LTS: 50 năm kể từ khi thống nhất đất nước, TP.HCM đã khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả nước. Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, nhân dân thành phố, những thành tựu này còn gắn liền các nghị quyết mang tính bước ngoặt của Bộ Chính trị và cơ chế đặc thù từ Quốc hội, Chính phủ cho TP.HCM. Những cơ chế, chính sách đặc thù này đã tạo động lực để TP.HCM bứt phá, vươn tầm khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội được triển khai từ năm 2023 là minh chứng rõ nét cho tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước” của TP.HCM. Thành công của việc thực thi Nghị Quyết 98 sẽ là đôi cánh chắp cho thành phố vươn lên tầm cao mới dựa trên chính những đặc điểm, thế mạnh của mình. Phát triển chính mình cũng là góp phần lớn vào phát triển đất nước. Cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước, tất cả là một khối vững chắc, tiến vào một cột mốc mới trong chặng đường phát triển rực rỡ một Việt Nam.
Tạp chí Du lịch TP.HCM xin giới thiệu với quý bạn đọc loạt bài: Trên “đường ray” Nghị quyết 98, Thành phố “đầu tàu” hướng tới tương lai
Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM vẫn đang trong “thời điểm vàng”, tiếp tục khẩn trương, quyết liệt hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, đưa Nghị quyết 98 đi vào thực tiễn.
Diện mạo thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước đổi mới từng ngày. Vận dụng Nghị quyết 98, TP.HCM triển khai những chủ trương hệ trọng, định hình tương lai của Thành phố.
Siêu đề án 7 tuyến Metro - 355 km - 10 năm
Sau hơn hai tháng vận hành toàn tuyến, Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức khánh thành ngày 9/3/2025, đánh dấu cột mốc quan trọng trong phát triển giao thông công cộng của TP.HCM. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, dài 19,7 km, qua 14 ga - 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, nối trung tâm Thành phố với khu vực cửa ngõ phía Đông.
Sau Metro số 1, TP.HCM trình tham vọng “siêu đề án đường sắt đô thị” với nhiều kỳ vọng mới tạo đột phá, trên cơ sở vận dụng Nghị quyết 98 cũng như Nghị quyết 188 của Quốc hội - vừa thông qua ngày 19/2/2025 - về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM.
Thực tế, tuyến Metro số 1 mất gần 20 năm để hoàn thành gần 20 km. Đứng trước tham vọng phát triển hệ thống đường sắt đô thị, không thể tiếp tục cách làm cũ. Rõ ràng, TP.HCM cần nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội hơn.
Để triển khai 7 tuyến Metro, dài 355 km trong 10 năm (2025-2035), TP.HCM cần huy động sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40,2 tỷ USD. Vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được “trao quyền”, nguồn vốn làm các dự án sẽ được ưu tiên cân đối, bố trí từ ngân sách Trung ương, ngân sách TP.HCM, nguồn thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu, nguồn khác (hợp đồng BT,…).
Dự kiến cuối năm 2025, tuyến Metro số 2 sẽ khởi công. TP.HCM sẽ có thêm những chuyến tàu điện mới.
Phát triển mô hình TOD với quỹ đất tiềm năng 60.000 ha
Quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị cần đồng bộ. Nếu phát triển riêng lẻ, thiếu gắn kết chặt chẽ giữa hai phương diện này, theo các chuyên gia, TP.HCM sẽ bỏ lỡ “cơ hội vàng”.
Do đó, Thành phố đang từng bước đẩy nhanh thực hiện mục tiêu 355 km Metro cùng mô hình TOD (Transit Oriented Development, phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) theo hướng bền vững.
Thực hiện TOD là bước đi quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 98, khi Nghị quyết cho phép thí điểm mô hình TOD tại TP.HCM, và hơn thế, đây còn là những bước đi đầu tiên góp phần hoàn thiện mô hình TOD ở Việt Nam.
Phát triển các “đô thị nén” TOD hướng tới nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa…
Theo rà soát, thống kê của TP.HCM, quỹ đất tiềm năng phát triển mô hình TOD hiện có khoảng 60.000 ha, bao gồm 32.000 ha thuộc các khu vực đất nông nghiệp, đất trống không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng tới dân cư, 23.000 ha đất khu khuyến khích tái phát triển, chỉnh trang, 9.000 ha còn lại thuộc khu đất công nghiệp, đất chuyển đổi chức năng.
Dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã xác định nhiều khu vực phát triển TOD. Trước đó, dựa trên các cơ chế đặc thù ở Nghị quyết 98, Thành phố đã công bố 11 vị trí TOD dọc nhà ga các tuyến Metro số 1, số 2 và Vành đai 3; trong tương lai gần sẽ có 9 vị trí được thực hiện ngay.
Siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là bước hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng, trong đó có Nghị quyết 98.
Với vị trí nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, có thể bổ sung tiềm năng, tương hỗ đưa Cái Mép - Thị Vải trở thành trung tâm trung chuyển tầm cỡ thế giới, dự án Cảng Cần Giờ được đánh giá là công trình tầm vóc, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, mang lại lợi ích lớn cho TP.HCM và cả nước.
Đầu năm nay, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha, vốn đầu tư không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Dự án do liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A - công ty thành viên MSC, hãng tàu lớn nhất thế giới đề xuất đầu tư. Đầu tư của MSC vào Cảng Cần Giờ sẽ tạo ra điểm nhấn quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế cạnh tranh, đưa Việt Nam lên bản đồ hàng hải quốc tế, trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới, củng cố an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế biển.
Với “siêu” dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM đang dốc sức chạy nước rút, chuẩn bị cho một bước nhảy vọt lớn.
Nghị quyết 98 đang mở ra cho Cần Giờ - vùng đất giàu tiềm năng lợi thế, “của để dành”, “lá phổi xanh” của TP.HCM - cơ hội để trở thành đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của Thành phố và cả vùng Đông Nam Bộ.
Trung tâm tài chính quốc tế đẳng cấp
Giấc mơ Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM (IFC) được ấp ủ từ nhiều năm. Thành phố hiện là một trung tâm tài chính quốc gia. Từng bước phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là định hướng quan trọng, thể hiện qua Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2045, và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
TP.HCM đang đẩy nhanh kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực… Dự kiến mô hình trung tâm tài chính sẽ gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh. Sẽ kết hợp khu phố tài chính hiện hữu ở quận 1 và khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm theo hướng bổ sung cho nhau: các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại; các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới.
Đầu năm nay, TP.HCM thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính với 29 thành viên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, thu hút nhà đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực, đóng góp cho tăng trưởng của Thành phố trong tương lai.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, trong quá trình này, phải nghiên cứu kỹ những chính sách đặc thù, vượt trội mà Thành phố có được từ Nghị quyết 98. Mặt khác, dự kiến trong năm 2025, TP.HCM sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết riêng về phát triển trung tâm tài chính quốc tế với hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù.
Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn khẳng định TP.HCM là địa bàn chiến lược rất quan trọng, là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Sau 50 năm hòa bình, thống nhất đất nước và 40 năm đổi mới, TP.HCM luôn chứng tỏ được vai trò, vị thế “đầu tàu” kinh tế, tiên phong trong đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, có đóng góp lớn khi tỷ trọng GRDP của Thành phố chiếm khoảng 18% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm trên 27%.
Nghị quyết 98 đã tạo điều kiện mạnh mẽ cho TP.HCM tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đón đầu, tận dụng và khai thác tốt các cơ hội để giữ vững vai trò đầu tàu của khu vực phía Nam và cả nước.
Nghị quyết 98 từng bước đi vào cuộc sống, vừa khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lãnh đạo phát triển TP.HCM, vừa khẳng định vai trò, sứ mệnh của TP.HCM đối với cả nước, với tinh thần “Cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước”.
Trong tình hình mới, với những thành tựu đã đạt được, TP.HCM sẽ tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 để thúc đẩy tăng trưởng hai con số - mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh thế giới thay đổi, chuyển động cực kỳ nhanh chóng. Trước mắt, năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10%, trong đó kinh tế số đóng góp trên 25%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số, hướng đến phát triển nhanh và bền vững.
Như đã trở thành truyền thống quý báu, TP.HCM luôn trong tâm thế sẵn sàng vượt qua chướng ngại, băng qua thử thách. Trên “đường ray” Nghị quyết 98, “thành phố đầu tàu” hướng đến tương lai. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn của dân tộc Việt Nam.