Nếu Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phía Tây-Bắc Quảng Bình được mệnh danh là "Vương quốc hang động" thì Khu Dự trữ Thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong ở phía Tây-Nam của tỉnh lại được ví là "Xứ sở những ngọn thác".
Không ai tính được có bao nhiêu ngọn thác trong khu rừng rộng hơn 22 ngàn hecta này. Chỉ tính riêng ở Suối Tiên dài khoảng 6km đã có 10 con thác lớn nhỏ. Mỗi thác có độ cao khác nhau nhưng đều tuyệt đẹp giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ.
Sau hơn 30 phút đi bộ, len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh, tha hồ nghe chim hót, lá reo, tiếng muông thú lạ lùng, chúng tôi đã đến Suối Tiên. Con suối không có gì đặc biệt nếu không có ngọn thác trắng xóa, mượt mà xõa tóc. Nghe kể, trước đây dân bản gọi tên thác là "Tóc Bạc", sau này được đổi lại là "Tóc Tiên". Những vị khách đầu tiên đến khám phá nơi này chốt luôn là "tóc cô Tiên" chứ nhất định không phải là "tóc ông Tiên".
Thác Tóc Tiên nằm bên vách núi, được 2 mái cây "vòng tay" ôm lấy nên đẹp một cách lãng mạn, nên thơ. Hồ nước dưới thác Tóc Tiên trong đến mức có thể nhìn thấy những hòn đá cuội nhiều kích cỡ, màu sắc và những đàn cá nhỏ vờn quanh.
Từ Tóc Tiên, chúng tôi được thông báo là sẽ men theo bờ suối cho đến hết hành trình. Ngoài bộ áo quần nhanh khô, mũ bảo hiểm, găng tay, dép rọ, mọi người được hướng dẫn chỉ nên mang theo một chiếc điện thoại thông minh để chụp ảnh. Tất cả hành lý sẽ được các porter vận chuyển đến điểm nghỉ chân cuối cùng.
Qua hết con thác thứ 3 thì mới thấm thía, đến cái điện thoại là vật mang theo duy nhất nó cũng hết sức làm phiền mình. Để vượt qua những dốc đá khi dựng đứng, khi trơn trượt, khi nhọn sắc phải sử dụng đủ các tư thế của môn giáo dục quốc phòng: lăn, lê, bò, toài, bấu, víu, níu, kéo... Còn những cú trượt thì quá "ngoạn mục": khi thì sóng soài dưới suối, khi bị hất bổng người lên rồi rơi bịch xuống, mông và lưng tiếp đá một cách bất ngờ và đau điếng. Thế nhưng mọi người đều háo hức vì hành trình phía trước được hứa hẹn nhiều điều thú vị.
Đang lội suối, cảm giác như có một cơn mưa vừa ào qua, tôi dừng lại và ngẩng lên. Từ trên bờ đá, hàng ngàn tia nước đan dệt kỳ ảo dưới ánh mặt trời. Một màn mưa chưa từng thấy bao giờ. Dưới màn mưa ấy là một tiểu cảnh được sắp đặt hoàn hảo: Cây với đá thì thầm dưới mưa, suối chảy quanh và reo vui cùng gió. Tôi đã đứng rất lâu ở đó, để màn mưa ảo diệu của núi đá mát lạnh thấm vào da thịt mình, lòng dâng lên niềm vui như ngày bé tắm mưa trước hiên nhà.
Lội thêm vài đoạn suối nữa, chúng tôi đã đến ngọn thác được nhắc đến nhiều nhất trong suốt hành trình. Nhìn từ trên cao, thác giống hình một chiếc Dương Cầm với những phím trắng và âm thanh tuôn trào. Thác Dương Cầm cao 50m, dốc nghiêng khoảng 70 độ, là một trong những con thác đẹp nhất của Động Châu-Khe Nước Trong.
Để vượt qua con thác này, người trải nghiệm phải đeo đai bảo hộ nối 2 sợi dây thừng, một sợi được trợ lực bởi 2 nhân viên điều khiển tời từ trên đỉnh thác và một sợi người vượt thác phải nắm chặt, dùng lực kéo mạnh bằng cả hai tay để chủ động leo lên.
Mới qua vài bậc đá đã thấy sức nước từ trên thác ào về càng lúc càng dữ dội, đá thì trơn nhẫy, khó tìm chỗ bấu víu. Thế mới thấy các hướng dẫn viên của Công ty Lữ hành Netin như những nghệ sĩ thực thụ. Không cần đến những sợi dây thừng, bóng áo cam của họ di chuyển linh hoạt và điệu nghệ trên con thác tung bọt trắng xóa.
Vượt qua thác Dương Cầm, lội thêm một quãng ngắn nữa thì chúng tôi đến điểm hạ trại. Đó là một bãi đá cao và khá bằng phẳng, ngay bìa rừng cạnh con suối.
Ánh nắng buổi chiều tà vương thêm vài ngọn khói từ bếp lửa vừa nhen lên làm cho cảnh rừng thêm trầm mặc, ấm cúng. Tiếng chim từ quy, tiếng ếch nhái và tiếng suối như từ xa thẳm vọng về. Bữa cơm chiều giữa rừng có ốc, chà khé (cua đá) bắt dưới khe, có bát canh lá thu hải đường nấu cá suối chua chua ngòn ngọt, ăn một lần nhớ nhiều lần.
Đêm, dưới ánh trăng xuyên qua vòm trời, bên bếp lửa từ nồi nước đang sôi, chúng tôi nghe những người bảo vệ rừng kể chuyện những đàn khỉ, voọc thường ra trêu chọc bầy chó ở trạm Bảo vệ rừng Cầu Khỉ; những lần đặt bẫy ảnh để phát hiện những loài thú ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới như sao la, bò tót, mang Trường Sơn, chim trĩ, gà lôi...
Khu rừng còn có vô vàn cây dược liệu và cây gỗ quý như gụ mật, gụ lau, lim xanh, dạ hương. Rừng ở đây là rừng nhiệt đới thường xanh, kiểu rừng hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam, rất đa dạng các loài động thực vật quý hiếm.
Nhiều thế hệ người Quảng Bình đã bảo vệ khu rừng này, từ trong chiến tranh cho mãi đến sau này. Những di tích như Bãi Đạn, các bản làng của đồng bào Bru-Vân Kiều như bản Trung Đoàn, con đường Trường Sơn huyền thoại xuyên qua khu rừng, là những giá trị văn hóa lịch sử cuốn hút du khách khi đến đây...
Buổi sáng thức dậy giữa núi rừng với người lần đầu trải nghiệm là một cảm giác khó tả. Suối không còn ầm ào như chiều hôm qua mà êm đềm, róc rách; tiếng chim, tiếng lá như cũng khẽ khàng hơn. Ngồi thật yên, cảm giác như bao u uất, phiền muộn trong lòng tan theo gió, hơi thở của mình hòa vào thiên nhiên.
Chặng cuối hành trình của chúng tôi là chinh phục thác Cổng Trời. Đây là con thác dài và cao nhất ở suối Tiên (khoảng 120m). Từ chân thác nhìn lên, Cổng Trời cao vời vợi.
Để lên đến đỉnh thác phải vượt qua những dốc đá cheo leo. Có những đoạn phải băng rừng, bám theo các vách núi để leo lên. Thác Cổng Trời hùng vĩ, nước từ trên cao dội xuống trắng xóa như một dải lụa uốn lượn giữa nền xanh của núi rừng. Cây cổ thụ ở khu rừng này khá nhiều. Sự có mặt của cả một vạt rừng dương xỉ thân gỗ là bằng chứng cho sự hình thành từ rất lâu của khu rừng mang vẻ đẹp nguyên sơ, cổ kính này.
Khí hậu ở thác Cổng Trời mát mẻ, dễ chịu, giữa mùa hè mà luôn duy trì nhiệt độ từ 22-240C. Một nơi lý tưởng cho du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ngành du lịch Quảng Bình đang hướng tới.
Rừng Động Châu-Khe Nước Trong cũng là thượng nguồn của 2 con sông lớn Đại Giang (Long Đại) và Kiến Giang, 2 nhánh của sông Nhật Lệ. Những thác nước ào ạt, trăm khe suối đổ về từ nơi này đã nuôi dưỡng những dòng sông và làng mạc trù phú ở phía hạ nguồn.
Chúng tôi kết thúc chặng hành trình bằng thử thách cuối cùng là bơi qua một hồ nước khá sâu và vượt qua một con dốc dựng đứng để qua bên kia núi. Một chuyến cắt rừng trở về.
Cảm giác khi "tiếp đất" là mãn nguyện vì tự chinh phục được chính mình chứ không phải những ngọn thác.
Quỹ Bảo tồn Thiên Nhiên Thế giới (WWF) đánh giá , Động Châu-Khe Nước Trong là một trong 200 trung tâm có đa dạng sinh học cao toàn cầu; Tổ chức Bảo tồn Chim Thế giới (BirdLife International) ghi nhận là một trong 62 vùng chim quan trọng và đặc hữu của Việt Nam.
Động Châu-Khe Nước Trong có độ che phủ rừng trên 98 %, với hơn 50 % diện tích (hơn 14 ngàn ha) rừng kín thường xanh được bảo vệ gần như nguyên vẹn. Đây là kiểu rừng có đa dạng sinh học cao, rất quý hiếm ở Việt Nam