Ghi nhận 4 nhà băng huy động lãi suất vượt 7,5%/năm
Ghi nhận ngày hôm nay (24/02), có nhiều ngân hàng có lãi suất huy động trên 7,5%/năm, thậm chí có ngân hàng có lãi tiết kiệm lên tới 9%/năm.
Dẫn đầu thị trường về mức lãi suất huy động là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PvcomBank) với mức lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện để khách hàng được nhận mức lãi suất tiết kiệm cao này là khoản tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
PVCombank dẫn đầu thị trường về lãi suất huy động khi niêm yết mức 9%/năm - Ảnh: website PVCombank.
Xếp thứ hai là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), ngân hàng này niêm yết mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, áp dụng với khoản tiền từ 500 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - MSB (Maritime Bank) áp dụng lãi suất tiết kiệm lên đến 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất này áp dụng cho cả khách hàng mở mới và khách hàng gia hạn tiết kiệm tự động.
Kế đến là Ngân hàng Số Vikki - Vikki Bank (tên mới đổi của Ngân hàng TMCP Đông Á – DongABank). Nhà băng này yết mức lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng này yêu cầu khách hàng gửi một khoản tiền tối thiểu là 200 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng niêm yết mức lãi suất trên 6%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi thời hạn dài và không yêu cầu về điều kiện khoản tiền gửi tối thiểu.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng mức lãi suất 6,2-6,5%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 15-34 tháng.
Tiếp đến, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) áp dụng lãi suất 6,05% cho kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, 6,25% đối với kỳ hạn 15 tháng, 6,35% đối với kỳ hạn 18 và 6,45% đối với kỳ hạn 24-36 tháng. Timo by BVBank có lãi suất 6,3%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 24 tháng.
Ngân hàng IVB áp dụng mức lãi suất cao nhất 6,45%/năm cho kỳ hạn 5 - 15 năm, 6,15%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng và 6,25%/năm cho kỳ hạn 48 tháng.
Ngân hàng KienLong Bank áp dụng mức lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 12-24 tháng, 6,3% đối với kỳ hạn 36 tháng và mức 6,4% cho kỳ hạn 60 tháng.
Ngân hàng GPBank áp dụng mức lãi suất 6,05%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 6,15%/năm đối với các kỳ hạn từ 13-36 tháng. Cake by VPBank áp dụng lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 12-18 tháng và 6,3%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng.
Một số nhà băng áp dụng mức lãi suất từ 6% trở lên như VietABank, SaigonBank, HDBank, BaovietBank, ABBank, CB… với các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tháng.
Ngược lại, các ngân hàng quốc doanh (Big 4) gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV tiếp tục giữ chính sách lãi suất huy động thấp hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo đó, Agribank áp dụng 3,7%/năm cho kỳ hạn huy động 6 tháng và 4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. VietinBank và BIDV niêm yết 3,3%/năm cho kỳ hạn tiết kiệm 6 tháng, 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Vietcombank chỉ huy động mức 2,9%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngày 24/02/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 19 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng cường thực hiện các giải pháp giảm lãi suất. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong thời gian qua và việc công bố, thực hiện lãi suất huy động, cho vay của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN theo quy định, trong đó Thống đốc NHNN xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý của NHNN về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định, báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/02/2025. Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về việc tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ cấu, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn nữa, tăng cường trách nhiệm xã hội, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng… |