Mắt Thần Núi còn được gọi là Phja Piót, theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa núi Thủng, còn dân thích vi vu thì gọi đây là "tuyệt tình cốc". Một điểm du lịch đẹp đến nao lòng còn ít người biết đến.

Ngay cả đường vào cũng làm mê mẩn khách du lịch, con đường dẫn vào Mắt Thần Núi mất khoảng 15 phút đi bộ, nhưng du khách sẽ được trải qua một không gian rất tuyệt vời, đó là những dãy núi hùng vĩ được bao quanh bởi những cánh đồng lúa bạt ngàn, một rải nghiệm vô cùng thú vị cho những du khách muốn chụp ảnh.

Trên con đường này, có rất nhiều hàng rào đá được sắp ngăn nắp, đây là nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi này, họ xem trọng đá, xem đó là một vật linh thiêng, và cũng gần gũi như những người bạn.

Mắt Thần Núi nằm trong khu vực Thang Hen gồm 36 hồ nước lớn nhỏ và đầy hang sụt lún, tạo nên hệ thống dòng chảy nước ngầm liên thông nhau, là một hiện tượng hiếm gặp trên thế giới. 

Trong đó hang ngầm Pác Sắp dài khoảng 1km, địa hình phức tạp cùng những hốc đá chung quanh rất lý tưởng cho các loài cá trú ẩn sinh sôi. Hằng năm, vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8, nước ở đầu nguồn đổ xuống đầy ắp cả thung lũng, hình thành một hồ rộng lớn khoảng 15ha cùng tên Nậm Trá. Đây là lúc từng đàn cá chép, cá nheo có con nặng 5-7kg nối đuôi nhau từ hang ngầm bơi lên mặt hồ kiếm ăn, thu hút người dân bản địa tấp nập chèo chống bè mảng, thuyền nan giăng câu, thả lưới đánh bắt đặc sản trời cho này. 

Qua tháng 9, mặt hồ nước bỗng ùng ục nổi bong bóng, rồi nước đồng loạt rút nhanh xuống lòng đất một cách bí ẩn chỉ trong vài ba tiếng đồng hồ. Hiện tượng mực nước khi vơi khi đầy thường xảy ra theo mùa, nhưng cũng có lúc diễn biến khá đột ngột, tạo nên một sự huyền bí khó tả.

Các nhà khoa học quốc tế khi nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ của Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, đã đặt tên núi Thủng là Mắt Thần Núi.

Mắt Thần núi thực chất là một hang thủng hình tròn đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ. Hang nằm ở độ cao như hiện nay là do vận động nâng trong giai đoạn Tân kiến tạo.
Hang phát triển trong địa hình đá vôi dạng tháp ở độ cao chung khoảng 650-700m, bao gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hàng chục hồ nước lớn nhỏ, cùng tạo nên hệ thống hồ Thang Hen.

Nét độc đáo của hệ thống hồ Thang Hen là các hồ liên thông với nhau và với các dòng chảy mặt hoặc dòng chảy ngầm. Vì thế mực nước các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột. Đến tham quan Mắt Thần núi vào mùa mưa (tháng 6-8), sau khi đi hết con đường mòn, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy hồ nước rộng khoảng 15ha có tên là Nậm Trá. Nhưng vào mùa khô (từ tháng 9 trở đi) cũng tại đây người dân địa phương lại có thể chăn thả gia súc trên đồng cỏ.

Phía bên phải, cách hồ khoảng 500-600m, đi bộ mất 10 phút là thác nước Nậm Trá trên dòng suối cùng tên, cũng là một thác nước đẹp đáng để tham quan.

Ngoài “Mắt Thần Núi” độc đáo, dọc con đường mòn chỉ khoảng 15 phút đi bộ, du khách có thể tận hưởng sự giao hòa gần gũi, bình yên đến tuyệt vời của người Tày xóm Bản Danh, với nhà sàn lợp ngói âm dương, hàng rào đá, cánh đồng lúa, ruộng ngô, đàn trâu, bò...

Kể từ lúc núi Mắt Thần được ngành du lịch Cao Bằng quảng bá và đưa vào danh sách 9 điểm du lịch trong Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, lượng khách đến đây đông hơn, phần lớn chỉ đứng phía dưới nhìn ngắm ngọn núi lạ, nhưng chưa đáng kể. Đơn giản bởi điều kiện ở đây còn thiếu thốn, người dân chưa quan tâm việc khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng, ngoài vài hộ dân làm tự phát như vận chuyển khách dạo chơi trên hồ Nậm Trá để lấy tiền công hoặc buôn bán vặt.

Mắt Thần Núi cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km, nên khách sử dụng ôtô hoặc xe máy đến đây đều thuận lợi. Nên sử dụng xe máy nếu đến đây vào mùa khô, bởi lúc ấy có thể phóng xe xuống tận thung lũng bao quanh núi Thủng.

Muốn thám hiểm hang Mắt Thần Núi, nhất thiết phải thuê người bản địa dẫn đường.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Sáu, ngày 07/05/2021 06:22 AM (GMT+7)

Hữu Nhân