TIẾNG HÁT MÃI XANH(*) VẪN HỒN NHIÊN, THÂN THIỆN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TIẾNG HÁT MÃI XANH(*) VẪN HỒN NHIÊN, THÂN THIỆN - 1    


Những thí sinh tuổi cổ lai hy vẫn hào hứng tỉ thí cùng với các tài năng trẻ.

Có lẽ hiếm có cuộc thi hát nào thoải mái, thân thiện như Tiếng hát mãi xanh (*). Dấu ấn đậm nét của cuộc thi năm trước là tính quần chúng dân dã, không khí tự nhiên của những người dự thi.




Ban tổ chức luyện thi?

Khi cuộc thi Tiếng hát mãi xanh năm nay khởi động, trước Nhạc viện TP.HCM (nơi cuộc thi diễn ra) có treo thông báo Chương trình Luyện thi Tiếng hát mãi xanh. Nhiều khán giả đã nhầm tưởng đây là chương trình luyện thi của ban tổ chức cuộc thi đã lo lắng, thắc mắc liệu cuộc chơi quần chúng này có còn không khí tự nhiên sinh động, mộc mạc của quần chúng? Liệu cuộc thi có còn thân thiện, công bằng như năm trước? Trao đổi với người ghi danh luyện thi tại đây, chúng tôi được biết đây chỉ là chương trình của Trung tâm Bồi dưỡng Năng khiếu Âm Nhạc (Nhạc viện TP.HCM), không liên quan tới ban tổ chức hay ban giám khảo cuộc thi. Chương trình chỉ hỗ trợ, tư vấn cho thí sinh chọn bài hát; hướng dẫn xử lý giọng, phong cách dự thi và tập với người đệm đàn trong 2 tiếng đồng hồ. Nội dung và từng ấy thời lượng chỉ nhằm giúp thí sinh đỡ bỡ ngỡ, làm quen với nhạc cụ và dàn nhạc. Học phí cho mỗi buổi tập là 200.000 đồng. Hầu hết các thí sinh đều đăng ký một buổi. Những thông tin giải tỏa phần nào những thắc mắc của dư luận nhưng để tìm hiểu sát hơn, chúng tôi đã trực tiếp tham dự mấy buổi thi sơ khảo và đáng mừng, cuộc thi vẫn giữ vẻ hồn nhiên.

TIẾNG HÁT MÃI XANH(*) VẪN HỒN NHIÊN, THÂN THIỆN - 2       TIẾNG HÁT MÃI XANH(*) VẪN HỒN NHIÊN, THÂN THIỆN - 3

            Người cũ, người mới

Một thí sinh cầm tờ giấy, lò dò vịn bàn bước đến trước mặt ban giám khảo: “Cho tui cầm giấy hát được không?”. Giám khảo cười tươi khích lệ: “Dạ, bác cứ tự nhiên”. Có thí sinh bối rối không “vô” được nhạc, ban giám khảo liền bắt nhịp nhỏ nhỏ, tay đánh nhịp để thí sinh hát theo. Không một chút căng thẳng, áp lực. Thấp thoáng vài gương mặt quen thuộc của các thí sinh mùa thi trước. Vẫn diện bộ quân phục và các huy chương trên ngực như lần trước, ông trung tá về hưu Trần Chơn Tiên (78 tuổi, Gò Vấp) “khoe”: “Tui có kinh nghiệm thi hồi năm ngoái rồi nên năm nay bớt run, tự tin hơn nhiều”. Ở một phòng thi khác, bà Trần Thị Quý (Đồng Nai) tình cờ gặp lại bạn cùng thi năm ngoái là bà Nguyễn Thị Tuyết (Bến Tre). Hai bà tíu tít, mừng vui trước sự hạnh ngộ bất ngờ. Ông Trần Minh Đức (quận 6, TP.HCM) kể kinh nghiệm với một nhóm thí sinh lần đầu tham gia cuộc thi: “Năm ngoái tui thi phải leo lên sân khấu, cầm micro hát cho nên run dữ lắm. Năm nay đứng hát trong phòng, khỏi cầm micro, có ông giám khảo ngồi gần còn vỗ vai động viên mình nữa, thấy giám khảo như bạn bè, hát thoải mái lắm”.

Cuộc thi cũng thu hút nhiều gương mặt mới. Bà Hoàng Thị Loan (64 tuổi) cho biết năm ngoái tivi nhà bà bị hư. Khi biết đến cuộc thi thì đã đến vòng chung kết rồi. Kể từ đó, bà luyện bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương, chờ mùa thi năm nay.

TIẾNG HÁT MÃI XANH(*) VẪN HỒN NHIÊN, THÂN THIỆN - 4       TIẾNG HÁT MÃI XANH(*) VẪN HỒN NHIÊN, THÂN THIỆN - 5

Bà Lê Thị Túy Tuyết (nữ cựu chiến binh, 82 tuổi) đi thi với mong ước: “Nếu có lọt vào vòng trong, đồng đội ngày ấy còn nhìn thấy tui, biết là tui còn khỏe mạnh”. Bà Tuyết không đi thi một mình, bà rủ người bạn hoa niên Nguyễn Thị Phụng cùng đi thi. Hai bà lão, một người ở Bình Chánh, một người ở quận 5. Sáng sớm tinh mơ, bà Tuyết đã bắt xe buýt đến quận 5, rồi hai bà cùng đón xe buýt đến nhạc viện. Thi xong, hai bà lại thân ái dắt tay ra trạm xe buýt.

Kho bài hát vô tận

Phần nhiều các thí sinh chọn ca khúc dự thi là nhạc cách mạng và ca ngợi quê hương, đất nước. Nhưng cũng có vài thí sinh độ tuổi U70 hát nhạc trẻ đang thịnh hành: Tình ca muôn đời, Hoa cỏ mùa xuân…. Họ hát say mê và như trẻ lại, những bài hát xóa đi khoảng cách tuổi tác. Thí sinh Túy Tuyết giải thích lý do bà chọn Bến Hàn giang dự thi: “Vì nó là nhạc phẩm duy nhất của nhạc sĩ Ngọc Trai trước khi ông hy sinh. Từ đó, ca khúc được xem như bài truy điệu của người nhạc sĩ là chiến sĩ này”.

TIẾNG HÁT MÃI XANH(*) VẪN HỒN NHIÊN, THÂN THIỆN - 6

Các thí sinh háo hức chờ đến lượt dự thi

Nhạc sĩ Vũ Hoàng, thành viên ban giám khảo, cảm động: “Có nghe các cô, chú thí sinh hát mới cảm nhận được nguồn bài hát trong nhân dân là vô tận. Có những bài hát đã lâu lắm rồi tôi không còn được nghe, tưởng như đã quên lãng. Nhưng các thí sinh đã nhắc nhớ, họ gợi lại cảm xúc âm nhạc trong bài hát và chứng minh đời sống của bài hát vẫn còn đến nay”.

TIẾNG HÁT MÃI XANH(*) VẪN HỒN NHIÊN, THÂN THIỆN - 7

Hơn 3.500 thí sinh đăng ký dự thi

Có 3.525 thí sinh đăng ký dự thi Tiếng hát mãi xanh 2012 (gấp đôi số thí sinh so với năm ngoái). Thí sinh cao tuổi nhất là cụ Trần Thị Túy (SN 1923) đến từ tỉnh Khánh Hòa. Từ ngày 13 đến 17-2, các TS bước vào vòng sơ tuyển 1, diễn ra tại Nhạc viện TP.HCM. Khác năm trước, vòng sơ khảo năm nay, thí sinh hát mộc trong phòng, không có micro, sân khấu. Sau đó, 100 thí sinh có giọng hát xuất sắc nhất mỗi bảng sẽ đi tiếp vào vòng sơ tuyển 2, cũng diễn ra tại Nhạc viện TP.HCM. Các chương trình đồng hành của Tiếng hát mãi xanh sẽ lên sóng lúc 22 giờ 30 tối thứ Năm hằng tuần trên kênh HTV7.

TRÀ GIANG

(Ảnh: Minh Hiếu)

(Báo Pháp luật TP.HCM, ngày 15.2.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT