Nổi tiếng trong cộng đồng những người đi du lịch bằng xe máy, Chu Hải Yến sau những chuyến đi ngắn đã quyết định xuyên Việt một mình nhằm chinh phục dải đất hình chữ S mà quan trọng hơn đó là chinh phục bản thân.
Sinh năm 1992 tại Hà Nội, cô gái Chu Hải Yến đã dành gần hết tuổi trẻ để rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe máy. Khi được hỏi muốn được người khác gọi mình bằng từ nào nhất? Cô không ngần ngại mà trả lời ngay đó là “phượt thủ”, một từ mà theo Yến nó “thể hiện được đầy đủ phong thái, khí chất, kiểu đi bụi của những người lữ hành thích rong ruổi đó đây bằng xe máy”.
Người bạn đồng hành cùng cô gái Chu Hải Yến trong chuyến đi của tuổi trẻ.
Sau những chuyến đi ngắn ngày bằng xe máy ở các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung, cô gái người Hà Nội quyết định lên đường độc hành xuyên Việt để đánh dấu cột mốc của cuộc đời trước khi tuổi trẻ trôi qua đi ngay trước mắt. Một ngày giữa mùa hè, Yến đăng dòng chữ ngắn gọn “Tôi sẽ chạy chiếc xe máy yêu quý của mình đi Cà Mau” lên trang cá nhân.
Dòng thông báo ngắn gọn đăng lên trang cá nhân khiến nhiều người bất ngờ, càng bất ngờ hơn khi mọi người được biết đó là chuyến đi diễn ra chỉ “một mình một ngựa”. Nghe có vẻ đây là quyết định bồng bột, được phát sinh ngẫu hứng, nhưng thật ra đằng sau đó là cả một kế hoạch chi tiết.
Dù đi xa hay gần, nữ phượt thủ cho biết cần nhất vẫn là chuẩn bị đầy đủ để tránh bị động nếu rơi vào tình cảnh khó xử.
Được đặt tên là “Chuyến đi để đời”, Yến đặc biệt đầu tư cho chuyến độc hành này. Dù là đi bụi nhưng không thể bạ đâu đi đó hay đi theo kiểu hành xác bản thân, cô gái bày tỏ quan điểm đi chơi thì nhất định phải có điều kiện để chủ động hoàn toàn, không cần bận tâm hay lo lắng về chuyện thiếu tiền, hỏng xe hay vô vàn những thứ không tên khác nữa.
“Sau khoảng thời gian khá dài nhen nhóm, đấu tranh tư tưởng, mình đã bắt đầu hành trình phiêu lưu, khám phá đất nước cũng như chinh phục chính bản thân mình bằng một chuyến phượt một mình. Chuyến đi băng qua nhiều tỉnh thành, 3 hòn đảo, trong suốt 45 ngày là kỷ niệm đáng nhớ của tuổi trẻ trong mình,” Hải Yến chia sẻ.
“Tổng thiệt hại” của chuyến đi kéo dài 45 ngày là khoảng 30 triệu đồng, vị chi mỗi ngày 9X tiêu 600.000 đồng (200.000 đồng tiền ăn uống, 100.000 đồng tiền xăng xe, nơi nghỉ chân hay phòng ngủ đêm 200.000 đồng cùng các loại phí, vé khác là 100.000 đồng).
Ngoài túi tiền rủng rỉnh, điều quan trọng tiếp theo cần phải trang bị đó là tinh thần lạc quan để tự tạo cho mình động lực tiến bước và không bỏ cuộc khi gặp khó khăn. “Hãy luôn nghĩ về những điều tốt đẹp ở phía trước và lý do khiến bạn chọn con đường rong ruổi mạo hiểm này,” Yến chia sẻ cách tạo động lực.
Hành trang mang theo bên mình của cô gái Hà Nội, tuy ít nhưng đủ, không thừa cũng không thiếu. Chân máy mang theo sẽ dùng để tự chụp ảnh, không cần nhờ đến người khác.
Về hành lý, cô gái Hà Nội cho biết chỉ cần đem theo những thứ cần thiết vì quá nhiều đồ sẽ khiến mang vác nặng nề và không an toàn. Đừng quên đội nón bảo hiểm che 3/4 đầu cùng quần áo dài, kem chống nắng đầy đủ vì đi chơi cũng đừng quên phải đẹp.
Bình thường người ta chỉ mất khoảng 2.000 km cho quãng đường đi xuyên Việt Nam, nhưng Hải Yến thực hiện “Chuyến đi để đời” của mình mất đến 5.400 cây số. Câu trả lời nằm ở chỗ Yến không chạy xe để đo khoảng cách Hà Nội - Cà Mau, mà Yến rong ruổi đi chơi với chiếc xe của mình.
“Những phút nghỉ trưa bên đầm Lập An (Huế), ngoài việc ngồi thảnh thơi, tận hưởng cuộc sống, mình cũng dành thời gian cho một bức ảnh để ghi nhớ từng khoảnh khắc trên con đường chinh phục hạnh phúc của riêng mình.”
“Mình không bám theo Quốc lộ 1 quá nhiều bởi dẫu đây là con đường giao thông huyết mạch dễ đi dễ đến, nhưng nó có quá nhiều xe cộ, bụi bặm thì lắm mà cảnh đẹp thì ít. Mình men theo những con đường không quá nhiều người đi, có cảnh đẹp để vừa đi vừa ngắm, vừa tạo động lực để lái xe không buồn ngủ.
Nhiều người cho rằng con gái đi một mình vừa cực, vừa nguy hiểm, nhưng mình chỉ quan niệm đơn giản, rằng việc tự cầm lái đưa mình tới những vùng đất mới chính là niềm hạnh phúc cho cuộc sống. Đến mỗi tỉnh thành, mình gặp những người bạn đồng hành trên vài chặng đường, loanh quanh cùng nhau và nói dăm ba câu chuyện khiến chuyến đi thêm phần thú vị,” nữ phượt thủ chia sẻ.
Những kẻ cô đơn.
Trên hành trình trải khắp dải đất hình chữ S, nhiều điểm dừng chân khiến cô nàng nao lòng bởi vẻ đẹp của đất nước ta. Một trong số đó là vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. Yến cho biết trước khi đi đã từng đọc và nghe nhiều về vẻ đẹp nơi đây. Nhưng có đi qua mới biết được sự hùng vĩ của thiên nhiên đến thế nào.
Không chỉ dừng chân ở Phan Rang, con đường dẫn tới Vĩnh Hy trải dài gần 40 km, đầy nắng và gió, xen qua các núi đá và các con dốc, đèo để tới được nơi cao nhất, nhìn eo vịnh từ trên cao xuống. “Thật đẹp làm sao!” cô gái bồi hồi kể lại.
“Con đường ven biển xuyên sa mạc ở Bàu Trắng, Bình Thuận - một trong những cung đường thú vị, giống cảnh rượt đuổi trong những bộ phim của Hollywood. Suốt chuyến đi này, trong lòng mình chỉ ngập tràn sự phấn khích, lạc quan, hy vọng và cứ thế lao về phía trước, đi không biết mệt mỏi, khám phá từng cung đường tuyệt diệu của Việt Nam,” Yến chia sẻ.
Là con gái một mình phượt xuyên Việt, chắc hẳn Yến sẽ được hỏi có lo sợ không? Trả lời cho câu hỏi này, cô bạn nói: “Thú thật. Trước khi đi, ngoài sự hào hứng thì cũng xen lẫn đôi chút toan tính về những ngày sau. Nhưng khi đã ở trên những cung đường, mọi cảm xúc trong tôi chỉ còn là tò mò, phải đi, phải khám phá bởi đi đến đâu cũng là nhà.
Là con gái, hãy thử một lần tự cầm tay lái để đi đâu đó thật xa.
Trước chuyến đi 2 tháng mình cũng có tìm bạn đồng hành là nữ. Tuy nhiên, thật là khó để tìm được một bạn nữ muốn dành thời gian cho chuyến đi dài và thích kiểu chạy mỗi người mỗi xe như mình. Đa phần các bạn chỉ dành khoảng từ 12 ngày đến 15 ngày cho chuyến đi và cũng sẽ chạy theo một lịch trình rất căng.
Hơn nữa, các bạn nữ vì nhiều lý do mà thường chỉ thích làm “ôm”, ngồi sau xe thôi. Với chuyến đi dài và xa này, mình hoàn toàn không mong muốn điều đó. Nên thôi, mình quyết định độc hành.”
Độc hành trên một quãng đường dài và nhiều khó khăn, chính cô gái Hà Nội cũng phải nghĩ ngợi nhiều. Tuy nhiên, đây lại là một cơ hội thú vị để trải nghiệm chuyến đi theo cách hoàn toàn khác mà theo cô, đó chính là cảm giác “biết bản thân mình có thể làm được những gì, được đối diện với chính mình, được chủ động hoàn toàn mọi thứ và còn được một mình ở một nơi xa nữa”.
“Tuổi trẻ chúng ta chỉ có một lần. Chỉ khi còn trẻ mới có đủ sức khỏe, nhiệt huyết và đam mê để dấn thân, làm những việc điên rồ như vậy,” Chu Hải Yến chia sẻ về chuyến đi chinh phục đất nước và chinh phục bản thân mình.