Vùng đất đầy nắng gió, có núi, có biển và những cung đường trải nghiệm tuyệt đẹp hay làng nghề truyền thống như làng gốm, làng dệt... cùng nền văn hoá đậm chất người Chăm ở Ninh Thuận mang đến trải nghiệm ấn tượng cho bất kỳ ai ghé thăm nơi đây.
Vùng đất đầy nắng gió, có núi, có biển và những cung đường trải nghiệm tuyệt đẹp. Những làng nghề truyền thống như làng gốm, làng dệt... hay văn hoá đậm chất người Chăm ở Ninh Thuận mang đến trải nghiệm ấn tượng cho kỳ nghỉ ngắn ngày.
Ninh Thuận, một mảnh đất đầy nắng gió, có những cung đường ven biển làm đắm say lòng người, làm bao lữ khách thao thức nhớ mãi. Nơi đây trở thành một điểm đến quen thuộc của những người đam mê xê dịch. Vùng đất ở Nam Trung bộ này đã mang lại nhiều kỷ niệm cho cô gái Thu Hương.
Đến Ninh Thuận chụp ảnh cùng vườn nho
Không chỉ lang thang Ninh Thuận trong 3 ngày 2 đêm, cô gái sắp 30 tuổi còn dành một ngày để khám phá đảo Bình Lập (tỉnh Khánh Hòa).
Nói với Tạp chí Du lịch TP.HCM về lí do chọn mảnh đất Ninh Thuận làm điểm đến, Thu Hương, đến từ Hà Nội, cho hay: “Là một người thích khám phá, đam mê du lịch, mình cũng hay đi khá nhiều nơi. Ninh Thuận là một trong những mảnh đất còn chưa được nhiều người biết tới (chưa nổi tiếng). Mình chọn Ninh Thuận là một trong những điểm đến thú vị để khám phá trong hành trình đi khắp dải đất hình chữ S”.
Check-in bên cung đường biển Vĩnh Hy
Vĩnh Hy nhìn từ trên cao
Theo Thu Hương, đây là vùng đất đầy nắng gió, có núi, có biển và những cung đường trải nghiệm tuyệt đẹp. Những làng nghề truyền thống như làng gốm, làng dệt... hay văn hoá đậm chất người Chăm ở Ninh Thuận cũng là điểm đặc sắc.
Hương đã có hành trình “nhuộm da” trên vùng đất đầy nắng và gió cùng những cung đường biển đầy ấn tượng.
Ninh Thuận không có sân bay nên Hương cùng người bạn bay từ Hà Nội vào Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), sau đó di chuyển tới TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận).
Đến hải đăng Mũi Dinh
Khu du lịch Tanyoli
Đặt chân đến Ninh Thuận, Hương cùng người bạn khám phá nơi này trong thời gian 3 ngày. Vào ngày đầu, họ đến Phan Rang, đi về các điểm vui chơi ở phía Nam (cách trung tâm khoảng 15-20km) như khu du lịch Tanyoli, hải đăng Mũi Dinh.
“Ngoài ra, mọi người còn có thể đi trong cung đường Đồi cát Nam Cương, cánh đồng quạt gió, cánh đồng rong biển, đường ven biển Cà Ná”, Hương chia sẻ.
Những tấm ảnh đẹp bên điện gió Đầm Nại
Bước sang ngày thứ 2, vào buổi sáng, các bạn đã đi chơi các điểm ở phía Bắc (cách trung tâm khoảng 10km) và trung tâm thành phố như điện gió Đầm Nại, đồng cừu An Hoà, tháp Chàm. Mọi người có thể đi trong cung đường làng Bích họa Hòn Thiên, làng gốm Bàu Trúc. Đến chiều, Hương và người bạn quay về Vĩnh Hy, trên cung đường có thể đi bờ kè Khánh Hội, cánh đồng muối Đầm Vua. Về tới Vĩnh Hy, họ thuê cano riêng ra đảo để lặn ngắm san hô rất đẹp.
Tháp Chàm được nhiều du khách đặt chân đến
Hang Rái
Vĩnh Hy - Phía xa là hòn Rùa
Vĩnh Hy - Phía xa là hòn (mũi) cá heo
Vào ngày thứ 3, Hương ngược lại phía Nam để đi khu du lịch Hang Rái, vườn nho Thái An, check-in cung đường ven biển Vĩnh Hy, về đảo Bình Lập.
Vườn nho trĩu quả
“Vườn nho tụi mình đi có tên là Sang Tín - cách Hang Rái khoảng 200m. Sau khi đi một vòng các vườn nho quanh Thái An, mình quay lại vườn này do mình thấy đây chắc là vườn nho duy nhất có view biển và view Hang Rái”, Hương tiết lộ.
Bánh căn - bánh xèo tôm mực; Bún sứa; Bánh hỏi lòng heo thịt quay
Đến Ninh Thuận, Hương đã thưởng thức món bánh canh Nhường, bánh căn - bánh xèo, bún sứa cá, cơm gà Khánh Kỳ, bánh hỏi lòng heo... “Còn nhiều món khác mà mình chưa ăn, nhưng trong mấy món đã ăn, mình thích nhất bánh canh, bún sứa và bánh hỏi lòng heo thịt quay”, Hương cho hay.
Hương cũng đã đưa ra những lưu ý để những bạn có ý định đi du lịch ở mảnh đất này có thêm kinh nghiệm. Hương nói, thời tiết ở Ninh Thuận nắng nóng, do có gió biển nên vào bóng râm mát mẻ. Mọi người nên đi Ninh Thuận vào khoảng tháng 3 - 9 thời tiết sẽ đẹp nhất.
Đồng cừu suối Tiên
“Khi đi điện gió, trong các điện gió mình đi qua, mình cảm nhận thấy điện gió Đầm Nại là đẹp nhất. Ở vườn nho, mình đi vườn Sang Tín vì rộng và có view biển, mọi người nên mua mật nho, rong biển sấy kho và nho sấy. Ở đồi cừu An Hoà, trên đường đi sẽ thấy người ta chăn thả cừu tự nhiên, xin vào chụp được, nên đi tầm 7-8h sáng, hoặc 3-4h chiều sẽ có nhiều cừu nhất, còn cừu ở suối Tiên xinh xắn, trắng trẻo và có đồng cỏ rộng nên chụp ảnh đẹp”, Hương cho hay.
Nho và cừu - hai đặc trưng nổi bật của mảnh đất Ninh Thuận cũng đã để lại nhiều ấn tượng cho cô gái Hà thành. Nho Ninh Thuận rất ngon, hợp với vị của Hương, có chút chua nhẹ chứ không ngọt sắc hay ngọt gắt. Còn các chú cừu, 4 ngày đi Ninh Thuận ngày nào cô nàng cũng thấy cừu. Ngoài ra, Hương rất ấn tượng với vịnh Vĩnh Hy, đặc biệt là cung đường chạy tới đây. Cảnh rất hoang sơ, con người thân thiện và đồ ăn tươi ngon. Đến đây, Hương được mở mang tầm mắt.
Mỗi chuyến đi, cô gái này đều có những kỉ niệm đặc biệt với vùng đất đặt chân tới. “Với Ninh Thuận, có lẽ là con người nơi đây. Tất cả những người mình được tiếp xúc, từ anh chủ homestay, chị ở vườn nho, chú chăn cừu đến anh lái cano đưa mình ra đảo, đều mang đến cho mình ấn tượng sâu sắc về sự chất phác của những người lao động "hằn trong gió sương" thuộc miền duyên hải Nam Trung bộ. Mọi người kể những câu chuyện, tâm sự về cuộc sống với mình như những người đã quen thân từ lâu vậy...”, Hương bày tỏ.