Thưa Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, năm 2025 kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, cũng là 50 năm hình thành và phát triển Bệnh viện Quân y 175. Là người có hơn 40 năm gắn bó với bệnh viện, ông có thể chia sẻ về hành trình đầy tự hào này không?  

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Trong không khí hào hùng phấn khởi chào đón những ngày lễ trọng đại của thành phố và cả nước, Bệnh viện Quân y 175 cũng tự hào với chặng đường 50 năm song hành cùng sự phát triển của đất nước (26/5/1975 - 26/5/2025). 

Ngược dòng thời gian, chúng tôi vô cùng tự hào và biết ơn các thế hệ cán bộ công nhân viên Bệnh viện Quân y 175 đã vượt bao khó khăn gian khổ, hi sinh trong từng giai đoạn lịch sử để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị được giao.

Bệnh viện Quân y 175 được thành lập từ sự hợp nhất ba Bệnh viện K116, K72, K59 và một số đội điều trị, với tên gọi ban đầu là Viện Quân y 175. Bệnh viện Quân y 175 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là cứu chữa thương bệnh binh sau chiến tranh. 

Khi chiến tranh mới đi qua, những dấu ấn sinh tử khốc liệt từ chiến trường vẫn còn ám ảnh, việc sửa chữa, xây dựng và tổ chức lại đội ngũ để tái khởi động hoạt động của bệnh viện là cả một vấn đề lớn. Năm 1977, 1979 đất nước lại bước vào cuộc chiến mới. Bệnh viện lao vào phục vụ, chiến đấu, bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia. Cuộc chiến khốc liệt ấy, kéo dài đến tận năm 1989.

Từ năm 1990 đến năm 2000, bệnh viện bắt đầu tổ chức lại và từng bước xây dựng bệnh viện tuyến cuối, Trung tâm y học quân sự ở phía Nam, tham gia đảm bảo công tác y tế biển đảo với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn ban đầu.

Từ năm 2001 đến năm 2010, thực hiện việc xây dựng bệnh viện chiến lược tuyến cuối, chính quy, xây dựng vị thế mới, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập. Năm 2003, bệnh viện chính thức trực thuộc Bộ Quốc phòng (thay vì Cục Quân y như trước đó) và bắt đầu được đầu tư nâng cấp trang thiết bị để phát triển các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh, cấp cứu biển đảo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt công tác quân y cho quần đảo Trường Sa.

Từ năm 2011 đến nay, bệnh viện phát triển nổi bật theo hướng hiện đại, chuyên sâu, hội nhập với khu vực và quốc tế. Có thể điểm qua một số thành tựu nổi bật như: Hoàn thiện quy hoạch tổng thể và triển khai hàng loạt các dự án đưa Bệnh viện Quân y 175 trở thành một quần thể Y tế với trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật, nhân lực ngang tầm khu vực, quốc tế. Với 5 viện và 9 trung tâm thu dung 4.000 – 4.500 bệnh nhân ngoại trú, 2.300 - 2.500 bệnh nhân nội trú. Đến nay, chúng tôi có thể tự hào khẳng định rằng, Bệnh viện Quân y 175 đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy cho người bệnh ở TP.HCM và khu vực.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, đặc biệt là hoàn thiện kỹ thuật ghép thận (từ tháng 7/2023 đến nay đã thực hiện thành công 48 ca), bước đầu triển khai thành công 5 ca ghép gan . Ngày 7/4/2025, BVQY 175 thực hiện thành công ca ghép đa mô, đa tạng từ người hiến chết não đầu tiên. Đó không chỉ là bước tiến kỹ thuật mà còn là khẳng định: BVQY 175 đủ năng lực thực hiện những kỹ thuật cao nhất, và cũng là nguồn động lực để chúng tôi phấn đấu sẽ trở thành trung tâm ghép tạng lớn của khu vực.

Sau 50 năm, Bệnh viện Quân y 175 hiện đã có được cơ sở hạ tầng trang thiết bị tốt nhất tại Việt Nam và nhất là môi trường bệnh viện xanh – sạch – đẹp để bệnh nhân yên tâm chữa bệnh. Đồng thời, Bệnh viện cũng sở hữu một đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao cùng sự tận tâm trong quá trình chăm sóc điều trị người bệnh. Ngày 26/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định Phát triển hệ thống cơ sở Y tế Việt Nam trong đó, Bệnh viện 175 trở thành 1 trong 6 bệnh viện toàn quốc được quy hoạch đầu tư ngang tầm quốc tế. 

Nhắc đến Bệnh viện Quân y 175 thì không thể không nói tới những đóng góp rất lớn trong y tế biển đảo của đất nước và huấn luyện bệnh viện dã chiến tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây cũng là một trong những niềm tự hào của bệnh viện đúng không, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Đây không chỉ là niềm tự hào của bệnh viện  chúng tôi, của Quân đội mà còn là niềm tự hào chung của đất nước và nhân dân ta. Bệnh viện đã hoàn thiện trung tâm y tế tại Trường Sa, quy trình cấp cứu y tế biển đảo. Trung tâm y tế ra Trường Sa có rất nhiều giá trị bởi không những bảo vệ sức khỏe cho chiến sĩ, ngư dân, dây còn là điểm tựa tinh thần cho bà con ngư dân bám biển, sản xuất vì giữa biển khơi bao la, sóng gió bão tố họ là những cột mốc chủ quyền sống trên biển. Hiện nay chúng tôi vẫn là đơn vị duy nhất tại Việt Nam thường xuyên tổ chức các chuyến bay cấp cứu bệnh nhân từ quần đảo Trường Sa về đất liền. Bên cạnh khám chữa bệnh cho quân dân y ở đất liền, Bệnh viện Quân y 175 còn thực hiện nhiều chuyến bay biển đêm, vượt qua giông bão của cầu vận chuyển cấp cứu đường không từ quần đảo Trường Sa về sân đỗ trực thăng bệnh viện. Y bác sĩ quân y đã "cướp được giờ vàng" cứu sống được rất nhiều sinh mệnh. 

Năm 2014, bệnh viện được giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện Bệnh viện dã chiến đầu tiên (Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1) tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Cho đến nay, 3 Bệnh viện Dã chiến cấp 2 do Bệnh viện Quân y 175 quản lý, huấn luyện tiền triển khai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại phái bộ, được Liên hợp quốc đánh giá rất cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bệnh viện Quân y 175 không chỉ chuyên thăm khám, điều trị cho cán bộ quân đội, mà còn là một trong những cơ sở y tế hàng đầu phục vụ người dân. Lấy y đức làm phương châm chữa bệnh, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã hết lòng vì dân phục vụ. Ông có thể chia sẻ thêm về vai trò của Bệnh viện Quân y 175 trong nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân tại TP.HCM và khu vực trong suốt 50 năm qua?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Quân ủy Trung ương giao cho Bệnh viện Quân y 175 các nhiệm vụ: Chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; Đảm bảo sức khỏe cho bộ đội, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội từ Đà Nẵng trở vào. Tham gia vào bảo hiểm y tế toàn dân, giảm tải cho các bệnh viện đa khoa chuyên sâu; Huấn luyện đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, đối ngoại quốc phòng, y tế biển đảo và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tại TP.HCM, Bệnh viện 175 luôn được coi là một phần quan trọng trong hệ thống y tế của thành phố.

Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.000 đến 4.500 bệnh nhân đến khám. Trong đó, khoảng 300 là bộ đội, còn lại hơn 4.000 là nhân dân thành phố và khu vực lân cận. Số bệnh nhân nội trú dao động từ 2.000 đến 2.500, nhưng chỉ dưới 300 là bộ đội. Ngày xưa, số lượng bệnh nhân ít hơn vì điều kiện hạn chế, nhưng giờ đây bệnh viện còn quản lý gần 400.000 thẻ bảo hiểm y tế. Tính ra, mỗi ngày có khoảng 10.000 người ra vào bệnh viện: 4.500 người đến khám, 2.500 người đi theo, hơn 1.000 học viên, 2.000 nhân viên, và khoảng 500 người làm công tác liên hệ khác. Đối với tôi đã là người bệnh thì đều bình đẳng, không phân biệt là quân nhân hay người dân, khi vào bệnh viện họ đều bình đẳng như nhau.

Đặc biệt, sự phối hợp giữa bệnh viện 175 và hệ thống y tế dân sự của TP.HCM rất chặt chẽ nhằm tận dụng tối đa nguồn lực con người và trang thiết bị y tế. Cùng với các bệnh viện trên địa bàn thành phố, chúng tôi đã cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch nhờ phát huy hiệu quả quy trình báo động đỏ liên viện. 

Sau 50 năm, ông thấy TP.HCM đã thay đổi vượt bậc như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Sau 50 năm, TP.HCM đã chuyển mình từ hậu quả chiến tranh, cấm vận, bao cấp sang một đô thị hiện đại, năng động bậc nhất cả nước. TP.HCM đang hướng tới một tầm cao mới, ngày càng tiến bộ và phát triển vượt bậc, thể hiện rõ rệt qua sự thay đổi của thành phố. Đây cũng là thời điểm của sự sáng tạo, của khoa học công nghệ. TP.HCM cũng như cả nước không còn con đường nào khác ngoài phát triển khoa học kỹ thuật để đưa đất nước tiến lên. 

Trong phát triển kinh tế và xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì không thể thiếu hai yếu tố chủ chốt, đó là: giáo dục và y tế. Đặc biệt, với tiềm năng của TP.HCM, ngành du lịch phải được đặt vào vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế. Du lịch không chỉ đơn thuần là du lịch, mà là du lịch văn hóa, du lịch thắng cảnh, ẩm thực, và thậm chí là du lịch sức khỏe. 

Ông vừa nhắc đến du lịch y tế, du lịch sức khỏe, tiềm năng du lịch những mảng này của Việt Nam rất lớn, nhưng chúng ta nên làm gì để nó thực sự trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Trong tương lai, để phát triển du lịch sức khỏe, cần đầu tư y tế hợp lý cho bệnh nhân trong và ngoài nước. Muốn vậy, phải kêu gọi đầu tư, không chỉ xây dựng bệnh viện sang trọng mà còn tận dụng nguồn lao động, tay nghề của đội ngũ y tế trong và ngoài nước. Điều này sẽ biến Việt Nam thành trung tâm thu hút các bác sĩ giỏi tay nghề đến đây.

Chúng ta có điều kiện tốt để phát triển du lịch sức khỏe, nhưng phải xây dựng nó thành một sản phẩm đặc biệt, bên cạnh những lý do khác khiến người ta đến đây du lịch. Đây là một thế mạnh mà chúng ta chưa khai phá, hoặc có thì vẫn còn manh mún, chưa thực sự đầu tư nghiêm túc. 

Khi người ta tới TP.HCM tham dự một hội nghị có thể kết hợp du lịch, tham quan, khám phá thành phố. Họ có thể đáp chuyến trực thăng đến một địa điểm khác để đánh golf, có thể là một cánh rừng hay bãi biển nào đó, rồi quay về để ngày hôm sau tiếp tục công việc. Mọi thứ phải gắn với vận chuyển, cơ sở hạ tầng.

Có nhiều người từng hỏi tôi, trước khi “về vườn” có điều gì hối tiếc không? Tôi bảo chẳng có gì hối tiếc, chỉ tiếc là “chưa đi hết những ngày đắm say” với ba điều trăn trở: cấp cứu ngoại viện, bác sĩ gia đình và dưỡng lão. Những thứ này tôi chưa làm được, vì bối cảnh lúc đó không cho phép.

Bệnh viện 175 đã thiết kế 1.000 giường bệnh, kết hợp viện dưỡng lão nằm trong khuôn viên bệnh viện này, nhưng không phải người già nào cũng cần gói sản phẩm dịch vụ giống nhau. Nếu họ tự ăn uống, tự chơi được, thì chúng ta cần gói dịch vụ cơ bản, nếu họ cần hỗ trợ nhiều hơn, thì có dịch vụ khác. Bệnh nhân có thể ở nhà hoặc ở bệnh viện tùy nhu cầu chăm sóc. Chúng ta có thể tạo ra nhiều sản phẩm linh hoạt: tuần này dưỡng lão ở biển, tuần sau ở rừng, rồi sau nữa ở Tháp Mười, ngắm cánh đồng bất tận. Có thể phát triển du lịch theo lứa tuổi, du lịch tâm linh, hoặc các trại dưỡng lão để người già không cô đơn. Tôi mong muốn viện dưỡng lão phải thực sự là một khu nghỉ dưỡng để con, cháu của người già có thể tới đây vui chơi, nghỉ ngơi cùng ông bà. 

Việt Nam có nhiều lợi thế như có núi đồi, sông nước, bờ biển dài, đặc biệt là các sân golf dọc bờ biển,chúng ta có rất nhiều cơ hội để đầu tư và phát triển. Du lịch - đặc biệt là du lịch sức khỏe - cần tiếp tục được đẩy mạnh và tìm ra mọi cách để trở thành một thế lực về du lịch y tế ở Đông Nam Á, thậm chí châu Á.

40 năm sống ở TP.HCM, hẳn là ông có rất nhiều kỷ niệm với thành phố này?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Với thành phố, tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ điều day dứt và không thể nào quên được trong tâm trí tôi là khi thành phố trong tâm dịch COVID-19. Mỗi khi nhắc lại tôi vẫn thấy quá nhiều xúc động. 

Thời điểm đó, Bệnh viện Quân y 175 là một trong những “thành trì vững chắc” cuối cùng, cứu sống hàng nghìn bệnh nhân COVID nặng và nguy kịch. Bệnh viện 175 là trung tâm hồi sức với tỷ lệ cứu sống cao nhất trong thành phố thời điểm đó. 

Ngoài việc hỗ trợ thành phố thành lập các bệnh viện dã chiến, tiêm chủng, lấy mẫu, bệnh viện còn làm tròn trách nhiệm “nghĩa tử là nghĩa tận” trong công tác xử lý hậu sự cho bệnh nhân qua đời. Chúng tôi đã làm được điều mà nếu không giải quyết kịp thời, nỗi đau sẽ chồng chất nỗi đau. Tết năm 2022, có những cuộc đoàn tụ lạ. Có gia đình đoàn tụ thành viên đầy đủ, có gia đình thiếu 1, 2 người. Nhưng có những cuộc đoàn tụ bằng tro cốt, chỉ có thể thắp một nén hương. Chúng tôi dùng kinh nghiệm giải quyết thảm họa và đã làm hết sức, ứng phó tình huống khó khăn. Đó là những kỷ niệm đau thương mà tôi không thể nào quên trong những ngày tháng của “ Cuộc chiến sinh tử” chống COVID-19.

TP.HCM như quê hương thứ hai của mình, ông đã gửi gắm những tâm sự gì cho thành phố này?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Từ một sĩ quan trẻ, bác sĩ mới ra trường, đến nay ông đã mang hàm Thiếu tướng, là Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân - có thể nói là đầy đủ danh hiệu và tôi cũng không còn gì phải hối tiếc.

Đây là mảnh đất lành chim đậu, nơi tôi làm việc, cống hiến hết tâm - trí. Tôi cũng tự hào là mình đã đóng góp trí tuệ, sức lực để xây dựng bệnh viện này nói riêng, cũng như ngành y tế và sự phát triển của thành phố nói chung.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải làm gì để “trả nợ” cho nơi này. Tôi coi đó như một món nợ ân tình, dù đôi lúc vẫn trăn trở không biết nên viết gì để bày tỏ. Cuối cùng, tôi cũng đã viết được 4 bài hát “gan ruột” với thành phố là: Trò chuyện với dòng sông, Huệ đỏ, Thương nhớ Sài Gòn và Tháng Năm rực rỡ.

Tôi nghĩ TP.HCM giống như bố mẹ ruột thịt - không cần nói nhiều, cứ về ăn uống, trò chuyện với mẹ là đủ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Hai, ngày 26/05/2025 10:00 AM (GMT+7)

Thực hiện: Ngọc Hương, Ảnh: Hà Sang, Hải Long, NVCC