Tại một trong những con đường đẹp nhất giữa Thủ đô, tượng đài chiến sĩ công an nhân dân trên đường Trần Nhân Tông đang trở thành nơi được nhiều người tìm đến mỗi ngày. "Check-in" một địa điểm vừa tỏ bày được lòng biết ơn, lại vừa có thời gian tản bộ quanh cung đường đẹp nhất Hà Nội cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ.
Giữa thủ đô Hà Nội, tháng 8/2022, 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh khi làm nhiệm vụ tìm người mắc kẹt trong một đám cháy. Trong số đó, trung úy trẻ tuổi Đỗ Việt Đức (quê ở Tảo Dương Văn, Ứng Hòa, Hà Nội) và những câu chuyện đời thường của anh đã trở thành nguồn cảm hứng sống cho nhiều bạn trẻ.
Hình ảnh Đỗ Việt Đức trong trang phục chữa cháy với gương mặt, bàn tay lấm lem khói đen vừa hoàn thành nhiệm vụ, đến nói lời yêu thương chú cún đang mang bầu và dòng status trên Facebook của anh năm nào đã lan tỏa khắp mạng xã hội suốt một thời gian dài.
"Chào cậu, nhân vật được tớ đưa ra khỏi vụ cháy ngày hôm nay. Cậu đang mang bầu phải không? Chúc cậu hạ sinh những chú cún thật đáng yêu, khỏe mạnh và cũng dũng cảm như cậu ngày hôm nay nhé".
Khi đất nước đã ngưng tiếng súng, hầu hết người dân đang được hưởng cuộc sống thanh bình, nhiều chiến sĩ công an trên khắp các mặt trận: giao thông, phòng cháy, cứu hộ cứu nạn, an ninh trật tự vẫn phải đương đầu với hiểm nguy hàng ngày. Bất cứ ai trong số họ khi xung trận, trong những lúc cam go nhất, hiểm nguy nhất đều thể hiện tinh thần hết sức dũng cảm, không màng đến tính mạng của mình để bảo đảm an toàn cho Nhân dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, trong khoảng 10 năm (2013-2023), lực lượng cảnh sát giao thông liên tục đối mặt với hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ, trong số đó đã có 4 chiến sĩ hy sinh.
Câu chuyện về sự hy sinh vừa đau xót nhưng rất mực đẹp đẽ như một chấm than trong tiến trình lịch sử thời bình. Không có biên giới, không phân biệt vùng miền, trên khắp mảnh đất hình chữ S, ở đâu có lực lượng cán bộ công an, ở đó có câu chuyện về những tấm gương xả thân vì nhân dân phục vụ. Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát trở thành một chỉ dấu yêu thương và tin tưởng trong lòng nhân dân.
Thể hiện lòng biết ơn những hành động đẹp đẽ và sự tận tụy quên mình đó, Chính phủ và ngành công an có những ghi nhận đặc biệt như trao tặng huân chương, phong hàm vượt cấp đối với các chiến sĩ, chăm sóc gia đình thân nhân kịp thời.
Nhưng theo thời gian và bộn bề cuộc sống, những câu chuyện rồi dần sẽ phai nhạt. Vì thế, để ai cũng có cơ hội tỏ bày lòng biết ơn mỗi khi nhắc nhớ, mỗi ngày có dịp, tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ" được dựng trên trục phố Trần Nhân Tông (sát tường rào Công viên Thống Nhất) - một trong các vị trí đẹp nhất tại Thủ đô. Hơn cả, đó là khu vực mà ngày ngày đồng đội của họ vẫn cần mẫn làm việc trong những tòa nhà công vụ gần kề.
Tượng đài do Hội đồng Nghệ thuật Mỹ thuật Việt Nam, đứng đầu là họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và 15 thành viên là các nhà điêu khắc, họa sĩ có trình độ từ đại học trở lên, có uy tín và kinh nghiệm xây dựng tượng đài. Tác phẩm điêu khắc thể hiện hình tượng chiến sĩ cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, là biểu tượng của sự dũng cảm, hy sinh vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Tượng đài được dựng với mục đích tôn vinh sự cống hiến của lực lượng công an nói chung, lực lượng cảnh sát nhân dân nói riêng trong sự nghiệp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì bình yên cuộc sống của Nhân dân. Công trình văn hóa này không chỉ mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ chiến sĩ ngành công an mà còn là nơi giúp người dân khắp nơi tỏ bày lòng biết ơn với mỗi hy sinh của người chiến sĩ.
Trong hơn một năm kể từ khi tượng đài khánh thành (17/7/2022), nơi này trở thành một điểm đến của nhiều người. Hình ảnh người dân tranh thủ lúc tan ca ghé qua khu vực tượng đài đặt hoa mỗi khi biết tin một câu chuyện đau lòng về sự hy sinh của chiến sĩ công an nào đó đã không còn lạ. Anh Đỗ Văn Hà, nhân viên một ngân hàng, chia sẻ: “Khi biết được thông tin qua báo chí về ba chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hy sinh cứu người thì mình rất xúc động và thấy rất thương. Nhất là em 19 tuổi, còn rất trẻ và chưa kịp lập gia đình, chưa kịp trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn. Hôm nay tan làm mình gửi chút hoa để tưởng nhớ đến 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hy sinh”, anh Hà nói.
Hay những ngày mới đây, khi thông tin về những chiến sĩ công an tại Lâm Đồng hy sinh, nhiều người cũng ghé tượng đài đặt hoa tưởng nhớ. Trong số đó, đáng nói là rất nhiều bạn trẻ.
Qua thời gian, tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ đã và sẽ trở thành một nơi chốn để người dân bày tỏ lòng biết ơn với những hy sinh của lực lượng công an. Thực tế, người chọn sự hy sinh đã không còn và có thể chẳng bao giờ biết được họ sẽ được ghi nhớ như thế nào. Nhưng hành động thể hiện lòng biết ơn là nghĩa cử đẹp cần có và cần được nhân rộng trong guồng quay xã hội ngày càng vội vã hiện nay.
Một thanh niên trẻ ghé thăm tượng đài bộc bạch: "Cuộc sống này sẽ đẹp hơn nếu chúng ta sống trong sự biết ơn. Nhưng đẹp hơn nữa nếu lòng biết ơn có nơi bày tỏ". Anh ấy chọn tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ là một điểm đến khi đến thăm thành phố, và cho rằng, đó là một nơi đẹp đẽ nhất Thủ đô.