Lượng tìm kiếm về dịch vụ lữ hành Việt tăng vọt trong tháng 1, cùng với lượt khách du lịch ấn tượng trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán vừa qua là những tín hiệu khả quan về chặng đường phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt trong năm mới. Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Du lịch đã có những chia sẻ trước kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế vào giữa tháng 3 này.
Thưa ông, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa từ 15/3, ông đánh giá như thế nào về mốc thời gian này?
Tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Cứ nhìn vào các con số thực tế, có thể thấy lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian cuối tháng đến tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 tăng 374% so cùng kỳ 2021.
Hiện Việt Nam là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine lớn nhất. Ngoài ra, với những nỗ lực của Chính phủ và các tỉnh, thành phố trong cả nước, dịch COVID-19 tại Việt Nam đã và đang dần được kiểm soát và chuyển sang “trạng thái bình thường mới’’. Du lịch Việt Nam đã tích lũy kinh nghiệm, triển khai thành công các hoạt động tái khởi động du lịch trên cả nước từ nội tỉnh, nội địa đến thí điểm quốc tế đảm bảo ‘’thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, ngành Du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn khi quay lại “đường đua” sau thời gian dài “ngủ đông”, theo ông cần hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào để họ sẵn sàng khi mở cửa du lịch hoàn toàn?
Sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm. Do vậy, các địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động từ 15/3/2022.
Sẽ cần sự thống nhất từ trung ương tới địa phương về các quy định xét nghiệm, tiêm vaccine, thời gian, quy trình cách ly đối với khách du lịch và đội ngũ nhân lực du lịch.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên có thể kéo dài đến hết năm 2023. Ngoài ra, có thể xây dựng và triển khai các gói kinh phí hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong ngành du lịch tại một số địa bàn.
Cơ quan quản lý du lịch tại địa phương cần có hướng dẫn đối với cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án xử lý phòng, chống dịch; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực lưu trú du lịch cho phù hợp với tình hình mới.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm mở cửa du lịch hoàn toàn trong điều kiện bình thường mới, vậy Tổng cục Du lịch đã có những chiến dịch quảng bá như thế nào để có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực khi nhiều nước đã thông báo mở cửa sớm hơn và quảng bá rầm rộ như Thái Lan, Indonesia?
Tổng cục Du lịch đã và đang triển khai các chương trình truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch hướng đến thị trường khách quốc tế. Chủ đề “Live fully in Vietnam” - “Trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam” là thông điệp mời chào khách quốc tế trải nghiệm một Việt Nam đầy sức sống với thiên nhiên tươi đẹp, các bãi biển đầy nắng gió và nền văn hóa độc đáo, đầy bản sắc. Chiến dịch được xây dựng với nội dung đa dạng - video clip quảng bá, các hình ảnh, bài viết, hình họa, có hiệu ứng lan tỏa tốt trên các nền tảng truyền thông số.
Chiến dịch quảng bá hướng đến các thị trường mục tiêu như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Úc… Trong đó ưu tiên những nước có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc-xin với Việt Nam, các nước được miễn thị thực (trong trường hợp chính sách miễn thị thực được khôi phục như trước dịch).
Thông qua các kênh truyền thông quốc tế lớn như CNN, CNBC; các hoạt động marketing số, website www.vietnam.travel, các trang mạng xã hội của Tổng cục Du lịch; hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; các hoạt động xúc tiến, quảng bá trực tiếp như tham gia các hội chợ du lịch lớn trên thế giới, tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu, Úc…); tổ chức một số đoàn FAM cho các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam khảo sát... để quảng bá các sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch tham quan di sản, du lịch sinh thái, du lịch MICE và các loại hình du lịch gắn với ẩm thực.
Để thu hút khách quốc tế và cạnh tranh với các quốc gia láng giềng thì các sản phẩm du lịch của chúng ta phải thay đổi như thế nào so với trước đây, thưa ông?
Thực tế sau đại dịch, ngành Du lịch có những thay đổi theo một số xu hướng dự báo như: Xu hướng du lịch điểm đến an toàn thân thiện là sự lựa chọn, ưu tiên hàng đầu của du khách khi dịch bệnh được kiểm soát và mọi hoạt động sinh hoạt trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Thêm đó là xu hướng du lịch được bảo đảm về chăm sóc sức khỏe cũng như bảo hiểm cao hơn, du khách có xu hướng cần được biết thông tin chi tiết về hệ thống chăm sóc sức khỏe của điểm đến và các gói bảo hiểm du lịch giúp du khách yên tâm thực hiện chuyến đi.
Xu hướng sử dụng sản phẩm du lịch trọn gói, các gói (combo) thiết kế sẵn dành cho các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình cũng sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu của du khách. Ngoài ra còn xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet để tìm hiểu kỹ hơn trước chuyến đi, đồng nghĩa là các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch cần ứng dụng nhiều hơn về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản trị cũng như công tác liên kết tài chính qua phần mềm, công tác giới thiệu, quảng bá, marketing các sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu và thu hút sự chú ý, chăm sóc khách du lịch tốt hơn.
Một xu hướng nữa là du lịch được linh hoạt trong sử dụng dịch vụ. Việc doanh nghiệp có các lựa chọn đa dạng, có chính sách linh hoạt sẽ nhận được nhiều quan tâm của khách du lịch.
Như vậy, có thể thấy du lịch Việt Nam cũng phải thích ứng, thay đổi. Bên cạnh các sản phẩm du lịch vốn đã là thế mạnh, chúng ta sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới, đáp ứng xu hướng du lịch của thời đại.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc mở cửa du lịch quốc tế rất cần thiết nhưng cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào thời điểm này và ưu tiên hàng đầu vẫn là thúc đẩy du lịch nội địa. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Du lịch Việt Nam luôn xác định đồng thời phát triển cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.
Các hoạt động tái khởi động du lịch trên cả nước từ nội tỉnh, nội địa đến thí điểm quốc tế đảm bảo‘’thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’ đem lại cho Du lịch Việt Nam 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế trong năm 2021 và đặc biệt là kết quả Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế với gần 9.000 khách quốc tế kể từ khi triển khai Chương trình vào tháng 11/2021 đến nay. Chúng tôi đang rất chờ đón những làn sóng du lịch trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!