Thế giới chia làm hai loại người. Loại đầu tiên quanh năm suốt tháng chẳng cần đi đâu ngoài đi làm, đi học, về nhà và quẩn quanh một cách rất hạnh phúc trong vòng tròn 360 độ của mình. Loại thứ hai bao gồm phần còn lại của thế giới, trong đó có tôi, cứ dăm bữa nửa tháng là phải đi đâu đó. Không đi tự dưng nghe trong người bứt rứt, chộn rộn. Cái sự chộn rộn đó, người Mỹ gọi một cách văn hoa là “wanderlust” - thú ham đi long nhong.
“Đi” - để nhìn ngắm thế giới. Để cười với những gương mặt mới. Để xử lý những tình huống mới. Để nghe những âm thanh mình không thường được nghe, ngửi những mùi hương mình không thường được “cảm”, và hơn hết, để hấp thu nguồn năng lượng mới của trời đất - truyền vào cơ thể mình qua mỗi bước đường thiên lý.
Năm 1995, một nghiên cứu về “wanderlust” của một trường đại học nổi tiếng thế giới đã chỉ ra Gene DRD4 là gene chịu trách nhiệm chính trong việc một người thích đi đây đó hay không. Gene này mang tính di truyền và những ai có nguồn gốc càng xa Phi Châu - cái nôi của nhân loại, thì gene này càng mạnh.
Tôi không biết mình có phải nguồn gốc thủy tổ quá xa Phi Châu không nhưng tôi mê xê dịch, vừa có tiền trong túi là sẽ phải nghĩ ngay đến những chuyến đi long rong. Còn nhớ ngày xưa mới đi làm đã dám “chơi sang” bỏ ra hẳn hai tháng lương đầu tiên để đi du lịch bụi từ Đà Nẵng đến Lạng Sơn. Hơn một thập kỉ sau đó, đã đi qua 40 nước, kết bạn với vài trăm người thú vị, tôi phải thừa nhận rằng phần lớn những chuyến đi đều đã dạy cho tôi 1-2 điều về cuộc sống. Tôi đã nhìn thấy cả những điều mình không muốn thấy và biết những thứ mình không muốn biết, lỡ biết cũng muốn quên dù chẳng thể nào quên nổi.
Nhưng không thể phủ nhận, những chuyến đi đã làm tôi đã trưởng thành hơn và đây là ba bài học thực sự giúp tôi trưởng thành trong quá trình khám phá thế giới.
Tôi đã từng đến những vùng nông thôn xa xôi ở Nga đọc sách ngắm rừng bạch dương phủ tuyết, ở chung bản làng cưỡi voi chăm sóc voi ở Bangladesh, vắt sữa dê ở vùng núi Alpes hay lang thang cưỡi lạc đà ở Trung Đông bí ẩn.
Tôi đã thấy hạnh phúc trải ra khắp nơi, từ gương mặt em bé trần truồng dính đầy sình đất trong những căn nhà ổ chuột ngoại ô Dubai đến nụ cười vui vẻ ấm áp của người đàn bà giữ đền Pharaoh ở “Thung lũng các vì vua” Ai Cập hay nụ cười trong vắt của em gái vị thành niên nhưng mặc quần áo đầy khêu gợi ở ngoại ô Xiêm Riệp.
Hạnh phúc là ngôn ngữ chung của loài người, chúng đơn giản chỉ là niềm vui có chút tiền, “hôm nay mình khá hơn hôm qua” hay được đủ quần áo ấm hay đơn giản là một bữa cơm ngon.
Nhưng cái tôi hiếm khi tìm thấy là quyền làm người cơ bản, nói chính xác là sự vắng mặt của nó ở những nơi tôi đến.
Những em bé châu Phi đen nhẻm bán lạc đà gỗ hét giá 25 đô la một con mà nếu bạn chịu khó trả giá thì năm phút sau với 1 đô la bạn cũng mua được. Chẳng có gì có thể đảm bảo chúng không bị bạo hành, lạm dụng tình dục, đánh đập tàn bạo, tra tấn tinh thần. Viễn cảnh trở thành một người trưởng thành đẹp đẽ tinh khôi sức khoẻ hoàn hảo, lành lặn về tâm hồn gần như là bất khả.
Càng đi tôi càng thấy hạnh phúc là thứ con người dễ dàng đạt được trong khi quyền cơ bản của một con người thì không phải ai cũng may mắn được trao ban.
Càng đi bạn sẽ thấy nhiều thứ bạn tưởng chỉ xảy ra ở đất nước mình thực ra đang diễn ra hàng ngày ở những phần khác của quả đất và những gì bạn nghĩ là bình thuờng ở xứ bạn lại “rất lạ và độc đáo” với những kẻ bên ngoài.
Ví dụ điển hình là nạn kẹt xe, mỗi khi được đón ở sân bay, tôi vẫn thường nghe bạn bè dân bản xứ từ Buenos Aires, Bangkok, New York, Mumbai, Shanghai đến Hongkong, Tokyo, Paris, Los Angeles, Chicago than vãn suốt ngày “xứ này kẹt xe nhất thế giới”. Sự thật thì họ không đi không nhìn thấy, chứ tình trạng kẹt xe xứ nào cũng tồi tệ cả. Người dân Ai Cập thì cho rằng con la, con lừa tham gia giao thông kéo theo cỗ xe đầy nông phẩm chạy khắp nơi trên phố, đua cùng tuk tuk, ô tô đời mới là “tầm thường” trong khi với tôi đó là một điều giản dị mà đẹp đẽ.
Càng đi nhiều nơi, bạn sẽ thấy điều tốt nhất xảy đến cho một vùng đất cũng là điều tồi tệ nhất. Singapore là ví dụ hoàn hảo.
Sau khi độc lập tách khỏi Malaysia năm 1956, Singapore từ một vùng đầm lầy xấu xí phát triển tột bực thành một thành phố phồn vinh thịnh vượng. Bốn năm sống ở đó, không buổi sáng nào đi làm mà tôi không nghĩ mình đang bước vào một thành phố của tương lai. Mahattan phải gọi Singapore là thầy về mọi thứ - sân bay sạch bong, tàu điện ngầm sạch bóng, thư viện cực kỳ hiện đại, các văn phòng gọn gàng, sang trọng, hiệu quả, những cao ốc nhìn ra bến cảng sầm uất. Tất cả đều như hét lên “chúng tôi là đích thị là nhà giàu Châu Á” - y như trong phim Crazy Rich Asian đang làm mưa làm gió ở Hollywood mùa thu năm nay. Nhưng sự tồn tại của chúng chỉ để phục vụ một mục đích duy nhất: làm giàu. Tôi không nhìn thấy giá trị văn hoá, bề dày lịch sử, giá trị gia đình, sự ấm áp tình người.
Đến một lúc nào đó đi nhiều và đủ thì bạn sẽ phát hiện ra rằng các nơi có núi đều nhìn tương tự nhau, các nơi có biển cũng khá giống nhau và rồi bạn tự vô thức đặt ra một giới hạn cho mình như cách một đứa bé chấm lên bản đồ và nói “đây, tôi muốn sống ở đây thôi, không đi đâu nữa cả”. Bạn tự giới hạn bản thân mình vì mỗi chuyến đi càng ít mang ý nghĩa hơn trước.
Ai đó từng tuyên bố xanh rờn “đi là tìm lại chính mình”, tôi cho rằng đó chỉ là một câu rỗng tuếch. Tôi đoán ý họ muốn nói rằng một chuyến đi sẽ giúp họ thoát khỏi cái tôi thường thấy, vất bỏ hết những gánh nặng cuộc đời. Trong một môi trường mới trung dung, họ sẽ quan sát được chính bản thân mình, hiểu ra mình sẽ phản ứng thế nào trong một đời sống mới, để có thể bình thản suy xét về những thứ thân thuộc hàng ngày.
Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, sau mỗi chuyến đi, bạn sẽ bị tác động bởi một cái gì đó mới mẻ. Người bạn gặp ở London trong chuyến đi này khác hẳn người đồng nghiệp ngồi cùng bạn ở Sài Gòn năm ngoái, người bạn “kết” trong chuyến đi Florence ở Ý khác hẳn người bạn hay đi ăn trưa mỗi ngày mấy tháng trước ở Hà Lan.
Con người có khả năng thích nghi với hoàn cảnh cực cao nên bạn sẽ liên tục thay đổi bản thân để thích ứng và một lúc nào đó, do thay đổi môi trường bên ngoài liên tục, và thay đổi bản thân lên tục, bạn cũng chẳng còn cái phiên bản cá nhân nào “nguyên bản” để đem ra so sánh. Tóm lại, bạn mất đi cái gốc của chính mình, bạn không biết mình là ai.
Đó chính là điều tôi thích nhất trong quá trình khám phá thế giới. Khi bạn không xác tín một thứ gì cả, bạn giữ được một trái tim mở rộng với tâm thế sẵn sàng chào đón những điều mới lạ. Bạn bớt phán xét cuộc đời. Bớt nghi ngờ, bớt cứng nhắc.
Thay vì “tìm thấy chính mình”, bạn bắt đầu đặt câu hỏi: thực sự mình là ai, mình có biết gì vế thế giới này không hay là mình chẳng biết gì cả? Đến một lúc nào đó, hỏi quá nhiều, quá mệt, bạn buông xuôi và không đặt câu hỏi nào nữa. Bạn chỉ còn biết im lặng, lắng nghe tiếng gió, tiếng sóng biển, tiếng sân bay ì ầm nhộn nhịp với hàng trăm ngôn ngữ loài người mà bạn chẳng thể nào hiểu nổi.
Và bạn cứ để cuộc đời diễn ra như thế. Rồi bạn miên man trôi trong cuộc đời tươi đẹp ấy. Quả là một bài học hoàn hảo, phải không?