Chấn động Old Trafford, Jim Ratcliffe kéo MU lún sâu hơn vào cõi mơ hồ
“Đấy rõ ràng là một trong những giám đốc thể thao hàng đầu thế giới. Đấy là một trường hợp đạt điểm tuyệt đối 10/10”. Ông chủ (đồng sở hữu) MU Jim Ratcliffe nói vậy về Dan Ashworth, cách đây 5 tháng. Và bây giờ, Ratcliffe tống khứ Ashworth ra khỏi MU.
Dan Ashworth giỏi, hay không giỏi?
Trên danh nghĩa, Dan Ashworth rời khỏi cương vị giám đốc thể thao MU theo thỏa thuận, đấy là thông báo chính thức và ngắn gọn của CLB. Thông báo này xuất hiện sau một phiên họp xử lý khủng hoảng giữa Ashworth với giám đốc điều hành Omar Berrada. Coi như phiên họp ấy (sau trận MU thua Nottingham Forest 2-3) quyết định việc MU sa thải Ashworth.
Sir Ratcliffe từng rất ngưỡng mộ tài năng của Dan Ashworth
Ashworth đã tham gia “sâu” vào đợt chuyển nhượng mùa hè vừa qua tại MU, khi mua về Leny Yoro, Noussair Mazraoui, Matthijs de Ligt, Joshua Zirkzee với giá tổng cộng khoảng 200 triệu bảng. Theo một số nguồn tin, Ashworth không có mối quan hệ tốt đẹp với các quan chức thân cận Ratcliffe, như Dave Brailsford hoặc Berrama.
Cũng có nguồn tin cho rằng chính Ratcliffe đã sa thải Ashworth, vì không ưa một phát biểu của giám đốc thể thao. Còn thông báo chính thức về việc chia tay Ashworth dĩ nhiên chỉ là thủ tục trên bề mặt. Ratcliffe là ông chủ sở hữu 27,7% cổ phần MU, và là người quyết định tối cao các vấn đề liên quan đến bóng đá của CLB.
Nhiều người ngạc nhiên, Ashworth phải ra đi vì lý do gì? Có hai khả năng lớn nhất. 1/Thất bại trong công việc chuyên môn, cụ thể là mua về các cầu thủ không đóng góp được điều gì quan trọng trong 1/3 mùa bóng vừa qua. 2/Không được lòng những người xung quanh, gồm cả ông chủ.
Trừ phi chính những người trong cuộc chủ động “rò rỉ thông tin” trong thời gian tiếp theo, trước mắt người ta chỉ thấy được hai vấn đề như thế. Chả trách MU bị cho là “mớ hổ lốn”, không còn giống như một đội bóng chút nào. Cả hai vấn đề vừa nêu đều quá… tào lao.
Ai cũng nhắc lại phát biểu của ông chủ Ratcliffe về Ashworth hồi tháng 7, khi MU tuyển mộ giám đốc này từ Newcastle. Giá đền bù được công bố là 3 triệu bảng, nhưng sau này tờ báo The Times tiết lộ mức 5 triệu bảng. Đấy là chi phí không nhỏ để có một giám đốc. Mặt khác, MU còn lộ rõ ý đồ tuyển mộ Ashworth từ tháng 2.
Họ phải kiên nhẫn chờ đến tháng 7 và chấp nhận trả thêm chi phí đền bù, bởi ngay cả trong trường hợp đền bù tối đa thì Ashworth cũng chỉ được ra đi sau khi đã thông báo trước ý định ra đi với Newcastle, theo một khoảng thời gian đúng quy định. Tất cả cho thấy: Ratcliffe ngưỡng mộ Ashworth thật, chứ phát biểu của ông về tân giám đốc thể thao hồi tháng 7 không phải là sự tâng bốc suông.
Vậy, tóm lại Ashworth có phải là một giám đốc giỏi? Nếu đúng, thì Ratcliffe… "điên", vì sa thải một thuộc cấp giỏi, sau khi đã tốn mỗi tháng 1 triệu bảng cho thuộc cấp ấy, trong vòng 5 tháng. Nếu Ashworth không giỏi, thì Ratcliffe kém, vì chả biết gì về chuyên môn mà dám chi đậm và tâng bốc một giám đốc như vậy.
Giới hâm mộ MU đành hy vọng, rằng sự thật Ashworth ra đi vì “hục hặc” với các quan chức xung quanh. Nếu là nguyên nhân này, thì hóa ra Ratcliffe và các quan chức MU đều không phải là người chuyên nghiệp. Cũng tệ, nhưng đỡ tệ hơn là họ có một ông chủ ứng xử "điên rồ", hoặc kém!
Ashworth phải rời MU "không kèn không trống" chỉ sau 5 tháng làm việc
Sir Ratcliffe đang "tự tát" mình?
Không có Ashworth, MU vẫn còn nhiều quan chức phụ trách vấn đề chuyển nhượng, như giám đốc điều hành Berrama, giám đốc kỹ thuật Jason Wilcox, giám đốc tuyển dụng Christopher Vivell, hoặc “cánh tay phải” Dave Brailsford của Ratcliffe. Nhìn từ một góc độ khác, câu chuyện lại càng buồn cười ở Old Trafford, bởi bớt được Ashworth có khi lại hay, khi có quá nhiều quan chức tham gia vào việc tuyển mộ cầu thủ cho MU.
Vấn đề ở đây là việc đột ngột chia tay Ashworth, chỉ sau 5 tháng tuyển mộ, trông giống như một scandal. Người ta có thể giật tít, rằng Ratcliffe đã dùng đến bàn tay sắt, hoặc Ratcliffe chứng tỏ uy quyền… Nhưng tóm lại, để làm gì? Bạn mời cho được một người giỏi giang về làm việc cho mình, và lập tức đuổi người đó đi chỉ để chứng tỏ mình có quyền lực?
Một cách nghiêm túc, “scandal Ashworth” chỉ nói lên năng lực điều hành một CLB bóng đá của Ratcliffe có vấn đề. Hoặc ít ra, giới hâm mộ MU có thể hoài nghi năng lực ấy. Lòng tin của giới hâm mộ đối với chủ tịch CLB luôn là điều vô cùng quan trọng trong bóng đá nhà nghề.
Hiểu biết về bóng đá của các ông chủ, hoặc giới điều hành chóp bu ở MU đã thật sự là một “vấn nạn”, từ gần 20 năm nay. Sau khi mua được CLB này, gia đình Glazer (người Mỹ) phát biểu huỵch toẹt rằng đấy là vấn đề kinh doanh của họ. Phản đối ư? Vậy sao giới hâm mộ MU (hoặc bất kỳ tỷ phú nào mạnh miệng chỉ trích) không mua đội bóng, mà lại để nó rơi vào tay các doanh nhân người Mỹ?
Gia đình Glazer giao phó toàn bộ lĩnh vực chuyên môn cho Ed Woodward, một chuyên viên ngân hàng xuất thân từ nghề kế toán, vốn có công đầu trong việc dàn xếp để nhà Glazer mua được MU. Woodward cũng không biết “quả bóng có mấy múi”! Sau 16 năm tung hoành với chức danh phó chủ tịch điều hành, Woodward đã rút lui. Giới hâm mộ MU bắt đầu hy vọng khi tỷ phú Anh Ratcliffe mua được 27,7% cổ phần và trở thành “ông chủ chuyên môn” của MU.
Rốt cuộc, họ lại… quá chán nản. Ngay trước khi tuyển mộ và nhanh chóng sa thải Ashworth, Ratcliffe đã làm chuyện nực cười không ai hiểu nổi: gia hạn hợp đồng với HLV Erik ten Hag, chỉ để nhanh chóng sa thải (và phải bồi thường) trong mùa bóng này. Đừng quan tâm những phát biểu nói lên rằng Ashworth có liên quan việc sa thải Ten Hag hay không. Xin nhắc lại ông chủ Ratcliffe giữ quyền lực tối thượng về mọi vấn đề bóng đá của CLB.
Vụ sa thải Ashworth phơi bày mâu thuẫn nội bộ ở thượng tầng MU?
Có phải đấy là cách MU giảm chi?
Trong kế hoạch “giảm chi” hiện nay, MU đã sa thải 270 nhân viên. Thậm chí cả huyền thoại Alex Ferguson cũng đã mất việc. Sau khi Ratcliffe và các quan chức liên tục “than nghèo kể khổ”, mới đây, đội bóng tuyên bố tăng giá vé khiến giới hâm mộ MU nổi cáu. Ngay cả Ratcliffe, từng được hy vọng sẽ là “cứu tinh”, giờ cũng thành “Quỷ Chúa” mất rồi!
Vấn đề là trong khi thắt lưng buộc bụng và tăng giá vé, thì MU của Ratcliffe lại tốn 15 triệu bảng (một cách vô tội vạ) để đền bù cho HLV Ten Hag sau khi đã gia hạn hợp đồng. Họ lại tốn thêm 10 triệu bảng, cao hơn giá mua đứt hợp đồng, để có Ruben Amorim từ Sporting Lisbon, với yêu cầu “làm việc ngay”.
Giờ là chuyện mua rồi đuổi giám đốc Ashworth. Sắp tới, khi “chuyển nhượng mùa đông” mở ra, chưa biết MU sẽ lại phải chi bao nhiêu (và hiệu quả thế nào), để Amorim tuyển quân theo đúng quan điểm chuyên môn của HLV này.
Ratcliffe giỏi giang đến đâu trong lĩnh vực tài chính sở trường của ông, giới hâm mộ MU đâu có quan tâm bằng việc đội bóng đang đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng hiện thời. Ineos tiết kiệm thế nào mà lại trả tiền cao hơn điều khoản mua đứt hợp đồng để có Joshua Zirkzee, hoặc mua Leny Yoro đến 60 triệu bảng mà chẳng ai biết cầu thủ trẻ này có thể làm gì?
Xin được nói thêm, ngay cả đội nữ MU, và khán giả của họ, cũng “than trời” từ khi Ratcliffe xuất hiện. Cơ sở vật chất hiện đại của họ bị cắt bớt, để đội nam sử dụng trong thời gian sân tập Carrington được sửa sang.
Những chuyện "giời ơi đất hỡi" ở MU, nói mãi không hết. Lúc này, fan "Quỷ đỏ" đành ôm cục tức và chờ xem ông chủ Ratcliffe còn hành động "điên rồ" đến mức nào nữa.