LTS: 50 năm kể từ khi thống nhất đất nước, TP.HCM đã khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả nước. Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, nhân dân thành phố, những thành tựu này còn gắn liền các nghị quyết mang tính bước ngoặt của Bộ Chính trị và cơ chế đặc thù từ Quốc hội, Chính phủ cho TP.HCM. Những cơ chế, chính sách đặc thù này đã tạo động lực để TP.HCM bứt phá, vươn tầm khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội được triển khai từ năm 2023 là minh chứng rõ nét cho tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước” của TP.HCM. Thành công của việc thực thi Nghị Quyết 98 sẽ là đôi cánh chắp cho thành phố vươn lên tầm cao mới dựa trên chính những đặc điểm, thế mạnh của mình. Phát triển chính mình cũng là góp phần lớn vào phát triển đất nước. Cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước, tất cả là một khối vững chắc, tiến vào một cột mốc mới trong chặng đường phát triển rực rỡ một Việt Nam.
Tạp chí Du lịch TP.HCM xin giới thiệu với quý bạn đọc loạt bài: Trên “đường ray” Nghị quyết 98, Thành phố “đầu tàu” hướng tới tương lai
Đứng trước loạt cơ chế, chính sách đặc thù “chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ có”, được trao để phát triển Thành phố, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM đã triển khai thực hiện Nghị quyết 98 nghiêm túc, bài bản, trách nhiệm, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã trở thành truyền thống.
Với lợi thế “đòn bẩy” từ Nghị quyết 98, trong thời gian ngắn, TP.HCM đã đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới, đưa Nghị quyết 98 thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngay trong tháng 7/2023, khi Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 98, Thành ủy TP.HCM đã nhanh chóng ban hành Chỉ thị 27 (8/7/2023) về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Ngày 15/7/2023, Thành ủy tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 98, quán triệt sâu rộng trực tiếp và trực tuyến đến 534 điểm cầu toàn Thành phố.
Nghị quyết 98 được triển khai trên tinh thần đồng bộ, hiệu quả với Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2045, và Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ của Bộ Chính trị. Liên tiếp trong 2 năm 2024 và 2025, Nghị quyết 98 trở thành một trong những nội dung trọng tâm của chủ đề năm mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố cùng thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết 98, lãnh đạo TP.HCM khẳng định đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, kỹ lưỡng - ngay khi Quốc hội chưa chính thức thông qua - để có thể nhanh chóng, khẩn trương bắt tay vào hiện thực hóa, chọn nhiệm vụ tối ưu, đảm bảo khả thi, bám sát thực tiễn, tập trung hoàn thành khối lượng lớn công việc trong bối cảnh nhiều thách thức, và đặc biệt chắc chắn rằng, sẽ nảy sinh không ít vấn đề mới, chưa có tiền lệ.
Tại kỳ họp thứ 10, khai mạc 10/7/2023, HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết 18 về triển khai Nghị quyết 98.
Đến nay, qua 22 kỳ họp - từ kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 21, HĐND TP.HCM đã thể chế hóa, xem xét thông qua các nội dung thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền, ban hành loạt nghị quyết triển khai, cụ thể hóa nhiều nội dung thành các chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực.
Đơn cử, kỳ họp thứ 11 (19/9/2023) được gọi là “kỳ họp lịch sử”, khi thông qua gần 100 tờ trình với nhiều nội dung quan trọng, cấp bách thúc đẩy sự tăng trưởng TP.HCM, trong đó có 9 nội dung cụ thể hóa chính sách Nghị quyết 98.
Qua từng mốc thời gian, TP.HCM cho thấy đã đạt được nhiều quả ngọt từ Nghị quyết 98. Có những vấn đề được xử lý ngay, nhiều chính sách đi vào cuộc sống, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Bên cạnh đó, còn nhiều nhiệm vụ vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Thành tựu bước đầu, tiếp thêm động lực
Nghị quyết 98 bao gồm nhiều cơ chế, chính sách với các lĩnh vực khá toàn diện vừa có khả năng giải quyết những điểm nghẽn tồn đọng phát sinh trong cơ chế cũ, vừa là bệ phóng để TP.HCM phát huy tiềm năng và nội lực của mình.
Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thực hiện nhiều cơ chế, chính sách vượt trội so mặt bằng chung cả nước. Nắm bắt cơ hội, TP.HCM đã ban hành khối lượng chính sách đáng kể, nhất là thông qua cơ chế phân cấp phân quyền cơ bản đi vào cuộc sống trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy của chính quyền; quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Từ đó, tạo tiền đề, mở ra triển vọng giải quyết nút thắt, điểm nghẽn, rút ngắn quy trình, giúp công việc vận hành thông suốt, hiệu quả hơn. Ắt nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, vướng mắc, nhiều chính sách vẫn còn chậm tiến độ, khiến Thành phố chưa thể đi nhanh như mong muốn, do đó cần sớm khắc phục trong thời gian đến.
Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng đô thị, rộng cửa ngõ huyết mạch
Nghị quyết 98 mở ra cơ hội cho TP.HCM huy động nhiều nguồn lực hợp pháp từ ngân sách lẫn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông. Cụ thể, TP.HCM có thể thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).
Qua thống kê, có hơn 100 tuyến đường đô thị trục chính phù hợp quy hoạch có thể triển khai theo Nghị quyết 98. Cân nhắc, TP.HCM đã chọn những tuyến đường cấp bách nhất, khả thi nhất ở các vị trí cửa ngõ ra vào Thành phố để làm trước: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Đường trục Bắc - Nam và Cầu - đường Bình Tiên.
Đây là các dự án trọng yếu, kỳ vọng khi triển khai đồng loạt sẽ giúp đẩy nhanh hơn tiến trình hoàn thiện hệ thống giao thông, cải thiện năng lực thông hành, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, đóng vai trò quan trọng kết nối liên hoàn toàn mạng lưới giao thông liên vùng và các đầu mối kinh tế lớn, phát triển kinh tế - xã hội về mọi mặt.
Tháng 2/2025, HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án BOT cửa ngõ TP.HCM thực hiện theo Nghị quyết 98. Người dân Thành phố mong chờ ngày khởi công những tuyến đường huyết mạch, giúp chuyển mình hạ tầng đô thị TP.HCM.
Tiên phong kêu gọi đầu tư các dự án PPP văn hóa, thể thao
Thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp và tư nhân cho lĩnh vực văn hóa, thể thao hiện còn rất hạn chế, thiếu khuôn khổ pháp lý, cơ chế cụ thể, bởi đây là các lĩnh vực không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thử nghiệm những mô hình và cách thức quản lý mới, linh hoạt hơn so với các quy định chung khi thực hiện dự án PPP. Đơn cử, ngân sách sẽ tham gia dưới 70% (quy định pháp luật hiện hành không quá 50%) tổng vốn đầu tư ở một số dự án PPP cụ thể.
Tháng 10/2023, trong văn bản gửi Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ, UBND TP.HCM đề xuất mở rộng phân cấp ở một số lĩnh vực cho Thành phố triển khai Nghị quyết 98, trong đó đáng chú ý là đề xuất được quyết định chủ trương đầu tư PPP các dự án văn hóa, thể thao.
Một năm sau - ngày 15/10/2024, TP.HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao. Tham dự Hội nghị dấu ấn này có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận thực trạng các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được đầu tư và phát triển ngang tầm so với yêu cầu phát triển của Thành phố. Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của TP.HCM rất lớn nhưng chưa khai thác đúng mức.
Do đó với Hội nghị lần này, chính quyền Thành phố chính thức công bố danh mục các dự án, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 23 dự án văn hóa, thể thao với tổng vốn dự kiến hơn 23.600 tỷ đồng theo phương thức đối tác công - tư PPP. Trong đó, ưu tiên mời đầu tư ngay 5 dự án với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng, giới thiệu 18 dự án để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất.
Với Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, các chuyên gia kỳ vọng TP.HCM sẽ có thêm những công trình mới mang tính biểu tượng, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thể thao xứng tầm để trở thành trung tâm sự kiện tầm vóc châu lục và quốc tế, đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa.
Quyết tâm vận dụng hiệu quả Nghị quyết 98, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định các nhà đầu tư tham gia với tình cảm, đam mê và trách nhiệm, phía Chính quyền Thành phố sẽ tạo điều kiện về môi trường, cơ chế, chính sách.
Kiện toàn bộ máy cho Thủ Đức, “thành phố trong thành phố”
Là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước, TP Thủ Đức được thành lập đầu năm 2021 trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân, kỳ vọng trở thành hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 30% GRDP của TP.HCM, tương đương 7% GDP cả nước.
Song, bước đầu đi vào hoạt động, TP Thủ Đức vẫn còn “loay hoay” với tổ chức bộ máy, “thẩm quyền vẫn chỉ ở cấp quận”, chưa phát triển tương xứng vị thế.
Với Nghị quyết 98 dành riêng Điều 10 về tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết Nghị quyết đã tạo điều kiện thuận lợi, mở ra các cơ chế mới tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình vận hành.
Chính quyền TP.HCM và TP Thủ Đức nỗ lực kiện toàn tổ chức bộ máy theo những cơ chế đặc thù mà Nghị quyết 98 đem lại. Chưa đến một năm sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, “bộ khung” của TP Thủ Đức với 16 cơ quan chuyên môn cùng 3 trung tâm - trong đó có những mô hình mới hoàn toàn, lần đầu thí điểm - cơ bản được hình thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển, giải quyết nhanh chóng những công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh hoàn thiện nhân sự, bộ máy theo Nghị quyết 98, trong năm 2024, vận dụng cơ chế chính sách đặc thù được trao, UBND TP Thủ Đức còn tiến hành kêu gọi đầu tư 11 dự án nhóm B, C theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, hướng đến phát huy các tiềm năng, lợi thế, khơi thông các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển.
Để hiện thực hóa các dự án, chắc chắn sẽ cần phải tiếp tục làm rõ, hoàn thiện trình tự thủ tục chi tiết để các cơ quan chuyên môn triển khai và doanh nghiệp thực hiện. Song, trong bối cảnh 10 năm TP.HCM “không có dự án PPP nào”, động thái trên của TP Thủ Đức đã thể hiện tinh thần địa phương tiên phong tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nghiên cứu dự án PPP.
Với Nghị quyết 98, sau 5 năm thành lập, TP Thủ Đức tiếp tục vững vàng tiến bước trên con đường trở thành cực tăng trưởng mới, đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Tổng kết năm năm 2023, Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố GRDP của TP.HCM tăng trưởng 5,81%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Năm 2024, GRDP của TP.HCM dẫn đầu cả nước, đạt 1,78 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,17% - cao hơn mức bình quân cả nước. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định: khối lượng, hiệu quả mà Thành phố hoàn thành trong 1 năm thực hiện Nghị quyết số 98 tương đương 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trước đó.
Trên tinh thần đó, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả cao nhất giá trị của Nghị quyết 98 mang lại. Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách và có giải pháp để hiện thực hóa các chính sách đã được ban hành.
Theo nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, TP.HCM đã đặt ra mức tăng trưởng năm 2025 sẽ là hai con số, ít nhất là 10%. Đây vừa là “mệnh lệnh” của cả nước, vừa là khát vọng lớn lao của Thành phố.