Sân khấu sẽ sáng đèn với những Đạo diễn, Diễn viên trẻ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sân khấu sẽ sáng đèn với những Đạo diễn, Diễn viên trẻ - 1

Sau thất bại của 2 Khoá 13, 14, đêm diễn Tốt nghiệp 29/6/2012, đã khép lại các buổi thi Tốt nghiệp của Sinh viên lớp Đạo diễn (3 sinh viên) và Diễn viên (12 sinh viên). Thầy, trò Khoa Sân khấu đã có thể gỡ bỏ từng tảng đá xuống mà thở phào nhẹ nhõm. Mừng rỡ với những thành công mà suốt 3 năm trời vất vả lao động tinh thần lẫn thể chất, để theo đuổi đam mê nghệ thuật

Đến xem những lúc tập vở, mới thấu hiểu hết cái khó, cái phức tạp của nghề Diễn viên. Diễn viên phải thuộc lời thoại, nắm rõ tâm lý, hành động nhân vật, mà còn phải chịu sức nóng, sự choá mắt khi đứng dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng không vì những khó khăn đó làm các bạn chùn bước. Càng mệt các bạn lại càng hăng, thậm chí có một Sinh viên khoá dưới do giọng gốc Bắc mà phải đổi giọng Nam, mỗi khi sai bạn tự vả vào miệng mình đến không sai thì thôi. Không những chỉ có những Sinh viên Diễn viên khó khăn, mà cả Sinh viên Đạo diễn cũng cùng cảnh ngộ. Các Sinh viên Đạo diễn phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm một kịch bản hay, chọn diễn viên cho nhân vật, tiếp nữa là lên kế hoạch tập dợt, chuẩn bị đạo cụ, cảnh trí. Công việc Đạo diễn chưa dừng lại ở đó, sau khi mọi thứ ổn thoả, bắt đầu đến dàn dựng, mảng miếng, quan trọng nhất là khả năng thổi hồn cho nhân vật sao cho diễn viên dù là vai quần chúng vẫn vui vẻ tham gia. Qua công trình tập dợt cả 1 năm trời của các bạn, cùng với 1 tháng trước khi báo cáo, mới hiểu thêm nghề Diễn viên, Đạo diễn quả thật không đơn giản.

Từ “Những kẻ độc thân” đến “Cây lẻ bạn”

Lớp Sinh viên Diễn viên Khoá 15 (12 Sinh viên), đã hoàn thành 2 bài Báo cáo trong 2 đêm 20/6/2012 “Những kẻ độc thân” và 28/6/2012 “Cây lẻ bạn”, được Đạo diễn Hồng Dung chỉnh chu khá cân đối, khi hoà nhập hai lớp diễn viên lại với nhau. Dù rằng cả hai bài đều khó ngang nhau, một cái đẩy cảm xúc bên ngoài, cái đẩy cảm xúc bên trong nhưng đạo điễn đã nhẹ nhàng sàng lọc tạo hình cho các nhân vật, để khán giả thấy rõ sở trường của 2 nhóm Diễn viên.

Nhóm 1 “Những kẻ độc thân” – tác giả NSND Nguyễn Thành Châu, mang phong cách nhẹ nhàng, hóm hỉnh, hài nhưng hài tinh tế. Với khả năng thể hiện tốt cảm xúc, các Sinh viên Nhóm 1 đã đem lại tiếng cười cho khán giả.

Xoay 180 độ về Nhóm 2 “Cây lẻ bạn” – tác giả Nguyễn Thu Phương, đạo diễn Hồng Dung chăm chút hơn từng chi tiết để đem lại cho khán giả những cảm xúc chân thật nhất về bi kịch của một gia đình… Điều tạo nên thành công đầu tiên của vở là cách xử lý âm nhạc của Đạo diễn Hồng Dung cùng trợ lý Đạo diễn Tấn Phát đã chọn 2 nhạc phẩm gây ấn tượng sâu sắc (Chiếc lá cuối cùng, Thêm một lần nữa) Sinh viên Nhóm 2 có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho bài thi của mình cùng với sự chăm chút tạo hình cho nhân vật. Đạo diễn Hồng Dung đã không uổng phí công sức 3 năm ròng rã làm người chèo đò, và cuối cùng đò cũng cập bến.

Sân khấu sẽ sáng đèn với những Đạo diễn, Diễn viên trẻ - 2

Từ trái sang: Minh Khang – Ông chủ; Chí Tài – Ông Bảy; Huệ Châu – Bà Vú; Hoàng Yến – người khách nữ trong vở “Những kẻ độc thân”

Theo Đạo diễn  - Nhà báo Thanh Hiệp – báo Người Lao động: Các bạn Diễn viên của 2 đợt thi làm tốt, rất tốt. Đây là 2 kịch bản khó, những tính cách nhân vật đòi hỏi sự đầu tư của rất nhiều của các bạn Sinh viên. Các bạn trẻ vừa mới ra trường mà đã dám thử thách như vậy, diễn xuất như vậy rất đáng quý. Ngoài thành công từ việc chọn nhạc còn phải nhắc đến là Sân khấu 5B đã giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều cho các Sinh viên, như không sử dụng micro, không dùng âm thanh khuyếch trương, nên rất cần sự tập trung của các diễn viên về đại từ, nhấn nhá để có thể đào sâu vào nhân vật.

Tác giả Nguyễn Thu Phương chia sẻ: Thật không thể ngờ rằng, các em sinh viên diễn rất tự tin, tôi rất tâm đắc với xuất hiện của rất nhiều mảng miếng cho các bạn xử lý. Điều ấn tượng là các bạn diễn đều, còn diễn viên làm cho tôi ấn tượng nhất là nhân vật Ông Tám Tường do sinh viên Trung Tính đóng. Vì khi gặp bạn ấy ở ngoài tôi không thể tưởng tượng được rằng bạn có thể vào vai một ông già quá đạt và trên cả tuyệt vời. Dù vừa mới ra trường nhưng các bạn sinh viên lại có thể đủ sức thể hiện một kịch bản đòi hỏi phải có sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống mới xử lý được.

Sân khấu sẽ sáng đèn với những Đạo diễn, Diễn viên trẻ - 3

Từ trái sang: Trung Tín – Tám Trường; Hoàng Việt – Nhân; Tấn Nẫm – Nhẫn trong vở “Cây lẻ bạn”

Từ “Dòng nhớ” đến “Sông tím”

Bài thi “Dòng nhớ” của sinh viên Huyền Trang là đem lại cảm xúc và nhiều ấn tượng nhất so với hai bạn còn lại. Tuy không có sự may mắn như Thanh Dũng là có sự hỗ trợ của Sân khấu 5B có dàn diễn viên gạo cội như Lê Bình dẫn dắt. Với sự nỗ lực giữa Cô Đạo diễn Ca Lê Hồng và trò, bài thi được dàn dựng trau chuốt kỹ lưỡng từ khâu thiết kế sân khấu, lời thoại của diễn viên “gọt tỉa” gọn gàng, hóm hỉnh. Có những đoạn Diễn viên Văn Thành (DV K16) – Cẩm Hò (DV K17) hài hước đến cười ra nước mắt, Diễn viên Đan Phi (DV K16)- Diệu Hương (DV K16) thể hiện những đoạn tâm lý đẩy đến cao trào rất mượt. Tuy Yên Ly (DV K16) – Cúc Liễu (DV K16) chỉ là diễn viên phụ nhưng bạn cũng đã làm rất tròn vai diễn của mình, vẫn buộc khán giả phải dõi theo mỗi lần cô xuất hiện. Diễn viên gây ấn tượng là Đan Phi  - cựu sinh viên lớp Diễn viên Khóa 14 (Khóa 14 đã tan rã) khi vào vai người cha. Với một thân hình thấp bé, tiếng nói thì đôi khi bị đớt không ai có thể nghĩ bạn sinh viên này có thể hoàn thành được. Nhưng rất bất ngờ bạn lại có khả năng diễn tốt, ngay cả khi chuyển thành… một người điên.

Sinh viên Huyền Trang tâm sự: Bài thi cuối cùng cũng được hoàn thành, người đầu tiên nhất là mình muốn cám ơn là mẹ, người đã hỗ trợ mình về tinh thần cũng như vật chất và các thầy cô nhất là Cô Ca Lê Hồng đã cùng mình thức khuya dậy sớm để lo làm cho kịp tiến độ bài thi, cám ơn các bạn sinh viên K16,K17 đã hỗ trợ mình, cám ơn nhà trường đã tạo điều kiện cho mình trải nghiệm lần đầu làm Đạo diễn. Trước mắt mình sẽ đầu quân vào các sân khấu ở thành phố để học nghề. Biết là con đường sẽ rất khó đi, nhưng mình tin “Trời không phụ người có lòng”.

Sân khấu sẽ sáng đèn với những Đạo diễn, Diễn viên trẻ - 4

Từ trái sang: Diệu Thương – người vợ; Đan Phi – người chồng; Cúc Liễu – người mẹ trong vở “Dòng nhớ”

Bài thi “Sông tím” của sinh viên Văn Nhờ là bài thi cuối cùng của Khoa Sân khấu nên được sự ủng hộ của khán giả hùng hậu nhất. Buổi diễn bắt đầu bên trên, thì bên dưới khán giả mười mấy chiếc máy ảnh liên tục bấm. Với sự hỗ trợ của Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc cùng Đạo diễn Đăng Nhân, sân khấu được thiết kế kiểu tả thực,  bày trí cân đối đẹp và khung cảnh lãng mạn với một dàn bông lục bình tím phía sau. Diễn viên hỗ trợ cũng là lớp Diễn viên Khóa dưới của trường nhưng nhìn chung khả năng diễn xuất của các bạn khá ổn, có đôi chỗ diễn hơi quá. Diễn xuất tốt nhất là sinh viên Cúc Liễu và Yên Ly (DV K16), hai bạn thể hiện cảm xúc nhân vật và kéo sự thu hút của khán giả về phía mình rất tốt.

Sinh viên đạo diễn Văn Nhờ chia sẻ: Cảm giác bây giờ rất lẫn lộn, vừa vui mà lại vừa lo. Vui vì thành quả cuối cùng là trở thành một người Đạo diễn đã đạt được nhưng lo vì liệu tốt nghiệp xong sân khấu nào sẽ dám thu nhận một tân Sinh viên Đạo diễn về dàn dựng khi chưa đủ kinh nghiệm. Ở trường còn có sự hỗ trợ của thầy cô, ra đời phải tự mình thu xếp. Nên trước mắt mình sẽ vẫn theo con đường cũ là Hướng dẫn viên Du lịch sau một thời gian có đủ kinh nghiệm cũng như kinh phí, mình sẽ trở lại với đam mê Đạo diễn sân khấu. Hy vọng sẽ sớm thực hiện!

Sân khấu sẽ sáng đèn với những Đạo diễn, Diễn viên trẻ - 5

Cúc Liễu – Mỹ Lan; Ngọc Huy – Nam trong vở “Sông tím”

Sân khấu sẽ sáng đèn với những Đạo diễn, Diễn viên trẻ - 6

Lãnh đạo trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM và Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B tặng hoa chúc mừng các sinh viên hoàn thành bài Tốt nghiệp

Đạo diễn Hồng Dung – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM:

Nói chung, các bài đều ổn và đều có mỗi cái hay riêng. Diễn xuất, xử lý sân khấu của các em sinh viên tốt. Thầy, cô đã giúp cho các em trưởng thành hơn trong quá trình dàn dựng, hướng cho các em hiểu thêm về nghề hơn. Chúc các em tân Đạo diễn sẽ gặp nhiều sự may mắn khi bước chân vào nghề.

Thạc sĩ Lê Ngọc Hóa:

Qua tất cả những đêm báo cáo của Khoa Sân khấu đều có khai thác tốt lượng tài nguyên Diễn viên của trường. Quá trình phân vai cũng được rõ ràng, các Diễn viên mỗi người đều có vai diễn mà nhân vật đó phù hợp với bản thân từng Diễn viên. Mỗi vở diễn có mỗi đặc tính, đặc thù riêng, mỗi phong cách khác nhau. Nhà trường trang bị hành trang cho các em phấn đấu với những chông gai trước mắt. Ngày hôm nay các em đã trở thành một Đạo diễn, một Diễn viên chuyên nghiệp. Nhà trường và các thầy, cô sẽ luôn đứng sau ủng hộ từng bước đi của các em.

HTS

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT