LTS: 50 năm kể từ khi thống nhất đất nước, TP.HCM đã khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả nước. Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, nhân dân thành phố, những thành tựu này còn gắn liền các nghị quyết mang tính bước ngoặt của Bộ Chính trị và cơ chế đặc thù từ Quốc hội, Chính phủ cho TP.HCM. Những cơ chế, chính sách đặc thù này đã tạo động lực để TP.HCM bứt phá, vươn tầm khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội được triển khai từ năm 2023 là minh chứng rõ nét cho tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước” của TP.HCM. Thành công của việc thực thi Nghị quyết 98 sẽ chắp thêm đôi cánh cho thành phố vươn lên tầm cao mới dựa trên chính những đặc điểm, thế mạnh của mình. "Cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước", tất cả là một khối vững chắc, tiến vào một cột mốc mới trong chặng đường phát triển một Việt Nam rực rỡ.

Tạp chí Du lịch TP.HCM xin giới thiệu với quý bạn đọc loạt bài: Trên “đường ray” Nghị quyết 98, Thành phố “đầu tàu” hướng tới tương lai

“Tại sao các quốc gia thất bại: "thể chế, thể chế và thể chế”.

Câu hỏi đồng thời cũng là câu trả lời cho tựa đề của cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại (Why Nations Fail) của Daron Acemoglu và James Robinson - là hai trong ba tác giả của giải Nobel kinh tế năm 2024 về những đóng góp trong công trình nghiên cứu để chỉ ra căn nguyên của sự cách biệt giàu nghèo giữa các nước. Trong tác phẩm này, các tác giả chỉ ra rằng, một quốc gia thành công hay thất bại về mặt kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thể chế. 

Nhận định được tầm quan trọng của thể chế trong việc phát triển đất nước, trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, vẫn có ba điểm nghẽn lớn, trong đó “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” cần phải được giải quyết kịp thời.

Xuyên suốt chiều dài phát triển của đất nước, TP.HCM luôn đóng vị trí trung tâm, chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước nhưng đóng góp hơn 22% kinh tế cả nước, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất với 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Việc quản lý một đô thị “loại đặc biệt” như TP.HCM được đánh đồng với các địa phương khác đã phát sinh nhiều bất cập, trở thành rào cản, gánh nặng cho sự phát triển của thành phố. Vấn đề này đã được nêu ra từ vài chục năm trước với một sự liên tưởng “Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”. Từ đó, nhu cầu cấp bách trong việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị mới, có cơ chế chính sách phù hợp với đặc trưng của thành phố được đặt ra.

Nhận thức được vấn đề trên, các Nghị quyết phát triển TP.HCM ra đời nhằm giải phóng thành phố khỏi “chiếc áo chật”, thúc đẩy mọi động lực được bung ra, đưa thành phố phát triển đúng với tầm vóc, vị thế và đặc trưng của mình. 

Trong 20 năm đầu, Nghị quyết số 01-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW xác định TP.HCM “từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, “đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước” thì Nghị quyết số 16-NQ/TW đề ra mục tiêu cho thành phố trở thành“đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; là “đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, “từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.

Đến Nghị quyết số 54 và 31-NQ/TW, thành phố được giao phó nhiệm vụ “giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước” và “sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ... của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, đề cao tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”

Tuy nhiên, khi thực hiện các nghị quyết trên, vấn đề triển khai tổ chức chính quyền đô thị, phân bổ cán bộ công chức chưa phù hợp, cứng nhắc, dẫn đến tình trạng quá tải tại các phường xã đông dân; cấp quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách nên bị động trong điều hành và giải quyết các việc phát sinh. Từ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết trên, Quốc hội đã xem xét và ban hành Nghị quyết 98 để thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nghị quyết 98 đưa ra 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau. Nghị quyết dựa trên 3 nguyên tắc chính là “khơi thông tối đa các nguồn lực”, “phân cấp phân quyền tối đa” và “cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn, ngoài hệ thống pháp luật chung”. 

Ban hành Nghị quyết 98 là một hành động nhằm tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM. Đó là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất để tạo ra thay đổi trước hết và chính yếu nhất trong việc giải phóng mọi nguồn lực cho sự phát triển của thành phố. 

Chưa đầy nửa tháng sau khi Quốc hội thông qua (24/6/2023), đầu tháng 7/2023, Thường trực Chính phủ làm việc với TP.HCM triển khai Nghị quyết 98. Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý thành lập và làm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, trên tinh thần hướng đến kiến tạo đột phá, đem lại thành quả chung cho đất nước, không riêng TP.HCM.  

Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã sát sao, quyết liệt, chủ trì 2 phiên họp quan trọng với TP.HCM, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Ngày 10/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về kết quả kinh tế - xã hội của Thành phố và thực hiện Nghị quyết 98. Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, bộ ngành, TP.HCM “quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, làm việc trọng tâm hơn” với tinh thần “6 tiên phong”.

Ngày 25/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần 5 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, sự hiện diện của Thủ tướng trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Vùng Đông Nam Bộ đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Nghị quyết 98 “là một thông điệp mạnh mẽ”, thể hiện quyết tâm, hành động đưa đầu tàu kinh tế của đất nước vượt qua khó khăn để phát triển trong thời gian tới.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM ý thức sâu sắc về vai trò của đội ngũ chuyên gia, tích cực tham vấn ý kiến các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ quản lý đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực có liên quan…. Tháng 8/2023, Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 được thành lập, gồm 25 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, cơ quan, đơn vị… TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - giữ vai trò Chủ tịch. TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - làm Phó Chủ tịch. 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc thành lập hội đồng tư vấn nhằm góp thêm nhiều ý kiến, tiếng nói tâm huyết, độc lập, khách quan, mang lại hiệu quả cao nhất, có lợi nhất cho Nhân dân.  

Từ khi thành lập, Hội đồng Tư vấn đã tiến hành nhiều phiên họp quan trọng, thảo luận sâu sắc các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đóng góp không chỉ quá trình thực hiện Nghị quyết 98 mà còn là chiến lược, định hướng phát triển TP.HCM nói chung.

Ngày 17/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM về tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM XI, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV.

Ngày 5/10/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, đánh giá kết quả một năm triển khai Nghị quyết 98 và Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn dành quan tâm đặc biệt cho Thành phố và đặt kỳ vọng vào đầu tàu kinh tế cả nước. Chỉ trong vòng hai tháng, lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đều đến làm việc với TP.HCM - điều đó “chưa có tiền lệ” với bất kỳ địa phương nào.

Đứng trước sự quan tâm và kỳ vọng này, TP.HCM đã triển khai thực hiện Nghị quyết 98 với tốc độ “thần tốc”. Chỉ sau một năm, nhiều cơ chế, chính sách đã được thành phố triển khai đi vào thực tiễn, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển. Cùng với đó là làm tốt hỗ trợ an sinh xã hội, thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố cũng chủ động xây dựng những đề án chuẩn bị cho trung và dài hạn, như huy động nguồn lực xã hội, thu hút nhà đầu tư chiến lược; kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Bảy, ngày 15/03/2025 10:05 AM (GMT+7)

Tú Ngân - Huỳnh Thịnh - Cường Nguyễn