Sừng sững ở độ cao 3.776 m, núi Phú Sĩ là đỉnh núi cao nhất ở Nhật Bản. Ngày nay, núi Phú Sĩ và khu vực xung quanh là một điểm đến giải trí phổ biến cho hoạt động đi bộ đường dài, cắm trại và thư giãn.
Cuối cũng, tôi cũng đã đủ cơ duyên để được tận mắt chiêm ngắm núi Phú Sĩ tuyệt đẹp trong một ngày tuyết phủ mà nắng lại rực rỡ, khiến cho ngọn núi bừng sáng trên bầu trời xanh ngắt.
Theo như anh Thành, người có hơn 15 năm làm hướng dẫn viên bản địa, thì tôi cực kỳ may mắn vì một năm chỉ có khoảng 3-5 ngày thời tiết đẹp xuất sắc như thế này để ngắm ngọn núi mà thôi. Thế nhưng, lòng tôi cũng có chút hụt hẫng vì bản thân chỉ có thể đứng từ xa mà chiêm ngắm vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ đó. Phú Sĩ những ngày này tuyết rơi dày nên rất nguy hiểm, không an toàn cho du khách tham quan.
Thật không lấy gì làm lạ khi núi Phú Sĩ luôn là biểu tượng văn hóa, tâm linh và là nguồn cảm hứng nghệ thuật của người dân Nhật Bản. Núi được hình thành do 4 đợt núi lửa phun trào, đợt đầu tiên cách đây khoảng 100.000 năm, và đợt mới nhất là vào năm 1707. Dung nham phun trào xếp tầng chồng lên đã tạo nên hình nón đối xứng đặc biệt của ngọn núi như ngày nay, miệng núi có đường kính khoảng 50 m, sâu 250 m và vào mùa đông tuyết rơi nhiều đến nỗi tạo nên một tháp nhọn trên đỉnh núi. Năm 2013, Phú Sĩ được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Trong nhiều thế kỷ, người Nhật đã tạo nên một mối liên kết tâm linh với ngọn núi này. Truyền thuyết kể rằng nhà tu khổ hạnh nổi danh Hasegawa Kokugyo (1541-1646) đã leo lên đỉnh núi hơn 100 lần. Thành tích này của ông đã dẫn đến sự hình thành Fuji-ko, một nhóm những người tôn thờ núi Phú Sĩ. Giáo phái này đã xây dựng các đền thờ, tạo ra các tượng đài đá và nhịn ăn để thể hiện sự tôn thờ của họ. Lòng trung thành đến mức cuồng tín của họ cuối cùng đã khiến Mạc phủ Tokugawa cấm tín ngưỡng này, dù vậy, truyền thống thờ phụng ngọn núi lâu đời này của Nhật Bản đã giữ cho ngọn núi vẫn được sùng bái và tôn kính như một địa điểm tâm linh quan trọng.
Mỗi năm có hơn hàng trăm nghìn người dân Nhật Bản leo núi Phú Sĩ. Hầu hết những người leo núi muốn ngắm mặt trời mọc nên họ sẽ leo trong khoảng thời gian nửa đêm về sáng để kịp ngắm mặt trời nhô lên khỏi đường chân trời từ đỉnh núi. Xưa kia, núi Phú Sĩ là một nơi khổ luyện cho các nhà sư và ngay cả các tầng lớp thấp hơn cũng đã hành hương đến đây. Vô số đền thờ dưới chân núi là một minh chứng cho ý nghĩa lịch sử và tâm linh của núi Phú Sĩ.
8 giờ sáng, tôi cùng đoàn từ Tokyo di chuyển đến làng cổ Oshino Hakkai ở tỉnh Kanagawa, mất khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Tọa lạc bên dưới chân núi Phú Sĩ, làng cổ Oshino Hakkai sở hữu nét kiến trúc đậm chất Nhật Bản xa xưa với khung cảnh thanh bình tuyệt đẹp.
Làng cổ Oshino Hakkai nổi tiếng với cảnh quan yên ả, giản dị mang đến cảm giác rất thanh bình. Đến đây du khách sẽ thấy ngay nhiều ao hồ cùng các mảng xanh cực kỳ mát mẻ, xa xa là các ngôi nhà được lợp bằng các loại cỏ cực kỳ đặc biệt. Vào mùa đông, du khách sẽ còn chứng kiến khung cảnh đẹp như trong tranh với các mái nhà phủ tuyết trắng cực kỳ ấn tượng.
Tôi di chuyển ra cây cầu trong làng, chỗ mà các cánh nhiếp ảnh gia từng chụp bức ảnh hai hàng hoa anh đào tuyệt đẹp với ngọn núi làm nền phía xa. Mùa hoa anh đào nở thì chỗ này "đẹp xỉu".
Tiếp theo, đoàn chúng tôi di chuyển về hồ Kawaguchi để chụp toàn cảnh ngọn núi. Là trung tâm của khu vực Fujigoko (Phú Sĩ Ngũ Hồ), hồ Kawaguchi nằm ở chân núi Phú Sĩ.
Diện tích mặt hồ rộng lớn, phong cảnh hữu tình giúp nơi đây trở thành một trong những địa điểm vô cùng thu hút khách du lịch. Mỗi mùa khác nhau, hồ Kawaguchi lại khoác lên những chiếc áo đẹp đến mê đắm lòng nguời.
Xung quanh hồ Kawaguchi là vô số khách sạn, nhà hàng, quán ăn, địa điểm giải trí,... nên vì thế cả đoàn chúng tôi quyết định dừng chân ăn trưa ở đây.
Sau đó, tôi còn có dịp tham quan ngã tư đường Chuo Dori & 139. Con phố chạy dài và ngọn núi làm nền ngay giữa đường, tiếc là mây nhiều quá không thấy đỉnh núi. Cuối ngày, chúng tôi tạm biệt núi Phú Sĩ để di chuyển về lại Tokyo, tiếp tục chuẩn bị cho hành trình tham quan những ngày kế tiếp...