Sự ra đời của thành ngữ CÔNG TỬ BẠC LIÊU (Kỳ III)
...Hơn nữa, lúc bấy giờ có những điền Tây áp dụng “cơ chế” thoáng hơn một chút, nên điền chủ rất sợ tá điền của mình bỏ qua làm ruộng ở các điền Tây. Dù giàu sang, nhân đức cỡ nào, ông Trạch cũng phải thực hiện phương cách của giai cấp cường hào địa chủ lúc bấy giờ là bóc lột tá điền đến tận xương tận tủy. Những tá điền của ông ở Bàu Sàng, Hào Xén bây giờ còn sống đã kể rằng, thời đó, 2-3 giờ đêm, họ đã nghe kèn hiệu lệnh gọi tá điền ra đồng phát ra từ nhà lầu. Sau tiếng kèn là bọn tằng khạo đạp xe theo những xóm làng đìu hiu, tăm tối để xem nhà nào không đốt đèn ra đồng thì sẽ ghi sổ và trừ vào lương
Và cũng giống như các địa chủ khác, ngoài việc phát canh thu tô, Trần Trinh Trạch còn cho vay. Hồi mới dựng nghiệp (thuở còn làm thầy ký tó), được sự giúp đỡ của quan tham biện (bởi ông Trạch là thân tín của quan chủ tỉnh), ông Trạch lên Sài Gòn vay tiền trong giới xã tri của người Ấn với lãi suất thấp, đem về Bạc Liêu cho bọn trung nông hoặc phú nông gặp khó khăn vay với lãi suất cao hơn. Ai không chịu trả thì thêm chút tiền mặt rồi bắt họ ký bán đất, bán nhà cho ông. Còn tá điền thì ông Trạch cho vay lời 3 phân bằng cách tính như sau: Nếu vay 100 đồng, cuối năm phải trả 136 đồng. Ai không trả nổi phải làm giấy nợ khác xem như thiếu 184 đồng. Cứ như vậy mà tính, 10 năm sau, 100 đồng nợ đầu tiên ấy sẽ thành 2.164 đồng. Ông Trạch rất thâm, tá điền trắng tay ở nơi khác đến sẽ được ông giúp đỡ, cho vay 20 giạ lúa và 5-7 đồng để làm vốn ban đầu, để rồi sau đó trở thành con nợ của ông, khiến các tá điền của ông cuối mùa gặt chỉ còn lại 20% lượng lúa thu nhập cả mùa.
Đời sống của nhân dân trong điền ông Hội thật là cơ cực. Đó là xóm làng thưa thớt, đìu hiu. Nhà là mái lá nhỏ xíu, chỉ cần co chân đạp một cái là đổ lăn kềnh. Chính vì vậy mà người đương thời gọi là “nhà đá nhà đạp”. Xung quanh nhà không có một cây ăn trái lâu năm. Nông dân làm ruộng chỉ đủ ăn qua cái Tết, đến mùa giáp hạt phải đi vay, đi hỏi chủ đất và nợ nần lại quấn lấy đời họ thành một vòng luẩn quẩn nghèo khó ắp lẫm. Có gia đình phải đem con ở đợ cho chủ đất 5-10 năm trời mà không trừ hết nợ. Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn đổ xuống đầu những tá điền có vợ đẹp con xinh vì bọn tằng khạo, chủ đất làm nhục. Họ nghèo đến cỡ không có mùng ngủ.
Nhà văn Sơn Nam đã mô tả cảnh ăn ngủ của tá điền trong các điền ông Hội như sau: “Dân nhổ bàng trên bưng ngủ bằng cách ngâm mình dưới nước, chỉ ló lỗ mũi lên nên gọi là ngủ “mùng nước”. Có người lại chống xuồng thật nhanh bỏ bầy muỗi lại sau lưng rồi tranh thủ chợp mắt một tí, sau đó muỗi vây đến thì họ lại tiếp tục chống thật nhanh… Giới tá điền gọi là ngủ “mùng gió”. Có người lại chui vào đống rơm mà ngủ và gọi là ngủ “mùng rơm”. Lại có người đan đệm làm mùng ngủ và thế là “chiếc nóp” ra đời. Thời kỳ khó khăn nhất, tá điền phải mặc quần bô áo bố. Đó là loại bao bố tời, trước dùng để đựng lúa, nay không có vải phải cắt ra làm quần áo mặc. Thậm chí, có người còn dùng đệm bàng may quần ngắn đi làm đồng như thời nguyên thủy. Loại “quần áo” này rất lâu khô, đã ẩm ướt thì sinh chí, rận. Chí, rận đến cỡ bắt không nổi phải dùng ve chai lăn nghe rôm rốp. Và sau đó thì dịch bệnh ghẻ lở hoành hành. Nhiều cô gái phải cạo bỏ mái tóc xanh vì chí, rận, ghẻ lở cùng đầu. Nhiều gia đình chỉ còn một cái quần, vợ chồng luân phiên nhau mặc khi đi đám hoặc khi khách đến nhà, số còn lại phải ở trong buồng nói chuyện vọng ra. Đàn ông đi xóm bằng cách lội xuống kinh rạch, lấy nước làm “quần áo”, đến nhà hàng xóm cũng “định vị tại nước” nói chuyện vọng lên rồi về”…
Đời sống của tá điền thì như thế, còn ông Hội đồng Trạch càng ngày càng đại phát vì thời thế lúc bấy giờ luôn tạo cơ hội cho những người nhiều ruộng đất. Toàn quyền Đông Dương vốn là một tay cực kỳ chiến lược, vì thế mà sau thời kỳ “kinh bang tế thế” ở Việt Nam, ông ta về Pháp và đã được bầu làm Tổng Thống. Ông ta đã nhanh chóng nhận ra đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam và ông đã đề ra kế hoạch khai thác nó bằng con đường thủy lợi. Riêng ở Bạc Liêu, Tham biện Chủ tỉnh là Lamothe nhận xét bằng một báo cáo tổng quát vào năm 1822: “Trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì, nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở nên một thành phố lớn nhất của Nam Kỳ, sau Sài Gòn. Chỉ cần đào một con kinh nối liền Bạc Liêu xuống Cà Mau và cất một cây cầu nối liền hai bên bờ rạch…” Xuất phát từ ý đồ, kế hoạch trên mà công cuộc thủy lợi, giao thông ở Bạc Liêu được đẩy mạnh vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nhà nước Thực dân đã bắt dân bản xứ và tư bản Pháp đưa xáng vào đào kinh. Thuở ấy, xáng chạy bằng hơi nước, nhiên liệu là củi tràm, đước. Chúng chạy đến đâu là tiếng rít ầm áo ghê rợn vang xa 2-3 km. Dân ta còn mông muội nên rất sợ mà đồn rằng là xáng la đòi ăn thịt con nít. Trên nóc xáng là mấy thằng Tây chỉ trỏ, hò hét, chỉ huy hơn 100 trai đinh bản xứ chở củi đến đốt lò cho máy chạy. Đám hương chức hội tề thì dọn luồng phía trước và đòi ăn hối lộ, bằng không sẽ cho xáng múc tanh bành nhà cửa. Dân ở làng Hòa Bình, Vĩnh Mỹ kéo nhau lên Tòa bố kiện, đòi không đi làm sâu đào kinh đắp lộ Bạc Liêu – Ca Mau, vì quan Phủ bắt làm quá thời gian qui định của Nhà nước (qui định mỗi năm cả 2 ngày công xâu, họ bắt làm đến 2 tháng). Năm 1897, làm xong lộ Bạc Liêu đi Sóc Trăng, nghĩa là nối liền Bạc Liêu với Sài Gòn. Năm 1915, hoàn thành tuyến lộ và con kinh xương sống của Bạc Liêu – Cà Mau, dài 66 km. Cũng trong năm nay, đào xong con kinh xương sống của Bán đảo Cà Mau là kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp, dài 140 km. Năm 1920, đào xong kinh Giá Rai – Phó Sinh, dài 17 km. Năm 1937, đào xong kinh Hộ phòng – Quản Lộ, dài 14 km. Năm 1925, đào xong kinh Ngan Dừa – Bạc Liêu, dài 28 km. Cũng trong năm này, đào xong kinh Lộ Bẻ - Gành Đào, dài 18 km…
Và Trần Trinh Trạc trở thành “ngư ông đắc lợi”. Điền đất của ông ta vốn bị ngập úng và phèn lâu đời, sau khi có hệ thống kinh mương này, phèn úng được tiêu thoát ra biển Đông, năng lực đất đai được giải phóng chưa từng có, lúa trở nên trúng mùa. Hệ thống kinh mương cũng làm cho giao thông được thuận tiện, người ở miệt Tiền Giang về đây khẩn hoang nhiều thêm và đất điền của ông Trạch được bổ sung nguồn nhân lực dồi dào hơn. Giá trị đất đai cũng được nâng lên nhiều lần. Lúc này, người Pháp đã mở thương cảng Sài Gòn, do giao thông được thông thương nên lúa của Bạc Liêu đã tham gia xuất khẩu với giá cả đủ sức cạnh tranh ở Hương Cảng, Thái Lan… Bạc Liêu trở thành tỉnh xuất cảng lúa gạo đứng thứ nhì Nam phần. Năm 1921, Bạc Liêu bán ra khỏi tỉnh là 2.733.333 tạ lúa, 28 năm trước, con số này chỉ là 316.000 tạ (tăng 800%). Diện tích khai hoang ở Bạc Liêu cũng đứng thứ nhì Nam kỳ. Con số chung về sự gia tăng diện tích của hai tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá (nơi có đất điền của ông Trạch) là: năm 1900 chỉ có 136.000 mẫu, nhưng 30 năm sau (1930) tăng lên 600.000 mẫu, đứng nhất Nam phần.
Mấy con số chung ấy đã chứng minh một cách sinh động rằng người có nhiều điền đất như ông Trạch càng gặp thời cơ lớn và vì thế ông Trạch giàu “nứt đố đổ vách” là chuyện tất yếu. Ông Trạch đã biết phát huy tối đa tiền của và thế lực hiện có của mình để mở rộng làm ăn. Một mặt, ông Trạch đã phát triển số lượng ghe chài chở lúa gạo của mình và thu mua thêm mang về Sài Gòn bán. Một mặt, ông đã cất nhà máy xay xát lúa gạo lớn nhất miệt vườn Hậu Giang với tên gọi là nhà máy Hậu Giang. Chính cái tên “nhà máy lửa” ấy đã phản ánh ý đồ của ông Trạch là muốn chế biến lúa gạo cho cả vùng Hậu Giang.
Nhà máy Hậu Giang tọa lạc tại thị xã Bạc Liêu. Sau giải phóng năm 1975, Ủy ban Quân quản tiếp quản nhà máy rồi giao cho Công an thị xã làm Trại cải tạo và bây giờ thì nó không còn mảy may dấu vết. Nhà máy Hậu Giang có công suất 15 tấn một ngày, bánh trớn của nó nặng đến 10 tấn, ống khói thì vươn cao lên trời xanh, đứng xa 7-8 km cũng nhìn thấy. Khi cất nhà máy này, Trần Trinh Trạch đã giao cho con trai lớn của mình là Trần Trinh Đinh hay còn gọi là Hai Đinh hoặc Hội đồng Hai cai quản.
Hai Đinh cũng là một nhân vật trong nhóm Công tử Bạc Liêu khét tiếng ăn chơi. Giai thoại kể rằng, có lần ngồi trên một chiếc xe do một người Khmer lái (ông này là tài xế xe của ông hoàng Xi-ha-núc của Campuchia) thấy vợ tài xế quá đẹp, tâm thần mê mẩn, Hai Đinh đặt vấn đề thẳng:
- Mầy bán vợ mầy cho tao, bao nhiêu cũng được.
Tài xế xe nổi nóng và nói cho bõ ghét:
- Tôi bán 20.000 đồng, ông có tiền mua không?
Tưởng nói cho đã giận, ai dè Hai Đinh mua thật. Lúa hồi đó chỉ có 1,2 đồng một giạ. Vợ tài xế đã ở với Hai Đinh đến cuối đời. Từ đó, Hai Đinh có thói quen vận xà rông…
Trần Trinh Trạch đã chú ý khai thác những lợi thế của Bạc Liêu. Như đã nói trên, tất cả những sở muối của Phan Hộ Biết (cha vợ ông Trạch) bằng thủ thuật cho vay và mua lại, lần lần chuyển về tay Trần Trinh Trạch. Ruộng muối của Bạc Liêu từ Gành Hào về Vĩnh Châu là 13 lô thì Hội Đồng Trạch chiếm hữu hết 11 lô, còn lại một lô của cha Sở và một lô của dân thường. Trần Trinh Trạch lại gặp thời cơ lớn. Người Huê kiều sang Biển Hồ (Campuchia) hoặc đến Cà Mau, Bạc Liêu để phát huy nghề truyền thống của mình là làm cá khô xuất qua Hồng Kông, Philippines, Nhật… Lúc đó, mặt hàng này xuất khẩu rất mạnh. Thời đó, chưa có công nghệ nước đá, việc ướp cá tất tần tật đều phải nhờ đến muối. Thế nên đến mùa muối, ghe thương hồ tấp nập dưới bến Bạc Liêu để ăn hàng rồi chở về Campuchia hoặc lên Sài Gòn. Ngay tại Bạc Liêu, Cà Mau đây thôi, nhu cầu muối cũng rất cao vì Bạc Liêu, Cà Mau là tỉnh nổi tiếng nhiều cá, muối để làm mắm, để muối ba khía… Thế nên giá muối rất cao. Có lúc 1 giạ muối mua được 5 giạ lúa, và vì thế ông Trạch càng “vô mánh”.
Ngoài những nghề trên, ông Trạch còn mua đất cất phố lầu cho thuê. Cho đến bây giờ, hậu duệ của dòng họ Trần cũng không nhớ nổi tại chợ Bạc Liêu, ông Trạch có bao nhiêu căn phố lầu. Họ chỉ đoán rằng, hầu hết các dãy phố lầu cất trước năm 1930 ở thị xã Bạc Liêu đều là của Trần Trinh Trạch.
P.T.N
(Còn tiếp)