Hủ tiếu Thanh Xuân hơn 70 năm quyến rũ người Sài Gòn
Vốn chỉ là một quán hủ tiếu nhỏ nép mình bên con hẻm đã nhuốm màu cũ kỹ nhưng đã hơn 70 năm khiến trái tim người Sài Gòn thổn thức. Nghe qua có vẻ khó tin nhưng đó là sự thật.
Quán hủ tiếu gây thương nhớ bằng cái tên rất thi vị “Thanh Xuân”, chuyên bán món hủ tiếu khô Mỹ Tho. Tọa lạc tại số 62 Tôn Thất Thiệp (Quận 1), chỉ vỏn vẹn vài bộ bàn ghế nhưng suốt hơn 70 năm qua, trải qua ba đời chủ, quán vẫn luôn đông đúc thực khách đến ăn, hẳn là phải có gì đó rất đặc biệt!
[caption id="attachment_29761" align="aligncenter" width="696"]
Vị nước sốt đặc biệt cùng với bánh Pate Chaud (Pa-tê-sô) độc đáo
Đúng vậy, kể ra quán cũng có vài điểm rất lạ, không trộn lẫn vào đâu được. Đầu tiên phải kể đến chính là món hủ tiếu khô Mỹ Tho trứ danh của quán, với thứ nước sốt được làm từ cà chua pha chút tương hột rất vừa miệng. Sợi hủ tiếu ở đây được pha thêm bột lọc nên khi nấu sôi có độ trong và dai hơn. Đã có rất nhiều thực khách đến đây chỉ vì muốn cảm nhận rõ nhất sợi hủ tiếu được làm công phu như thế nào.
[caption id="attachment_29762" align="aligncenter" width="696"]
Món hủ tiếu khô ở quán Thanh Xuân phải ăn kèm với bánh Pate Chaud thì mới gọi là đúng điệu. Chiếc bánh có nhiều lớp vỏ được làm từ thứ bột ngàn lớp, bên trong là một ụ nhân gồm thịt băm, gan heo, hành tây, hạt tiêu. Vốn là loại bánh mặn đặc trưng của ẩm thực Pháp nhưng chiếc Pate Chaud tại quán đã được gia giảm, biến tấu cho phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn. Chiếc bánh có màu vàng đượm giòn rụm toát lên vẻ tỉ mẩn của người làm ra nó.
Một quán hủ tiếu có món ăn kèm là bánh Pate Chaud nằm giữa lòng Sài Gòn quả là điều hiếm gặp. Theo chia sẻ của chủ quán thì một ngày chỉ làm đúng 100 cái bán hết trong ngày nên ai muốn thưởng thức thì nên tranh thủ đến sớm.
[caption id="attachment_29763" align="aligncenter" width="696"]
Giá một tô thường là 35.000 đồng và đặc biệt là 55.000 đồng tùy thực khách lựa chọn. Tô loại thường có hủ tiếu, thịt xá xíu, thịt băm, tôm, tim, gan; riêng tô đặc biệt thì có thêm thịt cua.
“Bữa được cô bạn chỉ chỗ này nên qua ăn, mình gọi tô hủ tiếu khô đặc biệt giá 55.000 đồng có tôm, càng cua, đồ lòng, thịt nạc ăn rất ngon nhờ có nước sốt không lẫn vào đâu được. Cô chú bán cũng lớn tuổi nhưng vui vẻ, nói chuyện giọng miền tây nghe dễ thương.” – Anh Long, một thực khách của quán, hóm hỉnh chia sẻ.
Cả thanh xuân gói gọn trong tấm bảng hiệu
Điều nổi bật mà ai cũng nhận ra khi bước chân đến đây chính là tấm bảng hiệu đã chằng chịt dấu thời gian. Tấm bảng hiệu có từ khi khai trương quán đến nay cũng đã hơn 70 năm, từng nét sơn, con chữ vẫn còn giữ nguyên âm hưởng “retro” mà không hề thêm bớt hay thay đổi chút gì: “Thanh Xuân - Hủ tiếu Mỹ Tho - 62 Chùa Chà - Tôn Thất Thiệp”.
[caption id="attachment_29765" align="alignnone" width="696"]
Bà Tươi, chủ quán Thanh Xuân, nhàn nhã trong bộ áo bà ba, cho biết: “Cái biển nhìn vậy chứ hồi đó có ông Tây đòi mua riết mà tui không bán đó. Để lại làm kỷ niệm, của ông bà, cha mẹ mình mà sao bán đi được. Còn cái tên Thanh Xuân là từ tên chồng tui mà ra, hồi xưa ổng được thương nhất nhà nên ông cụ mới lấy tên ổng là Xuân Thanh, đảo ngược là Thanh Xuân làm tên quán đó”.
Hơn 70 năm trôi qua với biết bao thăng trầm cùng thành phố, quán vẫn giữ nguyên hương vị đậm đà của món hủ tiếu Mỹ Tho mộc mạc pha chút nét “tân thời” của Sài Gòn. Thế mới thấy cái tâm của người gìn giữ quán gia truyền.
[caption id="attachment_29766" align="alignnone" width="696"]
Chị Hoa Cúc (con gái bà Tươi) hàng ngày vẫn theo mẹ ra phụ bán rất thuần thục với những bước làm nên một tô hủ tiếu ngon đúng như cái cách mà mẹ chị đã làm. Hẳn là mai sau, người tiếp tục gìn giữ thứ phong vị đặc trưng của món hủ tiếu khô nơi đây sẽ không ai khác mà chính là chị. Và thế là cứ từ thế hệ này nối tiếp thế hệ sau lưu giữ một nét riêng, một nét ẩm thực xưa của Sài Gòn, thật đáng trân trọng.
Sài Gòn đơn giản là thế. Chỉ với một quán hủ tiếu nhỏ nhưng chứa đựng biết bao điều dễ thương. Nhiều người thường hay nói đùa với nhau rằng nếu muốn biết thanh xuân của Sài Gòn thế nào thì xin mời đến quán "hủ tiếu Chùa Chà" – Thanh Xuân thưởng thức món hủ tiếu khô ắt rõ.
Bài và ảnh: Nguyễn Hùng Mạnh