Cách thành phố Thanh Hóa chỉ khoảng 50km, vườn quốc gia Bến En là điểm đến xanh mát với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, hệ sinh thái động thực vật vô cùng đa dạng, phong phú. Chưa kể là hệ thống sông và hồ dài rộng giúp điều hòa khí hậu, tạo nên không gian trong lành, thời tiết dễ chịu.

Mặc dù vậy, cây xanh trong rừng vẫn không thoát được số phận bị chặt phá, nhiều loài cây quý hiếm hoặc đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn hệ sinh thái địa phương đã bị mất đi, nếu không khắc phục sẽ gây hậu quả to lớn về sau.
 

Đứng trước thực trạng như vậy, hoa hậu H’Hen Niê cùng nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) đã tham gia chương trình trồng rừng do Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia phát động. Sự kiện này mong muốn mọi người cùng tham gia trồng lim xanh và giổi xanh, nhằm phục hồi rừng nghèo, giúp rừng tồn tại bền vững, mãi xanh.

Anh Hải An chia sẻ: “Thoạt nhìn, rừng ở Bến En rất xanh tốt, nhưng thực tế cây rừng đã bị chặt phá từ lâu, cây mới mọc không có tác động bền vững đến sự ổn định lâu dài của đất và hệ sinh thái, cây xanh hiện tại chủ yếu là cây bụi, tre nứa, dây leo,... 

Chương trình sẽ trồng các loài cây như lim xanh và giổi xanh do đây là loài bản địa, cần được trồng phục hồi vì rừng ở Bến En vốn là rừng nguyên sinh. Các giống cây trồng cũng được chọn đúng loại để tránh bị ngoại lai xâm phạm làm thay đổi hệ sinh thái.”

Nàng hậu, chàng nhiếp ảnh và cán bộ kiểm lâm tham gia trồng rừng ở khu vực quanh cây lim ngàn năm và các đảo nhỏ trên hồ Sông Mực, tại xã Xuân Khang, huyện Như Thanh và xã Xuân Bình, huyện Như Xuân. Đây là một trong những bước chân đầu tiên với hy vọng nhiều năm tới sẽ có một quần thể lim xanh và giổi xanh tồn tại, phát triển bền vững tại Bến En.

Vườn quốc gia Bến En được thành lập năm 1992, nằm trong số 35 vườn quốc gia của Việt Nam, với chức năng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái và phục hồi các loài động thực vật. 

Bến En tọa lạc tại nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng Thanh Hoá - Nghệ Tĩnh rộng lớn với núi cao Trường Sơn Bắc. Đặc điểm địa hình đã tạo nên khu hệ động-thực vật đa dạng và phong phú. Có thể xem đây là khu vực hiện hữu cho sự đặc thù của khu hệ động vật Bắc Trường Sơn.

Vườn Quốc gia Bến En có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú với 1.417 loài thực vật, trong đó có 58 loài bị đe dọa tuyệt chủng trên thế giới (ghi danh trong Sách đỏ IUCN), 46 loài bị đe dọa cấp quốc gia (ghi danh trong Sách đỏ Việt Nam), có thể kể đến như lim xanh, lát hoa, chò chỉ, vù hương (Cinnamomum balansae),... 

Hệ động vật cũng rất phong phú với hơn 1.530 loài đã được nghiên cứu gồm 102 loài thú, 277 loài chim, 66 loài bò sát, 47 loài lưỡng cư, 97 loài cá, 728 loài côn trùng và 213 loài động vật đáy và nổi. Trong đó 56 loài động vật quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng cấp quốc gia, 433 loài bị đe dọa tuyệt chủng cấp thế giới như vượn đen má trắng, culi lớn, culi nhỏ, gấu ngựa, gà lôi,...

Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 3.000 ha rừng nghèo kiệt và đất trống, đồi núi trọc hoặc các trảng cỏ tranh, trước đây vốn là đất lâm trường khai thác gỗ. Khi Vườn quốc gia Bến En được thành lập, lâm trường này đóng cửa, để lại các khu đất nương rẫy không có rừng. Vườn đã bước đầu gây trồng cây rừng trên những vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua gần 30 năm, đây vẫn là những khu rừng nghèo kiệt, ít loài, thậm chí nhiều khu vực vẫn chỉ có thảm cỏ, cây bụi.

Thông qua chương trình, H’Hen Niê cùng Hải An lan tỏa thông điệp trồng rừng và bảo vệ rừng đến mọi người. Trồng rừng là một giải pháp hiệu quả để đẩy lùi biến đổi khí hậu. Theo thông tin từ Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, một cây gỗ lớn tại rừng Bến En có thể hấp thụ khoảng từ 22kg đến 27kg khí CO2 mỗi năm.

Hoạt động trồng rừng này nhằm hồi phục khu rừng bị nghèo kiệt bằng các loài cây bản địa quý, góp phần cải tạo đất, làm giàu rừng và tạo nguồn thức ăn cho các loài hoang dã, giúp chúng có thể sinh sống an toàn khỏe mạnh trong rừng; đồng thời, duy trì các giá trị đa dạng sinh học, làm tăng giá trị du lịch, nghỉ dưỡng của rừng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Bảy, ngày 25/03/2023 17:51 PM (GMT+7)

Ngô Trần Hải An