Hội xuân Yên Tử sẽ kéo dài 3 tháng
Hội xuân Yên Tử 2023 chính thức khai mạc vào sáng nay, mùng 10 tháng Giêng tại Cung Trúc Lâm, xã Thượng Uyên Công, thành phố Uông Bí. Lễ hội có các hoạt động thú vị, hứa hẹn thu hút nhiều du khách đến với tỉnh Quảng Ninh dịp đầu năm mới.
Theo ban Quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, trong ngày khai hội, Yên Tử đón khoảng 10.000 du khách hành hương, tham dự lễ hội. Con số này chỉ bằng 1/3 những năm trước dịch COVID-19, ngày khai hội Yên Tử đón khoảng 30.000 khách.
Hội xuân Yên Tử là một lễ hội lớn tại tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào đầu năm, luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương. Lễ hội bao gồm nhiều phần nghi thức lễ bái, thể hiện lòng thành kính và biết ơn của nhân dân đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông – người sáng lập ra Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng như mang đến vô số hoạt động vui hội thú vị.
Hội Xuân Yên Tử là một trong những lễ hội kéo dài nhất miền Bắc. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Đại dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020 đã khiến Hội xuân Yên Tử phải "lỡ hẹn" suốt 3 năm dài, và chỉ mới trở lại trong năm nay, khi đại dịch đã được kiểm soát chặt chẽ.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh - cho biết, Hội Xuân Yên Tử năm nay sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, như: đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an, biểu diễn nghệ thuật và văn nghệ truyền thống, múa võ cổ truyền, tổ chức hoạt động văn hóa ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y cùng nhiều trò chơi dân gian khác.
Trống khai Hội xuân Yên Tử 2023 vang lên vào sáng ngày 31/1, mùng 10 tháng Giêng âm lịch, tại trung tâm tổ chức lễ hội - Cung Trúc Lâm. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Đông đảo người dân và du khách đến tham dự lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử. Ảnh: Báo Dân Việt.
Đặc biệt, du khách đến tham dự lễ hội năm nay còn có dịp được tham gia các hoạt động tâm linh như lễ cầu an, lễ chúc phúc,… cũng như trải nghiệm các chương trình "về nguồn".
Ban tổ chức Hội xuân Yên Tử 2023 ước đoán, lễ hội sẽ thu hút hơn 1 triệu lượt khách trong 3 tháng diễn ra. Hiện tại, ban tổ chức đã sẵn sàng các phương án nhằm đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách vui chơi lễ hội. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh đến các du khách trong suốt lễ hội.
Người dân cả nước có thể yên tâm trẩy hội xuân Yên Tử. Ảnh: Phạm Hưng/Báo Dân Việt.
Yên Tử là miền đất Phật, là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Đến với danh thắng Yên Tử trong những ngày đầu xuân, du khách được hòa mình với thiên nhiên, ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của đất trời Yên Tử, trải nghiệm ẩm thực đặc trưng của thành phố và các địa điểm đẹp, ấn tượng như đỉnh Phượng Hoàng, đỉnh Bình Hương, khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung, vườn hoa,...
Nguồn gốc của Hội xuân Yên Tử Hội xuân Yên Tử thường bắt đầu từ mồng 9 tháng Giêng âm lịch và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân hằng năm. Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử, là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông đã xây dựng nên dòng thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị sư tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó về sau, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ 12, 13, 14. Nhiều công trình tâm linh Phật pháp và hàng trăm am, tháp mộ, bia, tượng đã được xây dựng trên đỉnh thiêng Yên Tử. Quần thể kiến trúc đồ sộ này kết hợp với khung cảnh hữu tình đã làm nên Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia. Mãi cho đến hôm nay, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa vẫn chưa có kết luận cuối cùng về thời gian khai sinh chính xác của Hội xuân Yên Tử, chỉ ước lượng có thể nó đã tồn tại từ thế kỷ 17-18. |