TP.HCM chính thức bước vào 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ngày 8/7 theo một cách nào đó trông như ngày 30 Tết, mọi người kéo nhau đi mua sắm, phố phường bỗng ồn ào hơn so với bình thường một chút. Buổi tối đó, ai cũng nhìn đồng hồ, cùng đếm ngược đến nửa đêm, cũng hồi hộp như đón giao thừa. Sáng 9/7 thức dậy, phố phường vắng tanh như ngày đầu năm mới.

Cái “Tết” thật sự không ai trông mong. Nhưng hãy tận dụng khoảng thời gian này để nhìn lại bản thân và gia đình nhỏ, mấy khi có được thời gian chăm sóc cho chính mình và cho người thân. Sau này mấy chục năm nữa, ta kể cho con cháu nghe về cái “Tết” kỳ quặc nhất.

Mấy ngã tư quận Nhất bao năm qua không lúc nào ngớt tiếng xe, giờ mới 7 rưỡi tối đã vắng lặng như thể đồng hồ bị sai múi giờ. Phố đi bộ thèm tiếng chân, bờ kè sông nhớ mấy câu chuyện tình, lề đường tự nhiên không còn nghe cười nói rộn rã, đại lộ thẳng tắp giờ chỉ còn tiếng gió thoáng qua.

Trong khi cư dân thành phố đã về nhà tránh dịch, thì vẫn còn rất nhiều người lao động nghèo bất đắc dĩ phải nằm lại góc nhỏ nơi vỉa hè. Dân văn phòng tận dụng 2 tuần này để sống chậm, nhưng những người cả đời bám trụ đường phố liệu có còn lựa chọn nào khác không?

Thật may mắn và cũng thật ấm lòng, khi những người sống chậm đó lại rất nhanh lẹ vào những lúc cần bao dung. Sài Gòn những ngày này, bước chân của các nhóm thiện nguyện rảo khắp nơi, tìm kiếm vào tận hẻm sâu để không một mảnh đời nào bị thiếu bữa cơm nóng.

Đó là nhóm bạn trẻ rao “Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ. Bánh mì Sài Gòn - Đặc biệt thương nhau”; đó là anh chủ khách sạn nhớ khách quá, bèn mở tung cửa đón người vào ở miễn phí; đó là cậu bạn đêm không ngủ, tìm đến từng hoàn cảnh và lan tỏa cho cộng đồng qua những bức ảnh đẹp như phim chiếu rạp; hay đó là những bếp ăn 0 đồng ngày đêm đỏ lửa, lo cho bữa cơm của ai đó người dưng.

Người Sài Gòn là vậy đó, trong khổ cực vẫn tìm thấy được niềm vui, biến những điều tưởng chừng là rất tồi tệ thành vẻ đẹp lạ thường; nhưng không chỉ làm đẹp cho riêng, họ còn làm đẹp cho bất cứ ai gặp được trên đường mà không chút chần chừ.

Hoàng, chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp online tại một đại học danh giá ở thành phố, trước mặt anh là cả tương lai trộn đủ hoài bão lẫn chông gai. Hoàng thỉnh thoảng thở dài, “Học trực tuyến nửa năm, ngồi nhà nửa năm, thất nghiệp nửa năm, là năm rưỡi nay chưa làm gì ra tiền”.

Hỏi Hoàng, giấc mơ về Sài Gòn phồn hoa trong anh liệu có vụt tắt? Anh cười, “Tắt sao được mà tắt, mình có khổ hết số má cũng có mì gói mà ăn, chứ nhiều người đến hạt gạo còn kiếm không ra. Cả năm nay, cô chủ nhà biết mình “mắc dịch”, nên có tháng nào lấy đủ tiền nhà đâu. Có bữa tự nhiên cô gõ cửa, xong quăng vô bó rau, cục thịt, nói là thằng con cô không biết đi chợ, mua toàn bị dư, nên đem lên chia ra ăn phụ.”
 

Chú Nam, ngồi yên trên chiếc xe máy cũ dựng ở đầu hẻm đối diện chợ Tân Định, nhìn chú buồn ơi là buồn, chắc bữa giờ không có ai kêu chú chở đi đây đi kia. Cũng hỏi chú, bộ Sài Gòn này hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo là thật sao chú? Chú cũng cười, “Tui chưa có giàu nên tui chưa có biết, nhưng ít nhất, tui biết khi nghèo tui không nhiều lệ.

Bữa giờ, ngồi cả ngày không chạy được cuốc nào, nhưng rất ngộ là cơm canh ăn no hơn hồi xưa. Tới giờ cơm, nhiều đoàn tình nguyện ghé sang rồi gửi cho tui một phần. Ai nói cơm từ thiện ăn vô cứng ngắc là nói trật, tại vì cơm của tui ăn rất ngon, rất đủ chất nè”.

Bất chợt, chú để hộp cơm xuống yên xe rồi chạy lại đỡ người phụ nữ đứng dậy vì té ngã. Chú hỏi chị Tư mua đồ chi dữ, xách nặng rồi té đụi. Cô Tư cười hề hề, chắc cười cho đỡ quê sau cú té trời giáng, xong đưa cho chú thêm hộp cơm, cô nói tranh thủ mua mớ đồ để trong nhà, mấy bữa nữa khu trọ kế bên kiểu gì cũng có đứa bị thiếu.

Bởi vậy thấy Sài Gòn ngộ ơi là ngộ. Mùa dịch ai cũng khó khăn nhưng chớ hề thấy ai khó tánh, người đỡ cực giúp người cực nhiều cho thêm cực. Ai cũng khó, ai cũng cực, mà ai cũng cười vui quá chừng. Ngộ ghê hén.
 

Sài Gòn là nơi tứ xứ tụ về. Người ta hay nói nơi này nhiều tệ nạn tại vì dân cư mỗi nơi mỗi tánh họp lại, nhưng không ai nói nơi này giàu tình cảm vì tánh tốt khắp nơi được đổ về. Thật sự là như vậy, hổng tin thì để kể cho nghe.

Chị Thủy là nữ tài xế taxi, ngày thường khách thấy nữ chạy xe là liền xua tay lắc đầu, nhưng chị vẫn bám dính lấy nghề. Mấy ngày này, xe chị bon bon trên đường vắng, chở bệnh nhân đến các cơ sở điều trị mà không lấy một đồng nào. Người bệnh cảm ơn rối rít, chị thấy ngại nên đưa người ta vào tới tận cổng, bảo vệ đuổi mới chịu về.

Bác sĩ Diệp (Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) đặt xe tới khu cách ly ở Gò Vấp để làm nhiệm vụ. Khi cuốc xe hoàn thành, nữ bác sĩ trả tiền thêm tip nhưng anh tài xế rồ ga bỏ chạy, chỉ kịp nói “Nhận tiền lúc này của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc, chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc”.
 

Hay câu chuyện về cây táo nở hoa của cán bộ Phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, giúp cư dân trong khu phong tỏa thấy yêu đời hơn; chuyện về những gian hàng mời người ta đến lấy của bạn trẻ thanh niên Đoàn viên; chuyện về những khu cách ly chật vật mà che chở nhau vô cùng.

Thành phố bị bệnh, người thì nhìn ra cảnh “Tết” đang về, người thì thấy như mấy bộ phim hậu tận thế, lỡ mọi chuyện không thể trở lại như xưa thì sao? Những lúc như vậy, chúng ta thèm đủ thứ mà thậm chí ta từng chán ghét, chẳng hạn như kẹt xe giờ tan tầm, mưa to ướt hết giày áo,...

Nhưng mà trời ơi, người Sài Gòn bản lĩnh dữ dội lắm, luôn tìm ra cách gì đó để yêu thương người ta một chút dù chính mình cũng lao đao; người dân mà còn như vậy, thì thành phố này nội lực phải đến cỡ nào. Đừng có ai nghi ngờ về khả năng bình phục của thành phố tui hết à nghe, kiểu gì Sài Gòn cũng hết bệnh, cũng khỏe re liền thôi hà.
 

Sẽ sớm thôi, hẹn nhau qua mùa dịch, ta sẽ rủ rê đám bạn cà kê ở quán xá bên đường, dẫn đám trẻ chạy tháo mồ hôi hết phố đi bộ, hẹn người ấy bát phố cho cạn cả xăng, đãi ba mẹ một chầu lẩu bằng tháng lương đầu khi làm việc lại, ai thích cười thì cười, thích khóc thì khóc, thích làm trò gì đi nữa thì cứ vô tư.

Khi hết “Tết”, chúng ta lại lao vào guồng quay công việc, những ngày sống chậm sẽ qua nhưng yêu thương thì cứ hãy ở lại nhé. Con cháu của ta sẽ hỏi, “Tết kiểu gì mà lại giữa mùa hè?”, ta sẽ thật nhớ về quãng thời gian này và kể cho con cháu nghe về một mùa “Tết” yêu thương, một cái “Tết” ấm áp mà ta đã đi qua với thật nhiều kỷ niệm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Sáu, ngày 09/07/2021 06:04 AM (GMT+7)

Bài: Quang Niên - Ảnh: Ngô Trần Hải An, Kỳ Anh, Hữu Khoa