Đường Trường Sơn huyền thoại

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thầy cô giáo và sinh viên Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist cùng tạp chí Du lịch TP.HCM tổ chức chuyến du lịch xuyên Việt về nguồn lấy tên: “Hành trình mùa xuân Sài Gòn - Huế - Hà Nội”.

Đường Trường Sơn huyền thoại - 1

Cuộc hành trình xuyên Việt vượt qua gần 1.000 km đường bộ từ Huế - Quảng Trị - Quảng Bình - Nghệ An - Hà Nội để tham quan những di sản văn hóa, những danh lam thắng cảnh tiêu biểu non sông gấm vóc, tham quan những di tích lịch sử và Cách mạng mang đậm dấu ấn của cuộc chiến đấu dựng nước và giữ nước của dân tộc ta “Từ thuở mang gươm đi mở cõi”…đoàn xe thẳng tiến về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, đoạn đường như được rút ngắn lại vì trên xe không lúc nào ngưng lời ca tiếng hát. Liên khúc hát về Trường Sơn huyền thoại cứ vang lên mãi với những bài hát: “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, “Bước chân trên dãy Trường Sơn”… từng giai điệu hùng tráng, da diết nối tiếp nhau gợi một sự xúc động khó tả nơi trái tim của những người con từ phương Nam tìm về miền đất thiêng liêng của một thời hoa lửa.

Đường Trường Sơn - cái tên đã đi vào lòng dân tộc như sự trường tồn, hùng vĩ, ngoan cường của thời lửa đạn; nơi lưu giấu muôn vàn ký ức như huyền thọai về những con người hy sinh cho Tổ quốc. Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn phải vượt qua chặng đường dài trên 1.500km. Thời gian đầu hoàn toàn hành quân bộ, mỗi ngày đi một đoạn đường từ trạm giao liên này tới trạm giao liên tiếp theo. Bộ đội hành quân bộ vào chiến trường B2 (miền Trung) mất hơn ba tháng, nếu vào chiến trường Nam Bộ, đến Bù Gia Mập - điểm cuối cùng của con đường mòn thì hết khoảng 5 tháng.

Đường Trường Sơn huyền thoại - 2

Để chuẩn bị cho chặng đường dài gian khổ, Bộ đội rèn luyện hành quân kèm mang đá, vác cây trên vùng đồi núi Kim Bôi - Hạ Bì, tỉnh Hòa Bình, rồi hành quân bộ trên quãng đường trên nửa ngàn cây số từ Hòa Bình vào Quảng Bình - cửa ngõ phía Bắc của đường Trường Sơn. Năm 1965, mỗi người phải mang 30kg quân trang, lương khô, súng đạn, thuốc quân y, đường, gạo, muối... Do hàng được chuyển bằng cơ giới ngày càng nhiều, lượng lương thực trữ tại các trạm giao liên ngày càng nhiều, nên khối lượng phải mang vác cũng giảm dần. Năm 1966 giảm xuống còn 25 kg, sau năm 1967 còn 20kg. Về chế độ ăn, ngoài gạo lĩnh tại các trạm giao liên, mỗi người lính được cấp một ống cóng ruốc thịt, trong đó pha trộn thuốc chống sốt rét, tê phù... một kilôgam muối để dùng cho toàn bộ chặng đường. Đồ ăn cho mỗi ngày gồm có một nắm cơm khi hành quân ban ngày và một bữa cơm khi dừng chân ban đêm.

Những con số về đường Trường Sơn huyền thoại:

+ Xây dựng mạng đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn km; 1 tuyến đường “kín” dài 3.140 km. Hệ thống đường sông dài gần 500 km.

+ Hệ thống đường ống dẫn xǎng, dầu dài 1.400km vào tới Đông Nam bộ.

+ San lấp 78.000 hố bom.

+ Phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại.

+ Đánh 2.500 trận bộ binh loại khỏi vòng chiến đấu gần 20.000 tên địch, thu, phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại.

Đường Trường Sơn huyền thoại - 3

+ Bắn rơi hơn 2.450 máy bay các loại.

+ Vận chuyển, tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân, chính, đảng vào ra qua Trường Sơn. Mỗi nǎm bình quân chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng cho chiến trường, riêng nǎm 1974 có lượng hàng gấp 22 lần nǎm 1966.

+ Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân nǎm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm giao thông toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1 và 7 tuyến đường khác, có tổng chiều dài 2.577km, bắc lại 88 cầu, sử dụng trên 1.000 xe ô tô chở các quân đoàn chủ lực và chở bổ sung gần 20 vạn quân cho các chiến dịch để giải phóng miền Nam.

+Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn ba vạn người bị thương, khoảng 14.500 xe và máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy...

Đường Trường Sơn huyền thoại - 4

          Sau hơn nửa giờ đi đường, chúng tôi đã đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, con đường vào rất đẹp với hàng cây hai bên đường và hồ nước xanh trong êm đềm, không gian tĩnh lặng, mát mẻ và trong trẻo dễ chịu lạ thường. Không ai có thể tưởng tượng nổi đây là nơi an nghỉ của 10.263 hài cốt và vô số hương hồn của hàng ngàn Liệt sĩ đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, còn đường gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Phần lớn trong số đó là những Chiến sĩ Đoàn 559 Anh hùng - những chàng trai đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi, cái tuổi đang son và thớ thịt căng da. Họ đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Đường Trường Sơn huyền thoại - 5

“Chúng tôi luôn tưởng nhớ công lao của các Anh hùng Liệt sĩ. Kính chúc hương hồn các anh chị sớm siêu thoát và phù hộ cho các thế hệ mai sau, giữ vững được độc lập, tự do của Tổ Quốc, nhân dân được hạnh phúc ấm no.” (Nguyễn Hữu Phước, Giáo viên trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, ảnh trên)

Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách thành phố Đông Hà, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị khoảng 38km về phía Tây Bắc, cách Quốc lộ 1A (đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây Bắc. Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới cắt chia hai miền Bắc - Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Đây là nơi Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã chọn, là một trong 72 nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh Quảng Trị.

Đoàn kính cẩn dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất anh hùng này lòn thành kính thắp những nén nhang trên mộ các Liệt sĩ  tại Nghĩa trang Trường Sơn. Nhạc sĩ – Nhà báo Vũ Hoàng và Thầy Nguyễn Hữu Phước cũng không quên ghi lại những dòng kỷ niệm ghi nhớ Đoàn đã dừng chân đến nơi đây…

HOÀNG ĐÔN NHẬT TÂN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT