Làm kinh doanh vốn đã rất vất vả, kinh doanh những lĩnh vực khác biệt, mới mẻ lại càng vất vả gấp nhiều lần. Tại sao ông lại chọn làm công việc ít ai làm này?

Đôi lúc tôi cũng tự hỏi, sao mình không lựa chuyện dễ để làm. Trước đây, tôi là công chức và bắt đầu chuyển ra làm kinh tế tư nhân từ năm 2010. Tôi chọn làm các sản phẩm du lịch đêm khi thị trường lúc đó không ai làm cả, thành ra mình rất cực vì một mình một chợ. Đầu tư một khu chợ đêm thấp nhất là 50 tỷ đồng, với số tiền này tôi có thể mua bán bất động sản, sinh lời cực nhanh còn làm chợ đêm thì ăn ngủ với nó suốt vòng đời của dự án. Chợ đêm giống như bộ mặt của các địa phương, đụng chuyện gì họ cũng sẽ gọi mình. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người sinh ra đều có số mệnh, và số mệnh của tôi có lẽ gắn liền với ánh sáng lấp lánh của những khu kinh tế đêm.

Chợ đêm Phú Quốc ở phường Dương Đông được xây dựng vào năm 2007

Là người tiên phong xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, ông đánh giá thế nào về vai trò của các khu chợ đêm trong phát triển du lịch?

Đầu tư vào kinh tế đêm với những sản phẩm thu hút du khách là cơ hội để ngành du lịch tạo đột phá mạnh mẽ. Phát triển kinh tế đêm, mà khởi đầu là chợ đêm, vừa giúp du khách được thưởng thức sản vật vừa cảm nhận văn hóa địa phương. Đây không chỉ là điểm đến cho du khách vui chơi, mà còn là “mỏ vàng” cho địa phương. Thực tế cho thấy, qua những mô hình chợ đêm mà chúng tôi xây dựng đã tạo thêm độ dài lưu trú của du khách ở các trung tâm du lịch, tạo sinh kế ổn định cho bà con địa phương, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cũng như quảng bá các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương.

Ở những thành phố du lịch nổi tiếng, chợ đêm thường thu hút rất đông du khách, quan trọng là doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng, cơ hội và có quyết tâm để thực hiện hay không.

12 năm tính từ thời điểm ông khởi nghiệp, đến nay ông đã xây dựng, vận hành bao nhiêu khu chợ đêm?

Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã chọn hướng đầu tư vào các sản phẩm chợ đêm phục vụ khách du lịch, và tính đến thời điểm này thì chúng tôi đã đầu tư, quản lý, vận hành khai thác, liên doanh, liên kết, tư vấn xây dựng thành công 30 khu chợ đêm tại nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước.

Dự án đầu tiên chúng tôi thực hiện là chợ đêm truyền thống ở thị trấn Dương Đông (nay là phường Dương Đông), Phú Quốc vào năm 2007. Chợ đêm Phú Quốc không chỉ là nơi ăn uống, cảm nhận văn hóa bản địa mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Theo thống kê năm 2017, trung bình mỗi đêm, chợ này đón khoảng 2.000 lượt khách và đến năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), chợ đêm Phú Quốc đã thu hút 3.000 khách/đêm, chi tiêu bình quân là 30USD/1 người.

Kể từ sau khi có Quyết định 1129 của Thủ tướng về phát triển kinh tế đêm, chúng tôi làm tiếp khu phức hợp kinh tế đêm tại “thành phố không ngủ Grand World” - một trong những điểm đến hàng đầu tại Phú Quốc với các quầy ẩm thực, đặc sản đậm chất địa phương cùng các lễ hội đường phố và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí kéo dài đến sáng.

Hải sản tươi ngon được bày bán tại chợ đêm Phú Quốc

Vì sao ông lại chọn Phú Quốc để phát triển khu chợ đêm đầu tiên của mình?

Chợ đêm, phố đi bộ là sản phẩm mang tính sơ khai, nó chỉ giải quyết được 1 câu chuyện trong nhiều câu chuyện của phát triển kinh tế đêm. Trước đây, khách du lịch Phú Quốc thường đi 2 đêm 3 ngày. Đêm đầu tiên, họ sẽ ở resort, còn đêm thứ hai họ sẽ rất cuồng chân vì không biết đi đâu, làm gì? Nhu cầu của khách du lịch là muốn chạm đến những yếu tố văn hóa, bản sắc địa phương, đó mới là sự khác biệt chứ không phải là các điểm lưu trú 3 sao, 4 sao, 5 sao tương đồng về điều kiện ăn ở. Lúc đó, chúng tôi cùng với chính quyền địa phương đã thảo luận và đưa ra quyết định làm 1 khu chợ đêm cho khách du lịch. Thực sự khi làm là thắng, vì đáp ứng được nhu cầu rất cao của du khách.

Tuy nhiên, theo thời gian, chúng tôi nhận thấy chỉ một mô hình chợ đêm thì không đủ mà phải tạo ra những khu phức hợp để có thể đáp ứng thêm nhiều nhu cầu và tăng chi tiêu của khách du lịch. Quá trình phát triển của những khu kinh tế đêm đi từ sơ khai là những khu chợ đêm, và đến 1 khu phức hợp kinh tế đêm đó là cái cao nhất. 1 khu phức hợp sẽ bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch, giải trí đan xen với nhau. Thực tế, khi xây dựng concept thành phố không ngủ ở Grand World thì nơi này trở thành điểm đến đẳng cấp hàng đầu ngay. Khi đến Grand World, ngoài việc thưởng thức các đặc sản đậm chất địa phương thì chị có thể trải nghiệm các City show phong phú, đặc sắc diễn ra hàng đêm như Tinh hoa Việt Nam, Sắc màu Venice, cùng những dịch vụ giải trí sau 22h mang tính chất chiều sâu và hấp dẫn hơn.

Có thể nói Ngôi sao biển là đơn vị đầu tiên và cũng gần như duy nhất hiện nay đầu tư vào sản phẩm du lịch ban đêm, vậy khó khăn lớn nhất trong đầu tư loại hình này là gì, thưa ông?

Cho tới giờ, ngoài Quyết định 1129 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế đêm thì chưa có hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành chức năng về cơ chế chính sách, định hướng quy hoạch phát triển trong điều kiện thực tế. Chúng ta có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp, nhưng quy hoạch phát triển kinh tế đêm thì chưa có.

Chúng tôi hay nói đùa rằng, khi anh đã đẻ ra nó, thừa nhận nó rồi thì phải cho nó tờ “giấy khai sinh” để nó bước vào đời. Trên thực tế, kinh tế đêm chỉ mới được nêu lên như 1 khái niệm, còn cơ chế chính sách để đặt để nó ở đâu, vị trí nào trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, trong chính sách phát triển kinh tế du lịch… thì chưa có nên những người đi tiên phong như chúng tôi rất cực.

Cũng do thiếu hướng dẫn của các bộ ngành nên các địa phương đều đang rất lúng túng và loay hoay. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau, chủ yếu thử nghiệm và điều chỉnh dần. Theo tôi được biết, các địa phương đi tiên phong hiện chỉ đang vận dụng cơ chế chính sách thông qua thí điểm, mà thí điểm thì không mang tính dài hạn.

Mọi thứ như ông nói đều còn mới mẻ và cũng chưa có cơ chế chính sách nào cụ thể, vậy khi xây dựng chợ đêm trong hoàn cảnh sơ khai như vậy thì điều quan trọng đầu tiên là gì, thưa ông?

Chợ đêm Phú Quốc có thể được xem là tiên phong tạo nên khái niệm kinh tế đêm ở Việt Nam. Đó là khu chợ đêm đúng nghĩa đầu tiên của cả nước, nhưng để xây dựng được một khu chợ đêm thành công như vậy thì khó chứ không phải dễ.

Đầu tiên là phải tìm kiếm vị trí, địa điểm phù hợp. Muốn làm kinh tế đêm thì việc chọn địa điểm là rất quan trọng, chọn sai là thất bại ngay.

Khi làm Grand World, chúng tôi may mắn vì thuyết phục được Vingroup. Họ có sẵn một khu đô thị quy hoạch rồi, nhưng ở những khu đô thị khác, ví dụ như ở Quận 1 - TP.HCM khi cư dân đã hiện hữu, đường sá, nhà cửa tất cả đã ổn định rồi thì rất khó. Tương tự, khi các địa phương muốn làm đề án phát triển kinh tế đêm thì điều đầu tiên là “đặt” nó ở đâu khi các khu đô thị đã được quy hoạch.

Khó thì rất khó nhưng nếu có quyết tâm thì sẽ làm được. Hiện nay, chúng tôi thường xây dựng chợ đêm ở những vị trí được quy hoạch sẵn, chuyên nghiệp. Khu chợ đêm mới khai trương ở Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ. Và hiện nay, khi chúng tôi làm xong khu chợ này thì cũng có những địa phương có đề án đề xuất tư vấn, nhưng tôi lưu ý địa phương phải chú trọng việc chọn địa điểm, chọn sai là “chết” ngay.

Ngoài vị trí thuận lợi, được quy hoạch chuyên nghiệp như ông phân tích, thì những khu chợ đêm của mình có điểm nhấn gì khác biệt, thưa ông?

Những khu chợ đêm chúng tôi làm đều đồng bộ về cơ sở vật chất, chúng tôi đầu tư hoàn thiện các gian hàng chứ không phải “phân lô bán nền”.

Tức là cùng 1 cái chợ đó, nếu mình chỉ giao cho họ gian hàng 2m hay 4m thì họ làm gì trong đó mình không thể “chạm” được, vì đó là tài sản của họ. Vậy nên chúng tôi đầu tư hết toàn bộ cơ sở vật chất, và sẽ có những quy chế cụ thể. Tiểu thương khi buôn bán tại chợ đều có ý thức chấp hành rất tốt các nội quy, quy chế mình đề ra. Yếu tố pháp lý và các chế tài rất quan trọng, để tránh các vi phạm, mất trật tự an ninh hoặc tranh chấp, kiện tụng sau này.

Điều quan trọng thứ 2 là toàn bộ hạ tầng kỹ thuật ở các khu được ngầm hóa, điện nước, xử lý nước thải. Những khu chợ chúng tôi đầu tư đều theo chuẩn, hệ thống điện đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa xả thải bừa bãi ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Thứ 3, những khu chợ đêm tôi làm đều có quy hoạch ngành hàng, quy hoạch đó dựa trên thị hiếu, nhu cầu của khách du lịch. Trong mỗi khu chợ chúng tôi thường có đủ 4 ngành hàng, gồm đặc sản, ẩm thực mang tính đặc trưng riêng của từng vùng miền, điểm đến; đồ lưu niệm và các loại nhu yếu phẩm về du lịch như kem chống nắng, áo quần... 4 ngành hàng này được sắp xếp hài hòa, hợp lý để khách du lịch có thể dễ dàng mua sắm đáp ứng nhu cầu của họ.

Chợ đêm tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội

Đó là cái vỏ, còn “linh hồn” của những khu chợ đêm là những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương hay những người tiểu thương biết cách làm du lịch, thì hình như chúng ta vẫn còn thiếu?

Câu chuyện này liên quan đến trình độ của tiểu thương, và căn bản ở nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam chưa thực sự đa dạng. So với mặt bằng chung như ở Thái Lan mình sẽ thấy khác. Cùng là quầy trái cây tương tự nhau, nhưng tiểu thương Việt Nam thường bày hết lên rồi ngồi bấm điện thoại, còn tiểu thương Thái Lan chỉ bày 1 ít sản phẩm, còn lại họ sẽ ngồi cắt tỉa, sáng tạo để thu hút, kích thích sự tò mò của du khách. Và du khách thường bị hấp dẫn bởi quá trình chế biến, nhìn ngắm trái cây tươi được sơ chế nên họ mua. Người tiểu thương phải nghĩ rằng họ đang làm du lịch chứ không chỉ bán hàng đơn thuần.

Ngoài ưu tiên chọn tiểu thương là người địa phương, chúng tôi cũng thường trực tiếp mở những lớp đào tạo kỹ năng bán hàng để thu hút du khách. Còn lại là tùy thuộc vào sự sáng tạo, tâm huyết của người tham gia kinh doanh nữa.

Với kinh nghiệm xây dựng, phát triển nhiều khu chợ đêm, theo ông làm thế nào để xây dựng chợ đêm vừa có hiệu quả về kinh tế - du lịch vừa mang đậm bản sắc địa phương?

Như tôi nói từ đầu, việc chọn địa điểm rất quan trọng, phải xác định rõ tài nguyên du lịch lớn nhất của địa phương đang nằm ở đâu, thì chợ đêm phải nằm ở đó hoặc gần đó. Nếu làm ở những nơi vắng vẻ, xa luồng khách thì thất bại ngay.

Thứ 2, khi làm chợ đêm thì phải bóc được cái “gen” của địa phương để tạo ra cái “hồn” riêng của chợ. Bóc được cái gen có nghĩa là nó phải mang những yếu tố đặc trưng, riêng có của địa phương, và chợ đêm phải được người dân địa phương thừa nhận là sản phẩm của họ.

Quan trọng nữa là phải có những tiểu thương bản địa, chứ không thể đưa người ở tận đẩu, tận đâu đến bán. Không có tiểu thương địa phương thì không thể thành công được. Khi chúng tôi làm khu kinh tế đêm Grand World ở Phú Quốc, các tiểu thương địa phương được miễn phí 1 năm tiền thuê mặt bằng, ở nơi khác cũng có chính sách hỗ trợ tương tự.

TP.HCM vốn được mệnh danh là thành phố không ngủ nhưng thực sự thì lại chưa có một khu chợ đêm đúng nghĩa, có chăng chỉ là vài ba khu phố ẩm thực, hay là điểm bán thời trang bình dân. Đây có phải là một sự lãng phí khi chúng ta đang nằm trên 1 mỏ vàng mà chưa khai thác?

Thực tế TP.HCM đang thiếu sản phẩm kinh tế đêm để giữ chân khách dài ngày. Chúng ta có phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng dịch vụ nghèo nàn; phố đi bộ Bùi Viện thì thiếu quy hoạch nên trở thành "phố ăn nhậu”, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Một nền kinh tế đêm phát triển đặc sắc là thước đo, là bộ mặt cho sự phát triển đô thị, đặc biệt là du lịch. Sau đại dịch Covid-19, TP.HCM đã quyết liệt hơn trong việc phát triển mô hình kinh tế đêm. Gần như tuần nào UBND Thành phố cũng có các cuộc họp với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, để thông qua định hướng quy hoạch phát triển kinh tế đêm. Phát triển kinh tế đêm cũng được xác định là trọng tâm trong phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch. Thành phố đang rất nóng lòng để nhanh chóng ra các sản phẩm.

Chúng tôi đang làm việc với 7 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm một cách bài bản hơn. Tôi nhận định trong vòng 6 tháng tới, thành phố sẽ có những thay đổi căn bản về phát triển kinh tế đêm, mà trước tiên là ở khu vực phố đi bộ Lê Lợi - khu vực trung tâm của trung tâm thành phố. Mô hình này khi ra đời sẽ tạo ra một điểm đột phá, và sẽ là hình mẫu để Quận 1 lần lượt sắp xếp lại các trung tâm khác, ví dụ như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bạch Đằng, phố đi bộ Bùi Viện.

Ông có thể phác thảo ý tưởng để xây dựng mô hình phố đi bộ Lê Lợi khác biệt với phố Nguyễn Huệ, Bùi Viện?

Việc xây dựng phố đi bộ Lê Lợi thực tế cũng rất khó, phải có giải pháp phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, sự đồng tình của người dân sinh sống hai bên đường, vận hành như thế nào để không phá vỡ cảnh quan, cũng như đảm bảo các yếu tố an ninh trật tự, vệ sinh, an toàn và phát triển lâu dài.

Thành phố có chủ trương làm phố đi bộ Lê Lợi nhưng khi triển khai, Quận 1 phải đưa ra được các tiêu chí để tổ chức quản lý, vận hành thế nào. Nếu không ra được tiêu chí đó thì sẽ tương tự như phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mà như vậy thì không tạo ra được sự khác biệt. Như tại phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay bị những người bán hàng rong lấn chiếm nhìn rất nhếch nhác, mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, không phải quản lý không được mà mình gạt họ ra. Những gánh hàng rong ở TP.HCM đã nuôi sống bao nhiêu cuộc đời và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Nhưng tổ chức quản lý vận hành theo tiêu chí nào?

Khi xây dựng đề án cho phố đi bộ Lê Lợi, chúng tôi dự kiến quy hoạch 60 vị trí cho những người bán hàng rong, mỗi khu vực rộng 2mx2m và đầu tư 1 xe gian hàng kích thước 0,8mx0,8m cho mỗi vị trí. Chúng tôi sẽ có những chế tài riêng, nếu ai vi phạm lần thứ 2 sẽ không được buôn bán tại đây nữa. Quan trọng nhất là chính quyền phải đặt ra các tiêu chí và quản lý chặt chẽ. Sau khi có tiêu chí rồi thì phải tìm được nhà đầu tư năng động, có kinh nghiệm.

Tóm lại, để phát triển kinh tế đêm hiệu quả, đầu tiên phải có quy hoạch bài bản và chính sách thống nhất. Chính sách phải bền vững, ổn định, lâu dài để doanh nghiệp, tiểu thương yên tâm đầu tư, thì sẽ cho ra những sản phẩm tốt. Cùng với đó là những tiêu chí kiểm soát, để làm sao lựa chọn những doanh nghiệp, thương nhân có chất lượng, có tâm huyết tham gia, đồng hành cùng thành phố phát triển kinh tế đêm.

Các khu chợ đêm, phố đi bộ phải đủ các yếu tố đặc sắc, riêng có của địa phương thì mới có thể thu hút được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Tư, ngày 30/11/2022 05:52 AM (GMT+7)

Ngọc Hương