh chụp năm 1949. Ảnh sau: Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Đại đoàn phó Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong thiện chiến lẫy lừng, đã lập nhiều chiến công vang đội trong các chiến dịch lớn như Sông Thao, Lê Hồng Phong, Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Quang Trung, Tây Bắc, Thượng Lào, Phố Lu, Tu Vũ, Vĩnh Yên,...

Trong Chiến dịch Biên giới, Đại đoàn 308, trong cùng ngày đã lập chiến công lẫy lừng diệt cả hai binh đoàn Le Page và Charton - lực lượng tiến công lớn của Pháp ở Đông Dương và bắt sống Charton, làm cả nước Pháp thời đó choáng váng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 của ông đã đánh trận đồi Độc Lập, đồi A1, bao vây Mường Thanh, góp phần trong việc đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ. Đánh thắng thực dân Pháp, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh tiếp tục giữ nhiều trọng trách trong quân đội. Ông tham gia chỉ huy nhiều trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ. Chức vụ cao nhất của ông là Trung tướng Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông mất năm 1980 khi đang tham gia cuộc chiến thứ ba và thứ tư trong cuộc đời binh nghiệp của mình, bảo vệ biên giới Tổ quốc phía Tây Nam và phía Bắc.

Trong ký ức của những chiến sĩ Điện Biên Phủ, nhất là với các sĩ quan cấp cao, sau chiến thắng 7/5/1954, có một đám cưới “độc lạ” và cũng đầy lãng mạn được diễn ra trong hầm Tướng Pháp De Castries vào ngày 22/5/1954 giữa Đại đoàn phó Đại đoàn Quân Tiên phong 308 Cao Văn Khánh với cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản, sinh viên y khoa năm thứ hai, chiến sĩ quân y công tác ở Đội Điều trị số 2, chiến trường Điện Biên Phủ.

Cô dâu Điện Biên” là tên gọi thân thương vẫn được nhiều người nhắc về đám cưới này mỗi lần kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Có người ví von, tình yêu của họ trong chiến trận và đám cưới sau ngày chiến thắng làm cho hoa ban Điện Biên thêm phần rực rỡ cả núi rừng.

“Tình sử” của Đại đoàn phó Cao Văn Khánh và cô sinh viên y Ngọc Toản có thể nói đẹp như một thiên tình sử diễm lệ trong bối cảnh chiến trận khốc liệt, sinh - tử cận kề, giữa trai anh hùng gái anh thư, giữa tình đồng hương tình đồng chí cùng chung chiến hào.

Tướng Cao Văn Khánh và Đại tá GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản. Ảnh chụp năm 1955.

Bà Ngọc Toản, dù tuổi 94, nói năng có chút khó khăn, vẫn nhớ những kỷ niệm tình yêu của mình như khắc cốt ghi tâm. Ngày đó, bà và Tướng Cao Văn Khánh gặp nhau lần đầu tiên năm 1951. Vì mải đánh trận mà ông đã 34 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Trong một lần, Tướng Lê Quang Đạo cho vị Đại đoàn phó xem bức ảnh chụp ba cô gái, và chỉ vào người trẻ nhất, nói cô này là em vợ của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, đang là sinh viên y Việt Bắc. Chỉ ngay cái nhìn đầu tiên qua ảnh, ông Khánh “phải lòng”, ông đi xe đạp cả nửa ngày từ Thái Nguyên tới trường y khoa ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Và khi gặp rồi, trái tim vị tướng trăm trận trăm thắng đã đập những nhịp không bình thường.

Sau đó thì đồng đội hết sức vun vào. Đích thân Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ trực tiếp đến gặp mẹ bà để xin phép cho ông Khánh được làm quen với Ngọc Toản. Còn bà, khi gặp ông, cũng rung lên những cảm xúc thuần khiết, cùng có những tần số giao cảm đồng điệu. Bà và ông cùng giao ước, sẽ thư từ qua lại nuôi tình cảm, để hiểu nhau nhiều hơn, và đợi chiến thắng thì sẽ về chiến khu xin phép gia đình làm lễ cưới.

Vợ chồng tướng Cao Văn Khánh (bìa phải) cùng đồng đội và người thân chụp năm 1975 tại Đà Nẵng.

Những lá thư từ chiến hào được viết giữa quãng nghỉ của chiến trận, đã nhen nhóm dần ngọn lửa tình yêu của hai người ngày càng nồng đượm. Và khi cả hai cùng có mặt ở chiến trận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thì tình yêu của họ chính là động lực để vượt qua những lằn ranh sinh tử, để vững niềm tin chiến thắng, để được bên nhau “được ghen, được hờn, được thương, được giận, để thành chồng thành vợ và để được hôn con”.

Sau ngày chiến thắng 7/5/1954, cả hai ông bà, mỗi người một đơn vị khác nhau, nhiệm vụ khác nhau, nên ý định về chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới không thành. Lúc đó ông Trần Lương, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Chủ nhiệm chính trị mặt trận (tức tướng Trần Nam Trung, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam), bèn “lập mưu” đưa Ngọc Toản ra Mường Thanh gặp người yêu sau nhiều năm xa cách.

Bà Ngọc Toản nhớ lại: Lúc đó ông Trần Lương gửi thư, thông báo đúng ngày 18/5 phải có mặt ở mặt trận nhận nhiệm vụ mới. Vâng! Quân lệnh mà, 5 giờ chiều 17/5, tôi rời Bản Tấu ở cây số 62, nơi Đội điều trị 2 đóng quân, theo anh liên lạc đi suốt đêm, đến Mường Thanh vào 2 giờ sáng. Và rồi tôi đã nhìn thấy căn hầm Tướng De Castries, lúc đó trăng mờ, trên nóc hầm có che dù, lá cờ chiến thắng vẫn bay trong gió lộng. Anh Khánh đang nằm ngủ trên chiếc giường vải đặt trên nóc hầm, nghe lao xao, giật mình choàng dậy, và không tin vào mắt mình, người yêu Ngọc Toản đang đứng bên, bằng xương bằng thịt.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản thăm lại "lễ đường" xưa tại Điên Biên Phủ.

Và giữa cảnh chiến trường vẫn còn ngổn ngang, vương đầy mùi chiến trận, ông kéo bà ngôi xuống và không kìm lòng được, ôm ghì lấy bà, miệng lắp bắp: “Ôi em đây rồi, không phải anh mơ chứ, anh có em thật rồi, hạnh phúc quá”.

Ngày 19/5, ông Trần Lương lại nói còn một nhiệm vụ nữa phải hoàn thành, và ông quyết: “Ta nên tổ chức cưới ngay tại đây, không đợi về hậu phương nữa, tôi sẽ đứng làm chủ hôn cho”. Rồi ông định ngày đám cưới là 22/5. Và một đám cưới ngay chiến địa chưa tan mùi thuốc súng, xe tăng, súng, pháo còn ngổn ngang.

Hầm Tướng De Castries trở thành phòng tiệc cưới. Vải dù đủ màu được chăng lên, trên có dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, khoảng 40 khách đàng trai là Đại đoàn 308, đàng gái là là bên quân y. Trong ánh đèn măng-sông, chú rể vẫn bộ quần áo chiến binh còn vương mùi thuốc súng, cô dâu chải lại mái tóc cho gọn gàng, mặc chiếc áo sơ mi, rồi cả hai nắm tay nhau bước vào phòng cưới. Ông Trần Lương làm chủ hôn, tuyên bố hai người hôn nhau trước mặt mọi người để thừa nhận là vợ chồng. Chú rể góp vui bài hát “Bộ đội về làng”, cô dâu hát “Em bé Mường La”. Ai cũng chúc phúc cho “cô dâu Điện Biên”.

Sau đó cô dâu chú rể chụp một bức ảnh cưới trên chiếc xe tăng chiến lợi phẩm còn để ở sân bay Mường Thanh. Đó là tấm ảnh 2x3 nhỏ xíu duy nhất còn lưu giữ đến bây giờ, hình hai vợ chồng đứng trên tháp pháo xe tăng, cùng nhau hướng mắt nhìn về phía đồi A1.

Sau đám cưới của hai ông bà Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản, thì có thêm mấy đám cưới của các đôi yêu nhau trước và sau chiến dịch: đám cưới của Trưởng phòng Tuyên huấn Mặt trận Hoàng Xuân Tùy với cô văn công Tổng cục Chính trị Song Ninh; đám cưới của bác sĩ  Vũ Trọng Kính, đội trưởng đội điều trị Quyết Thắng với nữ y sĩ Bích Hoàn.

Nói về tình yêu với Tướng Cao Văn Khánh, bà Ngọc Toản rưng rưng: “Tôi may mắn gặp và yêu đúng người. Tình yêu đó làm chúng tôi trưởng thành, vững vàng hơn trong chiến tranh và gian khổ. Tình yêu thời chiến là vậy, có thể ngày mai ngã xuống nhưng hôm nay vẫn sống và yêu hết mình”.

Và hình ảnh “lên xe tăng về nhà chồng” cho đến 70 năm sau vẫn truyền cảm hứng đầy chất thơ, chất lãng mạn kiêu hùng cho thế hệ trẻ hôm nay như một hình ảnh đẹp của thanh xuân cùng tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Ba, ngày 07/05/2024 16:20 PM (GMT+7)

Hoài Hương