Trở lại Angkor Wat
Tôi đến Angkor Wat lần đầu vào năm 2018. Sau bốn năm trở lại, trong tôi vẫn là cảm giác lạ lẫm, tò mò đến thổn thức khi chiêm ngưỡng công trình kiến trúc kỳ vỹ của nhân loại được xây dựng từ thế kỷ 13.
Nhắc đến đất nước Campuchia, không thể nào không nhắc đến ngôi đền Angkor Wat như là một biểu tượng đầy tự hào của người dân xứ Chùa Tháp. Tôi có may mắn được đến thăm Angkor Wat vào năm 2018. Cái cảm giác được chiêm bái một công trình kiến trúc kỹ vì của nhân loại luôn thổn thức mãi trong tôi.
Những ngọn tháp của đền Angkor Wat
Năm 2022 này, chúng tôi quyết định quay lại nơi đây. Buổi chiều hôm trước, chúng tôi tới trung tâm bán vé để mua vé đi Angkor Wat sáng hôm sau. Sau bốn năm, tấm vé vẫn không thay đổi, chữ ký quen thuộc và vẫn là giá 37 USD.
Tấm vé có ảnh giống như một kỷ niệm cho những ai đến Campuchia, tới Xiêm Rệp làm cuộc hành trình khám phá Angkor Wat.
Angkor Wat được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XII dưới thời vua Suryavarman II. Đến cuối thế kỷ XII, nơi đây từ một trung tâm tín ngưỡng Ấn Độ giáo dần chuyển sang Phật giáo và bị lãng quên từ thế kỷ 16.
Và như có một điều thần kỳ, sau cả một thời gian dài bị chìm khuất trong những cánh rừng đại ngàn, Angkorr bỗng được “thức dậy” nhờ sự phát hiện của nhà sư António da Madalena, người Bồ Đào Nha đến đây vào năm 1586 trong một chuyến đi thám hiểm.
Cổng vào đền Angkor Wat.
Nhưng Angkor Wat được biết đến nhiều nhất là nhờ nhà tự nhiên học và thám hiểm người Pháp Henri Mouhot vào giữa thế kỷ 19. Ông viết: “Nó vĩ đại hơn tất cả những gì người Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta, và thể hiện một sự tương phản đáng buồn cho tình trạng man rợ mà đất nước đang mắc phải".
Ngày nay, Angkor Wat được công nhận là một trong bảy kì quan của thế giới và là một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Trở lại Angkor Wat, giống như chuyến đi trước, chúng tôi phải mua vé vào cửa. Tuy nhiên, riêng người Campuchia không cần phải mua vé tham quan. Ngoài ra, quy định mới trong năm 2022, những người đã định cư ở Campuchia cũng không phải mua vé tham quan.
Đền Ta Prohm bám đầy những rễ cây.
Trở lại Angkor Wat, xe trung chuyển đưa chúng tôi vào khu vực đền. Nơi đây là cả một thảm xanh tuyệt đẹp, có hồ nước và cỏ xanh, thỉnh thoảng có những chú khỉ bạo dạn ra tận bên ngoài tò mò nhìn.
Những biểu tượng đầu rắn Nagarr có khắp nơi, vũng nước đẹp mê hồn phía bên phải nhìn từ trong ra hiện đang được tôn tạo. Đây là nơi có góc chụp ảnh đẹp nhất bởi có 5 ngọn tháp phản chiếu trên mặt nước. Những cây thốt nốt vẫn điểm xuyết giữa những ngọn tháp, đường đi vào len lỏi, nơi này mở ra một nơi khác, và chúng tôi chẳng dám đi xa, vì sợ lạc đường.
Rồi chúng tôi tới Angkor Thom. Angkor Thom sở hữu những đền chùa và kiến trúc nổi bật như đền mặt thần Bayon, đền Baphuon, đền Phnom Bakheng ở đỉnh đồi, Elephant Terrace, Terrace of the Leper King và 5 cánh cổng lớn dẫn vào Angkor Thom. Thời điểm chúng tôi đến, đền đang được sửa chữa nên phải vào bằng cổng phụ. Angkor Thom được Vua Jayavarman VII xây dựng sau Angkor Wat gần 100 năm.
Đền Angkor Thom
Nơi đây có tổng cộng 256 gương mặt đá trên 54 tháp nhìn khắp hướng ở đền Bayon nên vào đây nơi nào cũng có thể nhìn thấy. Những mảng đá đổ sụp được giữ lại, những chỗ vào bên trong bị giới hạn, nên tôi và hầu hết du khách đa phần chỉ nhìn ngắm bên ngoài.
Cảm giác đầy ấn tượng chính là khi tôi vào đền rễ cây (đền Ta Prohm). Ta Prohm được người Pháp phát hiện ra vào cuối thế kỷ 19 khi đền đài bị rừng rậm bủa vây. Cho đến nay, ngôi đền vẫn kỳ ảo như xưa bởi những gốc cây khổng lồ uốn lượn trên những bức tường đá đổ nát, rể cây chồm ôm khắp nơi tạo cho nơi đây một vẻ đẹp kỳ ảo hiếm thấy.
Ta Prohm có 39 tòa tháp lớn nhỏ được liên kết bởi các khu vực trưng bày. Khu bảo tồn được bao quanh bởi năm bức tường hình chữ nhật với phần tường bao bọc dài 1km, rộng 600m. Nhưng du khách chỉ đi theo con đường đã chỉ sẵn, nhằm tránh thất lạc và tránh nguy hiểm.
Tại Ta Prohm, chúng tôi để xe ở ngoài xa và đi bộ qua cổng. Những cây cổ thụ rất nhiều trên lối đi. Trở lại nơi này, tôi vẫn thấy cảm thấy thú vị đến ngỡ ngàng khi dừng chân ở những đền đài mà rễ cây khổng lồ bám lấy, giống như chúng gắn bó với nhau cả ngàn năm, vì rễ cây rất to lớn. Để chụp một tấm ảnh nơi những rễ cây này phải xếp thứ tự, vì ai cũng muốn có một tấm ảnh làm kỷ niệm.
Đền Ta Prohm
Ngoài ra, Ta Prohm còn có một ngôi đền nhỏ. Người ta đồn rằng vua Campuchia thời ấy bắt các cung nữ vào trong vỗ tay vào lồng ngực mình, nếu có tiếng vang lại là trung thực, còn không là giả dối. Nhiều người cũng đứng ở bức tường vỗ ngực để nghe tiếng vọng của âm thanh. Và tôi cũng vậy.
Trở lại Angkor Wat, tôi vẫn được sống lại cái cảm giác lâng lâng, cảm giác được khám phá và chinh phục. Và dẫu đã tới đây nhiều lần, vẫn muốn trở lại.