PV: 7 tháng đầu năm 2022, du lịch TP.HCM đã ghi dấu ấn đáng khích lệ khi đã đón 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và hơn 765.000 lượt khách quốc tế. Số lượng khách quốc tế vẫn còn rất “khiêm tốn” so với trước đại dịch Covid-19 cũng như tiềm năng của TP. Vậy Sở Du lịch TP.HCM đã có chiến lược như thế nào để đạt được mục tiêu 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022? 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Để đạt được mục tiêu 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, chúng tôi tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, các quận, huyện và TP. Thủ Đức khảo sát, thiết kế các tour/tuyến du lịch nội vùng (quận, huyện) như chương trình “Ký ức Sài Gòn – Chợ Lớn”, “Sài Gòn trăm năm, hoa trái thương hồ”, “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”,…

Ngoài ra, Sở Du lịch cũng lấy ý kiến góp ý đề án Phố đi bộ và khu ẩm thực Hà Tôn Quyền, quận 11 (TP.HCM đã có 2 phố đi bộ là Nguyễn Huệ và phố đi bộ - khu ẩm thực “Tây ba lô” Bùi Viện…), phối hợp huyện Nhà Bè khảo sát các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch ven sông. Đồng thời xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy năm 2022 cùng với Kế hoạch khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với hoạt động mới lạ trên địa bàn quận 1, 5, 6 và quận 8.

Các chương trình du lịch tại các điểm đến của thành phố cũng được làm mới, gắn với các hoạt động trải nghiệm, đạp xe tại các vùng nông thôn ngoại thành, tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường,...

Ngành du lịch thành phố cũng đang đẩy mạnh các chương trình truyền thông điểm đến thông qua các kênh truyền thông trong nước, quốc tế, cũng như kênh trực tuyến, mạng xã hội,… lan tỏa, giới thiệu, quảng bá được nét đẹp thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, ngành nghề truyền thống của thành phố đến với người dân thành phố, với du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan trong năm 2022.

Sau 2 năm tạm lắng do dịch COVID-19, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 16 (ITE HCMC 2022) hứa hẹn sẽ góp phần thu hút nguồn khách inbound trong thời gian tới. Vậy hội chợ năm năm nay có những điểm nhấn nào nổi bật, thưa bà?

Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ITE HCMC 2022 sẽ chính thức quay trở lại với chủ đề: “Cùng vững bước, cùng đi lên” (Growing Forward Together) trong ba ngày, từ 8/9 đến 10/9 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn, quận 7. 

Hội chợ ITE HCMC là sự kiện du lịch quốc tế duy nhất tại Việt Nam có chương trình “Người mua quốc tế”. Chương trình mang đến cơ hội để các doanh nghiệp du lịch quốc tế mong muốn mở rộng thị trường, mang du khách đến Việt Nam cũng như tìm kiếm các đối tác du lịch tại Việt Nam và khu vực hạ nguồn sông Mê Kông trong thời gian tới. Tại hội chợ, chúng tôi không chỉ tổ chức không gian triển lãm trực tiếp mà còn có không gian trực tuyến để doanh nghiệp không thể tham gia trực tiếp có thể kết nối.

Đặc biệt, Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Award) đã lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và Châu Đại Dương năm 2022 trước thềm khai mạc Hội chợ ITE HCMC 2022 tiếp tục khẳng định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ du lịch thế giới.

Trong khuôn khổ hội chợ năm nay sẽ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo cấp cao với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ phụ trách du lịch các nước khu vực hạ nguồn sông Mê kông, Ấn Độ và Cuba, lãnh đạo Hiệp hội Triển lãm Toàn cầu, Hiệp hội Triển lãm và Hội nghị Châu Á và các chuyên gia đầu ngành về du lịch trong nước và khu vực.

Ngoài ra, trong 3 ngày diễn ra hội chợ, khách tham quan và các đơn vị tham dự còn được tham gia rất nhiều hoạt động sôi nổi như: Khu trải nghiệm văn hóa vùng miền, Ngày hội tiêu dùng dành cho công chúng,… Sau Hội chợ, khách mời quốc tế tham gia các chương trình khảo sát để trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới của TP.HCM và sản phẩm liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh thành nhằm quảng bá các chương trình du lịch trải nghiệm “Một hành trình - nhiều điểm đến”.

Hội chợ năm nay cũng sẽ giới thiệu website chính thức của ITE HCMC 2022. Với giao diện thân thiện giúp cho khách tham quan truy cập nhanh chóng và dễ dàng để cập nhật những thông tin mới nhất về hội chợ như các hội nghị, hội thảo, sự kiện bên lề, sơ đồ mặt bằng tổng thể cũng như danh sách các đơn vị triển lãm, các chương trình khuyến mãi của các đơn vị triển lãm…

Ngành du lịch TP.HCM đã chuẩn bị như thế nào cho sự kiện quan trọng này?

Hội chợ ITE HCMC 2022 được sự quan tâm đăng ký của hơn 500 doanh nghiệp du lịch quốc tế, Ban Tổ chức đã chọn lọc và mời trên 150 người mua quốc tế từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, cụ thể là Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Romania, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Kuwait - các thị trường du lịch inbound trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam. Qua đó, hội chợ hứa hẹn mở ra hơn 6.000 cuộc hẹn thương mại B2B giữa người mua và các đơn vị triển lãm.

Hội chợ cũng được sự quan tâm và sự hỗ trợ của hơn 50 đối tác truyền thông trong nước và 20 đơn vị báo chí quốc tế đến từ 10 quốc gia: Anh, Ấn Độ, Brazil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hội chợ cũng ghi nhận số lượng gian hàng đăng ký tham dự lên tới 260 gian hàng, gồm 210 gian hàng đến từ các đơn vị trong nước, 50 gian hàng đến từ các đơn vị quốc tế. Đặc biệt, với sự góp mặt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch của 41 tỉnh thành chắc chắn mang lại một kỳ Hội chợ thành công về chuyên môn lẫn quy mô.

Để quảng bá du lịch Việt Nam, TP.HCM và các tỉnh, thành đến thị trường quốc tế sâu sắc nhất, chúng tôi đã chuẩn bị từng nội dung, chương trình người mua, người bán đến tham quan khảo sát để quảng bá văn hóa, ẩm thực của Việt Nam đến khách quốc tế. Với Đêm Việt Nam - Gala Dinner “Tinh hoa Gạo Việt”, chúng tôi sẽ cố gắng để làm sao khi khách quốc tế đến hội chợ hiểu hơn về văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là văn hóa nông nghiệp. 

TP.HCM đang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch bằng chiến lược xây dựng loạt sản phẩm du lịch mới, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch sẵn có. Chiến lược mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đã đem lại hiệu quả như thế nào cho đến thời điểm này?

Cùng với những tour truyền thống đã được khai thác từ nhiều năm qua, hiện nay, TP.HCM có nhiều tour mới được xây dựng khám phá những điểm đến ở địa phương như tour: “Lắng nghe hơi thở của rừng” - khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Cần Giờ; “Bình Chánh những điều chưa kể”; tour “Về miền đất thép ở Củ Chi”; “Hóc Môn trên bến dưới thuyền” hay “TP.Thủ Đức bên dòng sông xanh”; “Về Chợ Lớn xem múa Lân” của quận 5; “Tân Phú - Đi là nhớ”…

Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch là chiến lược của ngành du lịch TP.HCM trong việc đưa thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn. Qua những đợt khảo sát, những tour tuyến mới được xây dựng cho thấy du lịch TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Chiến lược biến TP.HCM thành điểm đến hấp dẫn, dù là khó khăn, lội dòng nước ngược nhưng chúng tôi thấy đang đi đúng hướng. Bởi muốn thu hút du khách phải có sản phẩm mới, hấp dẫn và thực tế TP.HCM đã có rất nhiều chất liệu cho việc xây dựng sản phẩm du lịch.

Du lịch về đêm là một trong những cách giữ chân du khách lâu hơn và thúc đẩy chi tiêu của khách, tuy nhiên hiện tại thì các sản phẩm du lịch đêm vẫn chưa được phong phú và xứng tầm với một đô thị sôi động như TP.HCM. Để nâng chất trải nghiệm cho du khách thì ngành du lịch thành phố đã và đang phát triển những sản phẩm du lịch đêm nào, thưa bà?

Một trong những sản phẩm đặc thù mà TP.HCM đang hướng đến để tạo sự khác biệt so với các tỉnh, thành khác trong khu vực đó là sản phẩm du lịch không ngủ hay gọi là du lịch đêm. Để sản phẩm này trở nên hấp dẫn, tăng chi tiêu của du khách và mang lại những giá trị cho cộng đồng, người dân TP.HCM, ngành du lịch đã cùng các sở, ban, ngành, quận, huyện chuẩn bị những sản phẩm du lịch về đêm, đưa thêm những sản phẩm, dịch vụ mới ở những phân khúc du lịch city tour, du lịch liên kết với các tỉnh thành.

Việc ra mắt những chương trình nghệ thuật về đêm không chỉ là phục vụ cộng đồng mà còn là những show diễn định kỳ có sự phối hợp với ngành văn hóa và những chương trình ẩm thực để thúc đẩy du lịch không ngủ. Có thể kể đến những chương trình du lịch đêm như: “Huyền bí đêm Sài Gòn - TP.HCM” trải nghiệm những di tích lịch sử về đêm, dịch vụ ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ đầu mối. Ngành du lịch TP.HCM phối hợp với các đơn vị đảm bảo an ninh, an toàn cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm để đêm đến trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.

Muốn phục hồi du lịch, chúng ta cần có nguồn nhân lực chất lượng cao và dồi dào. Tuy nhiên, sau đại dịch nguồn nhân lực du lịch của chúng ta không chỉ thiếu mà còn yếu. Vậy ngành Du lịch thành phố đã có những chính sách gì để phục hồi nhanh chóng nguồn nhân lực?

Đến thời điểm hiện nay nhân sự phục vụ trong ngành du lịch TP.HCM đang gặp tình trạng chung như các tỉnh, thành khác và các nước trên thế giới không đảm bảo chất lượng như trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, TP.HCM có nhiều thuận lợi hơn để khắc phục tình trạng này. Ngay trong thời điểm dịch COVID-19, TP.HCM đã có sự tính toán để giảm chất lượng nhân sự ở mức thấp nhất. Việc các khách sạn làm điểm cách ly để giữ lại nguồn nhân sự tốt nhất.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, tập đoàn lớn đào tạo cán bộ khung cho các khách sạn, sau đó đào tạo lại cho nhân sự nội bộ. Sự ảnh hưởng về nhân sự của TP.HCM không nhiều. Tuy nhiên, thời gian tới, TP.HCM sẽ có những giải pháp để cải thiện. Chúng tôi sẽ kết hợp với Chi hội hướng dẫn viên tìm hiểu những dẫn viên đang có mong muốn, nguyện vọng quay trở lại làm việc trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời khảo sát sở thích, nguyện vọng và mức lương mong muốn của hướng dẫn viên du lịch để kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu. Về lâu dài, chúng tôi sẽ khảo sát hiện trạng nguồn nhân lực để tiếp tục có giải pháp phù hợp cho nguồn nhân lực du lịch của TP.HCM.

Xin cảm ơn bà!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Sáu, ngày 26/08/2022 17:57 PM (GMT+7)

Linh Linh (thực hiện)