“Sự tích Thầy Thím”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đến hẹn lại lên, vào trung tuần tháng 9 Âm lịch (từ ngày 14 đến ngày 16) hàng năm tại làng Tam Tân, xã Tân Tiến long trọng tổ chức Lễ hội Tế thu (Lễ giỗ) Thầy Thím (Thị xã Lagi – tỉnh Bình Thuận). Cũng nhân dịp này, nhằm tưởng nhớ công đức Thầy Thím, lần đầu tiên hình ảnh của Thầy và Thím được đưa lên sân khấu cải lương. Thông qua loại hình độc đáo này, hình ảnh của Thầy Thím sẽ càng hiện rõ hơn trong tâm thức của mỗi người dân.

“Sự tích Thầy Thím” - 1
Các Nghệ sĩ tham gia vở Cải lương ”Sự tích Thầy Thím”

Theo truyền thuyết, Thầy sinh vào thời Chúa Nguyễn Phúc Ánh, tại làng Lao Quan, vụ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở thiếu thời, thầy theo nghiệp bút nghiên nhưng khoa danh lận đận nên bỏ đời vào núi tu luyện, học đạo giúp đời dẫn độ chúng sanh, cứu nhân độ thế, chữa bệnh và dạy người sống theo lễ nghĩa thánh hiền.

Dòng đời đẩy đưa, nhiều biến cố bất ngờ xảy ra, Thầy và Thím bị oan án; triều đình đã ban tội chết bằng Tam ban Triều điển. Ngày thụ án, bất ngờ giải lụa điều đã biến thành Thiên long đưa Thầy Thím về phương Nam làm thân viễn xứ, lánh nạn tại rừng Tam Tân – Bình Thuận. Tại đây, Thầy Thím tiếp tục cứu nhân độ thế, chữa bệnh, giúp gạo cho dân chúng trong vùng. Vì thế, ai ai cũng kính mến và xưng tụng như Thần.

Tiếng tăm Thầy vang xa lừng lẫy khiến mọi người tìm đến thầy học đạo. Để tránh thị phi, Thầy Thím ở ẩn trong rừng sâu, nơi sơn thủy hữu tình, dưới tán lá rừng trầm mặc, Thầy cất mái tranh đơn sơ ẩn cư, theo đạo tu tiên; hàng ngày Thầy vào rừng tìm hái lá thuốc trị bệnh cho dân làng. Tuy sống ẩn dật nhưng Thầy và Thím luôn hướng về đời sống của người dân làng Tam Tân và tiếp tục dùng tài đức của mình giúp dân làng vượt qua tai ương hoạn nạn.

Bà con còn kể lại rằng, Thầy hướng dẫn cho dân làng cách đóng thuyền ghe lớn để có thể ra khơi xa đánh bắt; khi đóng xong, thầy đã dùng pháp thuật qua một đêm đã đưa thuyền ghe từ rừng sâu ra đến cửa biển hạ thủy. Công đức của Thầy và Thím ơn dầy như trời bể nên đối với dân chúng Thầy Thím như những vị Phúc thần, Thần hoàng và Thần y của cả vùng. Cánh rừng nơi Thầy Thím cư ngụ được xem là khu rừng linh thiêng, dân làng luôn gìn giữ và không bao giờ xâm phạm.

Và như quy luật muôn đời của trời đất Sinh – Lão – Bệnh – Tử, Thầy và Thím đã về cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương vô vàn của người dân.

Đất Tam Tân muôn đời ghi công đức

Người Tam Tân vạn thuở nhớ ơn sâu.

Vở Cải lương “Sự Tích Thầy Thím” được dàn dựng bởi Sân khấu nghệ thuật văn hóa Việt của kịch tác gia Thái Phụng, chỉnh lý: nghệ sĩ Linh Trung, đạo diễn: nghệ sĩ Nguyễn Trọg Sơn, chỉ huy dàn nhạc: nghệ sĩ Khải Hoàn, thiết kế nghệ thuật: họa sĩ Trần Vinh, đạo cụ: Tấn An, hóa trang: Trọng Tân, thực hiện cảnh trí: Huỳnh Văn Mai, thư ký: Trung Nghĩa, âm thanh ánh sáng và kỹ xảo sân khấu: Công ty TNHH Ánh Sáng AT,

Với sự góp mặt của các nghệ sĩ: Nghệ sĩ Tuấn Thanh – Thầy; Nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan – Thím; Nghệ sĩ Linh Trung – Hương Kiểm; Nghệ sĩ Tuấn Phương – thương buôn; Nghệ sĩ Thanh Tú – quan Khâm sai; Hải Đăng – ông Sáu; Hải Minh – Hiền; Trúc Phương – Lành; Trọng Hiếu – Tám Sương; Bích Phượng – vợ Tám Sương; Huỳnh Lập – quan Tri huyện; Kiệt Luân – Chín; Hoàng Anh – thôn nữ; Nguyên Ninh – dân làng. Và các nam nữ diễn viên khác trong các vai quần chúng.

Vở diễn “Sự tích Thầy Thím” chia làm 10 cảnh, qua tấm gương Thầy Thím nhằm tôn vinh lối sống nhân ái, đạo nghĩa với mọi người: Mở màn bằng tiếng loa xử án; Thương buôn đòi nợ; Thầy, Thím, Chú Sáu và bà con làng Tam Tân; Thầy Thím đi hái thuốc; Hương Kiểm vào bắt Thầy; Quan huyện xử Thầy; Thầy vào rừng tìm thuốc chữa bệnh cho dân làng; Bà con bị bệnh đến nhà Thầy; Bi hài lão thương buôn, tri huyện, hương kiểm; Kết thúc vở cải lương, tri ân công đức Thầy và Thím.

“Sự tích Thầy Thím” - 2
Mặc dù tuổi cao sức yếu, thầy vẫn tận tình bốc thuốc chữa bệnh cho bà con.

“Sự tích Thầy Thím” - 3
Quan khâm sai triều đình đọc chiếu lệnh vua ban và sắc chỉ phong thần.

Hữu Long – Thái Sơn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT