Nhân lúc thực hiện bộ ảnh về công trình kiến trúc Thạch Tạ sắp khánh thành của tổ chức Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN trên đảo Hòn Câu, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) đã tranh thủ khám phá một vòng hòn đảo hoang sơ này.
Hòn Câu hay còn gọi là Cù lao Câu là một hòn đảo nhỏ, còn rất hoang sơ nằm ở Tuy Phong, Bình Thuận.
Đảo có chiều dài khoảng 1,5km, nơi hẹp nhất trên đảo khoảng 300m, toàn đảo là một bình nguyên mênh mông cây bụi, một ít phi lao và tràm. Quanh đảo là các ghềnh đá tuyệt đẹp nằm ven biển, toát lên nhiều hình thù khác nhau. Cấu tạo đá trên đảo hoàn toàn giống như đảo Hòn Đầu (từ cực đông nhìn ra).
Phía tây bắc đảo là Bãi Trước, nơi được xem là "đông dân nhất" với 1 trạm biên phòng, 1 hộ gia đình chú Tư bán tạp hóa, và 1 trạm bảo tồn rùa biển.
Từ Bãi Trước đi men về phía bên trái là đến cầu cảng. Nơi này có bãi biển rất đẹp, màu nước xanh lục ngọc đầy mê ly. Các nhóm cắm trại thường tập trung ở đây và Bãi Trước.
Đi men về bên phải đến cuối Bãi Trước là đến Tràng Dảo, đi tiếp nữa sẽ gặp Bãi San Hô. Đây được xem là nơi ngắm san hô đẹp nhất đảo, bạn chỉ cần bơi ra chừng vài chục mét là gặp thềm san hô kỳ ảo nằm sâu dưới mặt nước từ 1m đến 6,7m.
Đây cũng là nơi Quỷ (Cốc Tử) cắm lều dựng trại. Hôm ra đảo, gió nam thổi khá mạnh khiến căn lều giật tung phần phật, suýt chút bay vèo xuống biển. Thế nhưng, khi đêm xuống, từ nơi này có thể nhìn thấy bầu trời sao siêu đẹp.
Hướng tây nam đảo có Bãi Tiên, Hang Yến, Hang Ba Hòn. Xung quanh, đá chồng lên nhau tạo nên nhiều hình thù rất thú vị, nhưng chim yến thì không thấy đến làm tổ nữa.
Nơi Quỷ thích nhất lại là Bãi Nhất hay còn gọi là Bãi Rùa nằm ở phía bắc đảo, đây cũng là nơi ngắm bình minh rất tuyệt. Hầu như du khách hiếm khi đi bãi này do xa, vì vậy, nó còn hoang sơ lắm. Ngay phía sau trạm bảo tồn rùa có 1 con đường nhỏ, bạn cứ men theo đó là đến Bãi Nhất.
Bờ biển Bãi Nhất không có lớp cát mịn màng mà là bãi san hô chen lẫn với các khối đá khổng lồ, nên khi sóng đánh vào đá tung bọt trắng cao ngất, tạo nên khung cảnh rất kỳ vĩ. Chỗ này nằm trũng phía dưới rất kín đáo nên không biết năm xưa có nàng tiên nào hay trốn Ngọc Hoàng xuống tắm chăng?
Cũng tại bình nguyên phía bắc đảo vừa hoàn thành một công trình tên Thạch Tạ do IUCN, Khu bảo tồn Hòn Câu, các mạnh thường quân cùng tài trợ, kiến trúc nhìn độc đáo lạ mắt. Các nhân viên bảo tồn có thể tránh mưa tránh nắng trong thời gian công tác trên đảo.
Lưu ý khi tham quan Hòn Câu
Mỗi ngày thường có 2 chuyến tàu, khởi hành vào hai thời điểm sáng và chiều (và còn tùy thuộc con nước và gió) từ bến Hoàng Phúc, Liên Hương. Trên đảo không có cơ sở lưu trú nên các bạn có thể tự đi, tự chuẩn bị đồ cắm trại, nhưng nhớ phải xin phép biên phòng.
Nguồn nước ngọt trên đảo hoàn toàn không có nên các anh chị công tác trên đảo đều phải mua nước từ đất liền chuyển ra, chi phí khá tốn kém, tận 600.000 - 700.000 đồng/khối. Vì vậy, nếu các bạn có nhờ sử dụng nước thì nên trả tiền chứ đừng xin nhé. Ai cũng xin là tội nghiệp các anh chị ấy lắm! Mọi người có thể liên hệ chị Phi bên trạm bảo tồn Hòn Câu nha.
Có một điều hơi buồn là Quỷ thấy rác thải bắt đầu nhiều và vứt bừa bãi trên biển, nhiều nhất là Bãi Trước và gần cầu cảng, nơi có nhiều nhóm cắm trại (Quỷ biết phân biệt rõ đâu là rác do bị sóng đánh dạt vào và đâu là do du khách vứt bừa). Các bạn nên đem rác thải về lại đất liền vì trên đảo hầu như không có lực lượng phụ trách thu dọn.
Cuối cùng, theo Quỷ thấy, Hòn Câu thích hợp cho các nhóm bạn yêu thích khám phá, thích tận hưởng thiên nhiên hoang dã, cắm trại, trekking nhè nhẹ. Ai thích tiện nghi thì chắc là không hợp đâu...
Bài và ảnh: Ngô Trần Hải An
Trình bày: Nguyễn Trường