Nhà văn Nguyễn Đông Thức_ ĐỜI GỒM NHỮNG MẢNH GHÉP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhà văn Nguyễn Đông Thức_ ĐỜI GỒM NHỮNG MẢNH GHÉP - 1Bìa tập truyện Đời 1 (2008) là tranh vẽ một ly rượu cocktail. Nhà văn Nguyễn Đông Thức muốn bạn đọc sau khi đọc tập truyện, sẽ tự pha chế cho mình một ly rượu cocktail có ngọt ngào nhiều hơn hay cay đắng nhiều hơn tuỳ theo sở thích.

Bìa truyện Đời 2 (NXB Trẻ, Tủ sách Tuổi trẻ - 2010) là tranh vẽ một khuôn mặt phụ nữ với những mảnh ghép. Nhà văn Nguyễn Đông Thức muốn bạn đọc sau khi đọc truyện, sẽ tự lắp ghép khuôn mặt đời (hay khuôn mặt chính mình) bằng những mảnh ghép của kỷ niệm, của những sự việc mà mình đã trải qua và của cả những giấc mơ. Dĩ nhiên khuôn mặt đó chưa hoàn tất, bởi bạn còn đang sống và sẽ còn nhận thêm những mảnh ghép khác nữa.

Cũng như ở tập truyện Đời 1, ở Đời 2, tác giả tiếp tục đặt tựa cho mỗi truyện chỉ một chữ: Giấy, Lô-Cốt, Thịt, Sợ, Ghen... và dưới mỗi truyện là ghi chú tác giả về nguyên nhân giúp ông sáng tác truyện đó. Bạn đọc sẽ thấy có những nguyên nhân rất bình thường, nhưng đã giúp tác giả sáng tác được những truyện có ý tưởng khác thường.

Trong 12 truyện ngắn của tập Đời 2, tôi thích nhất truyện Ruồi. Theo ghi chú của tác giả: Trong một chuyến đi Mỹ, thăm một người bà con thời trai trẻ nổi tiếng đào hoa lãng tử, khi về già ông ta phải nằm bệnh viện một mình và chỉ có con ruồi là “tri kỷ”. Vậy mà cô y tá lại muốn đập chết con ruồi đó vì lý do giữ gìn vệ sinh chung! Nếu hiểu truyện Ruồi như câu tục ngữ “Lắm mối tối nằm không”, thì mới thấy phần nổi của một tảng băng. Còn phần chìm của tảng băng là một đời người dù thành đạt, đôi lúc bạn cũng cảm thấy cô đơn. Khi đó một đoá hoa, một tảng đá, một con chó, một con mèo hay một con ruồi có thể là “tri kỷ” của bạn hơn cả người thân. Rồi sự ngộ nhận đã giết đi “tri kỷ” của bạn, bạn sẽ sống như thế nào?

Trong tập truyện Đời 2 còn có phần phụ lục Chuyện không quên. Tác giả cho biết: “Tôi không có tham vọng sẽ viết Hồi ký. Tôi hiểu đây là một thể loại khó... chỉ xin gởi đến bạn đọc vài mẩu chuyện không quên trong đời tôi, để mong được chia sẻ và thông cảm”. Nguyễn Đông Thức viết về những kỷ niệm với người mẹ - nữ sĩ Bà Tùng Long, người cha – nhà thơ Hồng Tiêu, chú Sáu Dân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Kim Dung, nhà văn Mạc Can... Mỗi bài viết đều có những nhận xét sâu sắc và chân tình, không tinh quái như khi ông viết truyện.

Những “Chuyện không quên” đó cũng có thể xem là những mảnh ghép của một cuốn Hồi ký  mà tác giả chưa hoàn tất.

Đ.T.B

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT