Ngày 4/5/1945, đoàn khởi hành từ lán Khuổi Nặm, dọc bờ suối Lê-nin qua các bản làng thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng ngày nay.
Lán Khuổi Nặm nằm ngay cửa rừng, bên dòng suối nhỏ, dưới gốc cây um tùm. Căn lán nhỏ làm theo kiểu nhà sàn của người Tày, rộng khoảng 12m2, mái lợp tranh. Lán cách hang Pác Bó khoảng 1 cây số, nơi đây đặt hòm thư liên lạc bí mật giúp thông tin được thông suốt.
Tại Khuổi Nặm, Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/8/1941. Đây cũng là nơi diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì.
Ngày nay, đường mòn lên lán được lát đá, san phẳng, mở rộng để xe cộ đi lại được. Lán không được khai thác du lịch, mà giữ nguyên vẹn vẻ giản dị của nó, khu đất Bác từng vun xới chăm bón để trồng rau, bãi cỏ bằng phẳng Bác tập thể dục, vẫn còn hiện diện đến nay.
Vùng núi Lam Sơn nay thuộc huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, là nơi hội tụ của những người cộng sản trung kiên nhất. Bác Hồ cùng các đồng chí đến đây làm việc từ ngày 6 đến 8/5. Tại hang Ngườm Bốc, Bác đã dự họp với lãnh đạo Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa lịch sử Tháng 8 năm 1945.
Hiện nay, Hang Ngườm Bốc hay Hang Khô, nằm ở sườn tây dãy núi Lam Sơn, được đưa vào khai thác du lịch với các tour về nguồn, giúp du khách hiểu hơn về lịch sử của đất nước, về những ngày tháng hào hùng trước khi cách mạng thành công.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn tìm thấy ở Ngườm Bốc rất nhiều bằng chứng về nơi cư trú của người tiền sử sơ kỳ đá mới, tương đương với Văn hóa Hòa Bình sớm, cách ngày nay khoảng 10.000 năm.
Sáng ngày 9/5/1945, Bác Hồ cùng đoàn đi đến Tân Trào (Tuyên Quang). Trên chặng đường dài, đoàn đều quan tâm bố trí nơi dừng chân để nghỉ ngơi kết hợp thăm dân nhưng vẫn giữ được bí mật.
Ngày 21/5/1945, Bác đến Hồng Thái, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), Người nghỉ chân ở Đình Hồng Thái. Sau đó, vượt sông Đáy đi Tân Trào, khoảng 16 giờ cùng ngày Bác cùng đoàn đến Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Đây là nơi Bác Hồ cùng các cơ quan Trung ương sống và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, nay nơi này trở thành di tích quốc gia đặc biệt với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu.
Khách du lịch đến đây, đừng quên ghé các điểm tham quan nổi bật như cây đa Tân Trào - nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội, đình Hồng Thái - nơi dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pắc Bó về Tân Trào.
Và nhiều điểm di tích khác, như hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Kim Quan, thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn và các văn phòng, nơi làm việc cũ của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn, Bộ Ngoại giao, Nha Thông tin, Thông tấn xã,...
Trên hành trình tiến về Hà Nội, Bác cùng đoàn đi qua nhiều sông ngòi, rừng núi hiểm trở, trong đó có Sông Đáy. Đây là một con sông lớn chảy song song bên hữu ngạn hạ lưu sông Hồng.
Sau này khi đã giành được chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam mới, Bác có dịp trở lại đây, đi thuyền xuôi trên sông về huyện lỵ Sơn Dương để thăm lớp học của cán bộ kháng chiến. Trong buổi đi thuyền, Bác làm bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”.
Dọc theo hai bên bờ Sông Đáy ngày nay là rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có thể kể đến như Chùa Thầy ở Quốc Oai, Hà Nội; thắng cảnh Kẽm Trống độc đáo tạo ra bởi một đoạn sông và 2 bên bờ thuộc ranh giới 2 tỉnh Hà Nam và Ninh Bình; hay Cồn Nổi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, là một trong 8 khu bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng nhất vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 22/8/1945, Bác từ Tân Trào về thủ đô Hà Nội. Người đi bộ đường đèo Khế đến Đại Từ, sau đó di chuyển bằng ôtô đến Thái Nguyên, qua Phúc Yên (Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).
Trên đường về Hà Nội, Bác vẫn mặc bộ quần áo nâu, người rất yếu, chiều qua đò Sông Hồng bến Phú Xá, tối ngủ ở Làng Gạ (xã Phú Thượng, Từ Liêm). Ngày 25/8/1945, Bác nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình. Chiều cùng ngày, ô tô đón Người vào Hà Nội theo đường Nhật Tân, Yên Phụ, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Đường.
Do có vị trí thuận lợi, lại là cơ sở cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã được Trung ương Đảng chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Tại tầng 2 của ngôi nhà này, Bác đã viết bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Nguyên chủ ngôi nhà là cụ Trịnh Phúc Lợi, sau này người con của cụ là Trịnh Văn Bô thừa kế ngôi nhà. Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô được giác ngộ cách mạng, ngôi nhà nhờ vậy trở thành cơ sở đáng tin cậy cho Bác trong những ngày tháng mùa thu năm ấy.
Hiện nay tầng 1 sử dụng làm phòng trưng bày chuyên đề. Nội dung trưng bày: chủ đề 1 là ngôi nhà 48 Hàng Ngang và gia đình Nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô; chủ đề 2 là bối cảnh lịch sử và sự cần thiết ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, chủ đề 3 ý nghĩa của bản Tuyên ngôn và hành trình bảo vệ nền độc lập. Ngôi nhà mới đây được chọn là điểm bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của Hà Nội.
Từ một khu đất nằm trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long, trải qua nhiều biến động của lịch sử, Ba Đình trở thành quảng trường lớn nhất Việt Nam. Cái tên Ba Đình được lấy theo tên của một xã tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, nhằm kỷ niệm nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1886.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ sau sự kiện lịch sử đó, nơi đây được chọn để tổ chức nhiều dịp quan trọng các, như cuộc duyệt binh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, diễu binh diễu hành quy mô lớn dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, diễu binh 70 năm Quốc khánh Việt Nam năm 2015.
Khách du lịch khi đến Hà Nội, đều chọn quảng trường để tham quan, tìm hiểu thêm về lịch sử của đất nước. Nơi đây có nhiều công trình lịch sử quan trọng, giản dị mà rất thiêng liêng, người dân Việt Nam nào cũng muốn được ghé một lần trong đời.
Nằm ngay phía sau quảng trường là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi khánh thành đến nay, đã có hơn 60 triệu lượt người vào viếng Lăng Bác, trong đó có hơn 11 triệu lượt khách quốc tế.
Ở phía nam quảng trường là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tại đây trưng bày các hiện vật, tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các trận chiến và lịch sử văn hóa của Việt Nam. Với nguồn tư liệu và hiện vật phong phú; cùng cách bố trí hấp dẫn, bảo tàng tái hiện một cách sinh động và chi tiết con người và chặng đường lịch sử của vị cha già kính yêu của dân tộc.
Phủ Chủ tịch là nơi Bác từng làm việc với cương vị Chủ tịch nước. Sau khi Bác mất, Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Người và vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước. Tuy không được vào phía trong để tham quan nhưng du khách rất thích chụp ảnh phía trước Phủ bởi kiến trúc Pháp rất cổ điển và sang trọng của tòa nhà.
Khu Nhà Sàn và ao cá là nơi Bác Hồ từng sinh hoạt và làm việc. Ngôi nhà sàn bình dị hiện vẫn đang lưu trữ các hiện vật bao gồm các đồ đạc, tư liệu bác từng sử dụng. Để thư giãn sau khi làm việc căng thẳng, Bác thường ra trước nhà đi dạo quanh ao và cho cá ăn.
Hiện nay, mỗi ngày tại quảng trường đều có lễ thượng cờ và hạ cờ vào 6 giờ sáng và 9 giờ tối. Người dân Hà Nội và du khách khi đi qua quảng trường Ba Đình vào lúc nghi lễ thượng cờ và hạ cờ diễn ra, đều đứng nghiêm trang và chào cờ với cảm xúc tự hào.