Một cánh hoa đơn lẻ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ba Mẹ tôi chia tay nhau. Tôi theo Mẹ còn anh Huy ở với Ba nhưng anh Huy cũng đòi theo Mẹ. Thế là ba mẹ con dọn về nhà Ngoại. Ngày ấy tôi còn rất bé chưa biết gì, kể cả nỗi buồn khi gia đình bị xé đôi như thế. Nhà Ngoại ở cuối một con đường nhỏ, có một khoảng sân rộng và nhiều cây có hoa rất đẹp. Mùa có hoa nở, nhiều loài ong bướm rủ nhau về, chập chờn khoe những đôi cánh đủ màu sắc. Và đó dường như là điều làm cho con bé ham vui như tôi dễ dàng mau quên ngôi nhà cao tầng của Ba. Hằng ngày anh Huy đi học, Mẹ đi dạy, tôi một mình chơi đủ trò trong cái sân xi măng láng sạch bong. Người canh chừng những bước chân nghịch ngợm của tôi là Dì Nhiên.

Một cánh hoa đơn lẻ - 1

Ngoại có ba người con, hai gái một trai. Cậu Út định cư ở nước ngoài, ở nhà lúc ấy chỉ có ba người đàn bà. Lúc Mẹ tôi theo chồng ra ở riêng thì nhà cửa buồn hiu. Sau này mỗi lần cả nhà ngồi ăn cơm, anh Huy và tôi hay cãi nhau, Mẹ thường la lối. Ngoại lại cười – cũng may, mẹ con bay về đây, nhà có tiếng cười. Mỗi lần như thế thì Dì Nhiên gắt nhỏ: Mẹ! Còn Mẹ tôi thì ngó lơ sang chỗ khác cố nén tiếng thở dài.

Dì Nhiên cũng dạy học như Mẹ. Từ khi tôi về, Dì dành hết mọi việc chăm sóc tôi, nói là để Mẹ rảnh tay làm thêm việc, có tiền nuôi anh em tôi. Dì là cô giáo đầu tiên dạy tôi học chữ, cầm tay nắn nón cho tôi tập viết nét sổ, nét cong. Đến tuổi đi học, Dì xin cho tôi học ở ngôi trường mà Dì đang dạy. Hàng ngày Dì đưa tôi đến tận cửa lớp, giờ ra chơi, Dì chạy đến nhìn tôi cười đùa,tan trường Dì đứng ngay ở cửa lớp đón tôi về. Ngày nào cũng thế cho đến khi tôi học hết cấp II.

Tôi rất thương Dì Nhiên. Hình như tình thương của tôi nghiêng về Dì nhiều hơn Mẹ. Dì là người phát hiện ra dấu dậy thì của tôi, gần gũi giảng giải cho tôi từng li từng tý. Tôi như chú chim non cứ ung dung nhận hết mọi sự nâng niu và chăm sóc của Dì không hề thắc mắc. Cho đến một hôm tôi nhận ra một điều Dì Nhiên của tôi qua thời tuổi trẻ đã lâu, và điều đó cứ làm cho tôi áy náy trong lòng cảm giác có lỗi với Dì.

Ở cuối sân nhà Ngoại có một cây hoa đại, hình như được trồng lâu lắm rồi. Tôi thấy nó từ khi còn nhỏ vậy mà đến bây giờ cũng chỉ cao vừa quá đầu tôi. Có rất ít hoa nhưng bao giờ cũng thấy hoa nở. Những cánh hoa trắng muốt e ấp nằm nép vào những chiếc lá trầu bà quấn quýt trườn từ từ dưới thân cây đại lên tận trên cao. Mỗi lần nhìn vào góc sân ấy tôi lại liên tưởng đến một sự nương tựa giữa hai loài cây khác nhau này. Những bông hoa đại trông thật yếu ớt càng được che chở bởi những chiếc lá trầu bà khỏe mạnh to lớn kia. Có lần tôi hỏi Dì Nhiên:

- Ai trồng hai cây này cạnh nhau khéo quá hở Dì Ba?

- Một người bạn trồng tặng Dì đó. Hồi ấy Dì bằng con bây giờ.

Tự nhiên tôi hỏi:

            - Bạn trai phải không Dì Ba? Sao hồi giờ con không thấy chú ấy đến thăm Dì?

Dì Nhiên không trả lời. Còn tôi chợt im bặt vì nhận ra mình vô tâm chạm vào nỗi đau thầm kín của Dì. Năm đó tôi mười sáu tuổi. Tôi bắt đầu biết đứng gương chăm sóc, ngắm vuốt gương mặt mình. có lúc tôi khổ sở vì cái mụn nhỏ nổi trên mặt. Tôi méc với Dì Nhiên. Dì nhìn cười:

            - Quan trọng gì đâu cái bề ngoài mà con lo.

Tôi cãi lại:

            - Quan trọng lắm chớ Dì Ba, con gái phải có nhan sắc.

            Hôm đó tôi bị mẹ mắng là con gái mà thiếu ý tứ và mẹ kể cho tôi nghe về Dì Nhiên. Ở nhà Ngoại Dì  Nhiên là người học giỏi nhất, hồi xưa Dì có hai bằng Đại học trong một năm, khi Dì ngoài hai mươi tuổi. Dì lại rất khéo tay, mọi thứ khăn áo của Ngoại và rèm cửa trong nhà đều do tay Dì làm ra. Nhưng dÌ chưa có một mối tình nào nếu không kể Dì đã từng yêu một lần. Thời còn trẻ Dì Nhiên có người bạn trai, cũng giúp đỡ Dì trong học tập và nghiên cứu. Đó là người tặng Dì cây hoa đại nhân ngày sinh nhật lần thứ mười sáu của Dì. Ông ta tốt với Dì Nhiên một cách đáng yêu chỉ đến thế. Dì tôi thầm yêu người bạn trai của mình mà không làm sao nói ra cho đến khi ông ta lập gia đình. Từ đó hình như Dì không còn yêu ai mà cũng không ai yêu Dì, người ta quý mến dì nhưng yêu thì không.

            Tôi hiểu vì sao mình bị Mẹ mắng. Dì không đẹp. Dáng Dì thấp bé, mái tóc cắt ngắn và khô cứng. Đôi mắt Dì hơi nhỏ trên gương mặt tròn với làn da sần sùi như chưa bao giờ biết đến một thứ mỹ phẩm nào. Người ta thường nói đứa con thứ hai bao giờ cũng hoàn chỉnh hơn đứa con đầu lòng. Vậy sao giữa mẹ tôi và Dì Nhiên lại khác nhau như thể không phải cùng một cha mẹ sinh ra. Ai cũng khen tôi đẹp giống Mẹ, chỉ giống Ba ở cái tính ương bướng vì cái tính đó của Ba mà Ba Mẹ tôi chia tay nhau. Nhưng tôi lại thấy tôi hợp với Mẹ và tôi đã chia sẻ với Mẹ sự đau khổ, mất mát khi Ba có người phụ nữ khác.

            Vì thế tôi càng thương yêu Dì Nhiên. Dạo này Ngoại đã già Dì phải làm việc nhiều hơn để lo cho ngoại. Dì nói Mẹ phải lo cho anh em tôi, nhất là anh Huy đang học đại học. Dì không để cho mẹ tranh luận về chuyện bổn phận, Dì nói bổn phận của Mẹ là phải lo cho anh em tôi thành người, cho Ba biết rằng không có Ba anh em tôi vẫn lớn khôn. Dì cho rằng đó là cách trả thù êm ái nhất. Nghe Dì nói đến chuyện trả thù mà tôi buồn cười, hiền như Dì thì có biết thù ghét ai bao giờ? Lâu nay, cậu Út làm khó khăn nên ít gửi tiền về, Dì cũng không hề phàn nàn. Dì cứ lầm lũi như con ngựa đang kéo xe chỉ biết có con đường trước mặt. Ngoài giờ ở trường, Dì xin dạy thêm mấy lớp bổ túc ban đêm, lại thu xếp có thời gian may đồ gia công. Nhưng môn Sử Dì dạy không ai thích nếu không phải là môn thi bắt buộc thì người ta chẳng buồn xếp vào chính khóa nói gì đến chuyện học thêm. Thế là Dì Nhiên ghi tên học Anh văn ở Đại học ngoại ngữ. Hôm đó Dì đỗ Cử nhân Anh văn, cả nhà được mời một chầu nem nướng. Tôi học lên càng khó mà không giám than vãn một lời bởi so với Dì tôi thấy mình thật vô tích sự.

            Tôi thi xong học kỳ II, hăm hở tính đến việc xin Mẹ đi nghỉ hè. Mẹ đã hứa hè này sẽ cho tôi theo anh Huy đi Đà Lạt chơi. Tôi muốn đi cùng Dì Nhiên nhưng dì từ chối:

            - Dì đang đợi mấy trung tâm gọi thử việc.

            - Đi mấy hôm thôi dì Ba, dì cũng phải nghỉ ngơi giải trí chứ!

            - Không được đâu. Lỡ trong lúc đi thì người ta gọi thì uổng.

            - Con sẽ đợi dì cùng đi.

            Tôi trả lời dứt khoát rồi nôn nả chờ đợi như Dì. Cuối tháng 5, khi mấy trung tâm sinh ngữ chuẩn bị chiêu sinh, Dì Nhiên giống như mấy đứa trẻ đang mong chờ Tết từng ngày. Lúc nhận giấy mời phỏng vấn Dì ôm xoay vòng:

            - Được rồi, Hương ơi!...

            Dì Nhiên như trẻ lại. Buổi chiều, Dì chọn cái áo đẹp nhất, vui vẻ như người sắp đi ăn cưới. Tôi giục Dì trang điểm nhưng Dì chỉ bôi một chút son. Tối ấy cả nhà đợi mãi vẫn không thấy Dì về. Mẹ vào phòng riêng trong khi chờ tôi mở cửa cho Dì. Tôi ngồi trước máy truyền hình mà vẫn không hiểu có chuyện gì đang diễn ra. Thật lâu, tôi nóng lòng mở cửa bước ra sân và chợt giật thót mình:

            - Đừng la, Dì đây mà Hương.

            Ở góc sân, dì Nhiên ngồi dưới gốc cây hoa đại từ bao giờ. Dì đứng dậy đến bên tôi :

            - Vào nhà đi, tối rồi!

            - Dì Ba, Dì về từ hồi nào? Sao không vô nhà?

            - Dì về lâu rồi. Hương nè, cuối tuần dì đi Đà Lạt chơi với con.

            - Hay quá! Dì Ba, người ta nhận Dì vào trung tâm rồi hả?

Dì Nhiên lắc đầu. Tôi níu tay Dì nhưng Dì không đợi tôi hỏi:

            - Ở Trung tâm Sinh ngữ, người ta cũng cần tuổi trẻ và nhan sắc mà Dì chỉ có cái bằng Cử nhân Anh văn.

Một cánh hoa đơn lẻ - 2

            Tôi không tìm ra được một lời khả dĩ để nói với Dì. Tôi chợt nhớ đên một cánh hoa đại đơn lẻ mới nở hồi chiều mà tôi chưa kịp nói với Dì. Cánh hoa nằm trơ trọi đến tội nghiệp vì nó ở cách xa trầu bà mà mấy chiếc lá xanh to lớn cứ như lách mình từ chối nó.

            Tôi chợt hiểu Dì Nhiên còn thiếu nhiều thứ mà tấm lòng thật thà nhân hậu của Dì không thể đem lại cho dì. Tôi không thể nói ra điều đó nhưng tôi cảm thấy mình khôn lớn hơn…

LƯU CẨM VÂN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT