Khi còn nhỏ, có lần mẹ kêu tôi ra tiệm tạp hóa của bà Tám mua nước tương. Tôi đi một lúc rồi về tay không vì bà Tám bán tạp hóa không có ở nhà, kêu không thấy ai trả lời. Mẹ nghe tôi kể lý do xong liền cằn nhằn, buôn bán mà không có người bán thì buôn bán thế nào được. Và thế là nhà tôi hôm ấy không có nước tương và bà Tám cũng mất đi “cơ hội kinh doanh”.

Cửa hàng bán đồ không có người thì buôn bán thế nào được? Câu hỏi đó đã được trả lời. Giữa thời đại số hóa, cửa hàng bán đồ không có người bán không còn gì xa lạ nữa kể từ khi Amazon Go ra đời, nó là mô hình bán hàng không người bán đầu tiên trên thế giới được tỷ phú Jeff Bezos ra mắt vào 2018. Cụ thể trong mỗi cửa hàng đều được lắp đặt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như nhiệt hạch cảm biến để tự động hóa tất cả các quy trình thanh toán, giúp tiết kiệm thời gian của khách hàng.

Thời nay, chúng ta cũng không còn mấy kinh ngạc khi nghe những chuyện như thế vì chuyển đổi số đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, trong đó có lĩnh vực bán lẻ - lĩnh vực nhanh chóng được chuyển đổi số định hình lại cục diện và ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của con người trên khắp mọi nơi.

Theo thống kê, trong năm qua, doanh thu bán lẻ trên Internet của thế giới đã tăng 18%, tức hơn 27 tỷ USD. Đây là sự tăng trưởng mạnh mẽ vì việc bán hàng trực tuyến đang bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về nhập khẩu hàng hóa miễn thuế, cạnh tranh về giá, tình hình kinh tế chung và tình hình tài chính của người mua sắm. Cho nên việc áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực bán lẻ là tất yếu vì nếu không thì nguy cơ bị loại khỏi thị trường là điều chắc chắn.

Trong năm 2019, chỉ tính riêng các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 9300 cửa hàng, vượt qua tổng số 5.589 cửa hàng của năm trước nữa, theo dữ liệu từ Coresight Research. Trong khi đó, các kênh bán hàng online với trải nghiệm mua sắm xuyên suốt lại phát triển bùng nổ và trở thành những ông lớn trong ngành bán lẻ, điển hình như các tập đoàn Amazon, Alibaba,… Riêng ở Việt Nam, đã có hơn 8.700 doanh nghiệp Việt phải rời khỏi thị trường vào tháng 3 năm 2021. Để thích ứng và đối phó với sự chuyển dịch của nền kinh tế số, các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam đang dần biến đổi thành các doanh nghiệp số khi tập trung phát triển các cửa hàng trực tuyến.

Chuyển đổi kênh bán hàng hiện đại: Đa kênh (Multichannel), hợp kênh (Omnichannel) và Chuyển kênh (O2O)

Các hình thức bán hàng truyền thống đã tỏ ra yếu thế trước sự phát triển của công nghệ số nên hầu hết các nhà bán lẻ đều áp dụng cả kênh online và offile. Hơn 50% doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi số với kỳ vọng mở rộng mô hình bán hàng đa kênh và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Mô hình bán hàng đa kênh được xem như chiến lược kinh doanh hiệu quả mà nhiều doanh nghiệp, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, đều theo đuổi. Sự thật rằng có tới 73% khách hàng ưa thích kết hợp sử dụng nhiều kênh mua sắm khác nhau để đảm bảo họ đạt được trải nghiệm mua sắm tốt nhất

Đồng thời để nâng cao trải nghiệm mua hàng cũng như thắt chặt mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu, mô hình bán hàng đa kênh và hợp kênh trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ phát triển những dịch vụ và sản phẩm trên đa dạng các nền tảng khác nhau. Đứng trước sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, người dùng đã trở nên linh hoạt hơn khi kết hợp sử dụng song song các kênh mua hàng để bảo đảm cho việc mua hàng được nhanh chóng, thuận lợi. Dựa vào nhu cầu đó, phần lớn các công ty đã và đang áp dụng cách thức bán đan xen trên các kênh để đảm bảo rằng tên tuổi thương hiệu của họ xuất hiện trên mọi mặt trận. Hơn thế nữa, việc kết hợp mô hình chuyển kênh và chiến lược chuyển đổi số toàn diện sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận những tệp khách hàng mới và mở rộng thị trường.

Số hóa phương thức thanh toán

Công nghệ giúp thanh toán nhanh chóng: nhờ số hóa tổng thể và màn bắt tay ấn tượng với trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ cảm biến nhiệt mà doanh nghiệp có thể thanh toán nhanh hơn qua thẻ ngân hàng, ví điện tử như Momo, Moca, ZaloPay, ShopeePay… Vào 2021, đã có khoảng 35 triệu người mua sắm trực tuyến và 48 triệu người sử dụng ví điện tử, thanh toán mạng tại Việt Nam. Theo dự tính vào năm 2025, số lượng người mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng trưởng, dự kiến đạt con số 70 triệu

Digital marketing & Các công cụ/phương tiện số thông minh trong chăm sóc khách hàng

Tiếp thị sản phẩm bằng Công nghệ thực tế ảo (AR) – trực quan hóa sản phẩm và thực tế tăng cường (AR) giúp khách hàng có thể có cái nhìn chi tiết và tổng quan về sản phẩm dù đang ở đâu. Thông qua việc truy cập ứng dụng công nghệ thực tế ảo trên thiết bị thông minh, hình ảnh 3D chân thực sẽ được tái hiện sản phẩm hoàn hảo, về thông tin chi tiết của sản phẩm, khách hàng chỉ cần quét mã QR, không tới 30 giây, tất cả các thông tin đều hiện lên đầy đủ, chi tiết. Nếu vẫn còn thắc mắc, chatbot tự động sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ trả lời cho khách hàng.

Trong việc chăm sóc khách hàng, các công cụ số thông minh được triệt để áp dụng ví dụ như quản lý dữ liệu khách hàng (CRM), hệ thống quản lý cuộc gọi, tổng đài ảo Cloudfone, nhằm tối ưu hóa hệ thống chăm sóc khách hàng.

Sử dụng dữ liệu điện toán đám mây, thu thập dữ liệu

Đây là một phần quan trọng và chính yếu không chỉ riêng trong ngành bán lẻ mà trong tất cả các ngành khác. Việc thu thập dữ liệu khách hàng để phân tích nhằm hiểu rõ hơn hành vi chi tiêu ở mỗi phân khúc khách hàng để tạo ra sản phẩm phù hợp là chiến lược chính trong tất cả ngành nghề. Bán lẻ cũng không đứng ngoài cuộc, với khối lượng thông tin khách hàng khổng lồ, cùng tần suất mua lớn, các công ty bán lẻ đầu tư vào đội ngũ và các thuật toán phức tạp để phân tích và đưa ra chiến lược phù hợp cho sự phát triển của mình.

Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất vận hành của doanh nghiệp bán lẻ

Quản lý bán lẻ: thông qua việc cung cấp giải pháp thanh toán điện tử, tạo hóa đơn điện tử, quản lý tốt sản phẩm và cách thức kết nối với khách hàng. 

Quản lý kế toán: hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát hóa đơn, dự báo chi phí tương lai, theo dõi doanh thu, chi phí, hợp đồng, lập báo cáo tài chính chi tiết

Quản lý CRM (quản trị quan hệ với khách hàng): quản lý khoa học thông tin khách hàng dễ dàng, phân quyền nhân viên chăm sóc với từng phân mục khách hàng, quản lý cơ hội và lập báo cáo chi tiết hoạt động chăm sóc khách hàng tự động. 

Quản lý nhân sự: hỗ trợ lập kế hoạch tuyển dụng, quản lý khoa học thông tin ứng viên, nhân viên, theo dõi chương trình đào tạo nội bộ và hỗ trợ tính lương chính xác

Quản lý hồ sơ, tài liệu, chứng từ: phần mềm giúp lưu trữ, phân loại khoa học hóa đơn, hồ sơ, tài liệu. Ngoài ra việc chỉnh lý, cập nhật phiên bản mới cũng trở nên dễ dàng khi thực hiện trên kho lưu trữ số. Các phiên bản cập nhật sẽ được lưu lại trong lịch sử để dễ dàng tìm kiếm, đối soát khi cần. 

Tại Việt Nam, nhu cầu mua sắm các mặt hàng bán lẻ rất cao, do vậy đã thu hút các nguồn đầu tư lớn từ khắp nơi trên thế giới. Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% vào GDP cả nước. Việt Nam hiện có hơn 1 triệu cửa hàng tạp hóa. Trong số này, chỉ có các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi đã ứng dụng công nghệ, còn lại các cửa hàng tạp hóa chiếm hơn 90% số lượng điểm bán lẻ vẫn phải dùng sổ sách ghi chép lại và sử dụng hình thức truyền thống thủ công để quản lý hàng hóa và hoạt động bán hàng.

Đối với chuyển đổi trong lĩnh vực bán lẻ, Việt Nam có nhiều ưu thế như lực lượng lao động và người tiêu dùng Việt Nam có khả năng tiếp thu và học hỏi công nghệ nhanh chóng. Số lượng người dùng internet cao. Việt Nam có 68 triệu người dùng Internet, được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam đã đạt tới 13 tỷ USD.

Dưới áp lực của sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều siêu thị tại Việt Nam đã thành công trong việc phát triển kênh mua sắm trực tuyến riêng như VinID, BigC,... Và ngày càng có nhiều các nền tảng mua sắm trực tuyến như Shopee, Lazada, Shopee, Tiki,... Kinh doanh trực tuyến đang trở thành một bước quan trọng giúp doanh nghiệp bán lẻ tồn tại trong thời đại kỹ thuật số và nhất là tác động của thời kỳ dịch Covid.

Trong năm 2020: Theo nghiên cứu của Vinasa, tại Việt Nam, hơn 92% doanh nghiệp đã quan tâm và ngày càng ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, ít hơn 10% trong số những doanh nghiệp này thành công và có thể đem lại những lợi ích quan trọng cho mình.

Trong năm 2021: Hầu hết doanh nghiệp đều triển khai các phần mềm, ứng dụng những giải pháp và hoạt động quản lý bán hàng online, bán hàng đa kênh và quản trị các kênh phân phối. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp bán lẻ, kinh doanh tư dân tại Việt Nam đang kinh doanh trực tiếp theo hướngbán hàng trên các sàn thương mại điện tử (eCommerce), đồng thời triển khai các phần mềm hỗ trợ cho hoạt động bán hàng, kiểm soát đa kênh phân phối. Hơn 20% chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam được chi cho Marketing kỹ thuật số (Digital Marketing) như Google, Facebook, TikTok. Khoảng 60% doanh nghiệp tại Việt Nam đang sử dụng các phần mềm kế toán hiện đại, quản lý tài chính theo tiêu chuẩn Basel và hầu hết các doanh nghiệp đều đăng ký chữ ký số.

Từ một hình thức mua sắm bổ trợ, giờ đây thương mại điện tử đã vươn lên, thậm chí định hình lại cục diện của ngành bán lẻ, đặc biệt với các thế hệ từ Gen Z trở đi. Với đà phát triển này, các chuyên gia bán lẻ tin rằng thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ những năm tới và dự kiến cán mốc 39 tỷ USD năm 2025 – đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên những rào cản lớn về cạnh tranh, quy định của pháp luật, tính chuyên nghiệp và sáng tạo của thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tập trung giải quyết nhất quán, nâng cao chất lượng để có thể tiến kịp và làm chủ thị trường bán lẻ tại Việt Nam và có thể vươn ra thế giới ở một tương lai không quá xa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Chủ Nhật, ngày 27/10/2024 10:05 AM (GMT+7)

Ngân Hương