Cuốn sách tổng kết ngắn gọn những hiểu biết về xã hội học tập
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cuốn sách “Học tập suốt đời” của Peter Hollins đã thực sự hấp dẫn tôi, bởi nó đã tổng kết ngắn gọn những hiểu biết về xã hội học tập, và hơn thế, nó còn gợi mở cách học tập suốt đời để ta kiến tạo tương lai.
Ngày 10/6/2023, hưởng ứng lời phát động của Thủ tướng Chính phủ trong Lễ phát động “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, hàng chục triệu người đã và đang triển khai kế hoạch học tập suốt đời. Và cũng kể từ đó, cụm từ “học tập suốt đời” càng trở nên gần gũi, quen thuộc với nhiều người.
Cuốn sách Học tập suốt đời ra mắt bạn đọc trong bối cảnh đó, đáp ứng được nhu cầu của độc giả - những người đang loay hoay tìm cho mình phương pháp hiệu quả để theo đuổi con đường học tập suốt đời.
Một năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Học tập suốt đời” (10/6/2023-10/6/2024), từ đầu tháng 6 năm nay, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Trong đó, điều 5 nêu rõ: “Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”.
Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh và Tiến sĩ Lê Anh Thư đã chọn dịch cuốn sách Học tập suốt đời của tác giả Peter Hollins với mong muốn góp phần thúc đẩy mọi người học tập thường xuyên, hưởng ứng lời kêu gọi cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Từ tựa đề của cuốn sách Học tập suốt đời - Phát triển bản thân, tăng trưởng không ngừng, mở rộng tầm nhìn và theo đuổi mọi mục đích trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy đây chính là một cuốn cẩm nang về học tập suốt đời mà bất cứ gia đình nào cũng nên có để có thể xây dựng nên những cá nhân, gia đình, tổ chức và một xã hội học tập.
GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam - chia sẻ: “Vốn là người đang mong muốn trở thành công dân học tập, tôi đọc khá nhiều sách báo, các công trình khoa học. Nhưng cuốn sách Học tập suốt đời của Peter Hollins đã thực sự hấp dẫn tôi, bởi nó đã tổng kết ngắn gọn những hiểu biết về xã hội học tập, và hơn thế, nó còn gợi mở cách học tập suốt đời để ta kiến tạo tương lai. Những ý kiến mà Peter Hollins đưa ra có nhiều điểm tương đồng với các chỉ số đo năng lực và phẩm chất của công dân học tập mà chúng ta đang triển khai trên khắp địa bàn dân cư trong cả nước”.
Cuốn sách được bắt đầu bằng việc đề cập đến rào cản và nỗi sợ tâm lý của người học, giúp cho người đọc có thể phá vỡ được rào cản tâm lý của mình, chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng cho việc học tập suốt đời.
Những chương tiếp theo, tác giả nêu hướng dẫn chi tiết để người đọc có thể hiện thực hóa việc học tập suốt đời, mà ở đó, độc giả cần nhớ rằng chúng ta học không chỉ trong trường học, không chỉ ở tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ, mà chúng ta học hỏi thường xuyên và liên tục trong suốt cuộc đời.
Cuốn sách sẽ giúp bạn biết cách đặt mục tiêu học tập hiệu quả nhất, đặt câu hỏi để phát triển tăng tốc việc học lên gấp 10 lần, từ đó tạo ra “giáo trình” học tập hoàn chỉnh riêng cho bản thân. Theo đó, tác giả lý luận rằng trên chặng đường học tập suốt đời, việc đọc đóng vai trò quan trọng. Hãy đọc nhiều hơn và hấp thụ thông tin nhanh nhất có thể bởi “thói quen đọc sẽ đưa bạn vào thế giới tri thức và mở rộng năng lực tư duy của bạn”.
Học tập suốt đời chính là những tổng hợp rất cô đọng và xúc tích về xã hội học tập và gợi mở cách học tập suốt đời, để mỗi chúng ta có thể phát triển toàn bộ tiềm năng và kiến tạo tương lai. Cuốn sách thực sự phù hợp với bất kỳ ai có mong muốn học tập, từ học sinh, sinh viên, người đi làm hay các bậc cha mẹ đang nuôi dạy con cái.
Nằm trong tủ sách “Người học”, TIMES còn giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách cùng chủ đề như: Học tập siêu đẳng, Học như Einstein, Nhà trường và xã hội nhằm cung cấp những công thức hữu ích, thiết thực và hiệu quả nhất để trau dồi kiến thức, phát triển bản thân để theo đuổi chặng đường học tập lâu bền, hiệu quả nhất.