TIỀM NĂNG & VẬN HỘI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TIỀM NĂNG & VẬN HỘI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH - 1    
Tháp Dương Long

Bình Định nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong 5 tỉnh, thành của Vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung và là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh du lịch. 

 

 

 

Tài nguyên du lịch của tỉnh Bình Định hết sức đa dạng, độc đáo và có bản sắc riêng. Với bờ biển dài 134 km, Bình Định được thiên nhiên ban tặng vô số bãi tắm đẹp như: bãi biển Quy Nhơn, Hải Giang, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Quy Hòa, Nhơn Lý, Cát Tiến, Đề Gi, Lộ Diêu, Tam Quan…và nhiều thắng cảnh nổi tiếng: Hầm Hô, Ghềnh Ráng, bán đảo Phương Mai, Eo Gió, suối khoáng Hội Vân…là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển đa dạng các loại hình du lịch biển, sinh thái, leo núi, nghỉ dưỡng, chữa bệnh…

Đây là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, Bình Định có nhiều lợi thế về tiềm năng du lịch văn hóa – lịch sử, trong đó nổi tiếng là những di tích Chămpa với hệ thống 7 cụm 14 tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, có phong cách kiến trúc độc đáo, nhiều cụm tháp: Dương Long, Bánh Ít thuộc vào loại tháp gạch cao lớn và đẹp nhất Đông Nam Á; là Thành Đồ Bàn (Vijaya) kinh đô của Vương quốc Chămpa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, và sau này là thành Hoàng Đế của Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc; là Bảo tàng Quang Trung nơi lưu giữ những hiện vật quý giá của phong trào Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn và người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bình Định là nơi sản sinh, nuôi dưỡng tài năng của nhiều nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam như: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn… Miền đất nổi tiếng về võ thuật với câu ca dao không ai không nhớ khi nhắc đến Bình Định: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”; là cái nôi của nghệ thuật Hát Bội (Tuồng) với nhiều gánh hát vang danh khắp xứ.

TIỀM NĂNG & VẬN HỘI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH - 2

Bảo tàng Quang Trung

Với những đặc thù về lịch sử - văn hóa như vậy, trên mảnh đất Bình Định ngày nay còn lưu lại nhiều di tích lịch sử - văn hóa quý giá cùng nhiều lễ hội, làng nghề đặc sắc và một nền ẩm thực độc đáo mang đặc trưng riêng của vùng đất võ. Mặt khác, với hệ thống giao thông nội tỉnh hoàn chỉnh, sự thuận lợi về giao thông đến Bình Định và sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng dịch vụ: điện, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, trung tâm thương mại... đã hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng của ngành du lịch địa phương.


Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020, Bình Ðịnh được xác định là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các tuyến điểm du lịch miền Trung. Trong đó, tuyến du lịch Phương Mai - Núi Bà được xác định là tuyến du lịch chuyên đề Biển Quốc gia. Trong những năm qua, bên cạnh việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, tỉnh Bình Định cũng rất chú trọng vào công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tỉnh đã tập trung vào công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu, triển khai các dự án trọng điểm dọc tuyến biển Quy Nhơn – Sông Cầu, Nhơn Lý – Cát Tiến, Trung Lương – Vĩnh Hội…; đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa : các di tích tháp Chăm, thành Hoàng Đế, nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Quang Trung; khôi phục và phát triển các lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian, các làng nghề, làng Võ để khai thác tối đa đặc trưng văn hóa – lịch sử nhằm có được những sản phẩm du lịch thế mạnh mang bản sắc riêng của cùng đất Võ; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế như: Festival Tây Sơn – Bình Định, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam…, Từ đó, làm tăng sức hấp dẫn cho du lịch. Lượng khách du lịch đến Bình Định trong những năm gần đây tăng khá nhanh, bình quân 22,1%; năm 2010 đạt gần 1.000.000 lượt khách, chỉ tiêu trong năm 2011 tổng khách du lịch đạt 1.200.000 lượt, tăng 24% so với năm 2010, tổng doanh thu đạt 342 tỷ đồng tăng 24% so với năm 2010. Toàn tỉnh hiện có trên 100 khách sạn, resort từ 4 sao trở xuống với gần 2500 phòng.

TIỀM NĂNG & VẬN HỘI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH - 3

Sư tử đá Cham Pa trong thành Đồ Bàn

Trong những năm gần đây hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh trở nên sôi động hơn, một loạt các khu du lịch, khách sạn cao cấp đã được đưa vào khai thác như: Life Resort (Bãi Dài), Royal Hotel & Healthcare Resort, Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, Khách sạn Hải Âu, cùng nhiều khu du lịch tiêu chuẩn 4-5 sao đang triển khai xây dựng như: Khu Du lịch Vĩnh Hội, Khu Du lịch Trung Lương, Khu Du lịch Hải Giang, Khu Biệt thự và nghỉ dưỡng Cánh Tiên, Khu Thương mại - Dịch vụ - Du lịch phía Bắc cầu Nhơn Hội... với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

TIỀM NĂNG & VẬN HỘI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH - 4

Bãi biển Quy Nhơn

Mục tiêu của Bình Định là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, với lợi thế so sánh về tiềm năng du lịch, cơ sở hạ tầng hiện có, cùng với chính sách thông thoáng..., Bình Định đang thu hút được sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, du khách trong và ngoài nước, là cơ hội để du lịch Bình Định phát triển đột phá trong thời gian tới, trở thành một tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước, và cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào du lịch Bình Định.

H.N

 

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT